- Xu
- 458
TẢN MẠN MÙA XUÂN HÀ NỘI
Trong công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu hiện nay, cùng với những chuyển biến mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... thì các loại hình nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian...) đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân - vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa cố gắng bắt kịp những tinh hoa của các nền nghệ thuật tiên tiến, hiện đại thế giới.
View attachment 11885
Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận... Có thể, với lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay, ấn tượng của họ về nghệ thuật nói chung, mang một màu sắc hiện đại, mới mẻ hơn trong cơ chế bùng nổ của kinh tế thị trường ầm ã, xô bồ đến chóng mặt, mà không khéo, có lúc, mình không còn là mình nữa. Nhưng rõ ràng, từ sau hòa bình lập lại, 1954 đến nay - nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam đã thực sự hấp dẫn, cuốn hút, làm sống dậy và vẫy gọi khát vọng say mê cuộc sống, niềm tin và cả tình yêu của con người. Vì thế, có thể nói, dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng - suốt trên nửa thế kỷ qua - các loại hình nghệ thuật đương đại đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường văn hóa, văn nghệ của dân tộc Việt Nam...
Có những buổi tối giao thời từ mùa đông heo may sương mù giăng lãng đãng nào đó, thả bộ thong dong qua một góc phố cổ của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến khi mùa xuân gió mới đã về. Bất chợt, nghe một tiếng đàn dương cầm từ một ô cửa sổ xa lạ sáng đèn, chợt khẽ khàng dừng lại và ngước nhìn lên... ta bỗng thấy thanh thản đến lạ lùng, bởi những âm thanh kia như làm cho mình trong sạch hơn lên, đánh thức dậy không biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ đã đi qua của cả một đời người... Và rồi, như nghẹn thở, ta muốn chạy như bay về nhà để chép vội một tứ thơ chợt đến, ghi nhanh một trang viết gì đó cho thỏa lòng mình; cầm lấy bút vẽ phác vu vơ một đường nét, sắc màu hư ảo; mở một trang sách hay từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây để đọc và suy ngẫm... Vâng, chính văn học - nghệ thuật đã làm cháy bùng lên cảm giác và hoài niệm về tuổi thơ. Về những bông cúc vàng rực mùa thu. Những dạt dào sóng biển trắng xóa của mùa hè. Những dẫy cây cơm nguội chọc trời cao im xé. Những cây bàng khẳng khiu thay lá đỏ vào đông. Những nhành hoa lan, hoa đào, hoa mai đón nàng xuân đến; cũng như gọi dậy trong ta những mơ ước, khát vọng tốt đẹp của con người. Văn học - Nghệ thuật (mà ta thường hay gọi bằng cụm từ Văn nghệ) luôn gắn bó hữu cơ, mật thiết với nhau, nó là không thể tách rời, là sự bổ sung cho nhau trong quá trình sáng tạo một tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Chắc chắn, không một nhà văn nào lại không yêu thích một loại hình nghệ thuật nào đó; và ngược lại, không một nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, âm nhạc... nào lại không yêu thích một vần thơ hay một trang truyện ngắn, tiểu thuyết từ trong nước hay của nước ngoài. Văn dĩ tải đạo, văn học là cái gốc, văn học là nhân học, văn học là tấm gương soi của cả một dân tộc. Mọi sự so sánh đều khập khiễng - nhưng người ta vẫn ví von rằng văn học như một cây đại thụ mạnh mẽ, vững chắc - để từ đó các nhánh nghệ thuật nẩy lộc, đơm chồi, nở hoa kết trái cho đời. Không phải là ngày hôm nay, mà ngay từ ngàn xưa, khi trong quá trình con người đã sáng tạo ra văn học - nghệ thuật; chúng ta vẫn cho rằng đó là tiếng nói diệu huyền của tình cảm, của trái tim. Đó không chỉ là niềm vui, nỗi buồn, hay khát vọng của mỗi cá nhân tồn tại trên thế gian này, mà văn học - nghệ thuật, còn là tấm gương phản chiếu hiện thực của đất nước; là tiếng đồng vọng của tâm hồn cả một dân tộc; là khúc quân hành vẫy gọi chúng ta dựng xây và giữ gìn Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!
Vậy mà hôm nay, giữa cuộc sống với cơ chế thị trường bùng nổ, ầm ã, xô bồ đến chóng mặt... mà không khéo, có khi mình không còn là mình nữa - bởi phố cổ không còn thực sự là phố cổ - khi hàng ăn, quán xá, chợ cóc, chợ tạm, xe đạp, xe máy, ô tô chen lấn, xâm chiếm cả lòng đường vỉa hè, hàng hóa trăm ngàn chủng loại Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Hàn, Thái... treo ngất ngưởng và kín mít từ tầng cao xuống đến tầng thấp - thì mỗi một con người làm sao có thể thanh thản và bình yên được; chưa kể nạn ùn tắc và tai nạn giao thông luôn thường trực, canh cánh, lửng lơ trước mắt mình... Cuộc sống vật chất thời hiện đại bao giờ cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng mỗi một chúng ta hãy luôn cố gắng gìn giữ trong trái tim mình một nét tâm hồn của người Việt Nam thanh sạch, cao thượng, cho con người và vì con người. Vâng. Hình như, đó cũng là một nét đẹp của Văn học - Nghệ thuật thời hội nhập toàn cầu. Bởi, nghĩ cho cùng, mỗi một văn nghệ sĩ - chắc chắn, phải đặt quyền lợi của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết và trước hết - để mỗi mùa xuân đến, mỗi sáng tạo của mỗi chúng ta ngày càng làm cho cuộc sống này ấm no, đẹp đẽ, tự do và hạnh phúc hơn lên!
Tuy nhiên, thời gian qua, ngoài những thành tựu to lớn mà nền nghệ thuật nước nhà đã gặt hái được, nếu tự nhìn lại mình một cách công bằng và khách quan; chúng ta vẫn nhận rõ không ít tồn tại cả khách quan và chủ quan của nó - trong quá trình tìm tòi, sáng tạo để làm nên những tác phẩm thật sự mang lại hiệu quả nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao - đáp ứng được sự đón nhận của công chúng. Đó cũng là lẽ thường tình - bởi nghệ thuật là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống - đòi hỏi sự tìm tòi liên tục, bền bỉ, dẻo dai của nhiều thế hệ - để làm phong phú, đa dạng thêm các khuynh hướng sáng tạo cá nhân của mỗi người nghệ sĩ... Đã qua trên một thập kỷ đầu thế kỷ XXI đến nay, trong cơ chế thị trường; các loại hình nghệ thuật đều nằm trong một cơn khủng hoảng tất yếu; trước sự tấn công ồ ạt của phim ảnh, ca nhạc ngoại, băng hình sex, video, vũ trường, mạng internet... và cả sự bùng nổ các loại sốp, mếch, nhà hàng lan tràn, đông đúc và không kém phần cuốn hút - nhất là với thế hệ trẻ. Nhưng rõ ràng, nếu khách quan, công bằng và bình tĩnh nhìn lại; chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tự tin để khẳng định rằng - nghệ thuật đương đại Việt Nam, như những ngọn lửa diệu kỳ - sẽ tiếp tục bừng lên và cháy sáng với những bước phát triển mới, kể từ mùa xuân mới - Mùa xuân Quý Tỵ 2013; để bước vào năm thứ mười ba của một thế kỷ mới, hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước và hội nhập toàn toàn cầu!
NHN