• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Sức mạnh Thủy quân Việt 'từ cổ chí kim' (kỳ 1)

Hide Nguyễn

Du mục số
Sức mạnh Thủy quân Việt 'từ cổ chí kim' (kỳ 1)

hủy quân là một trong những lực lượng quan trọng; ra đời rất sớm và lớn mạnh nhanh chóng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Thủy quân là một trong những lực lượng quan trọng; ra đời rất sớm và lớn mạnh nhanh chóng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ 1: Lục sử… tìm hiểu Thủy quân Việt cổ

Lực lượng thủy quân Việt Nam có lịch sử lâu đời, được phát triển gắn liền với tài bơi lặn của người Việt cổ. Vì thế, quá trình hình thành nhà nước Văn Lang từ ba bốn nghìn năm trước đây có thể chính là quá trình hình thành những cơ sở đầu tiên của thủy quân Việt cổ. Minh chứng là thuyền chiến được khắc trên các trống đồng thời Hùng Vương là hình tượng tiêu biểu cho thủy quân buổi bình minh đó.

Từ truyền thuyết Lạc Long Quân…

Việt Nam là đất nước của sông ngòi và biển. Truyền thuyết từ xa xưa, ông Tổ Lạc Long quân vốn dòng dõi của Rồng, từ biển tới, từ sông lên, diệt Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh, khai sáng miền châu thổ sông Hồng...


Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh hạ một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được". Thế là, hai người chia con ở riêng. Năm chục người theo cha xuống biển, được coi là thủy tổ của nhóm Bách Việt. Năm chục người theo mẹ về núi, trong đó con cả lên Phong Châu, được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang.

Vậy, Lạc Long Quân - nhân vật thần thoại lớn nhất Việt Nam - có thể xem là Thủy tổ thủy quân Việt cổ?

… Đến Thủy quân thời Hùng Vương

Trải qua nhiều triều đại hoàng kim trong lịch sử, nước ta đã từng có những đội hải thuyền hùng mạnh nổi tiếng. Từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, sử sách thường nhắc đên quân thủy của các nước Văn Lang, Âu Lạc, Chăm Pa, Phù Nam... Đây được coi là những nước có đội quân thủy hùng mạnh của phương Đông thời bấy giờ.

Từ thời vua Hùng, người dân Văn Lang đã biết cưỡi sóng đạp gió ra khơi trên những con thuyền độc mộc, có khi dài trên 20 m, chở hàng chục chiến binh xung trận theo nhịp trống đồng trên thuyền. Vua Hùng lại biết dạy dân vẽ mắt thuyền để tránh thủy quái làm hại; mũi thuyền gắn ngà voi hoặc tạc hình đầu chim, thú. Chưa hết, những cánh buồm đan bằng lá dứa dại giúp cho thuyền lèo lái nhanh nhẹn, vượt sóng đón gió hết sức tài tình… Do vậy, con thuyền đã rất gắn liền với người Việt cổ, cụ thể: trên mái nhà sàn cũng có hình thuyền, cối gỗ chân vuông cũng có hình thuyền, quan tài để mai táng người chết luôn luôn có hình thuyền lòng máng, và đặc biệt trên các trống đồng đều có hình ảnh thuyền chiến…

Đến cuối thời đại Hùng Vương, nhất là thời kỳ nước Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán, thủy quân của nước Việt cổ được tổ chức quy mô hơn. Các công trình nghiên cứu về thành Cổ Loa cho thấy, bao quanh thành có ba con hào ăn thông với nhau và thông với sông Hoàng Giang. Nhờ vậy, thuyền bè có thể đi lại xung quanh cả ba vòng thành và có thể ra sông Hoàng Giang, sông Hồng, sông Cầu, sông Lục Đầu để tiến ra biển Đông. Do vậy, liệu Cổ Loa ngoài là căn cứ bộ binh, có thêm chức năng thủy binh?

Có thể nói, từ con thuyền độc mộc trải qua hàng ngàn năm, người Việt xưa không ngừng cải tiến sáng tạo trong việc đóng mới thuyền bè, luyện tập thủy quân trở thành một trong những lực lượng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, cho đến thế kỷ thứ 10 (năm 938), Ngô Quyền đã đánh tan cả đạo quân Nam Hán hùng mạnh trên sông Bạch Đằng - là tiếng trống mở màn, báo hiệu cho hàng loạt thắng lợi về sau này qua những trận chiến trên sông nước, đánh bại nhiều đạo quân xâm lược khác của thủy quân Đại Việt.



Theo Vĩnh Khang


 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Kỳ 2

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vị vua chúa nào cũng rất chú trọng xây dựng và phát triển một đội thủy quân hùng mạnh, thiện chiến và có tổ chức…


Nếu lực lượng thủy quân thời Hùng Vương còn sơ khai, thì đến đời vua Đinh và vua Lê Đại Hành, chiến thuyền đã được tổ chức quy củ, lập thành đội ngũ hẳn hoi, thao luyện thủy trận trên sông ngòi ở ghềnh Tháp, ngòi Sào Khế, hang Luồn thuộc kinh đô Hoa Lư. Nhờ có đội chiến thuyền tinh nhuệ, Đinh Bộ Lĩnh đã tiêu diệt được cánh quân mạnh nhất của sứ quân Phạm Bạch Hổ ở Dục Thúy (núi Non Nước), thống nhất giang sơn, lập nên nhà Đinh…

Vì thế, càng mỗi triều đại tiếp theo, các hoàng đế nước Việt càng không ngừng quan tâm phát triển và “bành trướng” sức mạnh quân thủy. Ở đây, Đất Việt đề cập đến thủy quân nhà Lý, Trần.

Việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, thiện chiến và có tổ chức phải kể đến nhà Lý, gồm những binh chủng: bộ, thủy, kỵ và tượng binh. Vũ khí lúc ấy chỉ có kiếm, dáo, mác, khiên và máy bắn đá… Quân đội, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thủy binh, đã "bình Chiêm, đánh Tống, chống Khmer" một cách xứng đáng lưu danh sử sách.

Theo sử sách, thời Lý, Trần có nhiều loại thuyền chiến và rất giỏi thủy chiến. Cụ thể:

Về chiến thuyền, lúc bấy giờ, lực lượng thủy binh triều Lý đã có thuyền Mông Đồng (hai đáy), Lưỡng Phúc (hai lòng), Ngự (thuyền chỉ huy), Lâu thuyền (thuyền lầu) và Trường Quang.

Việt sử lược chép: "Tháng 11 (năm 1106), vua sắp có việc lôi thôi với nhà Tống, sai đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy và đóng chiến hạm". Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Năm 1124, đóng thuyền Trường Quang kiểu hai lòng"...

Loại thuyền chiến phổ biến là Mông Đồng và Lưỡng Phúc, có hai đáy an toàn và tiện lợi. Trên thực tế, thuyền Mông Đồng đã có từ những thế kỷ trước. Từ thế kỷ IX, ở nước ta đã đóng loại thuyền này và sau đó, được sử dụng phổ biến. Quân thuỷ thời Ngô Quyền ngoài các thuyền nhỏ như thuyền độc mộc, thuyền thúng, cũng đã sử dụng Mông Đồng. Theo Việt sử lược, mỗi chiếc có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió; đó là thứ thuyền hẹp và dài, dùng để xông đánh thuyền giặc". Đến thời Lý, thuyền Mông Đồng đã được cải tiến, có hiệu quả hơn trong vận tải cũng như khi chiến đấu. Ngoài ra, còn có thuyền chỉ huy của vua, mang tên Kim Phượng, Thanh Lan, Cảnh Hưng, Vĩnh Xuân...

Không kém cạnh, thậm chí hiện đại hơn, nhà Trần - vốn xuất thân từ vùng ven biển, lại ưa chuộng nghề võ - càng chú trọng phát triển thuỷ quân, chế tạo nhiều thuyền chiến hơn nữa. như: thuyền Châu Kiều, Đinh Sắt, Trung tàu tải thương hay Cổ lâu thuyền...

Sử sách chép rằng, Trần Quốc Tuấn luôn chủ trương giữ quân số ở mức cần thiết, nhưng đối với thuyền chiến và thuyền vận tải thì vẫn thường xuyên sắm sửa và được tăng thêm. Mỗi lần chuẩn bị đánh quân Mông - Nguyên, vua Trần đều ra lệnh các lộ, các vương hầu đóng thuyền, ghe. Sứ thần nhà Tống, nhà Nguyên đều tận mắt chứng kiến sức mạnh của thuỷ quân Đại Việt. Sứ giả Trần Phu không chỉ thán phục tài bơi lội của thuỷ thủ nhà Trần, mà còn khâm phục kỹ thuật đóng thuyền Mông Đồng…

Theo An Nam tức sự, thuyền Mông Đồng thời đó được mô tả: “đuôi như cánh uyên ương. Hai bên mạn thuyền cao hẳn lên, mỗi chiếc có tới 30 tay chèo, nhiều thì đến hàng trăm. Thuyền đi như bay"…

Về tài thủy chiến, năm 1077, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt đã xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn giặc, cử Lý Kế Nguyên đánh địch ngoài cửa biển. Tiếp đến, ông cũng xây dựng chốt thủy quân vững chắc tại Vạn Xuân (Lục Đầu), có 500 thuyền chiến lớn do hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy. Đội quân Hoằng Chân và Chiêu Văn có 2 nhiệm vụ chính: Một là, hỗ trợ cho quân ta ở phòng tuyến sông Cầu đánh địch khi chúng vượt sông và đố bộ tập kích bờ bắc trong trường hợp cần thiết. Hai là, chặn không cho thủy quân Tống vào tiếp ứng quân bộ vượt sông nếu chúng vượt qua tuyến phòng ngự của Lý Kế Nguyên.

Chốt đường thuỷ của Hoằng Chân và Chiêu Văn đặc biệt có ý nghĩa trong việc chặn các hướng chính từ biển Đông vào nước ta. Lý Thường Kiệt đặc biệt coi trọng vị trí chiến lược của sông Lục Đầu, coi đây là phòng tuyến thứ hai nếu quân Tống chọc thủng phòng tuyến thứ nhất của Lý Kế Nguyên.

Sau chiến thắng của Ngô Quyền năm 938, chiến thắng của Lê Hoàn năm 981, trên miền đất thiên hiểm này lại diễn ra trận chiến chặn đứng quân thù, không cho chúng vào sâu lãnh thổ của Đại Việt. Thực tế trận chiến năm 1077 là quân thủy Tống không thể vượt qua phòng tuyến của viên tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc Lý Kế Nguyên. Phòng tuyến trên sông Thái Bình, Kinh Thầy vào tới Lục Đầu với 500 chiến thuyền lớn do Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy đã tham gia tổng công kích quân Tống tại núi Nham Biền, tiêu diệt 5.000 quân kỵ binh Tống, góp phần bảo đảm thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống quân Tống.

Trước đó, vào năm Ất Mão 1075, khi thái sư Lý Thường Kiệt đem 10 vạn quân thủy bộ sang vây đánh Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông) và Ung Châu (Quảng Tây), phá tan thành quách, triệt hạ bọn quan binh, rồi rút quân an toàn về nước, khiến nhà Tống không kịp trở tay. Điều này tỏ rõ tài thủy chiến cùng binh thuyền nhà Lý đã hết sức lợi hại.

Bước sang triều Trần, Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo lại noi gương Ngô Quyền, đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng; Trần Khánh Dư đốt thuyền lương giặc ở biển Vân Đồn; Trần Nhật Duật phá thủy trận của Toa Đô ở bến Hàm Tử; Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản đánh tan hạm thuyền giặc ở bến Chương Dương… Tất cả đều nhờ vào thủy quân tinh nhuệ và chiến thuyền đa dạng, tính năng chiến đấu cao…

(còn nữa)

Vĩnh Khang
 
kỳ 3

Trước họa đe dọa xâm lược nghiêm trọng của nhà Minh ở phía Bắc, Hồ Quý Ly càng dốc sức tập trung xây dựng lực lượng quân đội, đặc biệt là quân thủy.


Đời nhà Hồ, chiến truyền được đóng mới to lớn hơn, có nhiều tầng lát ván sàn tiện cho việc đi lại, chiến đấu; còn vũ khí thì ra đời nhiều loại mới và hiện đại hơn.

Vũ khí tiến bộ vượt bậc

Sử sách chép rằng, Hồ Quý Ly đã ra lệnh mở xưởng đúc vũ khí, phát hành tiền giấy, thu hồi tiền đồng để đúc súng, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công xưởng quân sự. Vì thế, vũ khí, thiết bị quân sự vào thời kỳ này đã có những bước tiến quan trọng về mặt kỹ thuật và tính năng quân sự. Thủy binh đã được trang bị thuyền chiến lớn hơn trước và có khả năng thủy chiến khá tốt.

Cụ thể, bên cạnh kế thừa các chiến thuyền của các triều đại trước, như: Mông Đồng (hai đáy), Lưỡng Phúc (hai lòng), Ngự (thuyền chỉ huy), Lâu thuyền (thuyền lầu), Trường Quang, Châu Kiều và Đinh Sắt… Năm 1404, Hồ Hán Thương cho đóng Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương - một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo, để chở lương nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu. Theo mô tả, nếu thuyền bình thường có một đáy, thì thuyền loại này làm thêm một “đáy” nữa, tức một tầng sàn ở trên, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Hiện, tài liệu về những con thuyền Cổ Lâu còn lại rất hiếm hoi, nhưng nó luôn được coi là chiến thuyền tiêu biểu cho quân thủy Đại Việt.

Chưa dừng ở đó, với tài năng kiệt suất của Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly), nhà Hồ đã chế ra súng thần cơ - có sức công phá mạnh mẽ, hơn hẳn các loại khí giới đương thời, và các hạm đội, chiến thuyền cũng được trang bị thần cơ pháo khiến thủy binh của giặc Minh lắm phen khiếp đảm kinh hồn, tổn thất đáng kể.

Công trình phòng ngự quy mô lớn

Năm 1405, nhà Hồ lệnh cho những nơi đầu nguồn ở các trấn nộp gỗ làm cọc. Châu Vũ Ninh thì cho lấy gỗ ô mễ ở lăng Cổ Pháp đưa đến cho quân đóng cọc ở các cửa biển và những nơi xung yếu trên sông Cái (sông Hồng) để phòng giặc phương Bắc. Tháng 6, đặt bốn kho quân khí. Không kể là quân hay dân, hễ khéo nghề đều sung vào làm việc.

Vào tháng 7 cùng năm, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đi tuần tra xem xét núi sông và các cửa biển, ở kinh lộ, để kiểm tra xem xét thế hiểm yếu của các nơi. Tháng 9 tổ chức lại quân đội. Định quân Nam ban và Bắc ban chia thành 12 vệ; quân Điện hậu đông và tây chia thành 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người; đại quân thì 30 đội, trung quân thì 20 đội, mỗi doanh là 15 đội, mỗi đoàn là 10 đội; cấm vệ đô thì 5 đội. Đại tướng quân thống lĩnh cả.

Tiếp sau đó, Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh đốc quân vệ Đông Đô đóng cọc chặn cửa sông Bạch Hạc (ngã ba sông Hồng chảy qua thành phố Việt Trì ngày nay) để chống thủy quân giặc từ Tuyên Quang xuống.

Tháng 7 năm 1406, Hồ Hán Thương ra lệnh cho các lộ tiếp tục đóng cọc gỗ ở bờ phía nam sông Cái, từ thành Đa Bang (Sơn Tây - Hà Tây ngày nay), và dựng cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Đó là một hệ thống chướng ngại vật gồm những bãi cọc, những xích sắt cùng các đồn quân chốt chặn khắp các cửa sông, cửa nguồn, quan ải...

Có thể khẳng định, đối với lịch sử quân sự, đây là thời kỳ mà nước ta đã xây dựng được một công trình phòng ngự có quy mô lớn nhất, trên một chính diện rộng, chiều sâu lớn và đồ sộ gấp nhiều lần phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống giặc Tống. Thế nhưng, do yểu mệnh, nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm.

Chiều ngày 27/6 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa Thế giới (UNESCO) diễn ra tại Paris, Pháp, Thành nhà Hồ tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thành nhà Hồ được đặt nền móng xây dựng vào năm 1397. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng bằng đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam, với 4 bên được bao quanh bằng tường đá, tổng khối lượng đá được sử dụng để xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp. Trong lòng đất của khu di tích này còn lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường sá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình.

Di sản Thành nhà Hồ còn thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thành nhà Hồ được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962. Sau 6 năm xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO (từ năm 2006 đến năm 2011), Thành nhà Hồ đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại.


(còn nữa)
Vĩnh Khang
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Kỳ 4,


Sau khi quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, triều Lê (1427-1789) được dựng lên. Từ đây, để trấn áp nội loạn, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ, vua Lê rất chú trọng cải tổ quân đội. Thủy quân trở thành một binh chủng riêng, độc lập với bộ binh, tượng binh và kỵ binh.


Theo đó, trang trí vẽ thuyền trở thành nghi lễ quốc gia. Thủy quân chia thành nhiều phiên hiệu rạch ròi, như: Thiện Hải thuyền của vua chúa khi xuất trận; còn Đấu thuyền, Lâu thuyền Tẩu Kha thuyền, Khai lãng thuyền, Hải Cốt thuyền...có hình dáng, cấu trúc, chạm khắc, màu sắc, vương huy, vương hiệu khác nhau…

Cải tổ thủy quân

Ngay trong năm đầu tiên ở ngôi vua, Lê Thái Tổ đã ban hành quy chế cụ thể cho lực lượng thủy quân cũng như vũ khí cho binh lính. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vào ngày mồng 10 tháng 8 năm Mậu Thân (1428), vua định các khí vật như cờ xí, nghi trượng cho các quân, chiến khí và thuyền ghe: trung đội cờ vàng, thượng đội cờ đỏ, hạ đội cờ trắng. Mỗi vệ một lá cờ lớn của chủ tướng. Mỗi quân một lá cờ hạng trung, 10 lá cờ đội và 40 lá cờ nhỏ. Thuyền chiến có hỏa công 10 chiếc, thuyền nhỏ đi tuần thám hai chiếc… Ngoài trang phục chung giống như các lực lượng khác, thủy quân thời Lê sơ đội nón thủy ma và nón sơn đỏ để có sự phân biệt”.

Từ tiền đề trên, sau đó không bao lâu, nhà Lê đã có một lực lượng thủy quân khá mạnh. Đến năm 1435, Lê Thái Tông sau khi xem bộ binh diễn tập, đã xem thủy quân diễn tập ở sông Hồng. Tiếp đó, vào năm 1438, Lê Thái Tông lại sai chiến thuyền của năm đạo quân diễn tập thủy chiến. Rồi khi thấy Chiêm thành hay cho quân xâm phạm biên giới, năm 1446, vua Lê Nhân Tôn sai Lê Thụ, Lê Khả đem thủy quân đánh Chiêm Thành, quân Đại Việt đánh chiếm cửa biển Thi Nại, rồi tiến lên đánh chiếm thành Cha Bàn, bắt được vua Chiêm Bí Cái...

Đến thời Lê Thánh Tông, thủy quân của Đại Việt ngày càng hùng mạnh và lập được nhiều chiến công. Nhà Lê có nhiều loại chiến thuyền lớn nhỏ, có chiến thuyền được trang bị bằng hỏa khí. Năm 1964, vua ban hành phép duyệt trận đồ thủy chiến của thủy binh như: Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài hành, Thất môn, Yến nguyệt... Mỗi loại trận đồ có hàng trăm thuyền chiến tham gia tập trận. Nhà vua còn định ra quân lệnh về thủy trận gồm 31 điều - đây là "Điều lệ thủy binh" bằng văn bản đầu tiên của quân thủy Việt Nam.

Cũng nhờ sự quan tâm đến xây dựng quân đội, trong đó có thủy binh nên thời Lê Thánh Tông, đội chiến thuyền lớn nhất lịch nước ta đã được thành lập. Vào năm Kỷ Sửu (1469), Lê Thánh Tông đã huy động một phần trong số đó đi chinh phạt Chiêm Thành. Theo sử sách, ngoài lực lượng bộ binh thì có tới 25 vạn thủy quân và 5.000 chiến thuyền do nhà vua đích thân chỉ huy trong cuộc Nam chinh đó.

Như vậy, với quân bộ, quân thủy dưới thời vua Lê Thánh Tông dần được hoàn thiện về tổ chức; thủy quân được chia làm 4 đội: Hải hồng quân, Hải mã quân, Hải kình quân và Hải điểu quân; được trang bị hàng vạn chiến thuyền có ống phun lửa (còn gọi là hỏa đồng), bố trí ở tất cả các cửa sông, cửa cửa biển xung yếu, góp phần quan trọng bảo vệ giang sơn, đất nước.

Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào bản đồ Đại Việt

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời xưa được cha ông ta thường coi là một dải đảo dài nên gọi chung bằng các tên khác nhau như Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Vạn lý Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa, Đại Trường Sa…

Tư liệu từ triều nhà Hồ trở về trước đã bị mất mát, phá hoại rất nhiều vào thời giặc Minh xâm lược nước ta nhưng việc Lê Thánh Tông cho lập bản đồ toàn quốc gọi chung là Hồng Đức bản đồ vào năm Canh Tuất (1490), trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa, điều này cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh, đã hết sức quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo.

Căn cứ vào Hồng Đức bản đồ, nho sinh Đỗ Bá (tự Công Đạo) đã soạn ra bộ sách Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư (1630 – 1653), ở quyển 1 có thể hiện địa mạo phủ Quảng Ngãi, phần chú thích trên bản đồ có nói tới Bãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển” và có một bản đồ vẽ nhóm đảo thuộc Quảng Ngãi, phủ Thăng Hoa với chú thích chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng”.

Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư theo lệnh của Chúa Trịnh những năm Chính Hòa (1689-1705) là văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến bấy giờ. "Bãi Cát Vàng” được ghi chú trong bản đồ phản ánh việc thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa - muộn nhất là vào thế kỷ thứ XV.

Cũng theo Thiên nam lộ đồ, bản đồ xứ Quảng Nam đời Lê, được vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier), có “Bãi cát vàng” - tức Hoàng Sa ngày nay.


Vĩnh Khang
 
Kỳ 5,


Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Vĩnh Khang


Theo sử sách, thủy quân được tổ chức theo thuyền, đội, cơ và dinh. Ngoài lực lượng chính quy, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một số các đội thuyền được tổ chức khá đặc biệt.

Nhiều nguồn tài liệu cho thấy, quần đảo Hoàng Sa ngày nay chính là bãi cát vàng thuộc phủ Quảng Ngãi trước đây, nơi đội Hoàng Sa hằng năm ra khai thác sản vật. Mỗi năm một lần, với khoảng thời gian 6 tháng ở lại trên đảo, đội Hoàng Sa hoạt động công khai và thường xuyên chứng tỏ quần đảo hoàn toàn thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn. Từ thực tế đó khẳng định, từ thời các chúa Nguyễn quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền biển đảo nước ta.[/TD]

Tại các phủ ven biển, chúa Nguyễn đều đặt riêng các đội thuyền chuyên đi thu nguồn lợi từ các đảo về. Trong đó, đội Hoàng Sa ở phủ Quảng Ngãi được xem là lớn nhất, làm nhiệm vụ khai thác và kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa được biên chế và tổ chức như một thủy đội biệt lập, kiêm quản luôn đội Bắc Hải hoạt động ở vùng đảo Trường Sa.

Chính sử triều Nguyễn ghi rằng, đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy.

Theo TS Nguyễn Nhã, đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau.

"Hoạt động của đội Hoàng Sa tới các đảo phía bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc), phía nam tiếp tới Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự mình đi khắp nơi, song lại kiêm quản các đội khác nên phạm vi hoạt động của các đội rất rộng, khắp các đảo trên biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung, từ phía tây nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay. Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré", TS Nguyễn Nhã cho biết.

Bên cạnh đội Hoàng Sa và Bắc Hải, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một lực lượng các đội thuyền thường xuyên tuần tra trên biển - có nhiệm vụ “đánh bắt cướp biển…phát hiện, đánh đuổi các tàu nước ngoài do thám, can thiệp, đồng thời còn làm nhiệm vụ truyền tin. Chính nhờ lực lượng truyền tin mà năm 1643 chúa Nguyễn Phúc Tần mới có thể kịp thời đem thủy quân đánh đuổi tàu chiến của Hà Lan. Các chúa Nguyễn còn thiết lập Ty tàu, là cơ quan phụ trách việc quan hệ với tàu thuyền nước ngoài… Về thuyền chiến, có rất nhiều loại. Thuyền chiến Đàng Trong thời kì này chủ yếu là thuyền pháo, được trang bị trực tiếp súng pháo trên các thuyền. Mỗi chiến thuyền đều có ít nhất một khẩu pháo ở đằng mũi. Tùy dạng thuyền mà số lượng pháo nhiều ít có khác nhau… Theo nhiều nguồn tài liệu, dưới thời các chúa Nguyễn đã có các xưởng chuyên đúc súng và xưởng đóng thuyền chiến. Sức mạnh của thủy quân chúa Nguyễn được khẳng định và đánh giá cao qua những trận thủy chiến với tàu Tây phương. Theo sử sách kể lại cũng như theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm 1644 người Hòa lan theo yêu cầu của Chúa Trịnh mang 3 chiếc tàu chiến bằng đồng rất lớn, trang bị vũ khí tối tân vào của biển Eo (cửa Thuận An - Huế) nhưng có lẽ do của biển cạn nên không vào được, mà đổi hướng tiến vào cửa Hàn (Đà Nẵng) nổ súng uy hiếp quân Nguyễn.

Đây là lần đầu tiên đối đầu với tàu chiến ngoại quốc nên Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan triệu tập triều thần để bàn định. Chúa Thượng gọi một người Hòa Lan đang buôn bán ở đây để hỏi, tên này khoe khoang lực lượng hải quân Hòa Lan “bách chiến bách thắng”, hàm ý đe dọa. Chúa Thượng tự ái, bị tổn thương nên dứt khoát tấn công, ra lệnh thế tử Dũng Lê Hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này kế nghiệp cha trở thành Chúa Hiền) chỉnh đốn thủy quân ra cửa Hàn đón đánh, còn mình đích thân trợ chiến tại của Thuận An.

Dũng Lê Hầu điều động 200 chiến thuyền, bốn phía vây hãm 3 chiếc chiến hạm của giặc. Mặc dù đại bác của giặc bắn xối xả nhưng thuyền của nhà Nguyễn nhẹ, cơ động nên vẫn bám sát chiếm hạm của giặc tấn công. Trước sự chiến dấu gan dạ anh dũng, một chiến hạm của giặc không chịu được phải luồn lách chạy thoát ra biển, chiếc thứ hai va vào đá ngầm chìm nghỉm. Chiếc thứ ba ngoan cố chống trả. Dũng Lê Hầu cho quân sĩ len lỏi lên thuyền giặc đánh gãy bánh lái, cột buồm, và tiến đánh xáp lá cà dồn giặc vào thế tuyệt vọng. Biết khó thoát nên tên thuyền trưởng bèn ra lệnh đốt kho thuốc súng trên tàu làm chiến hạm vỡ tan và bốc cháy thiêu rụi toàn bộ binh đội của chúng ở tên tàu. Đây là trận thủy chiến đầu tiên với chiến hạm nước ngoài và là chiến công oanh liệt nhất của thủy quân chúa Nguyễn.

Cuối thế kỷ 16, khi hoành hành cướp phá bờ biển Trung Quốc, Hải tặc Nhật Bản cũng tràn qua cả nước ta. Chúng kéo nhau đến Cửa Việt vào năm 1585. Hoàng Tử Nguyễn Phước Nguyên, con thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng, đã điều binh đánh chìm hai chiếc tầu Ngọa khấu (giặc lùn Kenki). Đây là sử liệu đầu tiên đề cập đến mối liên hệ giữa Nhật Bản và Đàng Trong. Năm 1599, một chiếc tàu Kenki khác khi hải hành bị mắc cạn tại Cửa biển Thuận An cũng bị một tướng của Chúa Nguyễn Hoàng chận bắt được. Đầy đủ trang cụ bị tịch thu, cả thủy thủ đoàn tàu cướp biển bị bắt. Hai năm sau, 1601, Chúa Nguyễn Hoàng gửi bức thư ngoại giao chính thức đầu tiên của nước ta đến Tướng Quân Shogun Tokugawa. Hai xứ Việt Nhật bắt đầu lập giao thương đường biển. Thương điếm vùng Hội An được thành lập với nhiều thương nhân ngoại quốc và đặc biệt đông nhất là người Nhật Bản, bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Dù không còn phải dụng binh nhiều sau năm 1802, Thủy quân Nhà Nguyễn vẫn còn rất mạnh. Nước Anh đưa thư xin ngoại giao thông thương ba bốn lần đều bị khước từ. Năm 1803 khi một Hạm đội của họ gồm 7 chiếc tàu tiến từ Biển Đông theo đường sông vào Hà Nội, bị quân ta đốt cháy. Không thấy chính phủ Anh Cát Lợi phản đối. Có lẽ vì Anh Quốc biết rằng mình có lỗi khi xâm nhập hải phận và lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp, nên mọi việc cũng êm. Tài liệu hiếm này được Nhà Quân Sử Phạm Văn Sơn ghi lại trong Việt Sử Toàn Thư, xuất bản năm 1960, trang 591.

Như vậy, dưới thời các chúa Nguyễn, lực lượng thủy binh thực sự là một lực lượng quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng đất các các chúa cai quản, kiểm soát và làm chủ vùng biển Đàng Trong. Trên nền tảng đó, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn có cơ sở để tiến hành đo đạc, kiểm soát và chính thức xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đó là những bằng chứng xác thực về sự tồn tại và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta trên biển Đông.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Khám phá 'chiến thuyền' của Thủy quân Việt xưa

Theo sử sách, chiến thuyền dưới các vương triều phong kiến Việt Nam không chỉ được sử dụng nhằm mục đích tăng sức đánh bộ trong những trận tập kích vượt biển, mà còn chuyên chở lương thực hoặc lễ vật làm quà trong những lễ nghi ngoại giao.

Theo sử sách, chiến thuyền dưới các vương triều phong kiến Việt Nam không chỉ được sử dụng nhằm mục đích tăng sức đánh bộ trong những trận tập kích vượt biển, mà còn chuyên chở lương thực hoặc lễ vật làm quà trong những lễ nghi ngoại giao.

Đất Việt điểm mặt một số chiến thuyền của Thủy quân Việt xưa:

Thuyền mẫu tử

Theo Võ bị chế thắng chi, đây là loại thuyền chuyên dùng để đánh hoả công, gồm 2 thân lồng vào nhau, 4 mái chèo, 1 buồm. Khung thuyền giả to (thuyền mẹ) bọc ngoài, ở phía trước một chiếc thuyền thật nhỏ hơn (thuyền con).

Trên khung thuyền to, người ta chất củi lửa và thuốc cháy, mũi thuyền có những đinh nhọn, hông thuyền cũng đầy đinh sắt. Khi đánh địch, người ngồi núp trong thuyền nhỏ chèo thật nhanh, lao thật mạnh vào thuyền đối phương, khiến cho những đinh sắt nhọn ở mũi khung thuyền giả cắm vào mạn thuyền đối phương.


Sau đó, người ta đốt chất cháy củi và thuốc súng trên thuyền giả, rồi rút thuyền con khỏi khung thuyền to chạy về. Thuyền giả cháy sẽ đốt luôn thuyền đối phương.


Lâu thuyền (thuyền cổ lâu)

Trước họa xâm lăng của nhà Minh, nhà Hồ đã phải lo củng cố quốc phòng. Năm 1404, Hồ Hán Thương cho chế tạo thuyền cổ lâu - một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo, có tên gọi là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, để chở lương nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu.

Theo mô tả, nếu thuyền bình thường có một đáy, thì thuyền loại này làm thêm một “đáy” nữa, tức một tầng sàn ở trên, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Thuyền được trang bị súng Thần Cơ, nhưng hiện tài liệu về những con thuyền Cổ Lâu còn lại rất hiếm hoi.

Sử sách chép rằng, Việt Nam là một trong những nước có thuyền lầu sớm trong quân thuỷ, đó là những lâu thuyền đơn giản khắc trên trống đồng Đông Sơn, kèm theo hình ảnh người lính luôn sẵn sàng chiến đấu với cung nỏ trên tay.
Tới thế kỷ 19, theo ý nghĩa hình khắc trên chín đỉnh linh thiêng của triều Nguyễn, thì lâu thuyền được chọn như một loại thuyền chiến tiêu biểu cho quân thủy.

Tẩu kha thuyền

Thuyền do nữ tướng chỉ huy, không dùng buồm, thân thon dài, trên có 3 cột cờ đại và 2 hàng cờ nheo dọc thân thuyền, phu chèo và thủy binh đều tinh nhuệ, lợi hại và đi lại như bay, đột kích bất ngờ, rút lui nhanh chóng.

Du Đĩnh thuyền

Thuyền có nhiều tầng to cao, trên có mái che với hàng dọc cờ xí, chứa được nhiều quân cung thủ, quan sát giặc từ xa, lợi hại khi đổ bộ binh đánh úp.

Hải cốt thuyền

Là thuyền chiến to lớn và rắn chắc với hàng chục tay chèo, hàng trăm binh sĩ, dàn trận trực chiến với thuyền giặc.


Dưới triều Lê Thánh Tông, bên cạnh bộ binh, kị binh, tượng binh… thì thủy binh cũng đã trở thành một binh chủng độc lập với việc chia thành nhiều phiên hiệu rõ ràng như: Thiện Hải thuyền, Đấu thuyền, Lâu thuyền, Tẩu Kha thuyền, Khai Lãng thuyền, Hải Cốt thuyền...với hình dáng, cấu trúc, chạm khắc, màu sắc, cờ hiệu khác nhau.

Đấu thuyền


Là hạm thuyền lớn chỉ huy, với cột cờ soái và nhiều cờ xí, xung phong chiến đấu, dẫn đầu đoàn chiến thuyền.

Ở đây lại nói về chiến thuyền Tây Sơn, lúc bấy giờ, công nghệ đóng thuyền ở nước ta đã có những tiến bộ nhất định. Cuối thế kỷ XVIII, John Barraw - hội viên Hội Hoàng gia Anh - đã đến xứ Đàng Trong (miền Trung và miền Nam Việt Nam) và chứng kiến: "Thuyền của họ đóng rất đẹp, thường dài từ 50 đến 80 pied (1pied = 0,30m). Đôi khi một chiếc thuyền như vậy chỉ gồm 5 tấm ván, kéo dài từ đầu nọ đến đầu kia và được ghép vào nhau bằng mộng. Thuyền biển của họ đi không nhanh lắm, nhưng rất an toàn. Bên trong được chia thành từng khoang, loại này rất chắc có thể đâm vào đá ngầm mà không chìm vì nước chỉ vào một khoang mà thôi. Hiện tại, ở Anh đã bắt chước cách làm này để áp dụng vào việc đóng tàu".
Theo Binh thư yếu lược, một số lớn thuyền chiến của Tây Sơn được trang bị pháo, nhằm tăng cường hỏa lực, tạo nên mũi đột kích có sức công phá và tiêu diệt lớn. Thủy đội Tây Sơn có 54 tàu, 93 chiến thuyền, 300 pháo hạm, 100 tàu buồm trang bị khá hùng hậu. Tuy nhiên, đời vua Việt sở hữu những chiến thuyền hiện đại lại là hoàng đế Minh Mạng - rất quan tâm đến việc học hỏi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền. Không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền, đặc biệt cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp.

Vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương, để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền tại kinh đô nghiên cứu, triển khai đóng theo mẫu. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long; sau đó hàng hoạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến…

Vào thời Gia Long, chiến thuyền cũng lên tới cả ngàn chiếc và người ngoại quốc rất khâm phục.



Vĩnh Khang
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top