Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Cùng với “muôn vàn tình thân yêu” gửi lại cho cuộc đời này, Bác Hồ kết thúc bản di chúc bằng “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là : toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Theo lời kể của ông Vũ Kỳ trong Bác Hồ viết Di chúc, bốn năm suy ngẫm để chỉ viết có một nghìn chữ ! Sau bốn năm xem lại lần cuối Bác cũng chỉ sửa có ba từ!
Ở đây không là chuyện kiệm chữ, kiệm lời. Ở đây là sự dồn nén cô đọng của ý tưởng và tình cảm. Tư tưởng tình cảm như đã được “chưng cất” để chỉ giữ lấy cái tinh túy nhất, sáng tỏ nhất.
Vì thế, đọc kỹ nội dung “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh, chúng ta ngộ ra được rằng: với thời gian, chân lý bỗng vụt sáng lên từ trong những câu chữ vốn rất dung dị, thô mộc hết sức quen thuộc trong đời sống hằng ngày, khiến người ta đôi khi cứ ngỡ như không còn gì để mà suy ngẫm nữa.
Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Bác Hồ tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động với nắm đất của Tổ quốc trên tay, rồi những lời “dặn lại công việc” khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, cho đến khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước VN dân chủ cộng hòa..., cuối cùng là Di chúc với “điều mong muốn cuối cùng” của Người.
Qua đó, nổi rõ lên một điều: độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu trước sau như một của Hồ Chí Minh. Người nói “lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Cho đến “lúc cuối”, trong toàn bộ Di chúc của Người cũng thể hiện nhất quán “chủ nghĩa yêu nước” đó, thể hiện thật tập trung trong “điều mong muốn cuối cùng” và cũng là câu cuối cùng, đọng lại tình cảm, ý tưởng quan trọng nhất trong Di chúc.
Hồ Chí Minh đã hiểu rõ rằng dân tộc mình, nhân dân mình đang cần cái gì nhất. Nói đến điều đó thì tất cả mọi người Việt Nam, dù bất cứ đang ở đâu, đang làm gì cũng đều có thể hiểu được, đều có thể chấp nhận, đều có thể nhất trí, đều có thể nhận ra đó là mong muốn của mình.
Cần phải thấy rằng sự gặp gỡ giữa lý tưởng “ái quốc” và lý tưởng “cộng sản” trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người . Trong đó, giải phóng con người là trung tâm. Nhìn lại nhân cách, tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ: mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con người. Chính ở đây, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh bắt gặp lý tưởng cộng sản. Lý tưởng đó thể hiện tập trung ở tư tưởng “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Có thể nói, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” là tư tưởng đẹp nhất trong vô vàn những tinh hoa tư tưởng của loài người được đúc kết trong học thuyết khoa học của C.Mác. Và nếu, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giải phóng con người là trung tâm thì có thể hiểu được động lực thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc đến với lý tưởng cộng sản theo cách của mình. Người cộng sản VN tự hào vì có Hồ Chí Minh, có tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đem lại nguồn sức mạnh vô tận của lý tưởng cao đẹp đang dẫn dắt cuộc phấn đấu không ngừng nghỉ của mình, theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với một trái tim lớn chứa đựng “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”, Người trở thành nhà cách mạng từng trải, được thử thách và tôi luyện trên trường quốc tế bằng cái tầm trí tuệ của một nhà văn hóa lớn. Vì thế, Hồ Chí Minh hiểu rõ những thành tựu cũng như những sai lầm mà phong trào cách mạng đã trải qua. Người hiểu cần thanh lọc và tiếp nhận những gì có lợi nhất cho mục tiêu đã xác định.
Hồ Chí Minh đứng vượt hẳn lên những người đương thời ở tầm tư duy và cái nhìn biện chứng nhờ vào những phẩm chất ấy. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu rõ ngọn ngành những tinh hoa cũng như những khuyết tật mà phong trào cách mạng đã trải qua, để khi về đến Tổ quốc, hôn nắm đất quê hương đang đói nghèo, đau khổ, Người hiểu rõ cần phải làm gì cho nhân dân.
Ba mươi năm, nhìn lại chặng đường đã đi nhằm thực hiện mong ước của Bác Hồ “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với những điều đã làm được và nhiều điều chưa làm được, càng thấm thía và không thể không day dứt khi nghĩ đến điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ. Thấm thía và day dứt để có những giải pháp và hành động thiết thực.
Theo_TuoiTre
Sửa lần cuối: