Thị hiếu nghệ thuật của V. I. Lênin

Hide Nguyễn

Du mục số
Như những bậc vĩ nhân khác xưa nay, Lênin vô cùng vĩ đại mà cũng rất bình dị. Nét vĩ đại của Người khiến chúng ta khâm phục, còn vẻ bình dị ở Người gần gũi với chúng ta. Xét chung về cuộc đời và con người của Lênin là vậy, mà xét riêng về từng mặt như thị hiếu văn chương của Người cũng không khác.

Mọi người đều biết rằng, đối với cuộc sống và sự nghiệp của Lênin, văn học nghệ thuật luôn là một lĩnh vực giàu ý nghĩa. Vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã đến với văn chương, nghệ thuật bằng một tình yêu lớn. Tình yêu đó gắn liền với sự am hiểu sâu sắc về sứ mệnh nặng nề và vẻ vang của của văn nghệ, về đặc thù của văn nghệ trong các hoạt động sáng tạo của con người. Thị hiếu văn chương của Lênin nhất quán xây dựng trên tình yêu ấy, trên sự hiểu biết ấy.

Nói đến thị hiếu nghệ thuật thực ra là nói đến sự ưa thích hoàn toàn tự giác, tự nguyện. Hay thì ta khen, dở thì ta chê. Không ai có thể cấm người đọc ưa thích tác phẩm này hoặc ghẻ lạnh tác phẩm kia. Là một độc giả bình thường như bao độc giả khác, có những tác phẩm, những tác giả Lênin ưa thích, lại cũng có những tác phẩm, những tác giả ngược lại không chiếm được cảm tình của Người. Cố nhiên có nguyên do của nó. Chính Lênin luôn ý thức được những nguyên do đó, và người khác cũng dễ dàng cảm thông cùng Người. Nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ Lênin có ý định bó buộc người khác theo sở thích của mình. Như nhiều người đều biết, sinh thời Lênin không phải là người hoàn toàn hâm mộ tài thơ của Maiacốpxki. Theo ký ức của Cơrúpxkaia, một lần Lênin được mời đến dự buổi hòa nhạc, chiêu đãi Hồng quân tổ chức ở điện Kremli, Lênin được bố trí ngồi ở hàng ghế trên cùng. Một nghệ sĩ ngâm thơ của Maiacốpxki :

Chúa của chúng ta là một cuộc chạy đua,

Tim của chúng ta là một chiếc trống.

Người nghệ sỹ ấy vừa ngâm vừa tiến thẳng đến trước mặt Lênin. Sự việc bất ngờ ấy khiến Lênin ngạc nhiên và ngượng ngùng. Nhưng khi một diễn viên khác đọc tác phẩm của Tsêkhốp, thì Lênin liền thở phào khoan khoái. Chả là Tsêkhốp thuộc trong số các nhà văn được Lênin ưa thích. Hầu như bao giờ cũng vậy, tài năng của nhà văn Nga nổi tiếng ấy cũng được Lênin tiếp nhận một cách hào hứng và say mê. Chúng ta còn nhớ Người đã xúc động như thế nào khi đọc truyện ngắn “Phòng số sáu” và khi xem vở kịch “Cậu Vania” của Tsêkhốp. Còn với Maiacốpxki thì lại khác. Chính Lênin vào năm 1922 đã thừa nhận : “Hôm qua, tình cờ tôi đọc trên báo “Tin tức” một bài thơ của Maiacốpxki về một đề tài chính trị. Tôi không ở trong số những người tán thưởng tài thơ của đồng chí ấy, tuy tôi hoàn toàn thừa nhận rằng tôi không am hiểu lãnh vực này” (1). Khi Lênin viết rằng Người “không am hiểu” văn học nghệ thuật trong việc xét đoán tài năng của Maiacốpxki, thì đó cố nhiên chỉ là một cách nói. Cách nói này giúp cho chúng ta, những người vốn ngưỡng mộ trí tuệ sáng suốt của Lênin, tự do hơn trong cảm thụ thơ của Maiacốpxki, một phong cách thơ độc đáo mà vào thời bấy giờ không phải dễ dàng đến với tất cả mọi người. Như vậy, có thể coi nhận xét của A.Lunasácxki sau đây là hoàn toàn xác đáng : “Vlađimia Ilích không bao giờ nêu những mối thiện cảm và ác cảm của mình về mặt thẩm mỹ lên thành nguyên tắc cả” (2).

Câu nói trên là đúng, song cần tránh hiểu nó một cách đơn giản và máy móc. Lênin không muốn nâng thị hiếu văn chương của mình lên thành những nguyên tắc chi phối người khác, điều này tuyệt đối không có nghĩa là thị hiếu văn chương của Người hoàn toàn không có nguyên tắc, không có cơ sở. Vậy nguyên tắc và cơ sở đó là gì ?

Nếu như trong xã hội phân chia thành giai cấp không có con người siêu giai cấp thì càng không có văn vhương siêu giai cấp. Tính giai cấp trong văn chương cần được hiểu cả trong khâu sáng tác lẫn trong khâu thưởng thưởng. Lênin - với tư cách là một độc giả bình thường luôn công khai bộc lộ thiên hướng giai cấp trong cảm thụ văn chương của mình. Vào năm 1897, Người đã giả định : Nếu học thuyết nào chủ trương rằng người hoạt động xã hội không nên tỏ thiện cảm với giai cấp này hay giai cấp nọ, rằng họ không có quyền như vậy thì “thật là buồn cười”. Rồi Lênin khẳng định : “Không có một người nào đang sống mà lại có thể không đứng về phía giai cấp này hay giai cấp nọ... mà lại có thể không vui mừng vì thắng lợi của giai cấp ấy, đau buồn vì những thất bại của nó, tức giận đối với kẻ thù của nó” (3). Vì vậy, có lợi hay có hại cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, việc giải đáp vấn đề này luôn quyết định tới sự thừa nhận hay phủ nhận, sự ham thích hay chán ghét, sự ca ngợi hay phê phán của Lênin đối với tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta biết Lênin đã đánh giá cao tác phẩm “Người mẹ” của M.Gorơki như thế nào ! Người cho rằng đây là quyển sách “rất có ích”, “rất kịp thời”, có ích đối với phong trào cách mạng và kịp thời với tình hình cách mạng lúc bấy giờ. Là một nhà văn cách mạng, M. Gorơki rất hài lòng với lời khen đó của Lênin là vì vậy. Cũng trong thời gian này, Lênin rất thích đọc tác phẩm “Ngựa con phi nước đại” của Bátxốp Verơkhôiandơ, quyển sách bị Sở kiểm duyệt Nga hoàng cấm vì khuynh hướng chính trị rõ rệt của nó. Người ưa tác phẩm trên bởi một lý do giản dị mà dứt khoát : Quyển sách với sự chế diễu rất cay độc chế độ Nga hoàng, “rất có ích cho nông dân”.

Nếu Lênin ưa thích và đề cao những tác phẩm văn chương ít nhiều có lợi cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân vì một xã hội tương lai công bằng tốt đẹp, thì ngược lại, Người hay mỉa mai những ảo tưởng ngây thơ của các nhà văn tiểu tư sản, và đặc biệt thù ghét những tác phẩm gieo rắc tư tưởng hoài nghi chống đối của những cây bút tư sản phản động. Một lần, vào năm 1922, Lênin cùng N. Cơrúpxkaia đi xem diễn một vở kịch của Đích Ken. Ngay sau màn thứ nhất, Người đã bắt đầu chán. Tình cảm tiểu tư sản của nhà văn Anh có tiếng này thực sự làm cho Lênin bực mình. Rồi sau đó, không chịu được nữa, Người bỏ ra về ngay khi vở diễn vẫn đang tiếp tục. Nhưng có lẽ giàu ý nghĩa hơn cả là thái độ chọn lọc của Lênin khi tiếp xúc với những truyện ngắn mang những huynh hướng tư tưởng khác nhau của Giắc Lơnđơn. Vào những ngày cuối cùng của đời mình, Lênin vô cùng xúc động lắng nghe N.Cơrúpxkaia đọc thiên truyện nổi tiếng “Tình yêu cuộc sống”. Tư tưởng mãnh liệt của nhà văn Mỹ cuốn hút Người từ đầu chí cuối. Có điều, bên cạnh những tác phẩm rất hùng mạnh, Giắc Lơnđơn còn có những tác phẩm rất yếu đuối. Khi Lênin đang nghe một câu chuyện khác về một viên thuyền trưởng đã hy sinh đời mình chỉ cốt để giữ lời hứa với người chủ chiếc tàu chở lúa mì, thì Người bật cười và giơ tay nhắc N.Cơrúpxkaia đừng đọc tiếp nữa . Câu chuyện nhiễm đầy đạo đức tư sản không thể được Lênin quan tâm. Có người ngộ nhận rằng Lênin ưa thích hai cây bút phản động là Phetơ (nhà thơ thế kỷ XIX)và và Mêrétgiơcốpxki (nhà viết tiểu thuyết cùng thời với Lênin). Điều này hoàn toàn không đúng. Quả là sau Cách mạng tháng Mười trong bản kê những tác giả do chính Lênin viết cho thư viện ở Hội đồng Dân ủy - một thư viện lập ra dành riêng cho Người - chúng ta đọc thấy tên của hai cây bút này. Nhưng theo N.Cơrúpxkaia trong quyển “Ký ức về Lênin” thì Phetơ, một tên lãnh chúa bênh vực chế độ nông nô, chỉ làm Lênin ghê tởm vì “ở y không thể lấy ra được cái gì để học tập hết”. Còn đối với Mêrétgiơcốpxki, kẻ đã công khai chống lại giai cấp công nhân trong thời kỳ cách mạng 1905, Lênin chỉ có thể cảm thấy phẫn nộ về sự “công kích thô bạo có tính chất phản động” của y như chính Người đã từng thổ lộ.

Thiên hướng cảm thụ của Lênin thật rõ rệt. Thiên hướng này thậm chí giúp Người vượt qua được những mối thiện cảm và ác cảm riêng tư nhằm vươn tới đánh giá đúng chân giá trị nào đó. Tiêu biểu hơn cả về phương diện này là thái độ của Lênin đối với bài thơ “Những người loạn họp” của Maiacốpxki. Lênin đã từng viết về bài thơ đầy tính chiến đấu của nhà thơ chưa chiếm được sự tán thưởng hoàn toàn của Người như sau : “Đứng về mặt chính trị và hành chính mà nói, đã từ lâu tôi chưa từng cảm thấy một hứng thú nào như thế. Trong bài thơ của mình, đồng chí ấy đã châm biếm những cuộc hội họp và chế giễu những người cộng sản chỉ những họp cùng họp. Tôi không biết về thơ thì như thế nào, nhưng về chính trị thì tôi cam đoan là điều đó hoàn toàn đúng” (4). Ngay sách báo của phái Dân túy cũng được Lênin nghiên cứu tỉ mỉ. Trong khi công kích kịch liệt những nhà lý luận Dân túy (5) như Mikhailôpxki, V.Vôrôntơdốp, Lênin lại biết gạn đục khơi trong khi rất chú ý đến những nhà văn như Gơlép Uxpenxki. Quyển “Những tập tục ở đường phố Raxteniaêva” cùng những chuyện kể của ông về đời sống của công nhân và nông dân nghèo nhất đã làm cho Lênin say mê. Người nói : đấy chính là những cái cần phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

Rõ ràng, trong mọi trường hợp, lập trường giai cấp luôn chi phối thị hiếu văn chương của Lênin. Có điều tính giai cấp trong sáng tác cũng như trong thưởng thức không tách rời mà luôn gắn bó với đặc thù của văn chương, nghệ thuật. Vì vậy, rất tự nhiên thị hiếu văn chương của cá nhân còn được xây dựng trên sự hiểu biết của họ về văn chương. Nói như Mác : “Muốn thưởng thức nghệ thuật phải hiểu biết nghệ thuật”. Mà sự am hiểu văn chương của Lênin thì rất sâu rộng. Chỉ cần đọc các bài phê bình của Người về L.Tônxtôi chúng ta đã dễ dàng nhận thấy tầm hiểu biết văn chương của Lênin đến mức độ nào ! Lênin đã soi sáng cách nhìn, cách lý giải cho một hiện tượng phức tạp vào bậc nhất trong lịch sử căn chương. Qua L.Tônxtôi, Người chỉ ra tiêu chuẩn chân xác để xét đoán tài năng của một nghệ sỹ chân chính. Người viết : “Và nếu nhà nghệ sỹ của chúng ta là vĩ đại thật, thì người đó phải phản ánh được trong các tác phẩm của mình ít ra là vài ba khía cạnh chủ yếu của cuộc cách mạng” (6). Đó chính là nguyên do khiến các tác phẩm của Puskin, Xantưcốp Sêđơrin, Tsêkhốp... chiếm được lòng ham thích của Lênin. N.Crúpxkaia xác nhận : “Ilích rất am hiểu văn học Nga. Văn học Nga đối với Lênin là vũ khí để nhận thức cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật nào phản ánh cuộc sống đầu đủ, toàn diện, sâu sắc và mộc mạc lại càng được Lênin coi trọng” (7). Và V.Bonsơ Bơruêvích khi đưa ra nhận xét : “Người thích nhất là Tsêkhốp” đã giải thích vì những truyện ngắn của nhà văn “diễn ra được cuộc sống đúng như sự thật” (8). Tác phẩm văn chương càng chân thực càng được Lênin đề cao. Còn những tác phẩm xuyên tạc sự thật đời sống dù ở mức độ nào đều không tránh khỏi sự phê phán thẳng thắn trên cơ sở phân tích thấu đáo cặn kẽ của Người. Sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa của Vinnítsencô, Lênin đã nhận xét : “Đây quả là một mớ bòng bong và những điều ngu xuẩn !”.Theo Người “tất cả những điều ghê tởm” mà nhà văn đó miêu tả “đều có thể diễn ra trong cuộc sống”. Nhưng tập hợp tất cả lại theo kiểu mà ông ta đã xây dựng thì chỉ “làm u mê độc giả và tự làm u mê bản thân mình” (9). Lênin đã lấy làm tiếc vì để mất thì giờ đọc cuốn sách nói trên.

Vậy là, dù thưởng thức văn chương không trói buộc Lênin bởi những sợi dây cứng nhắc thì trong thực tế vẫn có những nguyên tắc chỉ đạo hoạt động thưởng thức của Người. Nguyên tắc đó là yêu cầu giai cấp trên lập trường xã hội và yêu cầu chân thực từ đòi hỏi của bản thân văn chương, nghệ thuật. Điều này góp phần lý giải vì sao cho đến nay những tác phẩm và tác giả được Lênin ưa thích vẫn được chúng ta ngưỡng mộ, và thái độ của Người đối với những hiện tượng văn chương tiêu cực, phản động nào đó cũng chính là thái độ cần thiết của mỗi chúng ta.










(1) C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin “Về văn học và nghệ thuật” - Nxb Sự thật - Hà Nội - 1977, tr 470

(2) V.Lênin “Bàn về văn học và nghệ thuật” - Nxb Sự thật - Hà Nội - 1960 - tr 263.

(3) “Về văn học và nghệ thuật” (Sđđ) - tr 470 và tr 194

(4) & (5) “Về văn học và nghệ thuật” (Sđđ) - tr 470 và tr 194.

(6) Chủ nghĩa Dân túy là khuynh hướng tư tưởng đại biểu cho quyền lợi khá đông những người tiểu sản xuất, nảy sinh ở Nga vào những năm 60, 70 của thế kỷ XIX

(7) “Lênin về văn học và nghệ thuật” (Những trang hồi ký) - Nxb Văn hóa - Nghệ thuật (tiếng Việt) - tr 30

(8) & (9) “Về văn học và nghệ thuật” (Sđđ) - tr 584 và tr 509


Theo Phạm Quang Trung
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top