• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Khởi Nghiệp

Moderator
Thành viên BQT
Xu
0
Đã có một thời gian, hệ thống bán lẻ Thế giới Di động từng “kích cầu” hành vi mua sắm trực tuyến bằng cách chào bán sản phẩm trên trang web thấp hơn so với bán tại cửa hàng. Điều này đã nhanh chóng thu hút số lượng khách hàng đến cửa hàng xem sản phẩm, sau đó về nhà truy cập trang web thegioididong.com để mua hàng với giá bán rẻ hơn!

Tuy nhiên, sau đó Thế giới Di động lại thay đổi chính sách bán hàng, đưa giá bán trên thegioididong.com bằng với giá bán trực tiếp ở cửa hàng. Nhưng Thế giới Di động tiến hành đầu tư mạnh vào hệ thống bán hàng trực tuyến với phiên bản riêng dành cho những người sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

4.png


Trực tuyến lấn sân ngoại tuyến?

Cũng có một số trường hợp các doanh nghiệp đang kinh doanh mạnh về trực tuyến nhưng lại chuyển sang mở thêm cửa hàng kinh doanh trực tiếp. Đây cũng là cách làm thường gặp của những trang web bán hàng trực tuyến theo hình thức B2C (Business-to-Consumer, mô hình bán lẻ cho người tiêu dùng cuối).

Như Lazada cũng bắt đầu mở các cửa hàng bán hàng trực tiếp từ đầu năm nay tại Đà Nẵng nhằm khẳng định niềm tin của khách hàng vào hệ thống bán lẻ trực tuyến này. Lazada xác định các cửa hàng này sẽ trở thành trung tâm giới thiệu sản phẩm, nhịp cầu kết nối nhu cầu mua hàng trực tuyến với trang web lazada.vn.

Trước đó vài năm, trang web bán hàng theo nhóm Muachung.vn đã mở các cửa hàng với đầy đủ các mặt hàng đang bày bán trên trang web này. Tại đây, khách hàng có thể mua hàng hóa trực tiếp hoặc mua các deal (phiếu mua hàng theo nhóm) ngay tại cửa hàng; sau đó một số trang web bán hàng theo nhóm cũng tiếp bước mở cửa hàng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc phụ trách khối thương mại điện tử của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp), đơn vị quản lý Muachung.vn, cho biết sau khi mở điểm bán hàng trực tiếp Muachung.vn đầu tiên, số lượng khách hàng đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi. Hiện nay, các cửa hàng Muachung.vn vẫn tiếp tục được mở ở các tỉnh thành lớn.

Trong khi đó, Công ty Peacesoft (sở hữu chodientu.vn) lại tính đến việc hoàn thiện “hệ sinh thái” của hệ thống bán lẻ trực tuyến. Cho đến nay, Peacesoft đã có trong tay chợ bán lẻ trực tuyến chodientu.vn/ebay.vn; công cụ thanh toán trực tuyến Ngân lượng; gần đây nhất là shipchung.vn – cổng giao nhận cho thương mại điện tử…

Peacesoft hy vọng việc sở hữu một hệ thống bán hàng qua mạng – thanh toán trực tuyến – giao nhận hàng hóa sẽ giúp công ty chiếm ưu thế so với các đối thủ khác, bởi hai bài toán khó đối với doanh nghiệp thương mại điện tử là tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến và giao nhận hàng hóa.

Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế

Cuộc đua đang “nóng”?

Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2013, tổng doanh thu trong năm 2013 từ 116 sàn giao dịch thương mại điện tử là khoảng 323 tỉ đồng. Đứng đầu doanh thu trong số các doanh nghiệp có gửi số liệu về Cục Thương mại điện tử – Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương là Chợ điện tử (29%); Lazada (22%); Vật giá (15%)… Còn tổng doanh thu 38 trang web khuyến mãi trực tuyến (bán hàng theo nhóm) đạt 774 tỉ đồng, trong đó Hotdeal dẫn đầu với 54% thị trường; tiếp sau đó là Muachung.vn (26%) và Nhommua.vn (3%)…

Các tập đoàn nước ngoài đang “tăng tốc” trong cuộc đua tăng thị phần bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam. Bên cạnh tập đoàn Rocket Internet của Đức huy động vốn lên đến 250 triệu đô la Mỹ trong năm 2013 cho Lazada; Rakuten, tập đoàn bán lẻ trực tuyến của Nhật Bản cũng đang thăm dò khả năng hợp tác với một doanh nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam.

Trước đó, ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT (sở hữu giải pháp thương mại điện tử Bizweb), đã dự báo rằng quy mô của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong những năm 2014-2015 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2013. Sẽ xuất hiện xu hướng mới là mua sắm trực tuyến thông qua các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng…).

Ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada, nhận xét thương mại di động với hình thức mua sắm trên mạng bằng điện thoại thông minh sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Nhóm khách hàng trẻ tuổi ở Việt Nam sẽ trở thành đối tượng thích hợp cho phong cách mua sắm này.

Theo thống kê mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Flurry Analytics, mức tăng trưởng số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam đang đứng thứ hai trên thế giới. Đây là một điều kiện tốt để các doanh nghiệp thương mại điện tử mở thêm kênh bán lẻ trực tuyến thông qua các ứng dụng di động iOS hoặc Android.

Các công ty sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn của Việt Nam như FPT Shop, Nguyễn Kim, Thế giới Di động… cũng bắt đầu tăng cường mảng bán hàng trực tuyến từ đầu năm 2013, như thay đổi giao diện trang web bán hàng, bổ sung các tính năng tiện ích khi mua sản phẩm qua mạng…

Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT Retail, cho biết bên cạnh việc mở hàng loạt cửa hàng ở nhiều tỉnh thành, chúng tôi cũng chú trọng đến mảng bán lẻ trực tuyến của hệ thống FPT Shop. Trong sáu tháng đầu năm 2014, kênh bán hàng trực tuyến của FPT Shop tăng trưởng 600%.

Một số công ty cũng bắt đầu chuyển từ hình thức kinh doanh B2C sang mở C2C (mở cửa hàng bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử) như Lazada, Zalora Việt Nam… Hoặc mở rộng cơ cấu mặt hàng kinh doanh như Tiki.vn, trước đây chủ yếu kinh doanh sách, văn hóa phẩm trực tuyến; nay Tiki.vn hướng đến đa dạng ngành hàng, bổ sung thêm các mặt hàng kỹ thuật số, điện gia dụng, thời trang…

Trở ngại thanh toán

Hiện nay việc lướt web, nhấp chuột để mua hàng trực tuyến khá đơn giản. Tuy nhiên, khâu thanh toán vẫn tồn tại một số rắc rối về thủ tục, thời gian thanh toán khi người mua trả tiền bằng thẻ ghi nợ nội địa, thanh toán qua ví điện tử…

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Banknetvn, cho biết việc thanh toán bằng thẻ nội địa vẫn còn trục trặc so với thẻ tín dụng quốc tế. Điều này cũng gây trở ngại cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại TPHCM, lại nhận xét thanh toán trực tuyến đối với thương mại điện tử nếu xét về công nghệ không có gì khó khăn; nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích hợp công cụ thanh toán trên trang web bán hàng trực tuyến của họ. Khó khăn lớn nhất là thói quen mua sắm của người tiêu dùng, họ vẫn muốn cầm, nắm sản phẩm trước khi quyết định trả tiền.


Trả tiền mặt khi giao hàng được ưa thích và sử dụng nhiều nhất cho mua hàng trực tuyến

Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải chọn cách thức giao hàng trước – trả tiền sau.
Theo một số doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô nhỏ và vừa, về lâu dài thương mại điện tử Việt Nam sẽ cần đến sự hỗ trợ của các công ty làm hậu cần, dịch vụ sau bán hàng. Do loại hình kinh doanh trực tuyến, người mua không tiếp xúc với người bán nên sẽ gặp trở ngại không ít khi bán các mặt hàng như ti vi, điện thoại di động, máy tính xách tay… là những sản phẩm liên quan đến bảo trì, bảo hành.

Đón đầu nhu cầu này, dự kiến trong năm 2015, Công ty Giaohangnhanh sẽ tổ chức một loạt điểm giao dịch ở nhiều tỉnh thành. Các điểm giao dịch của Giaohangnhanh sẽ trở thành nơi cung cấp các dịch vụ sau bán hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Sau khi mua hàng trực tuyến, nếu hàng hóa gặp trục trặc hoặc liên quan đến bảo hành… khách hàng có thể tìm đến các điểm giao dịch đại diện của Giaohangnhanh.

“Miếng bánh” thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng lớn hơn trước, mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào mảng bán lẻ trực tuyến cũng đang tăng lên. Do đó, cuộc chạy đua dài hơi giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử nội – ngoại như Chodientu.vn, Sendo.vn, Lazada, Zalora… cũng đang trở nên quyết liệt hơn.


Theo TBKT SG
-------
Diễn đàn Những người trẻ lập nghiệp
www.vnkienthuc.com www.vnkienthuc.com www.baoboi.vn www.muatet.vn
 

Khởi Nghiệp

Moderator
Thành viên BQT
Xu
0
90 triệu dân Việt Nam hiện đã có 40 triệu người sử dụng Internet. “Rõ ràng một thị trường 40 triệu khách hàng là cực kỳ khổng lồ. Để tiếp cận 40 triệu người đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng thương mại điện tử. Nếu các doanh nghiệp bỏ qua thị trường có tới 40 triệu khách hàng tiềm năng thì đó là một sự lãng phí rất lớn. Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển”, ông Tuyến nói.


Hiện 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM; 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Trong vòng 3 - 5 năm tới, nếu như thị trường TMĐT tại những tỉnh, thành lân cận phát triển đạt được mức độ gần tương đương với Hà Nội và TP.HCM hiện nay thì chắc chắn quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể tăng từ 3 - 5 lần. Điều đó có nghĩa doanh số từ TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần.


Ở góc độ của Hiệp hội, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VECOM cho hay, trên cơ sở xem xét tất cả các yếu tố như nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, môi trường pháp lý, quy mô giao dịch trực tuyến… đều đã đến một ngưỡng nhất định, Hiệp hội thống nhất đưa ra nhận định từ năm 2016 TMĐT Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định, khép lại giai đoạn 2 của quá trình phát triển TMĐT Việt Nam, kéo dài từ năm 2006 - 2015, còn gọi là giai đoạn phổ cập TMĐT.

Lý giải rõ hơn, ông Hưng cho biết, ở giai đoạn mới, khởi đầu từ năm 2016 đến năm 2020 và thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025, TMĐT Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ phát triển thị trường khoảng trên 30%/năm.

Theo chia sẻ của ông Hưng, cuối năm 2015, hãng nghiên cứu thị trường Ken Research đã đưa ra dự đoán quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, xem xét TMĐT một cách toàn diện, gồm giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng B2C, giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B, giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp G2B và các loại hình khác, nhất là sự phát triển của công nghệ đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho loại hình giao dịch giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng C2C, trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử 5 năm từ 2016 - 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và VECOM đề xuất con số lạc quan hơn, đó là đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, đại diện VECOM cho rằng, nhà nước đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của TMĐT. Không chỉ có chức năng tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển TMĐT mà nhà nước cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm Chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và bán (cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí) hàng đầu.

Từ các kết quả khảo sát gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước và Chỉ số TMĐT năm 2015, đại diện VECOM nhấn mạnh, tới đây nhà nước cần ban hành kịp thời các chính sách phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng, thu thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, bao gồm cá nhân kinh doanh thường xuyên và các giao dịch mua bán trực tuyến xuyên biên giới. “Số lượng và quy mô giao dịch trực tuyến tăng lên cũng như nhiều hình thức kinh doanh trực tuyến mới xuất hiện sẽ dẫn tới số lượng và sự phức tạp của các tranh chấp trong TMĐT tăng theo. Các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài và tòa án ở Trung ương cũng như các địa phương cần nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật và xét xử”, đại diện VECOM cho hay.

Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của nhà nước, đại diện VECOM và lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến như Sendo, Lingo, Công ty CP công nghệ DKT (bizweb.vn) đều cho rằng để gia tăng quy mô thị trường TMĐT Việt Nam thì cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp TMĐT và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để phát triển TMĐT ở các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM, tiến tới thu hẹp dần khoảng cách số nói chung và sự sẵn sàng cho TMĐT nói riêng giữa các địa phương.

Theo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 mới được VECOM công bố, Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn là “hai gã khổng lồ” trên thị trường TMĐT Việt Nam. Năm 2015 TP.HCM đứng thứ nhất với chỉ số tổng hợp là 73,3 điểm, đứng thứ hai là Hà Nội, cách khá xa so với 3 địa phương khác là Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng cũng nằm trong Top 5 địa phương dẫn đầu về mức độ sẵn sàng về TMĐT. Như vậy, hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - Hà Nội và TP.HCM đã liên tiếp đứng thứ nhất và thứ hai về chỉ số TMĐT trong suốt năm qua và khác biệt rất lớn với các địa phương còn lại.

Trong kế hoạch phát triển năm 2016, cả Lingo, Sendo và Bizweb.vn đều cho biết sẽ chú trọng mở rộng thị trường tới các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM.

Với sàn TMĐT Sendo.vn, Phó Tổng Giám đốc Sendo Nguyễn Phương Hoàng cho biết, giao dịch của Sendo.vn tại các địa bàn ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 57% tổng giao dịch của sàn này trong năm 2015, tăng khoảng 2% so với năm 2014. Con số này cho thấy nhu cầu mua sắm ở các tỉnh là rất lớn và luôn tăng qua mỗi năm. Giá trị trung bình của đơn hàng ở các tỉnh phía Bắc - những tỉnh xa nơi Sendo cung cấp dịch vụ đã tăng dần qua các năm.

Tuy nhiên, đại diện Sendo.vn cũng cho hay, trên sàn Sendo.vn, hiện số lượng người bán tại các tỉnh chỉ chiếm 2 - 3%. Và một hạn chế nữa là người mua hàng ở các tỉnh xa đang phải chịu một chất lượng dịch vụ không tốt bằng người ở thành phố vì họ phải trả phí vận chuyển cao hơn, phải chờ thời gian vận chuyển lâu hơn. “Chiến lược sắp tới của Sendo.vn là tập trung để hỗ trợ các đơn vị, người bán ở các tỉnh nhằm tăng chất lượng dịch vụ tại các tỉnh. Khi người bán tại các tỉnh tăng lên thì thời gian vận chuyển nhanh hơn, chi phí cũng sẽ rẻ hơn”, ông Hoàng chia sẻ.

Còn theo ông Trần Trọng Tuyến, năm 2016 Công ty CP công nghệ DKT đã có kế hoạch chi tiết về việc góp phần thúc đẩy phát triển TMĐT tại các tỉnh ngoài Hà Nội và TP.HCM. “Năm nay chúng tôi dành ngân sách 2 tỷ đồng để thực hiện những hoạt động rất thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ tại địa phương có thể phát triển TMĐT. Cụ thể, chúng tôi dự kiến hỗ trợ trực tiếp mỗi tỉnh khoảng 100 doanh nghiệp tiến hành ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả nhất dựa trên nền tảng chúng tôi đang cung cấp là bizweb.vn”, ông Tuyến tiết lộ.

Sưu tầm, tổng hợp
--------
Diễn đàn những người khởi nghiệp Việt
www.vnkienthuc.com www.baoboi.vn
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top