Tản Văn Băng Sơn.

Hide Nguyễn

Du mục số
HOA NGƯỜI.


Có bao nhiêu là loài hoa khác nhau, từ hoa dại đến hoa trồng, từ màu sắc đến hương thơm, từ dáng cây đến vẻ cành to nhỏ... từ đồi hoang đến đồng bằng, từ trên cạn đến dưới nước, từ bờ rào đến chậu sứ trên ban công....
Người yêu hoa, chơi hoa, cũng như hoa, không giống nhau. Người thích hoa sen trắng vì nó thanh khiết cao thượng, người lại ưa sen hồng vì nó rực rỡ. Người bảo hoa hồng quý phái, kiêu sa, nồng nàn, người khác lại cho rằng cúc mới là loài hoa quý vì nó thanh cao. Hoa mai vàng và hoa mai trắng tìm lấy tri kỷ của mình. Hoa đào bích và đào phai, cả đào ta 5 cánh phớt hồng và mỏng mảnh.... vẫn có bạn riêng yêu quý. Cao tít là hoa phượng, hoa gạo, hoa vông, chẳng ai ép ai phải yêu hoa này ghét hoa kia. Cho đến loài hoa nhỏ nhoi hoang dã là hoa mõm chó, mọc lẫn trong cỏ, tím lam, chỉ nhỏ bằng nửa hạt ngô khi mãn khai, cành như chiếc tăm, bị ngắt, nửa giờ đã phai tàn héo úa, có nét gì đó giống hoa đồng thảo gọi là Viôlét, giống hoa chân tim tím cành cao, giống hoa mõm sói xum xuê mỗi cành hàng chục bông, có nhiều màu.... vì tất cả đều thuộc họ "hoa môi" cũng có nhiều người mê thích.
Hình như trùm loài hoa là trăm kỷ niệm của mỗi đời người, yêu nó vì nó hiện ra là thức dậy lòng ta dáng hình đã in sâu trong ký ức, trong mong nhớ, trong xa xăm....
Hoa phù dung mỗi ngày thay ba sắc: Sáng trắng, trưa hồng, chiều tím, không phải là Thuỷ phù dung của Trung Quốc tức hoa sen.
Mẫu đơn của chùa chiền Việt Nam khác hẳn mẫu đơn của hoàng đế Võ Tắc Thiên, ta yêu hoa vì nó khiêm nhường, trầm lặng góc sân chùa tịnh mịch, cũng như hoa chua me bên bờ ruộng là quê hương gợi nhớ mộc mạc, đã có lần ai kia dúi vào tay ta vài ba cánh nhỏ nhoi thay lời nói.
Hoa mua, hoa sim làm ta nhớ đến cuộc hành trình lên trung du có suối bên đường và con đường ngoằn ngoèo cao thấp, còn hoa ty gôn là trái tim yếu ớt đón thu về mong đợi người đi.
Tuỳ vào tâm hồn ta mà có tâm hồn theo đó chăng? Hoa bưởi vườn làng, hoa súng ao quê, hoa hải đường trên bàn thờ ngày tết.... đã gắn bó gì với tâm trạng ta khi ngắm một sắc màu lâu lâu mới gặp lại nhau, gặp lại hoa như gặp lại Người Hoa ấy....
Người xưa ơi, người có đem theo bông hoa "thuở ấy" về không, ta vẫn đợi suốt một đời người thương nhớ đấy.
 
Băng Sơn với những tuỳ bút Hà Nội


Trong lịch sư một ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội đã dung lạp biết bao nhiêu người tứ xứ đến làm ăn lập nghiệp. Người Đông Ngạc, La Khê, Đình Bảng mở hàng vải ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Người Cự Đà với nghề dệt. Người Hè, Buởi có mặt ở Nam Tràng, Ngũ Xã, Hàng Đồng. Nghề ảnh của người dân Lai Xá và biết bao nhiêu làng nghề lấy kẻ chợ làm nơi giao lưu, tiêu thụ và dịch vụ: cắt tóc Ô Kim Liên, Ô Đồng Lầm, nem Phùng, bánh giày Quán Gánh, bún Phú Đô, gạo tám Mễ Trì, lụa Hà Đông, Lĩnh Bưởi, cốm vòng tranh làng Hồ. Cái gì đẹp nhất nước, ngon nhất nước sau tiến vua là tiến cho Thăng Long, Hà Nội. Ngoại Kiều cũng tìm đến Thăng Long lập nghiệp: Tây đen bán vải, người Phúc Kiến, Quảng Đông chiếm gần hết phố Lãn ông, Hàng Buồm và xung quanh. Từ bán thuốc ê đến các thứ nhị thiên đường, những hàng ăn từ sực tắc, Lồ Mai Phàn đến các Đông Hùng Viên, Tân Phúc Điền, Mỹ Kinh.... Tây cú, tay thực dân làm nhiều nhà cho thuê ở Hà Nội. Tất cả những cái đó, ngọn ngành sâu xa và rộng lớn hơn rất nhiều đã được Băng Sơn khai thác trong các bài viết, tản văn, tuỳ bút của ông về Hà Nội.
Thạch Lam, Vũ Bằng, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân mỗi người một phong cách đã để lại trong âm hưởng người Hà Nội, Người trong cả nước và văn đàn những áng văn trác tuyệt. Đó là vàng bốn con chín của văn chương chữ quốc ngữ viết về văn hoá Hà Nội. Băng Sơn biết rằng các vị trưởng lão đó công lực thâm hậu và văn lâm đã trải chiếu hoa cho các vị đó, còn Băng Sơn phải tự đi trải cái chiếu của mình. Thật vậy, cái chiếu của ông đã được trải vài thập niên 90 sau cả một đời suy ngẫm, tích góp, đọc và ghi chép. Cái bài tản văn tuỳ bút của ông đăng tải rầm rộ trên các mặt báo với nhiều lĩnh vực của văn hoá tryền thống và đời thường Hà Nội. Ông bay bổng với rượu và cơm nguội, la đà với đào thế và búp khoai cho tương ăn với cơm nồi đất. Ông trăn trở những chân dung bạn bè và đời thường với hè phố cổ Ngõ Gạch, Sầm Công, Phất Lộc.... Băng Sơn đã căng mình ra như tiếng ve mùa hạ trong lim, trong sấu Hà Nội với sức làm việc đáng khâm phục.
Hà Nội bùng nổ về nhiều phương diện, lên cấp về mặt văn minh hàng hoá nhưng rất đáng lo ngại về mặt dân trí, đạo đức. Ông đã đề cập, cảnh tỉnh vấn đề này. Ông muốn giữ cho Hà Nội một vẻ đẹp về văn hoá, tinh thần dân tộc trong cái đi lên của văn minh vật chất. Băng Sơn lặn ngụp trong muôn mặt của văn minh đời thường của Hà Nội để cảm, để yêu, để sót xa, để giận giữ những cái Hà Nội hiện hữu.
Băng Sơn là một nhà văn, nhà thơ đa phương diện về văn hoá và đời thường Hà Nội. Thơ đã giúp ông sạch và bay bổng. Kiến thức cuộc đời và sách vở đã giúp ông lách đến tận khe kẽ của Hà Nội không chê vào đâu được.

theo :Doãn Trang, Lao động Xã hội, số 41 ra ngay 4/10/1996.
 
CÂY CƠM NGUỘI


Mang một cái tên xấu xí, cây cơm nguội chẳng có hương thơm, cành cũng không thẳng và lá không to.. nhưng nó là sức bền, là sự kiên tâm, bất chấp đổi thay thời tiết....

Mang một cái tên xấu xí, cây cơm nguội chẳng có hương thơm, cành cũng không thẳng và lá không to... nhưng nó là sức bền, là sự kiên tâm, bất chấp đổi thay thời tiết...Nhưng cây cơm nguội có vẻ riêng mà không cây nào sánh được.

224259060_e7beb2018e_o.jpg


Hà Nội có những đường cây khá đẹp. Nó là niềm yêu của ai đang ở Hà Nội, là nỗi nhớ của người đi xa, cũng là mong chờ của ai chưa đến.

Phố Trần Hưng Đạo có rặng sấu sum suê, tán tròn, xanh quanh năm. Phố Lò Đúc có hàng sao đen cao vút, thân thẳng tắp, đầy bóng mát. Đường Thanh Niên có phượng đỏ rực trời hè, nay còn thêm hoa ban tím. Phố Hàng Dầu có hoa sữa, nay còn thêm dâu da xoan. Đặc biệt phố Lý Thường Kiệt và quãng cửa Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng, có hàng cây cơm nguội. Cái tên xấu xí, nhưng nó có vẻ riêng, không cây nào sánh được. Nó còn có tên nữa là sếu. Hình như chỉ Hà Nội mới có nhiều cây này. Bóng mát lăn tăn, mùa hè xanh ngát. Mùa đông rụng hết lá, cành trơ ra từ to đến nhỏ trong sương mờ, trong mây bạc nhìn cành khẳng khiu mà tưởng ta đang đi trong tranh thuỷ mặc.

Cây cơm nguội rụng lá trước mọi loại cây. Tháng mười, khi hoa sữa toả hương trong đêm thì lá cơm nguội vàng au, bay đầy mặt đất. Thu đã đến hẳn rồi Hà Nội ạ.

Nhưng nó cũng lại hồi sinh cùng mùa xuân sớm nhất... Ngay từ tháng chạp, khi những cây bàng còn thả những tờ thư đỏ cho mặt đường, thì từ những cành tưởng đã chết khô, chết héo kia bật ra những cái chấm màu đồng điếu; màu tím hồng, rồi chẳng bao lâu thành màu xanh lá mạ, xanh non như màu nõn chuối, tắm trong mưa xuân sớm, nắng xuân sớm. Lá ấy trông ngon như màu cốm, hấp dẫn trẻ thơ ngắt quả chơi, hấp dẫn cả những ai yêu nhau phải hò hẹn tìm nhau.

225739671_88704a65f6_o.jpg


Cây cơm nguội sống hàng trăm năm, có khi còn dài hơn một đời người. Cây cơm nguội mọc thành hàng, cho phố thêm thơ mộng. Trong bóng hàng cây ấy, ai là người có những kỷ niệm vui buồn của đời mình với một gốc cụ thể nào? Có thể đó là buổi không thuộc bài, hôm đi bắt ve sầu, lúc đánh mất hòn bi ve, hôm đi tiễn đưa người bạn, cái buổi lần đầu tiên cầm tay ai, hồi hộp không nói nên lời. Cũng có thể đó là chỗ hai người chia tay vĩnh biệt, hoặc cắt đứt mọi ràng buộc một đời...

Cây cơm nguội hẳn biết chia sẻ nỗi niềm, tình cảm ấy. Vì thế mà nó cứ thì thầm lao xao, mà rung rinh sáng lên trong nắng ấm, trong mưa phùn, trong dòng đời của bao cây khác, hoa rực rỡ hoặc thơm ngát hoặc thơm nồng... Cây cơm nguội khiêm tốn vì hoa không thơm, cành không thẳng, lá không to... nhưng nó là sức bền, là sự kiên tâm, bất chấp đổi thay thời tiết...

Tuy vậy, cũng có những cây cơm nguội quá già nua, bị sâu ăn ruỗng, phải nhường chỗ cho cây non, có khi là khác loài. Nhưng nó im lặng, vui lòng./.

 
CỐM VÒNG HÀ NỘI

com.jpg
106796762_b56000972f_o.jpg


Những người Hà Nội đang ở xa, khi thu về có một lúc nào để lòng mình nhớ nhung về nơi có mùa thu kỳ lạ? Tôi cảm nhận được ngọn gió heo may tràn ngập hồn mình khi liễu buồn buông lệ bên Hồ Gươm, khi có những người từ đâu không biết, đi rong phố phường bán từng lồng chim ngói, loài chim chỉ xuất hiện mỗi độ thu về...

Mùa trời lên cao, đất khô đi, cây tự nhuộm mình cho lá mang màu vàng đỏ, lòng người nhớ thương nhau, tìm tri âm tri kỷ, thanh tao thì uống một tách cà phê, dung tục thì đến quán mộc tồn... ấy là lúc có món đặc biệt: Cốm Vòng, chỉ mùa thu Hà Nội có và ngon đến thế.

Và cũng chỉ một làng cổ, huyện Từ Liêm cổ, quá cửa Ô Cầu Giấy mấy trăm bước chân, làng Dịch Vọng mới có thứ cốm vòng như thế. Ngay cách đấy ít làng, có làng Lũ cũng làm cốm, nhưng chỉ là món quà rẻ cho trẻ em, cứng và bệch bạc, dù đây là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Nguyễn Siêu trong bốn chữ xưng tụng của người đời cùng với Cao Bá Quát "Thần Siêu, Thành Quát".

Cốm là quà không phải để ăn no. Ăn cốm là ăn mùa thu vào lòng, vào tâm khảm. Mùa thu Hà Nội trong veo như tâm hồn thiếu nữ, thanh sạch, mát dịu như không chút bụi trần, để con cá chép Lý Ngư cũng phải vượt Vũ Môn mong hóa thành rồng. Sáng bảng lảng sương, chiều dìu dịu nắng, đêm êm đềm ngọt ngào... trong không gian huyền thoại đắm say ấy, sớm sớm những chuyến tàu điện đầu tiên rẽ sương từ Ô Cầu Giấy vào Hàng Ðẫy, Hàng Bông, Bờ Hồ... có những bà, những cô hàng cốm xuống tàu, theo lối quen, tỏa hương thu vào mọi nẻo.

images752505_comLangVong1.jpg


Ít người cần rao. Ai cũng có khách quen, có khi quen đã mấy đời. Nếu là khách lạ cứ nhìn chiếc đòn gánh cong một đầu là biết. Ðòn gánh là cả gốc tre già, đánh lên cả gốc, chẻ đôi, dùng từ đời mẹ, sang đời con, nó như cái câu liêm, câu bầu trời xuống ủ cho mềm cốm. Hai bên thúng là từng lớp cốm xanh thoang thoảng hương lúa, mùi mùa phơi thóc, cốm nằm mơ màng trong từng lớp lá sen già đượm thứ hương hoa dâng hiến, hoặc lá khoai ráy xanh non, bóng như một thứ xa-tanh (satin) mát mịn. Dúm một dúm, đặt vào lòng bàn tay, ngửa cổ, thả nó vào đầu lưỡi, nó sẽ tan, sẽ ngấm, sẽ thì thầm thứ vị ngọt mềm của trời đất nước non, cả đầm sen ngan ngát, cả sóng lúa rì rào, cả màu mây lãng đãng... và mơ màng nhớ đến một suối tóc dài thơm hương bồ kết của ai đó đang ngồi giã cốm trong đêm trăng.

Ăn cốm là nhai từ từ, khoan thai, từng hạt ngọc xanh mà dẹt, mềm mà thơm, ngọt mà mát. Không thể ăn cốm mà xới vào bát rồi lùa như ăn bún, ăn phở. Người Hà Nội ăn riêng cốm, ăn một mình cốm để tận hưởng sắc màu, hương vị thanh thoát, tao nhã đúng là "ăn hương ăn hoa", ăn để mình cũng biến hình vào trời thu, hồn mình lãng du cùng non nước...

Cũng có người thích ăn cốm với hồng ngọc là thứ hồng đỏ, ngọt sắc cho hai màu tương phản, nâng đỡ âm dương, hoặc ăn cốm với chuối tiêu trứng cuốc, thứ chuối mà chỉ mùa thu mới vàng ươm dệt thêm từng đốm màu nâu vào vỏ để quyến rũ mắt nhìn và dâng hương cho mê tơi khứu giác, dù ăn như thế cốm phải hy sinh một phần hương sắc.

images633131_IMG_0014.jpg


Người Hà Nội còn ăn chè cốm, cốm xào, chả cốm... nhưng bánh cốm thì cũng đã thành nghệ thuật. Bánh cốm Nguyễn Ninh đường Hàng Than, đã tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến món ngon Hà Nội, thành tấm lòng thơm thảo của người con đi xa gửi về biếu mẹ cha luống tuổi, thành sự mừng vui của những ngày sêu Tết.

Cô hàng cốm xưa, đi chân đất, vấn vành khăn nâu, trên đầu đòn gánh cong, còn tòn ten chiếc chổi mới bện bằng rơm cốm.

Sau mấy chục mùa thu chinh chiến, nay đất nước lặng im tiếng súng, cốm vòng lại có mặt với miền Nam, mang theo gió thu Hà Nội, mang màu xanh và hương đất Bắc để hòa với mưa nắng của miền Nam.

langcom1.gif
ngtb050b.jpg


Khi lúa nếp uốn câu chưa chín vàng, đã được tuốt mang về. Làng Dịch Vọng um tùm tre trúc, ngập tràn trăng sáng, đầy gió thu mát, điển hình cho làng quê Việt Nam như ca dao, như cổ tích. Trong gió và trăng ấy, thóc nếp được tuốt rồi được rang trên lửa củi, xong đem giã chày tay, rồi sàng, rồi giần quay quay nhè nhẹ êm êm... Lại giã, lại giần, sàng. Hàng chục lượt như thế, vỏ trấu bong ra, cái bổi tơi bời, hạt cốm dẹt mình, bắt đầu tỏa hương vào mùa tu làng xóm. Nó còn được hồ thêm chút lá lúa cho thêm xanh, cho đậm chất đã làm nên hạt lúa. Cuối cùng những hạt ngọc mềm ấy được nằm mơ ngủ say trong lá sen, lá ráy đã lau chùi thật sạch, chờ chuyến xe điện đầu tiên, lên đường vào phố. Tháng tám qua làng Vòng sẽ nghe được nhịp gõ, bộ gõ tiết tấu to nhỏ gần xa, vang vang và trầm đục, tiếng loạt xoạt của rơm xanh, tiếng rì rầm của tay sàn sảy...

Cốm không thể ăn nhiều. Cô hàng cốm cũng không gánh đi nhiều, không lặc lè như cô hàng gạo, hàng rau. Và cốm cũng không thể làm nhiều như sản phẩm bằng lúa nếp khác.

Cốm là hạt lúa nếp nhưng đã thành kiếp khác. Nó là tinh hoa, là tài tình, cũng chẳng giống bánh chưng bánh dầy... nó là sáng tạo đã ngàn đời, từ nguyên thủy đến trường tồn dân tộc?

Nhiều năm cốm tưởng chừng bị mai một. May thay, mùa thu vẫn xanh cùng đất nước, cốm lại được sinh thành, hồi xuân, lại tái hồi cho lòng người nguôi ngoai thương nhớ.

Bạn phương trời, bao mùa xa vắng! Hà Nội lại gởi lá thư xanh bằng gói cốm lá sen cho bạn đây, một chút "thời trân", một câu thơ lục bát bằng hương và vị... Hãy nhận lấy bạn ơi, để nhớ về một mùa thu Hà Nội đầy mỹ cảm...
 
Đối với riêng tôi, Băng Sơn viết về Hà nội có phần trội hơn Vũ Bằng, dù Vũ Bằng nổi hơn ở Thương nhớ mười hai.
Băng Sơn viết về Hà nội như thể đang sống và yêu một con người, vẫn còn hồng hơi thở và trái tim.
Còn Vũ Bằng, viết về Hà nội là tưởng niệm về một thời quá vãng, ông mang hơi hướm an bình với miền Nam nhiều, nên Hà nội trong ông không đằm thắm, sâu lắng như Băng Sơn.
 
MƯA QUÊ


Nguyễn Bính có câu thơ: "Gió mưa là bệnh của giời...."

Hôm nào bệnh nặng thì nước mắt ròng ròng, chan chứa. Hôm nào buồn thì trứng xoá mênh mang. Mưa thành phố bắt mọi người vội vàng. Mưa làng quê sao mà bẻ bai, dai dẳng, chầm chậm, lê thê....

mua-tuoi-tho-0.jpg


Những khoảng sân đất dềnh lên, những con đường ngoằn nghèo nhão ra càng thưa vắng bàn chân trần bấm đốt vào bùn cho đỡ trơn khỏi ngã. Cây chuối, cành tre, ngọn bưởi, gốc khoai ráy cuối rào cừ trĩu nặng nỗi buồn không hiểu tại sao lá mình nặng thế.

Nếu sáng tinh mơ, bệnh trời đã rỉ rả tuôn trào thì cấy cày đành hoãn lại, ngồi trong cửa nhìn ra, chỉ "nghe" thấy tấm màn xô xiên chéo, đôi khi phả ra một hơi lạnh, ùa vào khung cửa cùng nỗi ẩm ướt như một nhớ nhung, mà chả biết nhớ nhung gì, nhớ nhung ai.

Hút thuốc lào vặt nhiều cũng chán, ai đó rang mẻ ngô già mà nhấm nháp cho qua ngày mờ mịt xóm thôn. Có ai nói: Nhà em ơi, hôm nay mình làm món muối vừng đi. Mưa còn dai đấy....

Con mương đầu làng hôm qua trong vắt màu nước xanh đen, hôm nay đỏ lờ như nước gạch cua, có người đội chiếc nón mê cứ ngửa lưng ra mà kéo chiếc vó cạnh khung rau muống phởn phơ xanh rờn những tay rau được vươn ra ngoài khung mà no nê mưa gió.

Thành phố có ngày chủ nhật, người rủ nhau rong chơi. Mưa là chủ nhật của làng quê, nhưng mỗi căn nhà, mỗi khoang sân thành ốc đảo. Chỉ trừ ai định đi tát nước trên đồng vàn đồng cao là được nghỉ thoả thích, còn tuỳ công việc để đẩy, người nghỉ ngơi buồn, mai việc ùn lên, vẫn cứ phải vắt sức ra mà thi với nắng trời, gió táp hay đường xa, quán chợ nhọc nhằn....

Nghìn năm trước và nghìn năm sau nữa, mưa quê có giống hôm nay khiến ta thấy trấu cắn trong lưng?



Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội
 
CHIỀU CUỐI NĂM

Một đời người có bao nhiêu buổi chiều cuối năm? Con số thất thường, nhiều nhất là một năm, ít nhất có khi chỉ một vài còn mơ hồ không nhận biết.

Chiều cuối năm thắc thỏm đợi chờ, hồi hộp đợi mong, hoặc ê chề ngán ngẩm trong tủi buồn thương nhớ? Ai biết được đã có hàng triệu, hàng ức những tâm trạng muôn màu như thế từ khi người ta sinh ra biết mấy yêu thương và đau đớn, biết hạnh phúc đến run rẩy và lê thê niềm cô độc...? Mà đó là chiều cuối năm nào cơ chứ? Năm lịch mặt trời hay năm lịch mặt trăng? Năm con trai hay năm con gái? Năm trinh nguyên hay năm dở dang bẽ bàng? Năm thành công và năm thất bại? Năm con người chưa biết đếm, còn phải dùng cái nút thắt tên sợi dây rừng mà dòng thời gian hay năm đã biết đúc các thước mét cho toàn nhân loại, cất giữ trong nhà hầm của kinh thành Ba lê nước Pháp văn minh? Và ta, năm của mùa sương giá cuối chạp có lá bàng tơi tả chờ cơ quan tổng kết hay năm của những vườn đào đang nóng lòng chờ được về muôn ngả đón xuân?

Ờ, thì cứ cho là năm nào cũng vậy, dù lịch Tây hay lịch ta, năm Chúa ra đời hay năm con gà con ngựa.... năm rắc vôi bột ra sân theo hình cung tên, lá cờ, mặt trăng hay năm đốt nến trên cây thông theo phong tục từ phương trời xa lạ... cuối năm vẫn là hồi hộp của giao thời, hồi hộp của lòng ta náo nức.... như một thuở nào ta hẹn đến gốc cây duối đầu làng, bên bờ giếng ven thôn, ngã tư đường long lanh ánh sáng.... nơi ấy có những bước chân ta vừa đi, bước chân người đang tới, có một ranh giới vô hình và hữu hình, một ranh giới tự lòng ta biết rõ, còn bản thân cái ranh giới ấy thì vẫn chỉ mơ màng vô định.

cuoi-nam-19.jpg

Đó chính là giao thừa, giao thừa của cái sắp qua và đang tới, của chưa từng yêu và biết thế nào là yêu, của thành công và thất bại, của ánh sáng và bóng tối, của mép nước nơi bờ biển, đất bắt đầu và biển cũng bắt đầu... nơi người con gái xa lạ chưa hề biết sinh ra ở đâu, bỗng trở thành một nửa đời ta (nếu không nói là tất cả đời ta) suốt đời....

Giao mùa hay giao thoa, là giao cảm hay giao thời.... những chữ giao hàm bao nhiêu nghĩa mà đời người ngắn ngủi, nào ai có được bao nhiêu cất vào kho tàng tâm thức?

Vừa mới hôm nào giao thừa thế kỷ XX và XXI, giao thừa Thiên kỷ II và Thiên kỷ III, mà đã lại đến giao thừa lần nữa. Hình như hoa đào năm ngoài chưa tàn, ngọn nến năm ngoái chưa tắt, người khách năm ngoái chưa đi, bạn cũ năm ngoái chưa thành thiên cổ... món cỗ năm ngoái còn làm ta liếm môi, chép miệng, cây cầu năm ngoái đang đỏ lửa hàn, dòng sông năm ngoái đang mải miết trườn đi qua bãi mía nương ngô đầy tha thiết....
Không, ta tự huyễn hoặc mình thôi, ta tự mộng ảo mình thôi. Người bạn cũ đã sắp "chuyển nhà" nói nôm na kiểu dân gian là sang cát. Cây cầu năm ngoái đã thông xe nườm nượp khách đi về tuôn trào như lũ cuốn. Dòng sông không lặng lờ giữa đôi bờ thầm lặng triệu năm mà nó sôi sục ý ngang tàng giữa những phố phường vừa quy hoạch, vừa vút cao, vừa lấp lánh....

Chiều cuối năm, ta lại thêm một lần hạnh phúc được đi tìm và "cưới" về một nàng hoa đào tươi rói, có thể tên nàng là Đào Bích, hoặc Đào Phai, có khi yểu điệu là Đào Ta, mà biết đâu nàng thanh cao tiên nữ: Bạch Đào... Sắp thôi. Hình như hơi thở nàng đào đã phập phồng ngoài cửa. Ta soi vào gương. Ai đó nhỉ? Ta hay không ta? Tóc bạc hơn, nhiều đường cầy khó nhọc trên trán hơn. Nhưng ta lại thấy trong lòng hình ảnh ảo hoá vì gương kia, có thêm phù sa biển mặn, có thêm gió Lào đau xót, có thêm bó hoa tím chan cười, có thêm bao nhiêu dòng chữ tinh khôn của toàn nhân loại in hằn trong óc...

Một năm thôi,chỉ đến chiều cuối năm này, trong lúc ngẩn ngơ vì thời gian mộng mị, ta thử nhẩm xem một quyển lịch đã qua, ta ăn hết bao nhiêu bát cơm, uống bao nhiêu tách nước, ngậm bao nhiêu lát gừng, thấm bao nhiêu muối mặn...? Ai cho ta đấy? Nghĩa nặng tình sâu, đắp bồi duyên nợ chứ đâu phải trời ào ào trận mưa vô tình cho ta toạ hưởng?

Ai vào rừng cắt lá dong cho ta tấm bánh chưng tết xanh rờn, ai mồ hôi tầm tã "Cầy đồng đang buổi ban trưa"...? Không thể nào đếm xuể, tính xuể, cay mặn ấy còn cay mặn đến muôn đời, bất chấp mọi cuối năm, bất chấp thế kỷ và thiên kỷ.

Có những chiều cuối năm sụt sùi mưa phùn gió bấc, ta đắp cái chiếu nghe thời gian tê tái nỗi nhọc nhằn. lại có chiều cuối năm, nắng hanh hoa vàng rực rỡ, tươi mởn như màu hoa cải vườn quê, ta lang thang vào đời để hưởng niềm vui mật ngọt...

Mỗi năm ta có hai lần gặp chiều cuối năm: dương lịch rồi âm lịch. Mình phương Đông, mình Việt Nam, giao thừa Tây ít hứng thú đi trong mưa rét, nhưng giao thừa ta thì thật lạ lùng, cứ như có ai đẩy mạnh phía sau lưng, ai thổi ngọn gió trong bàn chân, không thể ngồi yên dù bên cạnh có hương trầm, lửa nến, rượu ngon trà quý, người đẹp gần kề....

Ta đang chiều cuối năm nào đây? Ta tổng kết hay sơ kết đời mình chỉ 365 ngày một phần tư, vừa vui sướng vừa não nề, vừa hứa hẹn vừa lo âu.... Việc ấy của năm qua ta có đúng không? Việc kia để lại gì trong ta vết sẹo...? Còn qua chiều nay thôi đến sáng mai, thời gian đã khác, ta sẽ phải làm gì, làm như thế nào...? Chưa ai biết trước, dù có là Khổng Minh hay Nguyễn Bỉnh Khiêm Trạng Trình có thể biết trước mọi việc 500 năm và biết cả mọi việc sau 500 năm nữa, ta cũng chỉ là ước đoán, là tâm niệm, là mong mỏi, là tự hứa, là tâm thành...

Đành rằng nói như Nguyễn Du: Nhân định thắng thiên nhưng cũng có câu:

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài...

Ta là gì, là ai, từ đâu đến và sẽ về đâu, ta có tài không và có tâm đến mức nào...?

Có lẽ chỉ có chiều cuối năm này, ta đổi gương soi bóng, ta tự mình thành thật, mới có thể trả lời đôi chút mà không sợ ai chê trách, ai khen ai đùa...

Chiều cuối năm ta đang đi nhanh hay đi chậm? Tự ta biết nó chứ đâu cần thứ máy móc có kim, có số, có chân kính, có treo tường, có đeo tay... Gió cứ gió, hoàng hôn bàng bạc cứ hoàng hôn... trà đừng nhạt, rượu đừng vơi.... nào người yêu dấu một đời, hãy nâng thêm chén nữa mừng chiều cuối năm đang là con tầu vào ga cuối, để xuất phát đến cuối thời gian cho năm mới kéo còi vào ga hồn ta cửa mở...


Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội
 
HOA XUÂN

Tại sao lá bàng đón mùa đông bằng màu đỏ trên những chiếc lá vốn là màu xanh mát dịu cả trong nắng hè. Cây lấy màu đỏ ở đâu ra hay là trời rót màu đỏ ấy trong những chiếc bình vô hình khổng lồ đựng màu đỏ của hoa gạo tháng Ba, hoa vông tháng Tư, hoa phượng tháng Năm, hoa lựu tháng Sáu.... để nhuộm cho đất trời ấm áp trong rét mướt đầy màu mây u ám?

Mà cũng có thể màu đỏ lá bàng là những lá thư báo trước cho mọi người biết rằng sắp lộng một trời đất đầy hoa đỏ mùa xuân, thứ hoa chỉ tưng bừng trong nắng dịu, trong mưa phấn, trong hồn người tươi mới gọi là mùa Xuân. Đó là màu đỏ Hoa Đào, tươi thắm thiết là hoa đào bích, đỏ hồng dịu dàng là hoa đào phai, đỏ phơn phớt mong manh là hoa đào ta, thứ đào ăn quả, mọc bạt ngàn các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh miền núi....

149528_600.jpg

Cũng lạ cho tự nhiên vũ trụ, tại sao mọi lá cây khi còn là búp lá thì xanh rờn, xanh mướt, xanh lục, xanh tươi, còn lá cây đề, lá cây Bằng Lăng khi là búp thì mang màu tím, một loài tím đỏ như màu đồng điếu. Hay là trời rót hoa đào mùa xuân xuống trần gian chưa thoả nên thêm một ít màu tím đỏ cho cây cối khỏi thòm thèm hương sắc. Khi lá Đề, lá Bằng Lăng già mới chuyển thành màu xanh, báo tin mùa hè đã tới....

Vườn ta ở trong quê, đôi khi ta gặp một gốc hoa đào, lá đào ta, nhưng ít khi đậu thành quả ngọt. Còn cây mơ cùng với họ đào, cây mận cũng thế, hoa lại trắng muốt như băng tuyết, hoa nói điều gì nhỉ hay là hoa mời mùa xuân về để hoà vào hồn ta niềm trong trắng, niềm tươi mới chỉ có tuổi hoa niên mới có và nhắc ta giữ gìn cho chọn vẹn?

Không ai biết được cụ thể, đích xác. Nhưng ai cũng có thể cảm thông niềm vui trong trời đất mùa xuân ấy.

Người ta thường nói "Người là hoa của đất" ta còn có thể hiểu: Đất nở hoa cũng là nở ra những đoá tâm hồn cho con người sống thêm tốt đẹp.
Mùa xuân rồi. Nào, hãy thử tính xem ta biết đựơc bao nhiêu loài hoa đẹp, có sắc màu, có hương ngát quanh ta?



Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội
 
ĐƯỜNG XUÂN MỘT ĐOẠN

Đã có lần tôi với nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đi một nửa vòng Kinh Bắc, và hẹn nhau sẽ đi tiếp nửa vòng bên kia cho tròn một vòng quỹ đạo mặc dù mình chẳng là ngôi sao mà chỉ là con gió vẩn vơ:

Một nửa vòng là bán nguyệt chăng? Thì cứ cho là như thế, như câu ca xưa, có từ thời Bắc Ninh ăn lan Đông Ngàn xuống đến Gia Lâm Bát Tràng rằng:

Ước gì anh lấy được nàng Để anh mua gạch Bát Tràng về xây Xây dọc rồi lại xây ngang Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Đinh Quang Thành may mắn hơn tôi, đúng là anh lấy được cô gái Đình Bảng Bắc Ninh, quê hương Cổ Tháp, nơi sinh thành ra món bánh Xu Xê tuyệt đỉnh, cứ vàng óng lên trong hồn thực khách...

Đường đi rải nhựa như lụa mềm, như tấm thắt lưng cô gái Bát Tràng, Nội Duệ, Cầu Lim, nên mình cũng không biết rằng đây có thực là vòng bán nguyệt hay không, có khi là đường xiên, đường chéo, đường viền, lục lăng bát giác, chưa biết chừng.... nhưng con đường thúc gọi, đúng hơn là tiếng trống hội làng thúc gọi, những con mắt trao tình chờ đợi, những bước chân ríu ran mừng đón, những món quà quê dọc đường trao duyên e thẹn.... vậy thì cứ đi, đi như định mệnh, như ma ám, như đi vào huyền thoại, đi vào cổ tích, đi vào câu ca quan họ, đi vào quê mẹ của thi hào Nguyễn Du, đi vào con sông Cầu tuy lơ thơ mà chảy suốt mấy mươi đời người dùng dắng tri âm....

149542_600.jpg

Hội Lim tắc đường, cả đường cũ cong lượn và đường mới thẳng băng.... Thấp thoáng áo mớ ba mớ bẩy, ít nón thúng quai thao nhưng nhiều mũ xe bảo hiểm, âu cũng là nét thời đại, biết đâu vài ba trăm năm nữa, chiếc mũ kềnh càng như đầu con dế mèn này sẽ thành câu ca quan họ của thế kỷ hăm nhăm? Chẳng hạn:

Yêu nhau gửi mũ bảo hiểm cho nhau Về nhà dối mẹ qua cầu gió lăn....

Ai đang hát chốn xa kia, đành gửi chút lòng mơ hồ tưởng nhớ chứ chẳng thể rẽ vào. Anh công an giao thông bất lực, không chỉ huy được dòng xe, cáu kỉnh gắt mắng cứ như anh ta mới đáng có mặt trên đời, còn tất cả chỉ là của vứt đi, cái anh đứng trên đường mới mở ấy, hách dịch làm khó chịu bao người, mất cả nét thanh tao ngày xuân hội hè quan họ. Chắc anh ta không bao giờ thành một liền anh hát câu "Cầm lòng vậy, đành lòng vậy".

Bao nhiêu người đang đi trên đồi Lim kia, hội người đẹp đã xong từ hôm qua hôm kia, cuộc thi hát cũng đã im lời trong chén trà nhấp giọng và khẩu trầu lần lượt trao tay.

Mười bốn làng quan họ ngồi trong 7 mái lều đủ màu, đủ cỡ, bài hát nào đang quấn lên vất vít như tơ dăng, như nhựa dính, như đỏ môi cắn chỉ, như con mắt lá đào lúng liếng.... hẳn ông Tiến sĩ Trần Đình Luyện - Giám đốc văn hoá Bắc Ninh đang cầm chịch một lều, ngả nghiêng không vì rượu mà ngả nghiêng vì âm ba đứt nối, vì có con chim sơn ca trong lòng, có con ong trong tim, có áng mây trong mắt....

Trời đẹp như trời mới tráng gương.... hình như là một câu thơ đẹp của cố nhạc sĩ Hồ Dzếnh, mà nếu đọc tiếp thì có cả một khổ thơ say lòng:
Chim ca tiếng sáng rộn ven tường Có ai trong cửa ngồi hong tóc Cho chảy lan thành một suối lương.

Chim đang ca trên đồi Lim kia, những con chim Liền Chị bao đời làm ta thảng thốt say mê.... và làn tóc không được hong nơi cửa sổ chỉ là dóng tre, thanh nhứng, mà là giữa thanh thiên bạch nhật, trên thuyền, trên đồi.... hong tóc và hát nghiêng nón để cho tóc mượt khoe từng sợi thần tiên. Tóc thành suối hương hay lời ca thành suối, trời ngoài kia có những thủa ruộng mượt như gương nước mà lúa mới cấy, ngọn mạ còn được xén cho bằng, khiến mỗi thửa y như một chiếc bàn chải khổng lồ đặt ngược, hay là nó sắp chải vào trời, chải vào mây, trải vào lời ca cho mượt mà, mượt mà đến đời sau quan họ, đến nghìn cây số xuôi ngược chia tay....

Không vào được hội Lim, không nghe thấy "Nước mắt ướt đầm vạt áo..." nhưng ta vẫn như nghe thấy, nghe rõ, thì ra ta nghe bằng hồn ta, bằng tim ta đã được tưới đẫm từ bao giờ không biết những Diềm, những Ó, những Đặng... những Lim... ta không còn phân biệt....

Đinh Quang Thành cũng dâng hồn nghệ sĩ, dừng xe liên tục để ghi hình bấm máy. Mái tóc bạc của anh đôi lúc lẫn vào mây trắng, ta có đủ thì giờ để ngắt ngọn cỏ đưa lên lưỡi cho vị ngọt đồng quê Kinh Bắc thấm vào cảm giác.

Cứ vượt xe hướng Bắc mà đi. Bỏ lại thị xã êm đềm, hãy vào viếng tiền nhân, tiền liệt. Văn Chỉ Bắc Ninh vừa được trùng tu, gạch đất còn ngổn ngang, những tám bia đá còn nằm ngồi thư giãn, mặc cho những cụ rùa đá nghỉ ngơi ít ngày ít tháng trước khi cam thân phận:

Thương thay thân phận con rùa Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia.

Đây không phải là đình mà cũng chẳng phải là chùa mà là Văn Chỉ, nơi thờ chữ nghĩa, nơi tưởng nhớ hiền tài, nơi còn lưu lại bao tinh anh Kinh Bắc như làng Kim Đôi có mấy chục Trạng Nguyên, Tiến Sĩ được lưu danh ở đây, được hương khói chốn này....

Hội Lim lan ra tận đường cái. Tiếng hát chờn vờn không âm vang trong ồn ã thì đã có trăm nghìn hàng bánh đa Kế, trăm nghìn hàng nặn tò he xanh đò tím vàng, cứ mua đi, mua lấy sắc màu mùa xuân ngưng đọng vào, ngón tay tài hoa nghệ nhân, nghệ sĩ.... hàng táo xanh chân đồi còn xanh lắm, chợt nhớ câu:

Chàng như táo rụng sân đình Em như gái dở đi rình của chua....

Cô gái nào mà đa tình đến thế, đâu phải một Thị Mầu mà chắc cũng không phải là Liền Chị, những chị Hai chị Ba chị Tư vì quan họ tình say đắm nhưng chẳng bờm xơm, càng không lộ liễu, đến nỗi mấy đời chẳng kết tơ duyên dù rằng câu hát thì tưởng như có thể chết cùng nhau tức khắc....
Vượt qua thị xã, còn bao nhiêu đoạn đường của một nửa vòng Kinh Bắc đang dang dở đợi chờ. Thì hãy đi tìm vang bóng cuả một thời hội làng Đồng Kỵ, pháo thì phải phá tường, đổ vách mới khênh được "Ông Pháo" ra đình. Đình cổ còn đây, chùa cổ kề bên, lầu tám mái nhưng có đến 16 cột lim đỏ chói vững bền như làng Việt ngàn xưa.

4545645645.jpg

Đồng Kỵ làng nghề đã mới, khảm trai, đồ gỗ, mộc cổ và giả cổ, chí chát vang lên, mặc cho những cổng làng mang nửa hình trăng, mang nửa hình tròn đứng cùng thời gian chứng kiến đổi thay, gạch ngói hay tre trúc, mùi gỗ hay mùi rơm mới đang phơi, véc ni bóng lộn thay cái rổ xề cái rá thủ công.... Có một đồng kỵ đang mới giữa một Kinh Bắc, Bắc Ninh đang mới, mới theo quy luật, mới vì ước mong, mới cùng thời đại....

Đinh Quang Thành đã qua đây mòn vẹt gót giầy, nhưng vẫn cứ như ma ám, ma làm, phải liên tục tách tách cái máy mà ghi ảnh.

Lần đầu tiên theo kẻ vô thần là tôi, đến đền bà Chúa Kho, một liệt lữ yêu nước, một vị tướng tài tuẫn tiết vì non sông đất nước, không thể nào trở thành người uống bia tây và hút thuốc lá Ăng lê để cho vay nặng lãi.

Ai đến đây vay vàng? Ai đến đây cầu lộc cầu tài cầu phúc? Ai cầu duyên? Ai cầu cho những người bất hạnh lầm than quanh ta? Không thể biết trong hàng vạn con người chen chúc kia, những lời cầu khấn là những loại gì? Và mấy giàn tre nứa như những cái giá gác mấy chục nong tằm, gác mấy chục mâm cỗ đám ma... toàn lễ vật, nào là thịt gà, nào là cây vàng cây bạc, nào vàng thoi vàng nén, nào xôi oản, quýt cam.... Thứ nào bà Chúa Kho nhận, còn thứ nào bà không nhận? Mình thành kẻ bất kính mất thôi, đành xin bà tha thứ, ta đi nốt nửa vòng văn hoá Bắc Ninh tự tìm lấy mùa xuân mà gửi gắm nỗi niềm chứ chẳng thể cầu xin tài lộc giữa hư không....

Quay về Đình Bảng, ghé thăm bà Lụa Xuân, nơi làm ra những chiếc bánh Xu Xê lừng danh thiên hạ, mà mùa vàng quả dành dành như vẫn còn đôi phần hoang dại quanh những bờ ao quê đã nhập vào đây thành mỹ vị tài hoa, không thể thiếu trong đám dâu đám cưới những giai nhân tài tử mấy thời.

Khách nhớ nhà hàng và nhà hàng vẫn còn nhớ khách. Bà Lụa Xuân vẫn nhận ra mái tóc bạch kim của nghệ sĩ Đinh Quang Thành. Khách đông cũng xin đợi phút giây, bà dừng tay, pha ấm trà ngon tiếp khách. Quả dành dành không thơm nhưng có màu đẹp, nó chính là cái duyên thầm của món bánh hoàn toàn dân tộc dân gian, dân giã, mà dọc đường số Một ngoài kia, nhan nhản, bao la hàng bánh, nhưng khách vẫn tìm vào làng, nơi có ngôi đình đồ sộ, nơi con sông Tiêu Tương với huyền thoại Trương Chi đã mờ phai trong lòng đất nhưng chẳng mờ phai trong lòng người mấy nhà làm bánh nổi tiếng đều nằm quanh ngôi đình tuyệt tác.

Ngày còn dài, nửa vòng chưa thoả, Đinh nghệ sĩ lại "ngứa chân", đúng hơn là "ngứa tay máy", yên tâm bà nội tướng ở nhà quán xuyến, thế là lại cùng đi cho hết ngày xuân, cho cạn giờ "hoàng đạo" (hoàng đạo do tự mình bịa ra).

Bờ sông mênh mang gió thổi, chưa có con chim vít vịt, càng vắng tiếng chim tu hú trong lùm tre giữa những cánh đồng châu thổ. Ta xuôi Bát Tràng, ta đến Xuân Quan, nơi có cống xuyên đê của hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải. Bắc chính là Bắc Ninh mà làng Bồ Bát Thanh Hoá đi ra đây hơn trăm năm. Nay khói lò bát đã thay bằng lò khí đốt khá nhiều. Làng đang sắp mở rộng thêm cho hợp với thời đại chuyển mình.

Lại một điều, xã Xuân Quan vẫn còn có một ngôi đền cổ kính, có lầu chuông gác trống, có hai con voi đá (giả đá thì đúng hơn) bị lún chìm vào phù xa đến ngang bụng, có pho tượng cụt đầu dù thân tượng có mũ áo cân đai. Ai vậy? Đền thờ, thờ người tướng chống nhà Tần, vừa có công với nước ta vừa có tội với nước ta, công tội có lúc phân minh, có khi chẳng rạch ròi. Đó là cha của anh chàng Trọng Thuỷ, là bố chồng của cô công chúa oan nghiệt Việt Nam: Mỵ Châu. Đó là Triệu Đà. Đền thờ có từ lâu lắm, không ai phá hay không ai nỡ phá, không nhẫn tâm phá, bởi đây vẫn là công sức của người Việt dựng thành, xây lên. Nay Xuân Quan là Gia Lâm Hà Nội mà chia tay cùng Kinh Bắc, thực ra, bờ sông Hồng này chẳng lấy thêm nước của sông Cầu đó ư? Đất. Hà Nội nay chẳng là Bắc Ninh đó ư? Thì phân biệt làm chi, rạch ròi sẽ là vô lý... Ta ngập thân vào mây này, gió này, khí trời này, âm thanh này, vị ngọt ngào này... ta đâu cần biết đến một thứ ranh giới vô hình nào trong không khí kia chia địa phận này thành địa phận khác.....

Đinh Quang Thành nguyên là trai làng Kiêu Kỵ. Có chung chữ Kỵ nhưng người Kiêu Kỵ này vừa cùng tôi đến Đồng Kỵ, hai nơi khác nhau, Anh chẳng giải thích gì thêm câu ca:

Sống làm trai Bát Tràng, chết làm thành hoàng Kiêu Kỵ....

đại khái, anh chỉ ậm ừ rằng trai Bát Tràng sướng lắm, và thần hoàng Kiêu Kỵ cũng sướng lắm, nếu sống và chết đều sung sướng như thế thì mới đáng mơ ước.

Nay còn ai ước mơ như thế? Thú vui ẩm thực đã khác xưa. Nhiều mâm cỗ món rau thì hết mà đĩa thịt gà thì ế. Khác quá đi chứ. Riêu cua con ếch là của nhà nghèo thì nay đã thành đặc sản. Vậy thì ước mơ ngày nay đâu có giống ước mơ xưa.

Có người ước mơ giàu sang, đến đền bà Chúa Kho để vay nghìn cây vàng về xây nhà lầu, nhưng cũng có người như nghệ nhân Nguyễn Dương của Giang Cao Bát Tràng ước mơ làm ra sản phẩm gốm sứ lừng danh thế giới, nhà nghệ sĩ Đinh Quang Thành ước mơ có tấm ảnh đẹp... và nhỏ nhoi như tôi, tôi mơ ước mùa xuân nào cũng được rong du để làm vốn đời mình, loại vốn chẳng hề mang lại giàu sang, nhưng mang lại nhiều tri âm tri kỷ.



Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top