Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc là hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn ở nước ta.
Giữa hai vùng này có sự khác biệt về cơ cấu cây công nghiệp thế nào? Vì sao?
Giữa hai vùng này có sự khác biệt về cơ cấu cây công nghiệp thế nào? Vì sao?
* Trả lời:
1. Vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích lớn nhất cả nước. Nó có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh quốc phòng. Một trong những thế mạnh của Trung du miền núi phía Bắc là phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý khác nhau nên cơ cấu cây công nghiệp của miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên có sự khác biệt.
2. Sự khác biệt về cơ cấu cây công nghiệp của 2 vùng:
a. Trung du và miền núi phía Bắc:
- Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội:
+ Diện tích: 100 965 km2 (2002), chiếm 30,7% diện tích cả nước.
+ Địa hình gồm núi và các cao nguyên hiểm trở, ít có mặt bằng rộng lớn.
+ Đất đai chủ yếu là đất feralit đỏ vàng phát triển trên nền đá sa diệp thạch, đất đỏ đá vôi.
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh nhất nước ta, ngắn và không liên tục. Cuối mùa khô (tháng 1-2) có mưa phùn nên độ ẩm cao hơn nhiều tháng trong năm.
- Dân số 11,5 triệu người (2002) (14,4%). Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người, có một số kinh nghiệm, tập quán sản xuất cây công nghiệp. Đặc biệt, dân tộc Kinh chiếm đa số và là nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển kinh tế.
- Có một số ngành hỗ trợ như thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, cơ khí, luyện kim (Thái Nguyên), hoá chất, phân bón (Việt Trì – Lâm Thao), chế biến chè (Phú Thọ).
- Các cây công nghiệp chủ yếu:
+ Cây chè: Thích hợp trên đất feralit đỏ vàng phát triển trên nền đá diệp thạch, pH = 4, nhiệt độ 20-25 độ C. Chè được phân bố thành các vùng tập trung ở hầu hết các vùng đồi núi trung du và một số cao nguyên: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Mộc Châu, Hà Giang.
+ Các cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, trồng ở các thung lũng đất đỏ đá vôi ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngoài ra còn có đỗ tương, lạc.
b. Vùng Tây Nguyên:
- Đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội:
+ Diện tích: 54 475km2 (2002)
+ Địa hình bao gồm các cao nguyên phân tầng có độ cao trung bình 600-800m. Bề mặt cao nguyên tương đối bằng phẳng.
+ Khí hậu mang tính chất cận xích đạo (nhiệt đới núi cao), có một mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
+ Đất đai chủ yếu là đất đỏ badan, phân bố thành những mặt bằng rộng, thích hợp cho việc xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn.
- Dân cư, dân tộc:
+ 4,4 triệu người (2002).
+ Là địa bàn cư trú của một số dân tộc ít người. Tuy nhiên, từ sau ngày giải phóng có nhiều luồng di dân từ các vùng khác đến nên số người Kinh chiếm tỉ lệ khá lớn.
- Đã có một số đồn điền quy mô nhỏ và lớn, có các nông trường quốc doanh và các vùng kinh tế mới. Có cơ sở chế biến chè, cà phê, dâu tằm tơ.
- Các cây công nghiệp chủ yếu:
+ Cà phê thích hợp với đất đỏ badan, với nhiệt độ trung bình 25 độ C. Vùng cà phê tập trung ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Ngoài ra còn có ở Gia Lai, Lâm Đồng.
+ Cao su mới được trồng thực nghiệm sau ngày giải phóng (1975) và trồng chủ yếu sau 1980. Phân bố chủ yếu ở Gia Lai, Đắc Lắc.
+ Chè chủ yếu ở Tây Nam tỉnh Lâm Đồng thuộc cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc, ở độ cao 600-800m.
+ Cây dâu tằm: Chủ yếu ở Tây Nam tỉnh Lâm Đồng. Vùng tập trung ở huyện Bảo Lộc.
+ Ngoài ra, ở Tây Nguyên còn trồng một số cây công nghiệp khác như bông, lạc, mía.
2. Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về cơ cấu cây công nghiệp của hai vùng là:
- Sự khác nhau về vị trí địa lí và từ đó dẫn đến sự không giống nhau về đặc điểm tự nhiên, trước hết là khí hậu, đất đai, và địa hình.
+ Vùng trung du miền núi phía Bắc có một mùa đông lạnh, đất feralit đỏ và có độ phì không cao lắm, ít mặt bằng rộng nên thường thích hợp với việc trồng chè theo quy mô lớn. Các cây khác có quy mô nhỏ trong cơ cấu công nghiệp của vùng.
+ Tây Nguyên có khí hậu nóng quanh năm, các cao nguyên có độ cao không lớn, khá bằng phẳng, lại được phủ đất badan màu mỡ thích hợp với việc trồng cây cà phê, cao su, dâu tằm trên quy mô lớn và tập trung theo từng khu vực.
- Sự khác nhau về đặc điểm, dân cư, xã hội, nhất là lịch sử khai thác, tập quán sản xuất, sinh hoạt của nhân dân ở 2 vùng này. Ở trung du miền núi phía Bắc, dân cư có kinh nghiệm trồng và chế biến chè từ lâu đời. Ở Tây Nguyên, người dân có kinh nghiệm trồng cà phê, cao su nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá.
** Xem thêm: Hướng dẫn trả lời một số câu hỏi về 7 vùng kinh tế ở nước ta
NGUỒN: Diễn Đàn Kiến Thức - Trích từ Sách Hướng dẫn Ôn tập và trả lời các câu hỏi Địa Lí *
(Xin vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn bài viết này. Cảm ơn!)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: