Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ giữa trưa
Ngày "Tết giết sâu bọ", dân gian Việt Nam thường cúng vào sáng sớm. Tuy nhiên, thực chất tiết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 âm lịch.
Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm...
Chứng tỏ rằng Tết Đoan Ngọ là một Tết cũng được sự chú ý của người Việt Nam ta xưa, nay. Theo sách "Phong thổ ký" thì Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa. Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa. Sở dĩ được gọi như thế vì tháng Năm là tháng có nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng Năm âm lịch.
Cũng như các Tết khác, Tết Đoan Ngọ cũng có cúng lễ (lễ đền, miếu, thần linh, tổ tiên và ông bà). Ngoài cúng lễ còn có nhiều tục lệ như: tục giết sâu bọ, nhuộm móng chân, móng tay, tục đeo bùa tui, bùa túi, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà, tục đi sêu...
Tục giết sâu bọ, theo quan niệm xưa, bộ phận tiêu hoá con người thường có "sâu bọ". Nếu không trừ khử đi sâu bọ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại cho người. Nhưng "giết chúng" không phải dễ và không phải giết lúc nào cũng được. Quanh năm sâu bọ ăn sâu trong bụng, duy chỉ có ngày mồng 5 tháng năm là chúng ngoi lên. Giết sâu bọ bằng gì? Bằng thức ăn, nhất là rượu nếp và hoa quả. Sáng sớm ngày mồng 5 tháng năm, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong là phải "giết sâu bọ" ngay.
Trong dịp này mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát thạch, rồi ăn các trái cây có vị chua như mận, đào, sấu, roi, muỗm? Đối với trẻ con, người ta bôi một ít thần sa, chu sa vào hai bên thái dương và bụng chúng. Có khi người ta hoà với nước cho chúng uống.
Rượu nếp - tiếng gọi là rượu, nhưng rượu nếp không chỉ có nước mà có cả cái nữa. Dùng gạo nếp thổi xôi để nguội rồi rắc men lên trên, ủ ba ngày, xôi đã thành rượu nếp. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu để hứng lấy nước. Nước này là chất rượu, còn cái là xôi ủ men nổi màu ngà. Khi ăn, ăn cả cái trộn lẫn với nước rượu đã hứng được lúc ủ men. Rượu nếp ăn ngọt ngọt, cay cay cho người ta một cảm giác say say dễ chịu.
Mỗi năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ, từ ngày mồng ba, mồng bốn, các cô hàng rượu nếp đã xuất hiện len lỏi đi vào các xóm ngõ rao bán. Các cô treo vào gánh rượu nếp một chùm ớt cùng một ít lá cây có tính chất khử trùng để trừ sâu bọ không làm hỏng gánh rượu.
Trong tám tục lễ trên, người ta còn chú ý đến tục lễ sêu- một tục lệ mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo.
Ngày xưa, lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng có đậu xanh mới hái vào tháng Tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo nếp, đậu xanh, bao giờ cũng có một đôi ngỗng và một, hai chục chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa.
Chàng rể đi sêu, lẽ tất nhiên bố mẹ vợ nhận đồ lễ, nhưng bao giờ cũng hoàn lại một phần, thường chỉ nhận một nửa. Bởi lễ trọng ở lòng thành, chứ không trọng ở chỗ nhiều ít. Theo tập quán ít ai nhận đồ biếu Tết mà không lại quả, nghĩa là để lại cho người biếu một nửa.
Người Việt Nam ta ăn Tết Đoan Ngọ còn để mừng mùa lúa chiêm bội thu, rau, đậu sai quả, chim, thú nảy nở, ăn mừng kết quả của những ngày lao động chống nắng, thắng mưa, đem về cái no, cái ấm của mọi nhà.
Cùng với nhiều tục lệ cổ truyền về Tết, những tục lệ này đã bảo tồn được tính chất đặc biệt của nền văn hoá Việt Nam, xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức.
Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, song tết Đoan Ngọ với tục lễ đi sêu vẫn tồn tại trong lòng nhân dân với ý nghĩa thiêng liêng, riêng biệt và đặc biệt của người Việt xưa, nay. /.
Theo vovnews.vn