Thằng ngốc

Hide Nguyễn

Du mục số
Đã xưa lắm, ở một vùng núi nọ có một Khoàng Tý phải cầu tự mãi mới sinh được một người con trai, nhưng từ khi mới sinh, cả hình hài lẫn tính tình nó đều rất khác thường. Người ta bảo vì Khoàng Tý ăn ở bạc ác nên con cái mới như vậy. Cậu con trai đã lớn lộc ngộc nhưng chả biết làm gì. Dân làng thường gọi là thằng Ngốc.

Năm tháng qua đi, Ngốc lấy vợ. Vợ Ngốc cũng là con một xú cà, khét tiếng gian ác. Hết mấy mùa nương, tuy hai vợ chồng Ngốc sống mỗi người một tính một nết như mặt trăng mặt trời, nhưng cũng được ba mặt con cả trai lẫn gái.

Một hôm Ngốc gặp lũ làng đi đánh bẫy về được rất nhiều thú: nào cọp, nào nai, nào hươu... Về nhà, Ngốc bèn hỏi vợ:

- Sao người ta bắt được nhiều cái ăn thế?

Vợ Ngốc biết tính chồng chậm hiểu, ngẫm nghĩ một lúc liền chỉ lên mái nhà và bảo:

- À, họ được nhiều thú vì họ đi đặt bẫy. Muốn đặt bẫy được nhiều họ phải lên mái cao như mái nhà này này.

Ngốc không hiểu ra, lại tưởng là vợ mình nói người ta bẫy trên mái nhà. Nhân lúc vợ đi vắng, ngồi buồn nghĩ đến chuyện đánh bẫy, Ngốc liền vác bẫy lên mái nhà, đặt rồi xuống ngồi chầu hẫu dưới gốc cây đầu nhà chờ. Đợi mỏi cả hai con mắt, Ngốc chẳng thấy con thú nào cả. Ngốc sốt ruột lắm, hết đứng lên lại ngồi xuống. Nhìn bẫy vẫn chẳng thấy con thú nào mắc. Sốt ruột quá, Ngốc lên mái nhà ngồi cạnh bẫy để nhìn được rõ. Cứ thế Ngốc ngồi chực suốt đến chiều. Khi mặt trời đã khuất sau dãy núi để xuống lỗ ngủ, vợ Ngốc đi làm về, nổi lửa nấu cơm. Khói bếp tỏa nghi ngút lên nóc nhà làm cho Ngốc bị sặc khói ho sù sụ, mắt cay xè, nước mắt chảy giàn dụa. Lúc đầu nó còn cố chịu ngồi im. Đến lúc cay mắt quá chịu không nổi nữa, Ngốc mới quát vọng xuống:

- Đốt gì mà khói um lên thế? Chảy hết nước mắt nước mũi rồi đây này!

Nghe tiếng chồng từ trên mái nhà vọng xuống, vợ Ngốc đã hiểu ra mọi việc, chạy ra nhìn lên mái nhà thì thấy Ngốc đang ngồi xổm bên cạnh một cái bẫy, trên mặt mồ hôi mẹ, mồ hôi con bò ra nhễ nhãi. Nhìn cảnh đó, vợ Ngốc vừa giận vừa thương chồng nhưng không nhịn được, ôm bụng cười, chảy cả nước mắt:

- Ối! Anh Ngốc ơi là anh Ngốc ơi! Sao lại đánh bẫy trên đó? Đánh như thế thì cả đời cũng chẳng được gì đâu. Người ta đánh bẫy dưới đất chứ ai đặt trên mái nhà bao giờ. Với lại phải đào rãnh như rãnh sau nhà rồi mới đặt chứ. Đặt lộ như thế thì có thú nào dám chui vào.

Ngốc toan cãi lại nhưng ngẫm nghĩ một lúc lâu thấy vợ nói có lý đành gật đầu nghe theo.

Hôm sau, vợ Ngốc lại đi làm sớm. Thấy vợ đã đi làm, Ngốc cũng sắm sửa đi đánh bẫy. Nhớ lời vợ nói hôm qua, lần này Ngốc không trèo lên mái nhà nữa mà đặt bẫy ngay rãnh sau nhà. Hì hục đặt xong bẫy, Ngốc ngồi thu lu vào một chỗ rành đợi. Chẳng phải chờ đợi lâu, chỉ một lát một chú gà đã mắc bẫy kêu quang quác. Nghe tiếng gà kêu, Ngốc sướng quá, chạy bổ ra vụt lấy vụt để cho đến lúc con gà rã cánh hết động đậy mới thôi. Sau đó Ngốc hí hửng đem con gà vào nhà. Cứ thế chỉ trong một buổi sáng khi ông mặt trời mới chếch qua dãy núi trước mặt, Ngốc đã bẫy được rất nhiều gà, lơn, vừa của nhà vừa của dân làng. Lũ làng nghe tiếng lợn, tiếng gà kêu inh ỏi tưởng là nhà Ngốc làm thịt cúng ma nên chẳng ai để ý cả. Chiều đến nhà nào cũng kêu mất gà, thiếu lợn, họ đi tìm nháo nhác, tiếng gọi gà lợn ầm ĩ cả một vùng thì vợ Ngốc đi làm về. Đến đầu bản thấy dân làng nháo nhác khác ngày thường, vợ Ngốc lấy làm lạ lắm. Vợ Ngốc vừa mới bước vào nhà đã thấy một đống gà lợn chết chất lù lù, liền hiểu ngay cơ sự. Tức quá vợ Ngốc ngồi khóc hu hu. Thấy vợ không mừng mình bẫy được nhiều gà, lợn, mà lại khóc, Ngốc ngơ ngác hỏi:

- Ối! Sao lại khóc, phải mừng chứ? Hôm nay tôi bẫy được nhiều lắm. Thôi! Đừng khóc nữa, đi làm thịt ăn thôi, đói rồi đấy!

Nghe chồng nói lời dỗ, vợ Ngốc càng tức điên lên, bèn mắc như chút cơn tức lên đầu Ngốc:

- Ông ơi là ông ơi! Thế có chết, có khổ tôi không! Thế là ông giết hết lợn, hết gà, của dân làng rồi. Biết lấy gì mà đền họ bây giờ?

Mắt Ngốc tròn xoe. Biết tội, sợ quá, Ngốc lẳng lặng đi đào một cái hố thật to rồi hì hục khuân gà, lợn xuống đó để chôn không dám làm thịt ăn.

Thấy chồng đã biết tội, lần này vợ Ngốc nói kỹ hơn về cách đặt bẫy. Nghe lời vợ, hôm sau Ngốc vác bẫy lên rừng đặt. Thơ thẩn mãi, Ngốc mới tìm thấy một gốc cây như vợ nói. Xế trưa, quả có một con hươu lẻn vào ăn quả bị sa bẫy. Ngốc mừng quá, nhảy bổ ra đón lấy hươu, hăm hăm hở hở:

- Mày mắc bẫy của tao rồi nhé! Có thế chưa! Đừng giẫy nữa vô ích. Bây giờ tao cởi dây cho mày. Mày hãy đi về trước bảo với vợ tao giết thịt mày làm đủ ba món: món xào, món canh, món nướng. Tao phải đặt tiếp để bắt thêm mấy con nữa. Sửa xong bẫy tao sẽ về sao.

Nói dứt lời, Ngốc liền thả hươu ra, rồi cặm cụi sửa lại bẫy. Được tha, hươu nhảy tót vào rừng. Ngốc ở đằng sau la lớn:

- Thôi đừng vui nhiều, vợ tao không ưa thế đâu!

Đáp lời hắn tiếng hươu kêu héo! Héo! Ngốc nghe hươu kêu vẳng lại tưởng hươu hỏi lại một lần nữa, liền gân cổ thật to:

- Đúng rồi! Ba món nhé: xào,nướng, canh.

Sáng hôm ấy, vợ Ngốc nghỉ ở nhà để làm men rượu. Ngốc vừa giã được một ít ớt để hòa làm men, còn để trong bát, chưa kịp trộn, thì mấy con lợn kêu đói đòi ăn. Vợ Ngốc để đấy để giã củ ráy nấu cho lợn ăn trước. Vừa lúc nồi cám chín thì Ngốc chạy xộc vào nhà. Đang cơn đói bụng vì phải nhịn từ sáng, thấy bát ở giã nhỏ tưởng là món thịt xào tái, chẳng nói chẳng rằng. Ngốc dùng tay bốc nhai ngấu nghiến. Nhìn vào nồi cám lợn đang bốc hơi ngói nghi ngút tưởng là món canh, Ngốc lấy bát múc uống ừng ực. Nhưng canh chưa kịp hết một bát, ớt chưa kịp hết một bốc. Ngốc đã phải thè lưỡi thở phì phì như mèo ăn phải gừng, nước mắt nước mũi chảy giàn dụa. Ngốc thấy trong mồn trong họng như có ai cào cấu. Vừa ngứa, vừa cay, vừa nóng chịu không nổi, Ngốc phải chửi bới vợ:

- Sao tay mày nấy thịt hươu tồi đến thế!

Vợ Ngốc không hiểu ra sao bèn hỏi chồng. Ngốc hai tay ôm bụng, miệng mếu máo kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong vợ Ngốc vừ tiếc hươu vừa tức giận về sự ngu xuẩn quá mức của chồng, nhưng không biết làm sao được chỉ giậm chân than vãn:

- Thôi! Khổ quá! Từ nay ông đừng đi làm việc gì nữa!

Ngốc ở nhà mấy ngày liền, chỉ đến bữa thì ăn hoặc ngủ, tay không thèm sờ mó vào công việc gì trong nhà. Sợ chồng càng rỗi rãi càng u mê, một hôm vợ Ngốc bảo:

- Tôi đi làm nương không có chỗ nào trú nắng, trú mưa, mình ra làm cho tôi một cái lều vậy! Chằng cần phải làm to lắm đâu, như cái mai cua cũng được.

Ngốc thắt bao dao lên nương. Khi đã chọn được chỗ ưng ý dựng lều, Ngốc đi mãi mà vẫn không gặp được một con suối, con khe nào cả. Mãi đến khi chân đã mỏi, bụng đã đói, Ngốc mới gặp một con suối cạn. Mừng quá, Ngốc chăm chắm nhìn các hốc đá tìm kiếm. Bỗng một con cua từ hang đá bò ra, giơ càng lên như khiêu khích. Ngốc lẩm bẩm một mình:

- May quá! Đây rồi! Có thế chứ. Vừa nói Ngốc vừa chạy lại chộp con cua.

Bắt được cua, Ngốc hí hửng băng trở lại nương nhà mình. Tới nơi chẳng kịp nghỉ để thở, Ngốc liền lóc ngay lấy chiếc mai cua, rồi cắm vào một cái cọc nhỏ dựng lên chỗ đa định. Về đến nhà vợ hỏi:

- Thế nào, về muộn thế? Đã làm xong lều chưa?

Ngốc thung dung trả lời:

- Xong rồi, cái lán mai cua thì làm gì mà không xong.

Sáng hôm sau, khi đã cơm nước xong, hai vợ chồng rủ nhau đi nương. Con chó đi theo chủ như thường ngày. Gần tới nương, Ngốc nhắc vợ:

- Này! Giữ con chó lại, kẻo nó ăn mất cái lán mai cua đấy.

Ngốc chưa dứt lời, con chó đã đánh hơi thấy mùi tanh của cua. Nó ngoạm chiếc mai cua nhai ngấu nghiến. Thấy chó nhai mất chiếc mai cua. Ngốc vội la lên:

- Thôi chết rồi, đã bảo mà! Thế là chó ăn mất lều rồi! Bây giờ lấy đâu ra chỗ trú nắng, trú mưa nữa!

Nhìn chồng vừa tức vừa thương hại, nhưng không biết làm sao được, vợ Ngốc chỉ luôn mồn kêu khổ. Hết giận, vợ Ngốc lại nói rành rẽ cho chồng biết cách làm lều như thế nào, đến khi thấy chồng tỏ ra hiểu biết mới thôi.

Từ lần đó, vợ Ngốc không cho chồng đi đâu nữa. Chỉ quan quẩn ở nhà đổ cám cho lợn ăn. Công việc chỉ có thế, vậy mà Ngốc làm cũng chẳng nên hồn. Một hôm, trước khi đi nương, vợ Ngốc đã cẩn thận dặn chồng:

- Bao giờ mặt trời xuống đậu ở mặt cây cao kia thì gọi lợn về cho ăn là vừa. Lợn đi ăn xa, gọi không được thì trèo lên cây cao kia mà gọi.

Vợ đi rồi, lúc đầu Ngốc còn ngồi ở trước cửa nhìn mặt trời và ngồi chờ. Nhưng mãi vẫn chưa thấy mặt trời xuống đến ngọn cây kia, vẫn sốt ruột lắm, hết đứng lại ngồi, hết ra lại vào, miệng lẩm nhẩm lời vợ dặn.

Nhưng rồi chờ mãi, mặt trời cũng xuống đỉnh cây cao nọ. Ngốc liền ì ạch bê máng cám đến dưới gốc cây. Luẩn quẩn một hồi, vẫn mới trèo lên cây. Khi đã tìm được chỗ ngồi khá chắc, vẫn mới líu ríu gọi lợn. Đàn lợn nghe tiếng gọi của chủ túm tụm cả dưới gốc cây. Ngốc chửi rủa:

- Chúng mày cũng có cái chân, cái tay như tao sao không biết trèo lên, cứ ủn ỉn đứng đấy đòi gì?

Vừa lúc đấy, Ngốc nhìn thấy một con kiến lửa đang bò trở xuống rất nhanh. Thấy hay hay, Ngốc thách với kiến:

- Mày quay đầu mà bò xuống được thì tao cũng làm được như mày thôi.

Nói rồi, Ngốc liền bắt chước kiến lửa quay đầu định bò xuống đất. Nhưng chưa kịp bò, Ngốc đã rơi lộn cổ xuống đất đầu va vào gốc cây và chết.

Người ta bảo đó là trời trừng phạt Khoàng Tý tàn ác. Từ đó, đời trước truyền đời sau, các già vẫn thường khuyên con cháu sống ở đời chỉ nên làm điều tốt, đừng gây điều ác cho nhau, kẻo lại bị trời bắt phạt như thằng Ngốc con Khoàng Tý nọ.



Ghi theo lời kể của Bà Khoàng Xế Pía

Bản Mù Cả, Xã Mù Cả

Mường Tè, Lai Châu


Theo Phạm Quang Trung sưu tầm​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top