Thơ duyên
Xuân Diệu.
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên.
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn.
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững thững chẳng theo gần,
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân,
Chim nghe trời rộng dang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
~~~
Xuân Diệu có lần thốt lên Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?. Thế nhưng "ông hoàng thơ tình" ấy vẫn nỗ lực cắt nghĩa nó. Và Thơ duyên, từ trong chiều sâu hình tượng và cấu tứ, toát lên cảm hứng cắt nghĩa tình yêu theo quan niệm của Xuân Diệu.
Cảm hứng cắt nghĩa tình yêu được biểu hiện ngay ở từ duyên trong nhan đề và câu thơ mở đầu. Từ duyên ở đây không giới hạn trong ý nghĩa quan hệ tương giao, hòa hợp của tình yêu đôi lứa mà đồng nghĩa với sự giao duyên kỳ diệu của vạn vật, của thiên nhiên với con người và của lòng người với nhau. Mối tương giao hòa điệu ấy cũng là cấu tứ của hình tượng thơ, của văn bản bài thơ.
Bức tranh chiều thu trong khổ thơ đầu được thi nhân cảm nhận không ở từng chi tiết, hình ảnh riêng rẽ, cụ thể mà trong sự tương giao, hòa điệu, sóng đôi nhịp nhàng, khiến cho những đường biên giữa thực và mộng bị xóa nhòe. Vì thế, chiều đã trở thành chiều mộng và nhánh là nhánh duyên, chim không lẻ loi, đơn chiếc mà có cặp, có đôi ríu rít chuyền cành, và cả sắc trời xanh cùng chen giao, hòa điệu với sắc xanh muôn lá, tạo nên một hòa sắc xanh trong sáng, ăm ắp, tràn đầy. Hình ảnh thơ Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá chỉ có thể được thụ cảm qua cái nhìn sự sống đầy tràn với cảm xúc chếnh choáng ngây ngất của một hồn thơ sôi nổi mãnh liệt hướng về sự sống, tuổi trẻ và tình yêu. Tiếng huyền cũng vậy, ấy không chỉ là thanh âm dìu dặt, ngân nga của tiếng chim ríu rít, của cây lá trở mình, của sắc màu hòa điệu mà còn là âm vang của giai điệu lâng lâng niềm cảm xúc xao xuyến trong tâm hồn thi sĩ trẻ khát khao giao cảm, yêu đời, yêu sống.
Tiêu biểu cho sự bày tỏ tình yêu - sự sống bằng cảm quan hết sức tinh nhạy và vi tế của hồn thơ Xuân Diệu là hai câu thơ: Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/Lả lả cành hoang nắng trở chiều... Cảnh thơ chỉ gợi tả vài đường nét mềm mại, thanh nhẹ, yên tĩnh nhưng qua cái nhìn thụ cảm thấm đẫm tình người, sự vật hiện lên như có cái gì xôn xao từ trong lòng, như có tình, có duyên, cảm thông, tình tứ với nhau, khiến tâm hồn nhạy cảm của thi nhân xao xuyến, vấn vương bao tình ý, rung động thương yêu trong trẻo, nhẹ nhàng, thầm lặng của buổi đầu đời : Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn/Lần đầu rung động nỗi thương yêu. Và hai con người cùng nhịp nhàng, sóng đôi như một cặp vần giữa bài thơ dịu của đất trời vào thu kia, tuy vẻ bề ngoài vẫn còn một khoảng cách, tưởng như chưa có tình ý gì (vô tâm, điềm nhiên, chẳng theo gần) nhưng sự thực, giữa anh và em đã nảy sinh một mối tương giao thầm kín, một sự giao hòa, gắn kết mơ hồ mà có thật. Trong vũ trụ tương giao, hòa điệu theo quy luật tìm đôi, những tâm hồn đơn chiếc cũng khát khao có đôi, có cặp, và tự nhiên tìm đến với nhau, dù chỉ trong ước ao thầm kín, để sẻ chia, đồng điệu mà chẳng cần đến băng nhân mai mối : Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy/Lòng anh thôi đã cưới lòng em. Ấy là duyên trời tác hợp cho đôi lứa tương ngộ, tương phùng, là duyên tình chớm nở đầu đời giữa anh và em.
Tình yêu ấy tưởng như không duyên cớ nhưng sự thực đó là sản phẩm diệu kỳ của cơ trời tác hợp theo lẽ tương giao, hòa hợp tự nhiên mà nhiều khi, tự lúc nào không hay biết, nó chiếm hồn ta, khiến ta không cưỡng nổi. Đó phải chăng là cảm hứng cắt nghĩa tình yêu tiềm ẩn trong chiều sâu hình tượng và cấu tứ của bài Thơ duyên, cho dù có lần Xuân Diệu nói: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Với Xuân Diệu, tình yêu cũng đồng nghĩa với sự sống, sức sống và cũng là cách thế sống để con người - kiếp nhân sinh hữu hạn - có thể thắng được thời gian trôi chảy vô tình. Triết lý tình yêu - sự sống ấy đã bắt rễ sâu trong hồn thơ yêu đời, yêu sống, luôn khát khao giao cảm với thiên nhiên, với con người và được định hình sớm trong tư tưởng của Xuân Diệu - một cái Tôi trữ tình luôn có ý thức về bản ngã, luôn ý thức rất rõ về thời gian trôi chảy mà đời người hữu hạn trong vũ trụ vô tận, hằng thường. Và Thơ duyên là một bài thơ tiêu biểu cho sự bày tỏ triết lý tình yêu - sự sống ấy của Xuân Diệu.
Kiều Mai