Tản mạn về tác giả quốc kỳ nước ta hiện nay

Hoang Ngoc Hung

New member
Xu
0
Hoàng Ngọc Hùng (tổng thuật)

Quốc kỳ nước CHXHCN Việt Nam còn gọi là Cờ đỏ sao vàng, là lá cờ hình chữ nhật nền đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh giữa. Màu đỏ tượng trưng màu máu, màu vàng là màu da, 5 cánh là sự đoàn kết các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nền cờ đỏ và ngôi sao vàng cũng được tìm thấy trên cờ 2 nước khối xã hội chủ nghĩa: quốc kỳ Trung Quốc (27/9/1949 đến nay) và quốc kỳ Liên Xô (12/11/1923 – 25/12/1991).

***

Năm 1925, khi lập tờ báo Thanh Niên ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã lấy ngôi sao 5 cánh làm biểu tượng. Hình ảnh sao vàng xuất hiện nhiều lần trong thơ bác:

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắtSao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

(Không ngủ được - Nhật ký trong tù - 1942)Cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tại Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, chính thức dùng trong lễ Tuyên bố độc lập, là quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa theo sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh (5/9/45) và được Quốc hội khoá 1 năm 1946 khẳng định lại. Năm 1976, Quốc hội Việt Nam khóa VI đã lấy quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm quốc kỳ của nước CHXHCN Việt Nam với vài thay đổi nhỏ so với mẫu cờ nguyên thủy. Tới nay, 2011, câu hỏi “Ai là tác giả của lá cờ đỏ sao vàng ?” cũng chưa được trả lời.

Trước đây có giả thuyết cho rằng đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được giao nhiệm vụ thể hiện quốc kỳ và mẫu cờ đỏ sao vàng được ban lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ (Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ...) chuẩn y; 23/11/1940, cụ Tiến bị bắt và mất ngày 28/8/1941. Đây là một trong các “dị bản tóm tắt” về “Ông Hai Bắc kỳ” được cho là tác giả cờ đỏ sao vàng của nhà văn Sơn Tùng như sau:
1968, ở chiến trường Đông Nam Bộ, nhà báo Sơn Tùng bị thương và chữa tại bệnh viện Bà Thúy Ban trong rừng. Sơn Tùng nằm cạnh ông Năm Thái và được biết chính ông Năm Thái là người in hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng từ đầu năm 1940, theo bản vẽ từ ông Hai Bắc Kỳ.

Ông Năm Thái cho biết: ông Hai Bắc Kỳ không rõ tên thật là ủy viên xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách cơ quan ấn loát. Ông Hai Bắc Kỳ bị Pháp bắt cùng bà Nguyễn Thị Minh Khai hồi tháng 8/1940 và bị xử bắn tại Hoóc Môn. Sau 75, Sơn Tùng tìm hiểu tung tích ông Hai Bắc Kỳ nhưng phải đến 1976 về Bạc Liêu mới biết ông Hai Bắc Kỳ là thầy giáo Hoài ở ấp Long Điền Tây, vượt ngục từ Côn Đảo về đây, bắt liên lạc với Đảng rồi về Châu Đốc. Tới Châu Đốc, xã Phú Thuận, nhiều người kể về ông Hai Bắc Kỳ nhưng không biết tên thật. Ở văn khố Đà Lạt, qua công văn số 4685S ngày 02/8/40 của mật thám P. Amoux gửi mật thám Đông Dương báo việc bắt được Nguyễn Hữu Tiến. Nguyễn Hữu Tiến là thầy giáo Hoài, Trương Xuân Trinh, tức Hai Bắc Kỳ. Từ câu: “Án chém Hà Nam đã rũ rạch” trong bài thơ ông Hai Bắc Kỳ gởi lại cho anh em trước khi bị xử bắn, nhà văn Sơn Tùng trở về Hà Nam và biết Nguyễn Hữu Tiến quê ở làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, là người sáng lập Đảng bộ Hà Nam, bị án khổ sai, đầy đi Côn Đảo rồi mất tích. (Tạp chí Công nghiệp Tiếp Thị số tháng 9/2005).


Tiếc là nhà văn Sơn Tùng cũng không biết được ông Năm Thái tên thật là gì, quê ở đâu, từng công tác ở đơn vị nào…Khi được hỏi “Ông nghĩ gì khi có người cho rằng cụ Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả lá cờ đỏ sao vàng và một số công trình nghiên cứu cũng không công nhận những gì ông đã nêu ra?”. Nhà văn Sơn Tùng: “Tôi biết thế nào viết thế ấy. Tôi yêu người này và viết về con người này. Còn sự thật lịch sử như thế nào các nhà khoa học cứ tiếp tục làm rõ”. Vậy, các nhà nghiên cứu đã làm rõ tới đâu?


Một bài trên báo điện tử của Đảng CSVN về: “Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp (23/11/1940). Một trong vài tác giả sáng tạo ra lá cờ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh này là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (sinh ngày 5/3/1901 tại Hà Nam, hy sinh ngày 28/8/1941). Trang báo điện tử ghi chú "Cập nhật ngày 10/10/2005”.


Nhà nghiên cứu Trần Giang, chủ nhiệm công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa cho biết hội đồng biên soạn công trình đã thảo luận và kết luận “Thông tin về việc đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đầu tiên vẽ cờ đỏ sao vàng là chưa có căn cứ khoa học xác đáng nên chưa thể đưa vào công trình khoa học này”. Ông Trần Giang cho biết:


• Đ/c Nguyễn Hữu Tiến không có mặt tại hội nghị Tân Hương tháng 7-1940 - hội nghị quyết định về khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có bàn thảo và quyết định về cờ đỏ sao vàng.


• 3 ngày sau hội nghị trên, đ/c Tiến đã bị bắt tại cơ sở in ấn bí mật cùng với nhiều tài liệu. Theo hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp, trong 74 thứ tài liệu thu được trong vụ bắt đ/c Tiến ngày 30.7.1940, không có cờ đỏ sao vàng hoặc vật liệu, dụng cụ liên quan đến việc vẽ và in cờ.


• Đ/c Nguyễn Hữu Tiến bị giam chung nhiều tháng với đ/c Nguyễn Văn Cung và đã kể cho đ/c Cung về nhiều chuyện, nhưng chưa bao giờ kể rằng mình đã vẽ cờ đỏ sao vàng. Cả khi đ/c Cung nói rằng mình đã thấy lá cờ đỏ sao vàng tại phòng tra tấn ở bót Catinat, đ/c Nguyễn Hữu Tiến cũng không nói gì.


Đó là ý kiến và cũng là kết luận của các nhà nghiên cứu và nhân chứng Nam kỳ khởi nghĩa. Đến nay đã có cơ quan chức năng nào đề cập chính thức việc này? Có. Đó là Bộ Văn hóa - Thông tin với công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ VHTT Lưu Trần Tiêu ký ngày 18-4-2001.


Bộ VHTT ra công văn này để phúc đáp tờ trình 207/TTUB ngày 21/3/2001 của UBND tỉnh Hà Nam về việc đề nghị công nhận đ/c Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ nên lá cờ đỏ sao vàng.
Qua công văn này, Bộ VHTT kết luận: “Nói Nguyễn Hữu Tiến tác giả quốc lỳ là không có cơ sở!”. Văn bản ghi rõ: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc”. Do không có cơ sở chứng minh, Bộ VHTT trong văn bản này cũng nói rõ là không thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ ghi nhận công trạng này của đ/c Nguyễn Hữu Tiến.

Mặt khác, một số báo như Ấp Bắc, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động... nhắc tên một nhân vật khác có thể là tác giả cờ đỏ sao vàng: cụ Lê Quang Sô. Đó cũng là cái tên được nhắc đến khá nhiều tại hội thảo về Nam kỳ khởi nghĩa năm 2005 tại Mỹ Tho; một trong các mục đích hội thảo là trả lời câu hỏi: tác giả lá cờ đỏ sao vàng năm 1940 là ai?
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang) trình bày kết quả xác minh nhiều năm của mình như sau:

Đầu năm 1940, đ/c Phan Văn Khỏe (bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, sau này là bí thư Xứ ủy Nam kỳ có trao đổi với đ/c Lê Quang Sô về đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng về một lá cờ Mặt trận, lá cờ đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội. Đ/c Lê Quang Sô đã tham khảo ý kiến với ông Lê Kiến Đức - nhà Nho tiến bộ đã bán đất để góp tiền xây dựng Nam Cường thư xã (nhà sách của đảng bộ Mỹ Tho); cụ Đức nói: “Mỗi nước có cờ của mình, trong đó chứa ý nghĩa của nó như cờ Pháp, cờ Liên Xô, cờ Nhật,…còn mình lấy cái gì làm nội dung đây…”.


Theo cụ Sô: cờ Đảng mình là cờ đỏ búa liềm, nay thêm cờ Mặt trận, nền đỏ phải giữ, bên trong vẽ cái gì thì phải tính. Sau đó đ/c Sô và đ/c Hồ Tri Hạ (đảng viên ở Bà Rịa lánh địch theo đ/c Sô về hoạt động ở Mỹ Tho) mày mò vẽ các kiểu ngôi sao, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng vì thấy đẹp. Ngôi sao được dời đi dời lại mọi chỗ trên lá cờ, cuối cùng chọn đặt ở vị trí giữa cờ. Đ/c Văn Khỏe đồng ý với mẫu phác thảo...bấy giờ khoảng tháng 4-1940.


Đến 7-1940, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ ở Tân Hương họp và quyết nghị nhiều vấn đề liên quan đến cuộc khởi nghĩa như hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu, các chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh, nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, 5 cánh sao tượng trưng cho tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đoàn kết, màu vàng có ý nghĩa là màu dân tộc. Cỡ lá cờ được sơ bộ qui định: cờ chữ nhật, bề dài bằng 1,5 bề ngang, ngôi sao 5 cánh bằng 1/3 bề dài lá cờ và đặt ở trung tâm. Riêng cánh sao không qui định cụ thể, hình bầu hay nhọn đều được.


Như vậy, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tháng 7-1940 ở Tân Hương đã chấp nhận phác thảo lá cờ do Tỉnh ủy Mỹ Tho đề nghị làm quốc kỳ của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc”.


Ô Lê Minh Đức (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang) xác định đ/c Lê Quang Sô đã thiết kế cờ đỏ sao vàng dựa vào:


• Hồi ký của các đồng chí tập kết ra Bắc năm 1954 (do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương tổ chức viết từ năm 1960-1972)


• Lời kể của các nhân chứng lịch sử còn sống sau Nam kỳ khởi nghĩa.


• Hồi ký năm 1968 của cụ Lê Quang Sô về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình (các nội dung liên quan đến việc vẽ cờ đỏ sao vàng chưa được chi tiết).
Sau khi nghe nhiều ý kiến trình bày, ông Trần Hoàng Diệu - trưởng Ban tuyên giáo, Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang có kết luận bước đầu: người thiết kế cờ đỏ sao vàng là đ/c Lê Quang Sô từ ý tưởng của nhiều người, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam kỳ.

Ông Huỳnh Văn Niềm - nguyên bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang nhấn mạnh: “Theo tôi và các đồng chí của mình, hồi ký của đ/c Lê Quang Sô viết trong thời cải cách ruộng đất, viết ở miền Bắc, theo gợi ý của trung ương thì khó có thể viết sai được”.


Cụ Lê Quang Sô tên thật là Lê Văn Sô, bí danh Hai Sô hay Hai Ớt (viết tắt của S, cách đọc Nam Bộ) sinh ngày 7-7-1894, quê xã Lương Hoà Lạc, Chợ Gạo, Mỹ Tho, nay là xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Hoạt động cách mạng sớm, là trí thức Nho học và biết tiếng Pháp. Ông đã đi Trung Quốc năm 1927, từng gặp Phan Bội Châu, ở tù Côn Đảo cùng với Ngô Gia Tự, Trần Văn Giàu, Lư Sanh Hạnh... Khi ra tù, Tỉnh ủy Mỹ Tho giao mở 3 lớp đào tạo cán bộ (1937-1939). Cụ Sô cũng dịch quyển Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh của Trung Quốc và in 500 quyển phổ biến các nơi trước ngày khởi nghĩa. Tỉnh ủy Tiền Giang (kết luận): tác giả quốc kỳ chính là ông Lê Quang Sô!.


Từ tháng 12-2004 con trai cụ Sô là ông Lê Vũ Lang đã công bố "Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng". Ông Lê Vũ Lang sinh năm 1920, thời Nam kỳ khởi nghĩa ông tròn 20 tuổi, sau đó ra Bắc và trở thành cán bộ Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. "Tờ khai" của ông có nội dung như sau:


Đầu 1939, cha tôi là Lê Văn Sô (Lê Quang Sô) cùng với ông Hồ Tri Hạ (lớn hơn tôi trên 10 tuổi) loay hoay vẽ thử lá cờ có ngôi sao 5 cánh. Lúc đầu vẽ dưới đất, ngôi sao ở góc trên trái. Khoảng tháng 8-1939, cha tôi sai tôi đi chợ mua 2 tờ giấy hồng đơn màu đỏ và vẽ lên đó ngôi sao bằng bút chì, rồi lấy vôi xoa vào làm ngôi sao trắng, rồi lại bôi đi, thay vị trí ngôi sao, cuối cùng để ở chính giữa. Cuối tháng 8 năm đó, đồng chí Thẹo ghé hỏi: có gì mới không? Cha tôi trả lời “Chỉ xong cờ đỏ có ngôi sao, nhưng chưa ưng ý lắm”. Đồng chí Thẹo sau này tôi mới biết rõ tên là Phan Văn Khỏe - bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, thường vụ Xứ ủy Nam kỳ.


Tháng 4-1940, đồng chí Thẹo ghé nhà kiếm cha tôi vào buổi trưa trời nắng chang chang và ngồi nói chuyện rất lâu. Khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Thẹo cùng với cha tôi thức dậy đi đâu không rõ. Khi trở về, cha tôi sai tôi in cho ông các loại truyền đơn có nội dung hiệu triệu các nơi ủng hộ tài chính cho cách mạng. Các tờ truyền đơn này đều có vẽ ngôi sao năm cánh.


Đến tháng 7-1940, cha tôi lại sai tôi đi chợ mua giấy hồng đơn màu đỏ và màu vàng. Hồi đó, cả Đạo Thạnh chỉ gia đình tôi là có xe đạp. Tôi đạp xe ra chợ Vĩnh Kim mua cho cha 3 tờ giấy hồng đơn, 2 tờ màu đỏ, 1 tờ màu vàng. Ông Hồ Tri Hạ đã vẽ hình ngôi sao lên giấy vàng và cắt theo đường chì vẽ, sau đó để lên tờ giấy màu đỏ, xoay tới xoay lui cho cha tôi coi. Cha tôi ưng ý để ngôi sao ở giữa và kêu tôi dán vào. Sau đó, cha tôi đem lá cờ giấy có nền đỏ sao vàng đi đâu không rõ. Khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi và sau này Đảng và Nhà nước lấy làm cờ Tổ quốc. Cha tôi nói với tôi rằng thật ra ý tưởng về một lá quốc kỳ đã hình thành từ khi ông ở tù cùng với đồng chí Ngô Gia Tự ở Côn Lôn từ năm 1931-1936. Trong thời gian này, ông học tiếng Pháp của Ngô Gia Tự và dạy lại Ngô Gia Tự chữ Nho. Đồng chí Ngô Gia Tự cho rằng cách mạng Việt Nam cần có một ngọn cờ riêng để tập họp thêm đông đảo lực lượng quần chúng, mặc dù trong chi bộ nhà tù chưa có ai hình dung lá cờ như thế nào…


Dựa vào các hồi ký, kể cả hồi ký của cụ Lê Quang Sô và lời kể của con trai để khẳng định "Lê Quang Sô là tác giả quốc kỳ" có lẽ chắc chắn hơn lời kể của ông Năm Thái về "tác giả Nguyễn Hữu Tiến". Nhưng liệu những tư liệu đó có đầy đủ giá trị và cơ sở khoa học để kết luận về một vấn đề lịch sử quan trọng hay không? Bởi sau khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp dã man và khủng bố tàn bạo trên diện rộng nên đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy biên bản và nghị quyết hội nghị Tân Hương tháng 7-1940, hội nghị Bến Lức tháng 4-1940...; vì vậy, Hội đồng biên soạn công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa vẫn thận trọng kết luận về tác giả cờ đỏ sao vàng.


Chủ nhiệm công trình, nhà nghiên cứu Trần Giang, cho biết: “Hội đồng đã trao đổi về tài liệu do tỉnh Tiền Giang cung cấp, trong đó nêu đồng chí Lê Quang Sô là người vẽ cờ đỏ sao vàng. Nhưng hội đồng cho rằng đó là hồi ký, chưa đủ căn cứ khoa học để kết luận”.


Theo viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, TS Nguyễn Trọng Phúc: “.....có một vấn đề chung cần thống nhất: lá cờ đỏ sao vàng là từ chủ trương của Đảng, là biểu tượng của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nói chủ trương của Đảng là nói chung, nhưng trực tiếp xây dựng lá cờ là Xứ ủy Nam kỳ. Và thực tế đồng chí Khỏe, đồng chí Tiến và một số đồng chí nữa đều tham gia Xứ ủy Nam kỳ. Do đó có thể kết luận lá cờ đỏ sao vàng là do các đồng chí Xứ ủy Nam kỳ trực tiếp xây dựng, ý tưởng và kết quả công trình cờ đỏ sao vàng là của tập thể chứ không phải của cá nhân nào...


THAM KHẢO:


1. Bộ Văn hóa - Thông tin: Công văn số 1393/VHTT-BTCM ngày 18.4.2001.

2. Tạp chí Lịch Sử Quân Sự (số 5-2002)

3. Tạp chí Công nghiệp Tiếp Thị (tháng 9/05)

4. Bùi Thanh: “Nguyễn Hữu Tiến hay là Lê Quang Sô” (Tuổi Trẻ: 22/11/2006).

1. Lê Quang Đào: “Nguyễn Hữu Tiến không phải là...”

(Tạp chí Hồn Việt tháng 12/2009)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top