Tết quê

  • Thread starter Thread starter Thao Mai
  • Ngày gửi Ngày gửi

Thao Mai

New member
Xu
0
Bài dự thi Cuộc thi viết Mùa tết quê tôi.
Họ và tên: Huỳnh Thị Mỹ Hạnh
Tuổi: 09/02/1990

Nghề nghiệp: Sinh viên


Tết quê
Tiết trời ấm dần lên với những tia nắng chói chang mang hơi thở của mùa xuân. Thế nhưng cái lạnh vẫn se sắt quấn lấy mái nhà lá xiêu quẹo nằm bên cạnh bờ sông của hai mẹ con chị Ngàn vào mỗi buổi sáng. Thương và mẹ vẫn khoát cái áo cũ kĩ đã bạc màu, những sợi lông trơ ra như lông cừu non mới mọc. Không biết vì nhà trống vách gió lùa, hay tại người ta thiếu sự đoàn tụ trong những ngày cuối năm? Đếm từng ngày trôi qua, mẹ và Thương đang đợi cha Thương về ăn tết…Ngày nào nó cũng giúp mẹ vuốt nan, đan từng chiếc nón lá…

Hôm nay đã là hai mươi bảy tết, vẫn chưa thấy cha Thương về, không một lời nhắn gửi từ ai, nó cứ đợi. Mọi nhà xung quanh đang nô nức chuẩn bị chào đón chúa xuân ghé qua gia đình. Còn nhà Thương trơ trọi, rỗng tuếch, chỉ có hai mẹ con vẫn ngày ngày ngồi bên cánh cửa với chồng nón dở dang chưa bán được. Bên ngoài, tiếng mọi người cười nói, lời hỏi thăm nhau giữa những người đi chợ tết cứ rộn rã bên tai của con bé. Trong căn nhà lá bé nhỏ đang tràn ngập cái không khí ảm đạm, buồn tênh. Thương nhìn mẹ, nghẹn ngào:

- “Sao cha chưa về vậy mẹ? Ngày mai là gần tết rồi. Nhà mình không có gì hết, con không có áo mới…

Có một tiếng nấc. Im bật. Mẹ Thương thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, đôi mắt ấy long lanh như chiếc gương phản chiếu cặp mắt tròn đen ngây thơ của Thương. Người mẹ nhìn đứa con, không nói. Một nỗi buồn tràn ngập, vây lấy người đàn bà khổ sở. Chiếc vành nón cuối cùng đang chờ một mối rút để trở thành chiếc nón hoàn chỉnh. Cũng giống như Thương và mẹ đang chờ cha về để căn nhà được giống một gia đình trong ba ngày tết. Vậy mà có thấy cha đâu…?Ngoài sân tụi trẻ đang nô đùa, chờ đợi giây phút thiêng liêng đón thêm tuổi mới. Thương thèm được cùng bọn nhóc chơi trò rước lân, muốn được múa mai, hồn nhiên như các bạn của mình, nhưng làm sao được, nón vẫn chưa bán hết, cha vẫn chưa về. Thương nép mình sau líp cửa, trông ra xa xăm.

- Thương ơi! Mày có áo đẹp chưa? Mẹ tao vừa mua cho tao hai bộ đồ mới rất là đẹp luôn. Thằng Tý khoe khoan.

Thương nhìn con Lan với thằng Tý, con chị Tư, từ ngoài ngõ vừa chạy vào vừa hô hoán đồ mới. Thằng Tý cằm hai cái áo vàng sặc sỡ chìa vào trước mặt Thương với một nụ cười mãn nguyện, như một kẻ đắc thắng đang đứng trước sự thất bại của kẻ thù. Mắt Thương tròn xoe nhìn thằng Tý, rồi từ từ nghiêng về phía mẹ. Nỗi khát khao một chiếc áo mới tràn ngập trong lòng đứa bé mười tuổi. Tết này Thương không có áo mới. Có lẽ người đàn bà ngồi bên cạnh cũng hiểu được phần nào và chắc tim chị cũng đang vỡ từng mảnh vụn khi thấy con mình chẳng có gì trong ba ngày tết.

- Mày mua đồ mới chưa Thương? Tết này ba đứa mình mặc áo mới đi xem lân múa hé. Con Lan hào hứng rủ Thương.
- Tao chưa có đồ mới. Ba tao chưa về. Nó buồn bã trả lời.

Mẹ Thương quay đi để giấu bao nhiêu giọt nước mắt. Đứa con tội nghiệp của chị chưa có đồ đẹp, không thể cùng bạn đi chơi. Phải chi cha Thương về để nó có thể xin ba cho một cái áo mới. Phải chi có cha để ông có thể cùng chị chia bớt bao nhiêu nỗi buồn. Lại chờ, đợi,…và chờ đợi. Cha vẫn chưa về.

Buổi chiều êm ả! Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là chúa xuân sẽ về, năm mới sẽ bắt đầu với nhiều niềm vui, hân hoan của tất cả mọi người. Riêng nhà chị Ngàn vẫn vắng vẻ, trống trơ trong ngày hai mươi chín. Bàn thờ ông bà chỉ độc một bình hương với mấy cánh hoa vạn thọ vàng tươi. Thương ngồi lặng lẽ trước bậc cửa, nó chờ đợi, hi vọng ai đó chạy vào nói rằng: “Thương ơi! Cha mày về tới đường rồi kìa!”. Nó sẽ mừng quýnh lên, chạy vào nắm tay mẹ ra mừng cha. Và nó đợi…Cha đi làm đã gần chín tháng trời, chưa về thăm nhà. Cái nghèo bắt Thương không được gần cha, ông phải ra tận Đăk Lăk làm vườn cà phê. Chăm sóc vườn quanh năm suốt tháng không có thời gian về, vả lại đường xa xôi, chi phí đi về không nhỏ, tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Còn mẹ nó ở nhà với nghề chầm nón nuôi Thương đi học. Mấy cái nón lá chỉ đủ tiền đong gạo hàng ngày, còn chưa kể những lúc bé Thương bị bệnh chị phải chạy vạy khắp nơi. Rồi đợi những đồng lương của chồng gửi về trả nợ. Cuộc sống muôn vàn khổ cực, nhưng những khi gia đình đủ đầy cũng vui lắm! Tết rồi, cha về rất sớm. Ông còn mua rất nhiều thứ, nào là bánh mứt, nào kẹo, dưa đỏ, và còn cả áo mới cho Thương. Đêm giao thừa cả nhà vây quần bên nhau, chờ đợi giây phút thiêng liêng, Thương cùng cha thấp nén hương cầu nguyện. Nó còn nhớ lời nguyện cầu của cha “cầu cho bé Thương khỏe mạnh, mau lớn, học giỏi”. Nghe tuy chưa hiểu nhiều lời cầu nguyện ấy nhưng nó vui và thương cha lắm! Còn mẹ thì ôm nó vào lòng cho nó một cái bao đỏ đỏ. Thương giữ mãi không dám mở ra mua kẹo như những bạn khác. Ba ngày tết, Thương được mặc áo mới, được ba mẹ chở đi thăm ông bà, cùng mấy bạn đi xem múa lân khắp các nhà trong trong xóm. Nó thích lắm…Mấy tiếng ống lối của tụi nhóc trong xóm vang dậy làm Thương giật cả mình. Giấc mơ có cha đêm giao thừa bỗng vụt tắt. Còn lại mình nó. Bơ vơ. Nó trở về với hiện thực tái tê. Thiếu cha ngày tết. Tối rồi. Mọi nhà đã lên đèn, những dây đèn chóp đủ màu đủ sắc lung linh trước hai con mắt ngây dại của Thương. Quay mặt vào nhà, mẹ ngồi bên chiếc nón rộng vành. Đồng hồ điểm tám giờ, Thương vẫn ngồi đó đợi, cha vẫn chưa xuất hiện…

Tiếng dép lẹp bẹp ngoài sân đi vào, Thương bật ngồi dậy chạy ra, chắc là cha về chứ không ai. Nó mừng reo cha về. Trời tối ôm có thấy ai đâu.

- Thương hả con? Ông Tám đây, ông qua cho con với mẹ mấy quả bưởi để trưng nè.

Nụ cười tắt hẳn, cái mặt nó sụ xuống như cánh hoa bị héo. Nó cảm ơn ông Tám rồi è ạch ôm mấy trái bưởi vào nhà cho mẹ nó để lên bàn thờ. Nó nhìn quanh nhà, vẫn trống trơ, bụng cồn cào, có lẽ nó đói.

- Sao nhà mình không có bánh hả mẹ? Hôm qua con chơi bên nhà thằng Tý, nhà nó nhiều bánh lắm, có cả kẹo đậu phộng nữa. Cô Tư cho con một cái ăn ngon lắm!
- Đợi cha về đi con. Mẹ Thương không dám nói lớn. Vì bà đâu dám khẳng định với Thương rằng cha nó sẽ về trong tết này.

Thương trèo lên chõng ngồi sát vào người mẹ. Nó sực nhớ đến câu hỏi của má thằng Tý – “ba con về chưa Thương? Tết này con có áo mới không?”. Nó vôi hỏi chị Ngàn.

- Sao bây giờ mà cha chưa về hả mẹ? Nước mắt chảy ròng ròng, tiếng hức ừng ực, con nhớ cha quá mẹ ơi! Tiếng Thương thỏ thẻ làm mẹ nó như đứt từng đoạn ruột.
- Chắc chút nữa là cha về thôi con. Con ngủ chút đi, rồi khi nào cha về mẹ gọi dậy đón giao thừa.- Dạ…!

Thương lim dim đôi mắt. Ngoài đường tiếng mọi người hoan hỉ chúc nhau. Tiếng những bước chân rôn rịp hòa lẫn làm thành những tràng pháo rôn rã. Đâu ai biết ở đây có một ước mơ nhỏ bé của đứa trẻ đáng thương, mà mơ hoài không thấy…

Lại một người nữa đến nhà Thương, chắc là để biếu cho nhà nó cái gì đó. Nghe tiếng chân từ ngoài ngỏ, mẹ giật Thương dậy. Nó choàng tỉnh tưởng mẹ gọi cha về - “cha về rồi hả mẹ, cha đâu?”. Câu trả lời “không phải” lại khiến nó thất vọng, nó lại nằm im nhắm mắt, chẳng buồn ngồi dậy. Dù mẹ có kêu thế nào nó cũng không ra xem thử đó là ai. Nó sợ sẽ như lần mừng ông Tám.- Bé Thương đâu rồi con? Sao không ra mừng cha? Tiếng một người đàn ông vọng vào sao tấm cửa.- Cha về kìa con. Vừa gọi mẹ nó vừa lay thật mạnh đứa con gái tội nghiệp. Trên gương mặt hốc hác bỗng tràn ngập một niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả.Nghe hai tiếng “cha về”, Thương mừng như đứa trẻ đói lòng được cho bầu sữa. Nó nhảy một cái thật nhanh xuống chõng, chỉ trong mấy cái chóp mắt của mẹ là nó đã ôm chầm lấy cha.

- Cha đã về! Cha về thật rồi! Mẹ ơi cha về rồi!

Có lẽ giây phút này mẹ Thương cũng trở thành một đứa trẻ, chị mừng đến từng giọt nước trào ra trên hai hõm má sâu hút. Chồng chị nở một nụ cười hiền hậu, ánh mắt nhìn quanh căn nhà thiếu thốn của mình trong đêm giao thừa, ông chạnh lòng. Nhưng không trách vợ, bởi ông thừa hiểu cảnh nghèo. Cha Thương vừa móc trong túi vải ra bao nhiêu là thứ vừa giải thích.

- Tôi về trễ vì nán lại làm thêm mấy ngày để kiếm thêm tiền, chắc bà trông tui lắm. Mấy ngày tết, làm thêm người ta thưởng nhiều. Khi về thì lại trễ chuyến xe vì đông khách quá. Nè, đây là quà tết của chủ biếu cho, bà coi dọn ra để đón giao thừa.

- Ừ! Mình về là tôi mừng rồi. Con nhỏ nhớ ông quá chừng! Cứ ngồi đợi rồi khóc kêu ông.

Nảy giờ Thương không nói lời nào, chỉ mở to mắt nhìn cha. Đã lâu rồi nó không gặp cha, nó nhìn như để bù đắp, nhìn cho thỏa thích, mắt Thương không rời gương mặt của cha. Thương mừng đến quên mất rồi cái ước mơ có áo mới, quên mất rồi ước muốn được cùng các bạn đi xem lân.

- Xem cha có gì cho bé Thương nè. Đây là chiếc áo cha tự lựa đó. Con có thích không? Cha Thương chìa ra trước mặt nó cái áo hoa màu vàng, một chiếc váy xanh nó vẫn luôn mơ ước! Thích không con?

- Dạ thích! Con cảm ơn cha! Thương mừng rối rít, tuy có một bộ nhưng với nó đó là một món quà rất lớn trong tết này. Nó nhảy vào lòng cha, ôm hôn không muốn buông ra. Cha nó phải đặt nó xuống mới thôi.

Hơi ấm của mùa xuân đang tràn ngập trong căn nhỏ bé. Ba ngọn nến đang thấp sáng một gia đình. Tết vẫn nghèo, nhưng niềm hạnh phúc của sự đoàn viên đã xoa dịu những thiếu thốn về vật chất. Mẹ Thương bưng ra một đĩa bánh kẹo đủ màu do cha Thương mang về. Cả nhà vây quần, đầy ắp những tiếng cười, Thương ngồi trong lòng cha, mãn nguyện. Tiếng cười giòn giã hòa vào những tiếng trống râm ran. Đồng hồ điểm mười hai tiếng - giây phút thiêng liêng của một năm mới đã đến. Tết này, Thương cười thật tươi!Có luồng gió nhẹ thổi qua, mang chúa xuân về với đất trời, về với những gia đình hạnh phúc. Năm mới với những điều tốt đẹp, một niềm tin mới vào ngày mai tươi sáng trên khắp nơi nơi.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bạn Mai Thảo ( Thảo Mai) hãy chỉnh lại bố cục của bài viết nhé! Hình thức của tác phẩm cũng là một yếu tố cấu thành tác phẩm đấy.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top