Thủ khoa đạt 30/30 điểm tiết lộ bí quyết học thi khối A

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Thủ khoa đạt 30/30 điểm tiết lộ bí quyết học thi khối A


Tăng Thanh Bình, thủ khoa trường ĐH Ngoại thương, người duy nhất đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi đại học năm 2010 tiết lộ bí quyết ôn luyện.

Giải đề - luyện kỹ năng phản xạ

Là một dân chuyên Toán đúng “hiệu”, nhưng Bình đã “vượt mặt” các thí sinh chuyên Hóa và Lý khi giành trọn điểm 10 hai môn này về tay mình. Nói về bí quyết, Bình chia sẻ: Đó là nhờ việc giải đề. Tôi sưu tầm rất nhiều đề từ thầy cô, bạn bè, các anh chị khóa trên hoặc tìm kiếm ở trên mạng. Làm đề giúp tôi rèn luyện được kỹ năng phản xạ nhanh trước mọi đề thi”. Không nhớ chính xác mình đã giải bao nhiều bộ đề thi nhưng “nếu đóng lại chắc cũng gần bằng một cuốn “từ điển”, thủ khoa hóm hỉnh nói.

abinh3.jpg

Tăng Thanh Bình giành 30/30 điểm thi khối A

Mỗi khi giải đề, Bình hẹn giờ làm theo thời gian quy định của đề thi. Những bài đơn giản Bình cố gắng giải một cách nhanh chóng. Có những bài hóc búa đành phải “bó tay”, Bình sẽ đánh dấu lại và nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè.

Những phương pháp, mẹo giải độc đáo hay những chỗ mình còn làm chậm Bình đều ghi vào một quyển vở mà cậu đặt tên là “vở lưu ý” để sau này xem lại. Ngoài ra, trong quá trình giải đề, Bình cũng học cách trình bày ngắn gọn, dễ hiểu nhất nhằm “tạo thiện cảm cho người chấm”.
Trong các đề thi đại học, bài toán bất đẳng thức được xem là bài “lấy điểm 10”. Đó là dạng toán chứa nhiều xảo thuật và lắt léo. Vì vậy, ngay trong quá trình giải đề, Bình đã tập cho mình cách định hướng đường đi, đưa về dạng quen thuộc, “và cũng không nên mất quá nhiều thời gian cho nó mà tập trung giải những bài toán khác”. Với toán hình học, ngoài việc cần nắm vững các định lý, tính chất, theo thủ khoa cũng cần biết tưởng tượng các hình ra trong đầu.

Ôn thi trắc nghiệm - chú ý cái “ngoài lề”

Đề thi môn trắc nghiệm thường là những điều “nhỏ nhặt” mà trong quá trình học nhiều người đã vô tình bỏ qua. Nó có thể là một ghi chú nhỏ, hay là một bài thí nghiệm, đọc thêm trong sách giáo khoa. Bởi vậy “khi ôn thi các môn trắc nhiệm cần ghi nhớ những cái “ngoài lề”.

Trong quá trình luyện môn trắc nghiệm, cần biết cách phân dạng bài tập, theo cậu “quan trọng là có bao nhiêu dạng chứ không phải có bao nhiêu bài”. Học thứ tự, xong một dạng, một chương cần phải tổng quát để tìm ra các dạng bài và cách giải chung trong đó.

Với môn Lý cần nắm chắc lý thuyết và các bài tập trong sách giáo khoa, đặc biệt là sách lớp 12. Tìm kiếm những đề thi hay, nâng cao dần để làm quen với nhiều dạng khác nhau và hiểu sâu hơn vấn đề. Học tự luận rồi mới chuyển sang làm trắc nghiệm để rèn luyện tư duy hệ thống.
Với môn Hóa vất vả hơn một chút khi phải nắm chắc kiến thức của cả 3 sách giáo khoa, trọng tâm là lớp 11 và 12. Khi ôn cần phân loại các dạng bài và tìm ra cách giải nhanh nhất, có thể là các mẹo vặt như áp dụng định luật bảo toàn, tăng giảm khối lượng, ô xi hóa khử…

Vào tháng nước rút chuẩn bị cho kỳ thi, theo kinh nghiệm của Bình, lúc này không nhất thiết phải giải đề nữa, mà cần tổng hợp kiến thức một cách có hệ thống. Học khái quát và làm bảng kiểm tra kiến thức là cách mà thủ khoa đại học đã làm.

Vừa học vừa chơi giảm bớt căng thẳng

Giống như bao thí sinh khác trong mùa thi, Bình hết sức lo lắng và đôi khi cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, "nghĩ đến mẹ và chị gái, Bình như được tiếp thêm động lực và không cho phép mình được chán nản". Song cũng không nên tạo cho mình một sức ép nặng nề, cậu khuyên các thí sinh vừa học vừa phải biết cách vui chơi, giải trí như nghe nhạc, xem phim, chơi thể thao...

Bình kể, hồi lớp 12 khi ở ký túc xá của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh), mỗi tối đám bạn ở trọ bên ngoài lại vào phòng Bình để cùng nhau học nhóm. Vừa học, vừa nói chuyện, vừa tranh luận. Những bài toán khó được mọi người đưa ra cùng bàn bạc và đóng góp ý kiến. Cách học này không chỉ giúp Bình giảm bớt căng thẳng, mà còn giúp Bình “cóp nhặt” được rất nhiều mẹo giải hay từ các bạn.

Bình nhớ nhất là lần đi chơi của cả lớp về nhà cậu bạn cách thành Vinh 60 km. Đó là sau buổi học ôn thứ 7, khi cậu bạn khoe rằng ở gần nhà mình có mấy chỗ cảnh rất đẹp. Vậy là cả lớp lũ lượt kéo nhau lên xe đi theo cậu về nhà. Cuộc đi chơi đó đã thực sự xua tan mọi mệt mỏi của Bình cũng như bạn bè trước kỳ thi đại học.

“Chỉ cần các bạn luôn nỗ lực học tập. Biết sắp xếp thời gian, vừa học vừa chơi chắc chắn việc ôn thi đại học sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả”, thủ khoa tâm sự.




Theo VTC News.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top