Tài ứng đối của người xưa

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Mình mở đề tài này với mong muốn sưu tập những giai thoại về tài năng ứng đối của người xưa. Bạn nào có giai thoại hay thì chia sẻ cùng mọi người nha.


MỘT VẾ ĐỐI LÀM THÔNG ĐƯỜNG ĐÓN DÂU

Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867) là một nhà thơ nổi tiếng của đất Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũ. Từ nhỏ ông đã được xem là một thần đồng. Lớn lên, với tài văn thơ, ông trở thành người bạn tâm đắc của Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương, nổi tiếng một thời ở kinh đô Huế.

Ở vùng Quảng Trạch, ông là bậc kì tài, có lắm người kính nể, nhưng cũng không ít kẻ ghét ghen. Từ bọn li dịch ở địa phương cho đến quan nha ở trên huyện, có nhiều kẻ ấm ức, muốn tìm cơ hội để "hạ bệ" ông, nhưng chưa một lần chúng thắng cuộc. Những người mộ tài ông cũng cố tìm dịp để thử tài, khẳng định thêm một lần nữa lòng tin yêu và ngưỡng mộ của họ là đúng đắn.

Ngày ấy, có một chàng trai làng Trung Ái (nay là Trung Thuần) cưới một cô vợ người làng Phan Long (tức là Ba Đồn). Trung Ái là quê của Nguyễn Hàm Ninh, còn Phan Long là phố huyện, có lắm học trò giỏi. Người Phan Long biết trong đám người đi đón dâu có cả Nguyễn Hàm Ninh. Họ liền bày một hương án chắn ngang đường vào làng, đoạn ở đầu cầu Kênh Kịa. Trên hương án có đặt một vế câu đối nôm, với điều kiện nếu họ nhà trai không đối được thì nhất định không cho qua cầu đón dâu về.

Vế ra là :

Chân dậm, tay mò bỏn hói Kịa.


Bỏn là cá thờn bơn, mình dẹp như lá đa, có nhiều ở con ngòi nước mặn (người miền Trung gọi là hói) chảy dưới cầu Kênh Kịa. Từ cái ý thực ấy nẩy sinh cái ý lỡm, ám chỉ việc người con trai về đất này tìm vợ.

Đám người đi đón dâu còn lại ở đầu cầu, ngơ ngác, lúng túng nhìn nhau, chưa biết xử trí thế nào thì Nguyễn Hàm Ninh vượt lên, ứng khẩu tức thì :

Má kề, miệng ngậm bống Khe Giang.


Vế đối hợp cả ý thực lẫn ý lỡm. Khe Giang là con suối lớn chảy qua phía cuối làng Trung Ái, có nhiều cá bống nước ngọt. Còn ý lỡm đối lại cũng rất đạt, nói bóng gió chỉ việc người con gái về lấy chồng ở đất Khe Giang.

Hai vế của câu đối thật là đẹp, đẹp lời, đẹp ý và đẹp cả tình người. Dĩ nhiên sau đó người Phan Long vội vàng dẹp hương án, để họ nhà trai tiếp tục cái công việc trọng đại của họ là rước dâu về.

Người vui sướng nhất sau sự việc nói trên đương nhiên là cô dâu và chú rể. Sau họ là hàng trăm hàng ngàn người mến mộ văn chương phục tài Nguyễn Hàm Ninh, mê say một thể loại văn học đặc sắc của dân tộc.

Chỉ tiếc một điều là vế ra của câu đối này là ai, đến nay vẫn chưa rõ !.

Sưu tầm.
 
Nhà Nho Làm Câu đối đám Cưới

Dưới triều vua Tự Đức 24 (1871) trong một đám cưới nọ quan khách xúm lại xem đôi câu đối mừng:

Oanh đề phượng ngữ nghênh xuân trướng
Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình


Có nghĩa là:

Trướng xuân đón, phượng kêu, oanh hót

Bức bình phong gấm lay động, nhạn múa loan bay.

Ai cũng tấm tắc khen hay. Ông khách có câu đối mừng đó khoe với mọi người:

- "Tôi xin chữ của cụ Tam nguyên Yên Đổ - nhưng đây mới là cây đối "hạng hàng". Hôm ấy tức quá, trong túi chỉ có 3 quan tiền để tạ, chứ "hạng thửa" những 5 quan kia!".

Câu đối "hạng hàng" còn hay thế. "Hạng thửa" còn hay biết chừng nào!

Nghĩ thế, mấy người say máu văn chương liền có sáng kiến góp đủ 5 quan tiền rồi cử ngay ông khách kia đến xin cụ Tam Nguyên câu đối "thửa" về mừng đám cưới để thưởng thức chung!

- Thấy ông khách trình bày, cụ Tam Nguyên cười:

- "Khổ quá! Ta đùa mà bác tưởng thật ư? Lấy đâu ra câu đối hạng thửa bây giờ?"

Ông khách cứ nằn nì. Ngẫm nghĩ một lát, cụ Tam Nguyên tủm tỉm cười:

- Thôi được ta cho câu hạng thửa vậy!

Cụ viết:

Bình gấm phất phơ loan múa nhạn
Trướng xuân nghiêng ngửa phượng đề oanh



Thì ra cụ Tam Nguyên chỉ đọc ngược hai vế câu đối trước! Đặc biệt hai chữ "múa" và "đề" đọc theo giọng hơi bè tiếng địa phương thành ra "mó" và "đè".

"Loan mó nhạn, phượng đè oanh" thật quả là "rất đám cưới".


Theo VNN
 
Vế Câu đối Hào Hùng Của Danh Sĩ Ngô Thời Nhiệm

Ngô Thời Nhiệm ( hoặc Ngô Thị Nhậm) là danh triều Sơn Tây. Ông là con của danh nho Ngô Thì Sĩ, sinh năm 1746, mất năm 1803. Được tiến cử cho Nguyễn Huệ ( năm 1786) và trở thành một từ thần và cũng là bậc quân sự góp phần đắc lực trong cuộc kháng chiến chống Thanh. Sau khi chiến tranh chấm dứt ( 1789), ông thay mặt vua Quang Trung dùng tài văn thiệp để giao thiệp với nhà Thanh. Nhờ ngoại giao của ông mà nước ta tránh được một cuộc kháng chiến tranh khác với Mãn Thanh.

Khi nhà Tây Sơn mất cơ nghiệp, ông bị bắt giải về Thuận Hóa, sau bị đưa ra Thăng Long, chịu cực hình mà chết. Nhưng ông đã để lại một vế đối lưu truyền mãi tới nay làm xúc động lòng người.

Tục truyền rằng khi Ngô Thời Nhiệm sắp ra làm quan triều Tây Sơn thì Đặng Trần Thường đến gặp ông để nhờ ông tiến dẫn. Nhưng lúc đó ông chưa chính thức ra làm quan vả lại nghe khẩu khí kém cỏi của Trần Thường ông không tiếp mà thường mỉa mai. Ông suy nghĩ nhiều và sau đó quyết định dứt khoát theo Tây Sơn, còn Đặng Trần Thường thì bỏ vào Gia Định theo Nguyễn Ánh. Hai mươi năm sau, Thường theo Nguyễn Ánh lật đổ triều Tây Sơn. Thường cầm quân đến bắt Ngô Thời Nhiệm, Thường nói.

Ông còn nhớ việc 20 năm trước chăng! Bây giờ là thân phận kẻ tù, ông còn tìm cách chống lại Thái tổ Gia Long nữa không. Và Đặng Trần Thường kiêu căng đọc một vế câu đối đã chuẩn bị trước và chắc mẩm trong bụng là đối phương khó có thể đối lại được, Thường đọc.

“ Ai công hầu , ai khanh tướng, kiếp trần ai, ai đã biết ai”.

Vế đối hiểm hóc vì 5 chữ ai và có chữ Trần là tên đệm của Thường.

Ngô Thời Nhiệm lập tức đáp lại.

“ Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

Vế đối cũng 5 chữ thế nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ Thời tên đệm của Ngô Thời Nhiệm, vế đối cực kỳ đối chọi không kém một ly. Quả là lời lẽ và tục ngữ của bậc quốc sĩ.

Nguồn:Tủ sách VHDG
 
Câu đối Mãi Mãi Bất Hủ

Vào một ngày đẹp trời, cách đây 150 năm, danh sĩ Cao Bá Quát đến thăm đền thờ Phù Đổng Thiên Vương tại làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Đứng trước ngôi đền thờ uy nghiêm, Cao Bá Quát xúc động trước ý trí kiên cường, anh hùng vô song của cậu bé Gióng, mới ba tuổi đã vùng lên đánh đuổi kẻ thù. Ông đã hình dùng ra khí thế vô cùng dũng mãnh của Phù Đổng khi Người vươn vai đứng dậy, nhảy lên ngựa sắt phá tan quân giặc, giết cả Ân Vương của giặc và huy hoàng biết bao khi Người bay lên trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ đất nước. Bất giác Cao Bá Quát đã xuất thần và thốt lên đôi câu đối:

Phá giặc dã hiềm tam tuế vãn
Đằng vân do hận cửu thiên đê.


Nghĩa:

Phá giặc còn hiềm ba tuổi đã muộn
Bay lên còn hận chín trời thấp.

Đã trả qua hơn 150 năm, song câu đối ấy vẫn cao vời vợi chưa một ai làm được đôi câu đối như vậy.

Sưu tầm.
 
Câu đối Khóc Con Của Cụ Tam Nguyên Yên đổ

Cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến sau khi từ quan Tổng Đốc Sơn – Hưng – Tuyên, về sống với ruộng vườn tại quê hương. Cụ dày công dạy dỗ hàng ngàn học trò, trong đó có nhiều người thành đạt. Mặt khác cụ đã bỏ nhiều công sức để dạy dỗ con cháu. Trong số những người con của cụ có một người con trai đỗ đạt cao. Song không may người đó chết sớm. Cụ Tam Nguyên vô cùng đau xót và làm câu đối khóc con:

Ngàn năm bia đá bảng vàng tiếc thay người ấy!
Trăm tuổi đầu râu tóc khổ lắm con ơi!


Câu đối đã nói được rất nhiều. Vế hàm ý như một người ngoài xã hội tiếc thương một người đã thành danh, vế đối sau để nói tới nỗi đau buồn vô hạn của người cha đã già mà phải chứng kiến và trải qua cảnh “ Lá vàng còn ở trên cây – Lá xanh đã rụng một ngày thê lương”.

Đôi câu đối như một tiếng kêu xé lòng đứt ruột của người cha già đầu tóc bạc phơ trước cái chết của đứa con trai yêu quý mà mình gửi gắm biết bao hy vọng.

Hàng trăm năm nay, đôi câu đối vẫn làm mọi người cảm động đến tận đáy lòng.

Nguồn Tủ sách DG
 
Quan đốc Học Thăng Long Vẫn Phải Ban Thưởng Cho Kẻ Xấc Xược

Cao Bá Quát tới Thăng Long đúng vào kỳ bình văn ở phủ Đốc học. Ngài là vị đại khoa nên có nhiều sinh đồ giỏi giang. Cao cũng đến dự nhưng mỗi khi nghe thấy câu văn nào không vừa ý cậu liền lắc đầu, bịt mũi. Quân lính cho là vô lễ nên bắt nộp quan Đốc.

Quan Đốc hỏi Cao là học trò của ai thì Cao nói. “ Là họ trò ông Chu, ông Trình”, với giọng ngông nghênh do đó quan Đốc tức giận nói.

Người là học trò, ta ra một vế câu đối, nếu đối được ta tha. Còn không đối được ta sẽ sai người đánh cho ba chục roi. Vế đối như sau:

Nhĩ thiểu sinh, hà sứ đắc lai, cảm thuyết Trình, Chu sự nghiệp.

Nghĩa là : Chú trò nhỏ ở đâu đến đây mà dám nói đến sự nghiệp của ông Trình, ông Chu.

Cao nghĩ giây lát rồi đối ngay.

Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân.

Nghĩa : Ta là bậc quân tử, thấy cơ mà dấy, muốn cho vua, dân trở thành vua dân thời Nghiêu Thuấn.

Tuy vẫn xấc xược nhưng đã chứng tỏ được tài năng và chí lớn. Cao Bá Quát đã được quan cảm mến và tha tội, ban thưởng cho.

Theo VHTT
 
Hạ Nhục Quan Tri Huyện

Ông tên là Nguyễn Văn Xiển, người xã Hoằng Bột, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sau di cư tới làng Lược, xã Thọ Minh huyện Thọ Xuân, nên người ta gọi ông là Xiển Bột ( quê xã Hoằng Bột). Do tính ngồ ngộ, ngang tàng nên mọi người còn gọi ông là Xiển Ngộ.

Xiển Bột khinh thường bọn quan lại, khi tri huyện Lê Kim Thằng về hành hạt ở địa phương. Xiển Bột mặc một chiếc áo dài đỏ và cố ý chạy lăng xăng trước mặt, viên quan huyện thấy thế liền ra câu đối bắt Xiển đối lại.

Tên tri huyện đối : Áo đỏ quét cứt trâu.

Xiển đối lại : Lọng xanh che đít ngựa.


Viên tri huyện rất giận vì Xiển ngộ ám chỉ đầu quan là đít ngựa, và hắn lại ra câu đối hiểm hóc hơn.

Học trò là học trò con, tóc đỏ như son là con học trò.

Xiển đối lại:

Tri huyện là tri huyện thằng, ăn nói lằng nhằng là thằng tri huyện.

Đối xong, Xiển Ngộ chạy. Viên tri huyện sai người đuổi theo, nhưng Xiển Ngộ đã biến vào một ngõ ngách trong làng, lính không còn cách nào bắt được. Hôm ấy, mọi người rất hả dạ vị Xiển đã thay mặt họ đả kích lại một cách trực diện.

Nguồn TSDG
 
Người Coi Thường Cả đế Vương

Nhà Nguyễn thối nát, đàn áp nông dân và nạn đói liên tiếp xảy ra. Do đó Cao Bá Quát đã tôn Lê Duy Cực ( dòng dõi vua Lê) làm minh chủ, tiến hành khởi nghĩa. Vì lực lượng yếu nên bị quân triều đình bao vây. Cao Bá Quát bị bắt ở Sơn Tây và giải về Hà Nội để xử tử. Trong tù ông đã làm đôi câu đối.

Một chiếc cùm lim chân thành đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương.


Đôi câu đối rất lạ, rất hay và nổi tiếng vì biểu hiện lòng dũng cảm, sự ung dung và coi thường cả Đế lẫn Vương. Khi bị đưa ra pháp trường Cao vẫn tươi cười và ứng khẩu đọc đôi câu đối tỏ rõ khí phách vô cùng hiên ngang, anh hùng, coi cái chết là chuyện thường, thậm trí như trò đùa. Câu đối như sau:

Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.


Những vế đối của ông đã đối nhau rất chuẩn: Một chiếc đối với bước thì vương. Ba hồi đối với một nhát, mồ cha kiếp đối với bỏ mẹ đời.

Theo VHDG
 
Những vế đối của ông đã đối nhau rất chuẩn: Một chiếc đối với bước thì vương. Ba hồi đối với một nhát, mồ cha kiếp đối với bỏ mẹ đời.

Mình xin phép được đính chính chỗ này một chút, phải là: Một chiếc cùm đối với Ba vòng sắt, Chân thành đế đối với bước thì vương, ba hồi trống đối với một nhát gươm, mồ cha kiếp đối với bỏ mẹ đời. Không biết chính xác chưa? :rolleyes:

Lời riêng: theo mình đã là tử tội được mang ra pháp trường thì không còn đường lựa chọn rồi, có hiên ngang bất khuất hay lạy lục van xin cũng chết mà thôi. Vì vậy nếu là mình cũng vẫn chọn cách này, cho dù văn thơ không được lai láng lắm :p
 
Nhờ Câu đối Mà Trở Thành Hoàng Hậu

Người đó là Nguyễn Thị Ngọc Hằng, quê ở Thanh Hóa. Hoàng tử Lê Tư Thành không được ở trong cung mà ở quê Thanh Hóa với mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao.

Một hôm Tư Thành dạo chơi bên bờ sông Tông Sơn. Cảm mến vì cảnh đẹp thiên nhiên và cả vì sắc đẹp của một cô gái đang vo gạo dưới bến, Tư Thành đọc một vế câu đối.

Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…

Câu đối bỏ lửng rất tình tứ, ngỏ ý một cách kín đáo, úp mở. Cô gái Tống Sơn đang vo gạo lại là cô gái có tài. Cô đã đủng đỉnh đối lại.

Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đó hãy lo cho…

Câu đối ngụ ý cho phép hy vọng nhưng lại khéo léo nhắc người con trai lo việc đời trước khi lo chuyện tình duyên.

Tư Thành lấy làm mến phục. Khi Tư Thành lên ngôi, cô gái trở thành hoàng hậu.

Lê Tư Thành tức là vua Lê Thánh Tông là một ông vua có tài văn chương và trị nước xuất sắc một phần cũng là do có người vợ hiền thục.

Sưu tầm.
 
Câu đối Khẩu Khí Của Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ có tên là Củng, biệt hiệu là Hy Văn. Ông là con của Giải nguyên Nguyễn Tân. Năm Củng 11 tuổi, gia đình ăn tết ở Vị Hoàng được mẹ mừng tuổi cho một quan tiền. Củng xuống trại lính để chơi đáo, cuối cùng cậu thua hết số tiền. Trắng tay mà cậu cũng không tỏ ra buồn phiền. Người chỉ huy trại lính thấy vậy liền hỏi được thua thế nào cậu liền đọc.

Tưởng chơi đôi chữ cho hay vậy
Ai ngỡ nên quan đã sướng chưa.


Từ chữ ở đây có hai nghĩa vừa có nghĩa là chữ tiền đồng vì mười chữ là một tiền, mười tiền là một quan. Còn một chữ nữa là chữ nghĩa, chữ viết. Từ quan cũng có hai nghĩa vừa là quan tiền vừa là quan lại, quan chức.

Ý của câu đối là “ tưởng chỉ chơi đáo thua được vài chữ, ai ngờ thua cả một quan tiền”. Còn một ý nữa là chỉ biết đôi ba chữ mà được “nên quan”. Từ chương ngắn gọn mà đỗ đạt cao.

Mọi người nghe cậu đọc xong liền cho rằng hoài bão, khẩu khí của cậu Củng bắt đầu bộc lộ và sau này ắt sẽ thi đậu và làm quan.

Sưu tầm.
 
Bắt Bẻ Cả Câu đối ở điện Nhà Vua

Tại điện Cần Chánh, kinh đô Huế có câu đối.

Tử năng thừa phụ nghiệp
Thần khả báo quân ân.


Nghĩa: Con hay nối nghiệp cha
Tôi khả báo ơn vua.


Đôi câu đối đúng chữ của thánh hiền và có ý nhắc nhở mọi người phải cố gắng để giữ trọn đạo Quân – Thần, Phụ - Tử. Vua quan triều Nguyễn đều tấm tắc khen ngợi ý nghĩa thâm thúy của câu đôi câu đối.

Một hôm, Cao Bá Quát đã đề vào bên cạnh của câu đối một dòng chữ như sau.

Tối hảo ! Tối hảo ! Cương thường điên đảo ! Chúng thường điên đảo!

Nghĩa : Hay quá ! Hay quá ! Cương thường đảo lộn! Cương thường đảo lộn!

Tự Đức cho gọi Cao vào cật vấn. Cao trả lời:

Muôn tâu! Theo trật tự chữ nghĩa trong đôi câu đối thì chữ tử là con đã đứng trước chữ phụ là cha. Chữ thần là bầy tôi lại ở trên chữ quân là vua. Cứ nhìn kỹ thì chẳng hóa ra bậc thiên tử lại bị đẩy xuống cuối cùng sau tất cả mọi thần dân hay sao?

Tự Đức cũng hiểu ý vặn vẹo xỏ xiên của Cao do đó đã bắt Cao chữa lại, nếu không chữa được thì không biết sẽ bị khép vào tội gì. Song Cao Bá Quát đã ung dung chửi lại như sau.

Quân dân, thần khả báo
Phụ nghiệp, tử năng thừa.


Không thêm không bớt chữ nào mà chỉ là thay đổi vị trí của chữ mà đã thành câu đối theo ý bắt bẻ của mình hơn nên lại cứng cáp hơn câu đối cũ.

Vua Tự Đức và các quan đều rất phục tài năng của họ Cao.

Theo TSDG
 
đối Giỏi Không Phải đắp đường

Hồi còn nhỏ, ông Bảng Bòng nhà nghèo, phải gọi ra đắp đường. Vì sức yếu nên có làm cẩn thận vẫn bị bọn lính canh hạch sách và đánh đập. Ông kêu ro và ông huyện Phú Thị đi coi đường, qua đây, dừng lại hỏi duyên cớ làm sao. Ông Bảng Bòng trình bày.

Tôi là học trò, sức yếu mà các anh ấy cứ đánh.

Bẩm quan lớn, nó cứ vừa làm vừa nghịch bé bằng cái mắt muỗi mà lại ương. Học trò gì nó.

Ông huyện mắng bọn lính và bảo.

Anh đã nhận là học trò, ta ra cho anh một câu đối. Nếu không đối được, ta sẽ nọc ra đánh 50 chục roi !

Bẩm vâng. Nhưng tôi đối được thì sao?

Thì ta tha cho không phải đắp đường.

Ông huyện nói.

Hãy nghe cho rõ vế đối nhé.

Ông huyện Thị sức đắp đường Bòng, buổi hồng thủy muôn dân trông cậy.

(Vế ra có 4 loại quả : thị, bòng, hồng, cậy).

Ông Bảng Bòng đối ngay.

Thằng bé quýt rắp mong Bảng nhãn, tranh đỗ đầu thiên hạ mới cam.

( Vế đối cũng có 4 loại cây. Quýt, nhãn, đỗ, cam)

Vế đối rất chuẩn mà lại có chí khí. Ông Huyện không ngớt lời khen ngợi và nói.

Thằng bé này ngày sau hơn ta nhiều.

Và ông Huyện thưởng cho ít tiền rồi cho về, không bắt đắp đường nữa.

Nguồn TSDG
 
Vế đối Xuất Phát Từ Thực Tế Cuộc Sống

Chung Nhi, sau khi được nhà vua đặc cách phong học vị Trạng nguyên, ông được lệnh làm trưởng đoàn sứ giả ( tức là chánh sứ) để sang sứ Trung Hoa.

Vì tự biết mình không có học, chữ nghĩa chẳng có bao nhiêu, nên ông đã tâu với vua Lê xin được chọn một phó sứ văn hay chữ tốt và có tài đối đáp. Nhà vua ưng thuận và phái đoàn sứ giả khẩn trương lên đường thi hành công vụ.

Trên đường đi, đoàn sứ giả qua một cánh đồng có một lũ trẻ em đang trần truồng mò cua bắt ốc. Thấy có đoàn người tiền hô hậu ủng, ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, đủ cả lõng vọng, cân đai, chúng vừa sợ vừa xấu hổ, đứa nào đứa nấy vội vàng lấy tay để bưng chỗ kín. Chung Nhi liền nói với quan phó sứ.

Hãy ghi lấy hình ảnh của đám trẻ kia.

Ghi thế nào ạ ! Viên phó sứ lúng túng hỏi lại.

Ghi là : Hai tay dí bẹn đỏ hăn hăn.

Viên phó sứ hiểu ra và phải ghi bằng chữ Hán nên trở thành.

Đông Tây chí biện đỏ hân hân.

Hôm sau, đến ải biên giới. Cửa ải đóng và bên ngoài có một vế đối.

Nam Bắc lai triều đa tể tể.

Ông phó sứ và cả đoàn đang suy nghĩ vế đối thì Chung Nhi đã nói với ông phó sứ.

Ông đưa câu ghi chép hôm qua ra xem sao.

Ông phó sứ đọc lại câu ghi chép thấy đúng là một vế đối rất chỉnh.

Đông Tây chí biện đỏ hân hân.

Cửa ải đã phải mở để đoàn sứ giả tiến qua, vì câu đối đã được vế đối chỉnh từng chữ.

Mọi người đều không ai ngờ một câu ghi chép cảnh tượng dân dã, bình thường như vậy, lại trở thành một câu đối rất hay và giúp đoàn sứ giả khỏi phải mất công suy nghĩ. Đúng là thực tiễn cuộc sống đã cung cấp những chi tiết bình thường, nhưng đó chính là chất liệu của thơ ca, đối đáp.

Sưu tầm.
 
đùa Cả Nhà Sư

Khi còn đi học, Nguyễn Công Trứ ở trọ gần một ngôi chùa. Trứ nghe đồn ở đây có sư thầy coi thường học trò, lại hay ăn thịt chó. Nồi thịt chó nói dối là nồi cà bung, Trứ liền xuống bếp để tìm xem. Sư thầy biết ý liền đọc.

Khách khứa kể chi ông núc bếp.

Nguyễn Công Trứ liền đối lại.

Trai chay nào đó vại cà sư.

Vại cà sư có hai nghĩa là: vại cà của nhà sư và bà vãi cà vào ông sư. Núc tiếng miền Trung là chui đầu vào bếp tức là ông đầu rau. Vại vừa có nghĩa là chiếc vại bằng sành để muối dưa, muối cà và còn có nghĩa là “ bà vãi” nói theo dạng xứ Nghệ.


Sư thầy tức giận chỉ vào ông Hộ pháp và nói.

Xin chứng minh cho. Nam mô a di đà Phật.

Trứ chỉ vào bàn thờ thần bếp và nói.

Có giám sát đó. Đông trừ tư mệnh Táo quân.

( Đông trừ tư mệnh Táo quân là tên và chức của thần bếp)


Một lần khác, Trứ đến thăm một ngôi chùa nổi tiếng vì còn là một thắng cảnh. Ở đó có một nhà sư hay chữ nhưng kiêu ngạo.

Trứ vào đến cổng, có hai con chó chạy ra sủa.

Thấy vậy ông liền đọc hai câu thơ.

Bụt hiền cũng lành, sư cũng khá
Còn hai con chó, chửi từ bi.


Vào chỗ đọc sách của sư thầy trên tường có vế câu đối như sư tự khoe mình.

Thuộc ba mươi sáu đường kinh, chẳng thần, thánh, phật, tiên nhưng khác tục.

Thấy có bút mực, Trứ liền đề rằng.

Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân, thần phụ, tử đếch ra người.

Vế đối có ý chê nhà sư không ra người. Chắc nhà sư sẽ không được hài lòng khi đọc vế đối này. Song ông cũng không có lý do để trách Nguyễn Công Trứ.

Nguồn TSDG
 
Cá đớp Cá, Người Trói Người

Năm ấy vua Minh Mệnh ngự giá Bắc Hà để tuần du. Cao Bá Quát xin phép cha đến Thăng Long để xem vua.

Minh Mệnh lên Hồ Tây để hóng mát, vừa lúc kiệu vua tới, Cao Bá Quát cũng cởi quần áo xuống hồ để tắm. Quân lính bắt trói lại vì tội vô lễ, cậu Cao không sợ hãi mà trần truồng theo lính dẫn đi. Vua thấy cậu bé bướng bỉnh, ngộ nghĩnh gọi đến hỏi chuyện. Cao nói. Mình là học trò vì nóng quá phải lội xuống hồ cho mát.


Vua phán: Ta cho mi một câu đối, nếu đối được ta tha tội .

Vua nhìn thấy hồ trong vắt, một con cá đang đuổi bắt một con cá nhỏ hơn, liền theo ý để ra vế đối.

Nước trong leo lẻo, cá đớp cá.

Cao ứng khẩu lại.

Trời nắng chang chang, người trói người.

Thấy cậu bé tài, Minh Mệnh sai cởi trói, tha tội và ban thưởng cho.

Sưu tầm.
 
Lê Quý Đôn và vế đối ở Thiên An Môn

Ngày 8 tháng Chạp Canh Thìn (1760), đoàn sứ An Nam tới Bắc Kinh. Triều đình nhà Thanh sai các quan Lễ bộ họ Chu, họ Sư ra ngoại thành, xa ba mươi dặm đón tiếp. Sau đó, quan Đề đốc họ Tô đến công quán chào hỏi các vị sứ An Nam. Quan Chủ khách ti họ Thư đến bảo kê khai họ tên quan chức trong đoàn sứ bộ.

Tại công quán, đoàn sứ bộ nghỉ ngơi. Chánh sứ Trần, phó sứ Trịnh muốn yên tĩnh sau chuyến hành trình mệt mỏi. Quý Đôn cùng Sư Muống(1) ra ngoạn cảnh phố xá Bắc Kinh. Sư Muống nói: “Từ lâu, người nước ngoài thường truyền tụng nhau: chưa đến Thiên An Môn thì coi như chưa đến Bắc Kinh.

Đấy là cửa vào cung điện nhà vua, một công trình kiến trúc kỳ vĩ, một biểu tượng uy nghi của Trung Hoa. Đấy còn là nơi báo trước những hoạt động lễ nghi quan trọng…

Đoàn sứ ta sang đây gặp Tết nguyên đán. Xuân này, vua Càn Long trị vì được 55 năm, hẳn là triều đình phải làm lễ khánh hỉ. Ta vi hành tới đấy để quan sát và đoán trước tình hình, nhằm dự liệu hành xử của ta”.
Quý Đôn khen phải. Hai ông đi bộ tới Thiên An Môn. Từ ngoài nhìn vào đã thấy cảnh sắc hội hè lễ tết. Cờ long phượng bay phất phới; đèn lồng đèn xếp treo cao. Nổi bật là ở mặt tường phía trước, cạnh cửa Đại môn, có bức lụa hồng rất dài và rộng, viết chữ lớn:

Long phi cửu ngũ, ngũ thập ngũ niên, ngũ số hợp thiên, ngũ số hợp địa, ngũ đức tu, ngũ hành dụng, ngũ phúc lung linh hàm phượng liễn.

Phía bên kia Đại môn cũng treo một bức lụa đối xứng nhưng chưa có chữ.

Sư Muống cùng Quý Đôn đọc chữ rồi nói: “Đây là họ ra câu đối cho đoàn sứ ta. Ta phải đối để họ viết vào bức lụa bên kia”. Quý Đôn gật đầu ngẫm ngợi. Đây là vế đối khó. Cả câu 29 chữ mà có tám chữ “ngũ” và có những hợp từ, thành ngữ rút từ sách cổ.

Sư Muống phân tích từng ý: “cửu ngũ” là ngôi vua, “ngũ thập niên” là 55 năm, số năm của vua Càn Long trị vì. Còn những hợp từ khác là lời chúc tụng. Quý Đôn tiếp: “Ông nói đúng. Vế ra này chủ ý mừng vua Càn Long tại vị lâu dài. Ta cần tìm một ý khác để làm vế đối.

Nói thế rồi ông nhẩm tìm một số khác để đối với số năm hóc búa: song tinh, song long, song phượng… tam quang, tam tài, tam đa… Sư Muống cũng ngẫm nghĩ. Ông nói: “Năm nay Càn Long 80 tuổi, là cái ý nên khai thác”. Mắt Quý Đôn vụt sáng lên, vỗ tay đánh bộp: “Hay! Ý hay!… Bát tuần, bát tiên, bát nguyên, bát khái…”

Hôm sau có một chương trình làm việc và hành lễ, quan nhà Thanh trình báo cho đoàn sứ bộ Việt Nam. Việc đầu tiên là quan bộ Lễ hướng dẫn đoàn sứ đi ngoạn cảnh Thiên An Môn… Quý Đôn đọc bản chương trình rồi nói nhỏ với Sư Muống: “Cuộc vi hành hôm qua thật có ích. Chính ông lái tôi đến Thiên An Môn, không thì tôi chỉ dạo phố xá, giải trí mà không giúp ích cho công việc. Biết trước và chuẩn bị sớm tốt hơn là bị đột ngột”. Rồi ông cho Sư Muống xem vế đối của mình.

Nhà sư xem vế đối. Ông không ngờ chỉ một gợi ý mà Quý Đôn làm vế đối khá hay:

Thánh thọ bát tuần, bát phùng bát nguyệt, bát thiên vi xuân, bát thiên vi thu, bát nguyên tiến, bát khải đăng, bát tiên cổ vũ hạ nghê thường.

Đủ tám chữ “bát” rút ra từ sách “Tả truyện” nước Tàu, đối lại với tám chữ “ngũ”. Đại ý nói về vua Càn Long 80 tuổi, ngày sinh là mồng 8 tháng 8, còn lại là những hợp từ chúc mừng. Câu đối rất sát về ý, hay về lời. Quý Đôn mừng thấy bậc cao thủ về câu đối đã chấp nhận. Ông soát lại hai vế đối chữ Hán, rồi soát lại theo nghĩa Nôm:

Trên ngôi cửu ngũ, Ngài trị vì 55 năm, số 5 hợp với trời, số 5 hợp với đất, Ngài sửa mình theo năm đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), vận dụng phép trị nước theo ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), năm con Phúc chầu vào liễn phượng.

Mừng thánh thọ 80, sinh ngày 8 tháng 8, tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu, tám bậc hiền triết, tám bậc tài năng đăng tiến bên Ngài, tám vị tiên múa điệu nghê thường mừng thọ.


Hôm sau, đầu giờ Mão, ba vị Chánh sứ, Phó sứ nước Nam du ngoạn Thiên An Môn. Quan Lễ bộ mời các vị sứ bước tới cửa đại môn thì ngừng lại bên bức lụa hồng, đọc những hàng chữ to, Chánh sứ Trần đọc và hiểu ngay là người ta ra câu đối cho sứ Nam. Phó sứ Trịnh bỗng thấy lo, nhìn quanh khéo léo đẩy việc cho Quý Đôn. Ông nheo mắt cười cười nhìn Đôn, nói để Chánh sứ Trần cùng nghe: “Xin mời Phó sứ Lê văn hay chữ tốt, đại diện cho đoàn ta làm vế đối”.


Quý Đôn không ngạc nhiên mà tươi tỉnh gật đầu. Viên thư lại mời Đôn vào thư án. Giấy hoa tiên, bút ô long vĩ được đưa đến ngay. Chánh sứ Trần ngồi cách Quý Đôn không xa. Ông hồi hộp sợ người đồng sự không đối được. Rồi ông bỗng thương Đôn vừa chân ướt chân ráo tới nước người đã gặp ngay việc khó. Ông cảm phục Đôn đã nhanh chóng nhận cái việc mà đáng lẽ ông phải gánh vác. Quý Đôn ngồi ung dung trước án, cầm bút, viết ngay vào giấy trên hoa tiên, không cần phác thảo.

Phó sứ Trịnh thấy Đôn viết chính thức, chân phương. Ông bỗng lo cho người đồng sự có tài nhưng tuổi trẻ, dễ bốc đồng khoa trương, không may lầm vài nét thì phải bỏ cả tờ hoa tiên, xin tờ mới và viết lại tất cả.
Quý Đôn biết người ta có chủ ý, để gần tới cuối giờ mới bắt mình đối. Mình ít thì giờ không kịp đối là mình thua. Nhưng ông thầm cười: “Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”. Một lúc sau tờ hoa tiên đã hiện đủ 29 chữ, một vế đối hoàn chỉnh. Viên thư lại lễ phép nâng hai tay nhận tờ giấy do Phó sứ nước Nam trao cho.

Ra về, Chánh sứ khen ngợi Phó sứ Lê: “Hôm nay đoàn ta đến Thiên An Môn không chỉ để ngoạn cảnh mà còn mở cửa để vào bằng vế đối của quan Phó sứ. Nếu không, chưa chắc được vào. Phó sứ Trịnh vui cười, nhất trí với lời khen của ông Trần. Ngay chiều hôm đó, quan thư pháp triều Thanh viết vế đối của sứ nước Nam lên bức lụa hồng trước cửa Thiên An.
________________________________________
(1) Sư Muống tên thật là Hoàng Công Đóa, con trai tiến sĩ Hoàng Công Lạc ở Tiên Hưng, Thái Bình. Ông đi tu nhưng có tài đối đáp, được Lê Quý Đôn đưa vào đoàn sứ bộ.

(Sưu tầm)
 
Tả Quan Lê Văn Duyệt Phải Phục Tài

Tả quan Lê Văn Duyệt đi qua địa phương trống dong cờ mở, quân sĩ oai nghiêm. Dân chúng thấy vậy đều tìm cách tránh mặt. Riêng học trò Nguyễn Công Trứ đi học xa về không tránh mà cứ đắp chiếu nằm trong ổ rơm tại một chiếc quán và kêu la ầm ĩ.

Bọn lính thấy có người kêu, chạy vào quán thấy Trứ liền bắt đem trình quan.

Gặp quan, Trứ trình bày mình là học trò đang ốm nên phải nằm lại đây, dù thấy quan quân đi qua. Lê Văn Duyệt thấy Trứ mặt mũi khôi ngô nhưng tính tình có vẻ ngang bướng nên bắt Trứ tức cảnh làm thơ “ Nằm ổ rơm”. Trứ liền đọc.

Ba vạn anh hùng đè xuống dưới
Chín lần thiên tử đội lên trên.


Lê Văn Duyệt ra lệnh cho Trứ giải thích. Trứ nói.

Ba vạn anh hùng chỉ là rơm – Anh hùng rơm. Chín lần thiên tử là chiếc chiếu . Thiên tử chiếu – chiếu chỉ của nhà vua.

Tả quân Lê Văn Duyệt phải phục tài cậu học trò Nguyễn Công Trứ và tha tội cho.

Nguồn TSDG
 
đối đáp Với ông Nghè

Ở làng Huê Cầu ( Mỹ Văn – Hưng Yên), có Nguyễn Gia Cát khi nhỏ thông minh và hay đùa nghịch.

Có lần đang chơi thì gặp một ông nghè quê ở làng bên về vinh quy bái tổ. Hai người gặp nhau đã đối thoại một hồi lâu, rồi ông nghè vinh quy ra câu đối.

Ngói lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.

Vế đối như vậy vừa có ý nói nghè là cái dinh vua làm cho những người đỗ ông nghè ( tiến sĩ) đến đứng, vừa có hàm ý người trên vẫn là người trên. Người trên có thể đè người dưới.

Không nghĩ ngợi lâu, Gia Cát đối ngay..

Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên.

Vế đối hàm ý ngược lại với ý của vế ra, chữ cống lại có hai nghĩa. Vừa là cái cống, vừa là hương cống ( cử nhân) nên rất chỉnh và hay làm ông nghè vinh quy phải thần phục tài của cậu bé Cát.

Nguồn TSDG
 
Người Học Trò Xin Tiền ông Huyện Thanh Trì

Ông huyện Thanh Trì gặp một người học trò đến xin tiền. Ông ra một vế đối. Nếu đối được ông sẽ cho tiền.

Ao Thanh Trì, nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư.

( Trì là ao, thanh gọi là trọng ngư là cá)

Anh học trò liền đối.

Sông Ngân Hà, nước bạc phau phau, vịt nằm ấm áp.

( Hà là sông, ngân là bạc, vịt là áp)

Ông huyện thưởng cho người học trò một lạng bạc và khen.

Sau này, sự nghiệp của anh hơn tôi nhiều.

Anh thì : Vịt nằm ấm áp, thanh nhàn lắm. Còn tôi, cá lội ngắc ngư nên còn vất vả, lận đận nhiều. Cá ngắc ngư là cá ở đồng cạn mà.

Về sau, quả nhiên anh học trò đỗ Tiến sĩ, làm quan một cách dễ dàng

Nguồn TSDG
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top