TÀI THUYẾT PHỤC CỦA KIỀU
Đời Kiều xoay quanh hai chữ tài và tình. “Rằng tài nên trọng mà tình nên thương”, “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Cái tài luôn đi với cái tình . Cái tài góp phần thể hiện cái tình của Kiều. Cái tài không ít lần giúp Kiều thoát khỏi những tình huống, những cảnh ngộ éo le. Nhưng cái tài cũng đôi khi mang tai họa đến cho nàng: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” .
Ngoài tài làm thơ, đánh đàn Kiều còn có tài ăn nói, tài thuyết phục. Nguyễn Du thể hiện khá thành công tài đàn của Kiều. Nhưng so với Bạch Cư Dị, Nguyễn Du cũng chưa phải là bậc cao thủ. Trong khi đó, có thể khẳng định Nguyễn Du thể hiện tài ăn nói, tài thuyết phục của Kiều thì ít ai sánh được. Chỉ cần đối chiếu cách ăn nói của Kiều trong Kim Vân Kiều truyện với cách ăn nói của Kiều trong Đoạn trường tân thanh đã thấy cách nhau một trời, một vực. Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nói với Kim Trọng khi chàng ôm liều nàng: “Ô hay, sao chàng lại giở cái thói điên cuồng như vậy? Chàng nên nhớ rằng chúng ta chưa thành đại lễ kia mà!”. Trong khi đó Kiều của Nguyễn Du hết sức nhẹ nhàng:
“Thưa rằng đừng lấy làm chơi
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao
Vẻ chi một đóa yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh...”.
Chính cách ăn nói vừa nhẹ nhàng vừa có tình, có lý như vậy mà Kiều đã ngăn được cái “sóng tình dường đã xiêu xiêu” của chàng Kim. Trong tất cả những lần Kiều phải trổ tài thuyết phục, có lẽ trường hợp thuyết phục Thúy Vân nhận lời nối duyên với Kim Trọng là trường hợp khó khăn nhất. Thuyết phục bất cứ ai từ Vương ông đến Từ Hải, ngoài tình cảm hết sức chân thành Kiều còn tìm được điều hơn lẽ thiệt cho từng đối tượng. Với Vương ông:
“ Sao bằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây”
và “
Cũng đừng tính quẩn, lo quanh
Tan nhà là một thiệt mình là hai” .
Với Từ Hải :
“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào
Sao bằng lộc trọng, quyền cao
Công danh ai dứt lối nào cho qua ?” .
Riêng trường hợp thuyết phục Thúy Vân chắp mối tơ thừa với Kim Trọng, Kiều không thể tìm được một điều lợi nào cho Vân cả. Hơn ai hết Kiều hiểu rằng bắt Thúy Vân phải chắp mối tơ thừa là Thúy Vân phải chịu hy sinh. “Lấy người yêu chi làm chồng” đó là điều chắc chắn Thúy Vân không hề mong muốn. Vậy nên Kiều khẩn khoản:
“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa... "
Cậy là vừa nhờ cậy vừa tin cậy. Chịu lời là vừa nhận lời vừa phải chịu thiệt thòi, chịu hy sinh. Trong tất cả các trường hợp thuyết phục Kiều vừa nói vừa nài ép bằng được các đối tượng nghe theo lời khuyên của mình. Còn lần này Kiều có nài nhưng không ép. “ Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em” - mặc em có nghĩa là tùy em, do em quyết định. Nếu em thương chị mà chắp mối tơ thừa cho chị thì chị cảm ơn. Nhưng nếu em không chịu lời thì chị cũng không trách, không giận. Tất cả các trường hợp thuyết phục Kiều đều dùng lý lẽ. Riêng trường hợp này Kiều chủ yếu thuyết phục bằng tình cảm. Kiều phải đem cả tình máu mủ, ruột thịt để nhờ cậy:
“ Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non".
Nói đến như vậy, Thúy Vân còn nỡ nào từ chối! Suốt cả buổi trao duyên, Nguyễn Du chỉ để một mình Kiều nói. Thúy Vân chỉ im lặng lắng nghe. Ngay phản ứng nội tâm của Vân như thế nào Nguyễn Du cũng không hề đả động đến. Chẳng cần biết Vân có đồng ý hay không, Kiều vẫn cứ bàn giao tình duyên cho em:
“ Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ , vật này của chung”.
Đây là lần thuyết phục duy nhất mà đối tượng bị thuyết phục không hề tỏ thái độ chấp nhận hay chối từ. Các lần khác, đối tượng bị thuyết phục đều phải chiều theo ý muốn của Kiều. Vương ông “phải lời ông cũng êm tai”, Từ Hải “thế công Từ mới chuyển sang thế hàng”. Vì sao Nguyễn Du không để cho Thúy Vân lên tiếng hoặc tỏ thái độ nhận lời hay từ chối? Phải chăng hơn ai hết Nguyễn Du hiểu rằng Kiều đã đẩy Vân vào một tình thế hết sức khó xử? Nhận lời thì quá ư đường đột vì đây là chuyện hệ trọng, chuyện trăm năm cần phải có sự cân nhắc, lựa chọn. Nhưng chối từ khi chị đưa cả tình máu mủ , ruột thịt để cầu xin như vậy chắc Thúy Vân cũng không nỡ. Vì thế, Vân chỉ biết im lặng. Đó chính là chỗ cao tay của thiên tài Nguyễn Du.
Trong suốt Đoạn trường tân thanh, không chỉ mình Kiều có tài thuyết phục, các nhân vật khác như: Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư cũng rất có tài ăn nói. Nhờ tài ăn nói mà Kim Trọng đã làm xiêu lòng Kiều:
“ Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” .
Đặc biệt là Hoạn Thư! Khi ra pháp trường, Hoạn Thư giỏi kêu ca khiến Kiều phải khen “khôn ngoan đến mức, nói năng phải lời”. Nhưng chưa có nhân vật nào được Nguyễn Du tập trung thể hiện tài ăn nói, thuyết phục như Thuý Kiều. Kiều nói năng gần như suốt cả câu chuyện và lần nào cũng chinh phục được đối tượng thuyết phục. Bản lĩnh và khí phách như Từ Hải cũng phải mềm lòng trước những lời lẽ ngọt ngào, dịu dàng của Kiều. Thể hiện được tài ăn nói của các nhân vật mà đặc biệt là tài ăn nói của Kiều là một thành công hết sức quan trọng của thiên tài Nguyễn Du.
(st)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: