Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Tâm tình của Vũ Bình Lục khi viết về Tạ Vũ:
Tôi thi thoảng đọc thơ Tạ Vũ, từ hồi còn là sinh viên ĐHSP Hà Nội.
Biết bút danh Tạ Vũ, nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa một lần diện kiến. Đơn giản vì tôi xa Hà Nội cũng đã hơn ba chục năm, về hưu rồi, mới có cơ hội trở lại sinh sống ở Thủ đô! Mới đây, lần dở đọc lại Phụ san Thơ số 19-20 năm 2005 chợt gặp bài của Trịnh Thanh Sơn viết về Tạ Vũ, có in kèm 3 bài thơ của người thợ “sơn vôi” này, thấy cảm động. Hơn nữa, đọc kỹ 3 bài thơ được chọn in ở đây, mới thấy dần hiện lên một chân dung thi sỹ đích thực, rất tài hoa. Tôi, tuổi Mậu Tý (1948) lận đận long đong, tha phương cầu thực, cuối đời, ông trời mới cho một tý thanh thơi, không phải kính thưa kính gửi gì nữa! Không phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nữa! Bây giờ thì đọc sách , viết văn chơi! Còn bác Tạ Vũ thì năm nay cũng đã chạm vách tám mươi rồi. Tôi cứ hình dung “thi sỹ quét vôi”, hoặc cao hơn một tý, “thi sỹ sơn vôi” Tạ Vũ, bây giờ chắc cũng xơ xác lắm rồi. Và mái tóc bạc phơ, chắc cũng không còn được bồng bềnh kiêu hãnh như trong tấm hình in trên tờ báo mà tôi đang có! Vậy nên, linh cảm mách tôi phải mau viết bài này, bình giải mấy bài thơ của Tạ Vũ, giới thiệu cùng bạn đọc. Và cũng để bác Tạ Vũ, như chiếc lá vàng lắt lẻo trên cây, được nhìn thấy, nghe thấy mấy lời nôm na của kẻ tri âm, một chút đồng điệu nào chăng?
Người gọi hoa xoan nở
VŨ BÌNH LỤC
Bài “Câu hát cũ có đám mây bay”:
Ngồi buồn tựa cửa nhìn bóng mây trôi…
Tôi nằm tròn trong hai cánh tay cứng đanh sắt nguội
U ơ nghe bố tôi ru
Một đời tài hoa, một đời giang hồ ngang dọc
Bố tôi sao không hát Lý ngựa ô
Hai tuổi mất cha. Sáu tuổi mồ côi mẹ
Ông tôi lấy đùi làm ngựa tôi phi
Con ngựa non tôi phóng bạt mạng, phóng giữa cuộc đời
Nhiều trận cuồng si, tự mình hững hụt
Tự mình chém đứt nửa niềm vui
Câu hát ru có đám mây bay
Rủ xuống trán tôi bóng rợp
Rủ xuống những ngày tôi tóc bạc hôm nay
Bắt được cái thần câu hát
Trước mặt đã ráng chiều
Câu đầu là đang nói về thời điểm hiện tại, chắc là thời điểm tác giả viết bài thơ này, thời điểm mà “câu hát có đám mây bay” đã “rủ xuống những ngày tôi tóc bạc”… Đã thấy hiện lên bóng dáng một con người, một tâm thế, một tâm trạng. Hình dung như thấy một ông lão cô đơn, đang “ngồi buồn tựa cửa”, chỉ có mỗi một việc là “nhìn bóng mây trôi”…Có thể là một đám mây, cũng cô đơn như người “ngồi buồn tựa cửa”, đang lững thững, nhẹ trôi về phía vô định, vô cùng…Đám mây gợi niềm trắc ẩn, bấy lâu ủ kín trong lòng, bây giờ như gặp người tri kỷ, bỗng khuấy lên những xao xuyến nhè nhẹ, xa xôi. Và những hoài niệm tuổi thơ ngơ ngác và xót xa, bỗng dưng bất chợt ùa về:
“Tôi nằm trong hai cánh tay cứng đanh sắt nguội / U ơ nghe bố tôi ru / Một đời tài hoa, một đời giang hồ ngang dọc”…
Có lẽ người cha ít nhiều biết xem “tử vi” tướng số, nên hình như đã hiểu rằng đứa con nhỏ xíu đang nằm gọn trong tay ông, rồi ra sẽ là một kẻ tài hoa, nhưng phải gánh chịu kiếp “giang hồ ngang dọc”. Thế nên lời ru mới là lời ru buồn, chứ không phải ông “hát lý ngựa ô”, bởi vì ông không thể nào cất lên tiếng hát “Lý ngựa ô” được. Đó phải chăng là định mệnh, là tiên tri về một phận người. Quả là một linh cảm, một tiên đoán, “một lời là một vận vào khó nghe” (Truyện Kiều)…
Tiếp đó là những chi tiết tóm tắt, như kể lể “lý lịch trích ngang”, về số phận hẩm hiu chua xót của mình: “Hai tuổi mất cha. Sáu tuổi mồ côi mẹ”…Thật là nỗi đau chồng lên nỗi đau, tưởng như tất cả đã đổ sập xuống cuộc đời trẻ thơ bé bỏng. Ấy thế mà đứa trẻ ấy chưa thể cảm nhận hết nỗi đau, nên nó cứ ngồi trên đùi ông mà phi: “ Con ngựa non tôi phóng bạt mạng, phóng giữa cuộc đời”… Đến đây thì hình ảnh đứa trẻ Tạ Vũ, hình ảnh “con ngựa non” Tạ Vũ đã không còn là hình ảnh cụ thể nữa. Nó đã dần chuyển hoá thành một hình ảnh có tính biểu tượng về một cá tính, nhiều lúc “cuồng si”, nhiều khi “bạt mạng” và cũng nhiều khi ngã ngựa, đớn đau bầm dập với cuộc chơi định mệnh, “tự mình hững hụt”, và cũng “tự mình chém đứt nửa niềm vui”!... Lời thơ thâm trầm như một sự tỉnh thức, tự kiểm chứng lại mình, tự phán xét và tự chấp nhận, không một mảy may oán giận ai…
Quá khứ chỉ hiện lên “gọn gẽ” thế thôi. Nhưng đó là những chấm phá đầy gai góc, đã khắc sâu vào ký ức, đeo đẳng suốt cuộc đời có ít niềm vui, nhiều nỗi buồn của người thợ làm thơ, như một ám ảnh không thể nào dứt bỏ, không thể nào “cắt đuôi” cho được!
Bây giờ thì “ngồi tựa cửa nhìn bóng mây trôi”, lại bất chợt gợi lên hình ảnh quá khứ đau buồn, gợi lên hình ảnh “câu hát ru có đám mây bay” thủa nào, mà miên man nghĩ ngợi: “ Câu hát ru có đám mây bay / rủ xuống trán tôi bóng rợp / rủ xuống những ngày tôi tóc bạc hôm nay”… Thế nghĩa là có tri ân. Đám mây kia đã che mát một phần đời, “rủ xuống trán tôi bóng rợp”? hay là một ám ảnh nặng trĩu, đến mức có thể che khuất cả tầm nhìn, trì níu cả một đời người, “rủ xuống những ngày tôi tóc bạc”? …
Tác giả kết thúc bài thơ, bằng một tỉnh thức, “ngộ” ra cái điều tưởng như đơn giản, nhưng phải trải nghiệm suốt một đời người dằng dặc:
Bắt được cái thần câu hát
Trước mặt đã ráng chiều
Mở ra là hình ảnh “bóng mây trôi”, là “câu hát có đám mây bay”, như một định mệnh đeo đẳng suốt một đời người chìm nổi, gợi nhiều ấn tượng, gợi nhiều suy nghĩ về thân phận con người. Kết thúc là một đúc kết, sau khi đã bươn bả quăng quật, dằng dặc một giấc chiêm bao buồn bã…
Bài "Ở Nha Trang"
Tặng Điều
Bạn bè chiều anh như chiều con gái
Lỡ đêm say
Mai, đã thấy chai đầy
Câu thơ anh viết vội vàng cũng không nỡ mắng
Giai thoại về anh bạn bày ra làm món nhắm
Cả cười
Yêu biển thì yêu đi
Yêu biển xanh, biển kia sẽ xanh
Yêu biển đỏ, biển kia sẽ đỏ
Biển ở đáy mắt
Biển ở trong tim
Sóng vỗ
Anh nhìn núi nàng tiên nằm dài buông tóc
Anh thầm thì
Như chọn nhịp cho một câu thơ
Ở quê chắc em đang thả tóc gội đầu
Nên đây, cả một vùng bâng khuâng hương lá.
“Ở Nha Trang” là bài thơ Tạ Vũ viết tặng vợ, trong “cơn” mơ màng nhớ vợ. Bài thơ như thể một bức thư tác giả gửi người vợ ở quê, khi tác giả đang “Ở Nha Trang”, thăm biển, thăm bạn thăm bè…Bạn bè quý anh, nên mới “chiều anh như chiều con gái”…Một so sánh thú vị, bởi “con gái” là một đối tượng dễ thương và cũng thật dễ… “vỡ”! Nên chi, chai hết rượu “lỡ đêm say”, thì mai “lại thấy chai đầy”, cứ như thể có vị Tiên bí ẩn nào đó vậy. Bạn bè chiều anh, tha thứ cho anh, cả những lỗi đáng yêu, kể cả những giai thoại thêu dệt về anh, được tô vẽ lên cho đẹp đẽ…Rồi “cả cười”! Đoạn mở đầu chưa thấy nhiều hương vị của thơ, nhưng thấy ấm áp hương vị cuộc đời. Người thơ thì đang chìm đắm trong hạnh phúc của tình bè bạn, dạt dào, bao dung đẹp đẽ.
Đoạn thơ thứ hai, là những triết lý, những giãi bày, về tình yêu với biển. Người thơ nói với người ở xa, như nói với chính mình, với mọi người, bằng một lý lẽ đơn giản, rằng “Yêu biển xanh, biển kia sẽ xanh / Yêu biển đỏ, biển kia sẽ đỏ”; rằng “biển ở trong tim”, “biển ở trong mắt”…Nghĩa là nếu yêu biển thực lòng, thì bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm nào, cũng có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ đáp đền, như một hô ứng tự nhiên, như một quy luật bất biến của vũ trụ, của tình yêu bất diệt. Câu “Yêu biển thì yêu đi”, giản dị, mời gọi giục giã thiết tha, mà đằm thắm.
Đoạn cuối là những liên tưởng đẹp, giàu chất thơ: “Anh nhìn núi nàng tiên nằm dài buông tóc / Anh thầm thì / Như chọn nhịp cho một câu thơ”…Và câu thơ ấy, không thể là một câu thơ nào khác, chính là câu thơ về mái tóc dài của em, như là mái tóc dài của nàng tiên bể, đang nằm dài buông xuống, thơm như hương lá, che mát cả cuộc đời:
Ở quê chắc em đang thả tóc gội đầu
Nên đây, cả một vùng bâng khuâng hương lá
Hình ảnh thân thương của người vợ ở quê xa, chỉ gợi lên trong mường tượng, thoáng thôi, nhưng mà thật đẹp. Cái hương lá đặc trưng dường như đã choán hết cả không gian tâm tưởng, tràn ngập tâm hồn thi nhân. Không một từ “nhớ”, nhưng nỗi nhớ thì đã đầy!
Bài "Gọi hoa xoan nở"
Góc vườn xoan đứng lặng
Gầy guộc cô đơn
Trời còn mưa. Còn mưa
Em khát khao vạt nắng
Tim tím lên, lúng liếng giữa trời
Góc vườn ấy, lòng chờ chim hót
Chờ óng ánh mềm tơ lụa
Chiếc khăn đỏng đảnh trên đầu
Anh gặp lại tuổi đôi mươi.
Các màu tím hoa xoan nhẹ như khói chiều bảng lảng
Gọi nắng về và muỗi cũng về theo
Anh mãi còn nghèo
Ngọn đèn dầu nửa đêm đen sì xác muỗi
Câu thơ bỏ dở nửa chừng
Nhưng trời còn mưa, còn mưa
Em nén một tiếng thở dài
Anh ra góc vườn vỗ vỗ vào thân cây gầy guộc
Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi!
“Bài thơ gọi hoa xoan nở” là một chuỗi những hình ảnh, vừa cụ thể, lại vừa sống động những biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng. Hình ảnh cây xoan trong vườn đứng lặng im không nói gì, là một hình ảnh thực. Nhưng không chỉ có thế! Cây xoan “đứng lặng gầy guộc cô đơn” kia, hơn thế, còn là biểu tượng của một cái cây tâm linh, cây linh hồn, thiêng liêng, đầy quyền năng huyền bí, ví như cây Smuk của nàng Hơ Nhí trong trường ca Đam-san của dân tộc Ê-đê vậy! Và “trời còn mưa. Còn mưa”…Vẫn còn mưa dai dẳng, như cuộc đời chúng ta, cuộc đời anh và em, vẫn còn “mưa”, vẫn còn dai dẳng mưa, như một số phận không may mắn, như một nỗi buồn chưa vơi...
Còn “Em”? Em khát khao vạt nắng”…Trời đất đã sang xuân, nhưng mà “trời còn mưa”, khiến người ta khát khao những giọt nắng ấm, là lẽ thường. Và khát khao hạnh phúc đơn sơ, với tiếng chim lảnh lót, với ánh “nắng mềm tơ lụa”, với “chiếc khăn đỏng đảnh trên đầu” em đội trong ngày hội làng quê…Còn anh thì phơi phới hạnh phúc, như được sống lại tuổi thanh xuân, như “gặp lại tuổi đôi mươi”…Thế thì phải gọi hoa xoan nở, nở ngay tức thì: “Tim tím lên, lúng liếng giữa trời”!
Có lẽ, đây là đoạn thơ chứa nhiều niềm vui nhất trong bài. Những âm thanh tươi non, những màu sắc sáng trong hoà quyện, quấn quít, tràn đầy sức xuân, tung tẩy, đầy hứng khởi, cho dù, nó cũng chỉ là hạnh phúc nho nhỏ, trong “góc vườn nhỏ”, một cuộc đời bình thường, một khát khao nhân bản.
Nhưng đó cũng chỉ là một chút niềm vui trong khao khát, nó có thể làm ấm lòng người trong chốc lát. Bởi vì “trời còn mưa. Còn Mưa”! Và rồi:
Các màu tím hoa xoan nhẹ như khói chiều bảng lảng
Gọi nắng về và muỗi cũng về theo
Anh mãi còn nghèo
Ngọn đèn dầu nửa đêm đen sì xác muỗi
Câu thơ bỏ dở nửa chừng
Sao lại là “Các màu tím hoa xoan”? Có nghĩa rằng không chỉ một màu tím hoa xoan! Từ “các” là số lượng từ, đặt ở đầu câu thơ, không phải là thừa, hoặc ít ra cũng không phải là một sự vô tình? Hoá ra, các màu tím hoa xoan trên trời lúng liếng đáng yêu thật đấy, nhưng nó cũng chỉ là một thứ màu tim tím ảo, biểu tượng của “các” mảnh vụn hạnh phúc mà nhà thơ tưởng tượng ra, cũng mờ ảo, “nhẹ như khói chiều bảng lảng “ mà thôi! Bởi vì nó chỉ là một khát khao, một cơn mơ nhè nhẹ, “gọi nắng về và muỗi cũng về theo”…
Mọi màu tím lúng liếng qua đi, cuối cùng lại trở về với hiện thực. Một hiện thực nặng nề, đeo đẳng, trớ trêu và chua chát: “Anh mãi còn nghèo / Ngọn đèn dầu nửa đêm đen sì xác muỗi / Câu thơ bỏ dở nửa chừng”…
Đoạn cuối bài thơ, trở về với điệp khúc ban đầu:
Nhưng trời còn mưa. Còn mưa
Em nén một tiếng thở dài
Cái nghèo còn đeo đẳng mãi, bám dai như đỉa, sao chẳng chịu buông tha chúng ta? Hình ảnh “trời còn mưa. Còn mưa” được lặp lại có chủ ý, gợi nhiều ấn tượng. “Em nén một tiếng thở dài”, lại vẫn là “Em” ở trên kia, mà thật đáng thương. Câu thơ ngắn, vừa đủ để tôn vinh nhân cách người vợ đã trót nặng duyên kiếp với thi nhân.
Nếu như “Em” đã “nén một tiếng thở dài” cam chịu, thì “Anh” còn biết làm gì? Thì đây:
Anh ra góc vườn vỗ vỗ vào thân cây gầy guộc
Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi!
“Anh” dường như bất lực trước số phận, trước cái nghèo, vì thơ cũng không thể cứu được cuộc đời chúng ta, vì “cơm áo không đùa với khách thơ”…Không giúp được gì cho em, nên anh lại phải “ra góc vườn” có cái cây thần, cây sinh mệnh của anh, của chúng ta mà “vỗ vỗ” vào tấm thân gầy guộc của nó, mà khẩn thiết cầu cứu: “Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi!”
Anh như thể chàng A- li- ba- ba trong thần thoại Ai Cập cổ đại, vỗ mãi vào cánh của cuộc đời, mà cánh cửa cuộc đời, cánh cửa hạnh phúc vẫn còn im ỉm khoá. Từ “ơi” được lặp lại tới ba lần trong một câu thơ kết thúc, như một tiếng gọi thiết tha, chới với, không phải nhẹ như làn khói, mà vang động tới xa xôi, vang động mãi khôn cùng !
“Bài thơ gọi hoa xoan nở” là một sáng tạo tinh tuý của một hồn thơ trữ tình, đã đạt tới tầm trí tuệ mẫn tiệp. Đó là một thứ âm thanh ở ngoài âm thanh, màu sắc ở ngoài màu sắc, tai thường không nghe được, mắt thường không thấy được!
Tạ Vũ ở ngoài đời có thể có một vài cái “tật”, tỷ như quá đắm đuối với mùi men, lại kém về đường kinh tế… “Căn bệnh” trầm kha này, cũng chẳng riêng bác Tạ Vũ mắc phải đâu. Cứ như lời Trịnh Thanh Sơn, thì bác Tạ Vũ nhà ta quyết không phải là người ác, và cũng chẳng bao giờ là người xấu cả. Một trái tim yêu người như thế, một tâm hồn thánh thiện như thế, chỉ có thể nói là đáng yêu, cũng ví như chúng ta yêu quý thi sỹ Bùi Giáng vậy!
Ba bài thơ vừa bình giải trên đây của Tạ Vũ, đều là thơ hay, mỗi bài hay một vẻ, thấy hiện lên vạm vỡ một thi tài. Có lẽ một thời, vì những lý do này khác, người ta chưa chịu tôn vinh những bài thơ buồn, mặc dầu đó là những bài thơ hay, giàu ý nghĩa nhân văn, nhân bản. Tôi cho rằng, nỗi buồn trong trẻo của con người ở mọi thời đại, bao giờ cũng là một giá trị của thẩm mỹ, vĩnh cửu và… “bất khả tri”!
Vậy thì còn phải phân vân gì nữa, mà không xếp Tạ Vũ vào hàng những thi sỹ tài danh của nền thơ ca đương đại nước nhà?
Hà Nội 18-6-2010
Tôi thi thoảng đọc thơ Tạ Vũ, từ hồi còn là sinh viên ĐHSP Hà Nội.
Biết bút danh Tạ Vũ, nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa một lần diện kiến. Đơn giản vì tôi xa Hà Nội cũng đã hơn ba chục năm, về hưu rồi, mới có cơ hội trở lại sinh sống ở Thủ đô! Mới đây, lần dở đọc lại Phụ san Thơ số 19-20 năm 2005 chợt gặp bài của Trịnh Thanh Sơn viết về Tạ Vũ, có in kèm 3 bài thơ của người thợ “sơn vôi” này, thấy cảm động. Hơn nữa, đọc kỹ 3 bài thơ được chọn in ở đây, mới thấy dần hiện lên một chân dung thi sỹ đích thực, rất tài hoa. Tôi, tuổi Mậu Tý (1948) lận đận long đong, tha phương cầu thực, cuối đời, ông trời mới cho một tý thanh thơi, không phải kính thưa kính gửi gì nữa! Không phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nữa! Bây giờ thì đọc sách , viết văn chơi! Còn bác Tạ Vũ thì năm nay cũng đã chạm vách tám mươi rồi. Tôi cứ hình dung “thi sỹ quét vôi”, hoặc cao hơn một tý, “thi sỹ sơn vôi” Tạ Vũ, bây giờ chắc cũng xơ xác lắm rồi. Và mái tóc bạc phơ, chắc cũng không còn được bồng bềnh kiêu hãnh như trong tấm hình in trên tờ báo mà tôi đang có! Vậy nên, linh cảm mách tôi phải mau viết bài này, bình giải mấy bài thơ của Tạ Vũ, giới thiệu cùng bạn đọc. Và cũng để bác Tạ Vũ, như chiếc lá vàng lắt lẻo trên cây, được nhìn thấy, nghe thấy mấy lời nôm na của kẻ tri âm, một chút đồng điệu nào chăng?
Người gọi hoa xoan nở
VŨ BÌNH LỤC
Bài “Câu hát cũ có đám mây bay”:
Ngồi buồn tựa cửa nhìn bóng mây trôi…
Tôi nằm tròn trong hai cánh tay cứng đanh sắt nguội
U ơ nghe bố tôi ru
Một đời tài hoa, một đời giang hồ ngang dọc
Bố tôi sao không hát Lý ngựa ô
Hai tuổi mất cha. Sáu tuổi mồ côi mẹ
Ông tôi lấy đùi làm ngựa tôi phi
Con ngựa non tôi phóng bạt mạng, phóng giữa cuộc đời
Nhiều trận cuồng si, tự mình hững hụt
Tự mình chém đứt nửa niềm vui
Câu hát ru có đám mây bay
Rủ xuống trán tôi bóng rợp
Rủ xuống những ngày tôi tóc bạc hôm nay
Bắt được cái thần câu hát
Trước mặt đã ráng chiều
Câu đầu là đang nói về thời điểm hiện tại, chắc là thời điểm tác giả viết bài thơ này, thời điểm mà “câu hát có đám mây bay” đã “rủ xuống những ngày tôi tóc bạc”… Đã thấy hiện lên bóng dáng một con người, một tâm thế, một tâm trạng. Hình dung như thấy một ông lão cô đơn, đang “ngồi buồn tựa cửa”, chỉ có mỗi một việc là “nhìn bóng mây trôi”…Có thể là một đám mây, cũng cô đơn như người “ngồi buồn tựa cửa”, đang lững thững, nhẹ trôi về phía vô định, vô cùng…Đám mây gợi niềm trắc ẩn, bấy lâu ủ kín trong lòng, bây giờ như gặp người tri kỷ, bỗng khuấy lên những xao xuyến nhè nhẹ, xa xôi. Và những hoài niệm tuổi thơ ngơ ngác và xót xa, bỗng dưng bất chợt ùa về:
“Tôi nằm trong hai cánh tay cứng đanh sắt nguội / U ơ nghe bố tôi ru / Một đời tài hoa, một đời giang hồ ngang dọc”…
Có lẽ người cha ít nhiều biết xem “tử vi” tướng số, nên hình như đã hiểu rằng đứa con nhỏ xíu đang nằm gọn trong tay ông, rồi ra sẽ là một kẻ tài hoa, nhưng phải gánh chịu kiếp “giang hồ ngang dọc”. Thế nên lời ru mới là lời ru buồn, chứ không phải ông “hát lý ngựa ô”, bởi vì ông không thể nào cất lên tiếng hát “Lý ngựa ô” được. Đó phải chăng là định mệnh, là tiên tri về một phận người. Quả là một linh cảm, một tiên đoán, “một lời là một vận vào khó nghe” (Truyện Kiều)…
Tiếp đó là những chi tiết tóm tắt, như kể lể “lý lịch trích ngang”, về số phận hẩm hiu chua xót của mình: “Hai tuổi mất cha. Sáu tuổi mồ côi mẹ”…Thật là nỗi đau chồng lên nỗi đau, tưởng như tất cả đã đổ sập xuống cuộc đời trẻ thơ bé bỏng. Ấy thế mà đứa trẻ ấy chưa thể cảm nhận hết nỗi đau, nên nó cứ ngồi trên đùi ông mà phi: “ Con ngựa non tôi phóng bạt mạng, phóng giữa cuộc đời”… Đến đây thì hình ảnh đứa trẻ Tạ Vũ, hình ảnh “con ngựa non” Tạ Vũ đã không còn là hình ảnh cụ thể nữa. Nó đã dần chuyển hoá thành một hình ảnh có tính biểu tượng về một cá tính, nhiều lúc “cuồng si”, nhiều khi “bạt mạng” và cũng nhiều khi ngã ngựa, đớn đau bầm dập với cuộc chơi định mệnh, “tự mình hững hụt”, và cũng “tự mình chém đứt nửa niềm vui”!... Lời thơ thâm trầm như một sự tỉnh thức, tự kiểm chứng lại mình, tự phán xét và tự chấp nhận, không một mảy may oán giận ai…
Quá khứ chỉ hiện lên “gọn gẽ” thế thôi. Nhưng đó là những chấm phá đầy gai góc, đã khắc sâu vào ký ức, đeo đẳng suốt cuộc đời có ít niềm vui, nhiều nỗi buồn của người thợ làm thơ, như một ám ảnh không thể nào dứt bỏ, không thể nào “cắt đuôi” cho được!
Bây giờ thì “ngồi tựa cửa nhìn bóng mây trôi”, lại bất chợt gợi lên hình ảnh quá khứ đau buồn, gợi lên hình ảnh “câu hát ru có đám mây bay” thủa nào, mà miên man nghĩ ngợi: “ Câu hát ru có đám mây bay / rủ xuống trán tôi bóng rợp / rủ xuống những ngày tôi tóc bạc hôm nay”… Thế nghĩa là có tri ân. Đám mây kia đã che mát một phần đời, “rủ xuống trán tôi bóng rợp”? hay là một ám ảnh nặng trĩu, đến mức có thể che khuất cả tầm nhìn, trì níu cả một đời người, “rủ xuống những ngày tôi tóc bạc”? …
Tác giả kết thúc bài thơ, bằng một tỉnh thức, “ngộ” ra cái điều tưởng như đơn giản, nhưng phải trải nghiệm suốt một đời người dằng dặc:
Bắt được cái thần câu hát
Trước mặt đã ráng chiều
Mở ra là hình ảnh “bóng mây trôi”, là “câu hát có đám mây bay”, như một định mệnh đeo đẳng suốt một đời người chìm nổi, gợi nhiều ấn tượng, gợi nhiều suy nghĩ về thân phận con người. Kết thúc là một đúc kết, sau khi đã bươn bả quăng quật, dằng dặc một giấc chiêm bao buồn bã…
Bài "Ở Nha Trang"
Tặng Điều
Bạn bè chiều anh như chiều con gái
Lỡ đêm say
Mai, đã thấy chai đầy
Câu thơ anh viết vội vàng cũng không nỡ mắng
Giai thoại về anh bạn bày ra làm món nhắm
Cả cười
Yêu biển thì yêu đi
Yêu biển xanh, biển kia sẽ xanh
Yêu biển đỏ, biển kia sẽ đỏ
Biển ở đáy mắt
Biển ở trong tim
Sóng vỗ
Anh nhìn núi nàng tiên nằm dài buông tóc
Anh thầm thì
Như chọn nhịp cho một câu thơ
Ở quê chắc em đang thả tóc gội đầu
Nên đây, cả một vùng bâng khuâng hương lá.
“Ở Nha Trang” là bài thơ Tạ Vũ viết tặng vợ, trong “cơn” mơ màng nhớ vợ. Bài thơ như thể một bức thư tác giả gửi người vợ ở quê, khi tác giả đang “Ở Nha Trang”, thăm biển, thăm bạn thăm bè…Bạn bè quý anh, nên mới “chiều anh như chiều con gái”…Một so sánh thú vị, bởi “con gái” là một đối tượng dễ thương và cũng thật dễ… “vỡ”! Nên chi, chai hết rượu “lỡ đêm say”, thì mai “lại thấy chai đầy”, cứ như thể có vị Tiên bí ẩn nào đó vậy. Bạn bè chiều anh, tha thứ cho anh, cả những lỗi đáng yêu, kể cả những giai thoại thêu dệt về anh, được tô vẽ lên cho đẹp đẽ…Rồi “cả cười”! Đoạn mở đầu chưa thấy nhiều hương vị của thơ, nhưng thấy ấm áp hương vị cuộc đời. Người thơ thì đang chìm đắm trong hạnh phúc của tình bè bạn, dạt dào, bao dung đẹp đẽ.
Đoạn thơ thứ hai, là những triết lý, những giãi bày, về tình yêu với biển. Người thơ nói với người ở xa, như nói với chính mình, với mọi người, bằng một lý lẽ đơn giản, rằng “Yêu biển xanh, biển kia sẽ xanh / Yêu biển đỏ, biển kia sẽ đỏ”; rằng “biển ở trong tim”, “biển ở trong mắt”…Nghĩa là nếu yêu biển thực lòng, thì bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm nào, cũng có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ đáp đền, như một hô ứng tự nhiên, như một quy luật bất biến của vũ trụ, của tình yêu bất diệt. Câu “Yêu biển thì yêu đi”, giản dị, mời gọi giục giã thiết tha, mà đằm thắm.
Đoạn cuối là những liên tưởng đẹp, giàu chất thơ: “Anh nhìn núi nàng tiên nằm dài buông tóc / Anh thầm thì / Như chọn nhịp cho một câu thơ”…Và câu thơ ấy, không thể là một câu thơ nào khác, chính là câu thơ về mái tóc dài của em, như là mái tóc dài của nàng tiên bể, đang nằm dài buông xuống, thơm như hương lá, che mát cả cuộc đời:
Ở quê chắc em đang thả tóc gội đầu
Nên đây, cả một vùng bâng khuâng hương lá
Hình ảnh thân thương của người vợ ở quê xa, chỉ gợi lên trong mường tượng, thoáng thôi, nhưng mà thật đẹp. Cái hương lá đặc trưng dường như đã choán hết cả không gian tâm tưởng, tràn ngập tâm hồn thi nhân. Không một từ “nhớ”, nhưng nỗi nhớ thì đã đầy!
Bài "Gọi hoa xoan nở"
Góc vườn xoan đứng lặng
Gầy guộc cô đơn
Trời còn mưa. Còn mưa
Em khát khao vạt nắng
Tim tím lên, lúng liếng giữa trời
Góc vườn ấy, lòng chờ chim hót
Chờ óng ánh mềm tơ lụa
Chiếc khăn đỏng đảnh trên đầu
Anh gặp lại tuổi đôi mươi.
Các màu tím hoa xoan nhẹ như khói chiều bảng lảng
Gọi nắng về và muỗi cũng về theo
Anh mãi còn nghèo
Ngọn đèn dầu nửa đêm đen sì xác muỗi
Câu thơ bỏ dở nửa chừng
Nhưng trời còn mưa, còn mưa
Em nén một tiếng thở dài
Anh ra góc vườn vỗ vỗ vào thân cây gầy guộc
Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi!
“Bài thơ gọi hoa xoan nở” là một chuỗi những hình ảnh, vừa cụ thể, lại vừa sống động những biểu tượng mang ý nghĩa tượng trưng. Hình ảnh cây xoan trong vườn đứng lặng im không nói gì, là một hình ảnh thực. Nhưng không chỉ có thế! Cây xoan “đứng lặng gầy guộc cô đơn” kia, hơn thế, còn là biểu tượng của một cái cây tâm linh, cây linh hồn, thiêng liêng, đầy quyền năng huyền bí, ví như cây Smuk của nàng Hơ Nhí trong trường ca Đam-san của dân tộc Ê-đê vậy! Và “trời còn mưa. Còn mưa”…Vẫn còn mưa dai dẳng, như cuộc đời chúng ta, cuộc đời anh và em, vẫn còn “mưa”, vẫn còn dai dẳng mưa, như một số phận không may mắn, như một nỗi buồn chưa vơi...
Còn “Em”? Em khát khao vạt nắng”…Trời đất đã sang xuân, nhưng mà “trời còn mưa”, khiến người ta khát khao những giọt nắng ấm, là lẽ thường. Và khát khao hạnh phúc đơn sơ, với tiếng chim lảnh lót, với ánh “nắng mềm tơ lụa”, với “chiếc khăn đỏng đảnh trên đầu” em đội trong ngày hội làng quê…Còn anh thì phơi phới hạnh phúc, như được sống lại tuổi thanh xuân, như “gặp lại tuổi đôi mươi”…Thế thì phải gọi hoa xoan nở, nở ngay tức thì: “Tim tím lên, lúng liếng giữa trời”!
Có lẽ, đây là đoạn thơ chứa nhiều niềm vui nhất trong bài. Những âm thanh tươi non, những màu sắc sáng trong hoà quyện, quấn quít, tràn đầy sức xuân, tung tẩy, đầy hứng khởi, cho dù, nó cũng chỉ là hạnh phúc nho nhỏ, trong “góc vườn nhỏ”, một cuộc đời bình thường, một khát khao nhân bản.
Nhưng đó cũng chỉ là một chút niềm vui trong khao khát, nó có thể làm ấm lòng người trong chốc lát. Bởi vì “trời còn mưa. Còn Mưa”! Và rồi:
Các màu tím hoa xoan nhẹ như khói chiều bảng lảng
Gọi nắng về và muỗi cũng về theo
Anh mãi còn nghèo
Ngọn đèn dầu nửa đêm đen sì xác muỗi
Câu thơ bỏ dở nửa chừng
Sao lại là “Các màu tím hoa xoan”? Có nghĩa rằng không chỉ một màu tím hoa xoan! Từ “các” là số lượng từ, đặt ở đầu câu thơ, không phải là thừa, hoặc ít ra cũng không phải là một sự vô tình? Hoá ra, các màu tím hoa xoan trên trời lúng liếng đáng yêu thật đấy, nhưng nó cũng chỉ là một thứ màu tim tím ảo, biểu tượng của “các” mảnh vụn hạnh phúc mà nhà thơ tưởng tượng ra, cũng mờ ảo, “nhẹ như khói chiều bảng lảng “ mà thôi! Bởi vì nó chỉ là một khát khao, một cơn mơ nhè nhẹ, “gọi nắng về và muỗi cũng về theo”…
Mọi màu tím lúng liếng qua đi, cuối cùng lại trở về với hiện thực. Một hiện thực nặng nề, đeo đẳng, trớ trêu và chua chát: “Anh mãi còn nghèo / Ngọn đèn dầu nửa đêm đen sì xác muỗi / Câu thơ bỏ dở nửa chừng”…
Đoạn cuối bài thơ, trở về với điệp khúc ban đầu:
Nhưng trời còn mưa. Còn mưa
Em nén một tiếng thở dài
Cái nghèo còn đeo đẳng mãi, bám dai như đỉa, sao chẳng chịu buông tha chúng ta? Hình ảnh “trời còn mưa. Còn mưa” được lặp lại có chủ ý, gợi nhiều ấn tượng. “Em nén một tiếng thở dài”, lại vẫn là “Em” ở trên kia, mà thật đáng thương. Câu thơ ngắn, vừa đủ để tôn vinh nhân cách người vợ đã trót nặng duyên kiếp với thi nhân.
Nếu như “Em” đã “nén một tiếng thở dài” cam chịu, thì “Anh” còn biết làm gì? Thì đây:
Anh ra góc vườn vỗ vỗ vào thân cây gầy guộc
Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi!
“Anh” dường như bất lực trước số phận, trước cái nghèo, vì thơ cũng không thể cứu được cuộc đời chúng ta, vì “cơm áo không đùa với khách thơ”…Không giúp được gì cho em, nên anh lại phải “ra góc vườn” có cái cây thần, cây sinh mệnh của anh, của chúng ta mà “vỗ vỗ” vào tấm thân gầy guộc của nó, mà khẩn thiết cầu cứu: “Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi!”
Anh như thể chàng A- li- ba- ba trong thần thoại Ai Cập cổ đại, vỗ mãi vào cánh của cuộc đời, mà cánh cửa cuộc đời, cánh cửa hạnh phúc vẫn còn im ỉm khoá. Từ “ơi” được lặp lại tới ba lần trong một câu thơ kết thúc, như một tiếng gọi thiết tha, chới với, không phải nhẹ như làn khói, mà vang động tới xa xôi, vang động mãi khôn cùng !
“Bài thơ gọi hoa xoan nở” là một sáng tạo tinh tuý của một hồn thơ trữ tình, đã đạt tới tầm trí tuệ mẫn tiệp. Đó là một thứ âm thanh ở ngoài âm thanh, màu sắc ở ngoài màu sắc, tai thường không nghe được, mắt thường không thấy được!
Tạ Vũ ở ngoài đời có thể có một vài cái “tật”, tỷ như quá đắm đuối với mùi men, lại kém về đường kinh tế… “Căn bệnh” trầm kha này, cũng chẳng riêng bác Tạ Vũ mắc phải đâu. Cứ như lời Trịnh Thanh Sơn, thì bác Tạ Vũ nhà ta quyết không phải là người ác, và cũng chẳng bao giờ là người xấu cả. Một trái tim yêu người như thế, một tâm hồn thánh thiện như thế, chỉ có thể nói là đáng yêu, cũng ví như chúng ta yêu quý thi sỹ Bùi Giáng vậy!
Ba bài thơ vừa bình giải trên đây của Tạ Vũ, đều là thơ hay, mỗi bài hay một vẻ, thấy hiện lên vạm vỡ một thi tài. Có lẽ một thời, vì những lý do này khác, người ta chưa chịu tôn vinh những bài thơ buồn, mặc dầu đó là những bài thơ hay, giàu ý nghĩa nhân văn, nhân bản. Tôi cho rằng, nỗi buồn trong trẻo của con người ở mọi thời đại, bao giờ cũng là một giá trị của thẩm mỹ, vĩnh cửu và… “bất khả tri”!
Vậy thì còn phải phân vân gì nữa, mà không xếp Tạ Vũ vào hàng những thi sỹ tài danh của nền thơ ca đương đại nước nhà?
Hà Nội 18-6-2010