Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Việt Nam một đất nước trải dài qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua biết bao biến cố thăng trầm để được một nước Việt Nam hòa bình phồn thịnh đang dần đổi mới như ngày hôm nay . Đó là một điều không hề đơn giản, biết bao nhiêu xương máu của các thế hệ cha anh chúng ta đã ngã xuống để gìn giữ bảo vệ nền độc lập cho đất nước .Lịch sử đã chứng minh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam đó là truyền thống quý báu thể hiện lòng yêu nước. Truyền thống yêu nước đó không chỉ thể hiện ở các cuộc chiến đấu gian khổ chống giặc ngoại xâm, trong công cuộc lao động sáng tạo xây dựng quê hương đất nước mà nó còn thể hiện ở những cuộc cải cách đổi mới đất nước. Nhìn vào xuyên xuất chiều dài lịch sử của dân tộc ta thấy vấn đề cải cách canh tân đất nước được đặt ra và thực hiện trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong từng thời kì lịch sử của Việt Nam, những nhà cải cách lần lượt xuất hiện, chúng ta co thể kể đến các cuộc cải cách như: cải cách của Khúc Hạo (907-918), cải cách Hồ Quý Ly, cải cách của Lê Thánh Tông, cải cách của Quang Trung ( Nguyễn Huệ ), cải cách của Nguyễn Trường Tộ, cải cách của Phan Châu Trinh…. Các cuộc cải cách cứ nối tiếp nhau qua các thời kì lịch sử. Tuy những cuộc cải cách được thực hiện ở những phạm vi mức độ khác nhau thành công cũng nhiều mà thất bại cũng không ít. Nhưng dẫu sao các cuộc cải cách đi trước lúc nào cũng là tiền đề và bài học kinh nghiệm cho các cuộc cải cách sau tiến bộ hơn.Cải cách của Hồ Quý Ly và cải cải cách của Lê Thánh Tông là 2 cuộc cải cách có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của dân tộc, những chính sách và chủ trương mà hai ông đưa ra rất tiến bộ, nó đánh dấu sự phát triển vượt bậc của chế độ phong kiến Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trong đó nổi bất và tiêu biểu là lĩnh vực chính trị và hành chính. Có nhận định cho rằng: “ Trên lĩnh vực chính trị , hành chính cuộc cải cách của Lê Thánh Tông là sự tiếp nối của cải cách của Hồ Quý Ly”. Nhận định trên đúng hay không đúng? Theo quan điểm của tôi tôi đồng ý với quan điểm trên và sau đâu tôi xin chứng minh cho quan điểm đó của mình:
1.Để hiểu rõ được những cải cách trên lĩnh vực chính trị,hành chính của cải cách của Hồ Quý Ly và cải cách Lê Thánh Tông và thấy được sự nối tiếp của 2 cuộc cải cách này trước hết chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh của 2 cuộc cải cách trên.
1.1 Bối cảnh của cải cách Hồ Quý Ly
Nửa sau thế kỉ XIV xã hội Đại Việt lâm vào tình trạng khủng hoảng mục nát và suy thoái nghiêm trọng. Vua Trần Dụ Tông ăn chơi xa xỉ, trỵ lạc, cho xây dựng nhiều công trình tốn nhiều tiền của và công sức của nhân dân làm chỗ vui chơi, Bọn quan lại thì nhân đó bắt nhân dân xây dựng dinh thự cho mình. Trong triều đình nhà Trần có rất nhiều nịnh thần và việc kéo bè,kéo cánh tranh giành quyền lực xảy ra liên miên. Tình hình nội bộ rối loạn, khiến các nước nhỏ phía Nam không còn thuần phục như trước.
Vì không chăm lo cho nông nghiệp nên mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên, nhiều người phải bán vợ, bán con ,bán mình làm nô tì cho các nhà quý tộc đại chủ. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổi dậy khắp nơi đã nói lên sự khủng hoảng suy thoái của triều đại thống trị, những mâu thuẫn sâu sắc trong chế độ ruộng đất và nông nghiệp đương thời. Các cuộc khởi nghĩa đã lôi cuốn nông dân nghèo và hàng loạt các nông nô nô tì ở các điền trang của các vương hầu quý tiicj tham gia.
Từ đầu những năm 60 của thế kỉ XIV Champa hùng mạnh lên thường xuyên đánh chiếm Chiêm Hóa, nhà Trần nhiều lần đem quân chống cự nhưng thất bại, quân Chăm pa cướp phá nhà cửa, kho tàng, dinh thự, cung điện sau đó rút về. Mãi đến 1389 tướng chỉ huy địch là Tướng Bồng Nga bị tử trận quân Chăm Pa mới bị đánh bại và suy yếu dần . Cuộc chiến tranh với Chăm Pa đã cho thấy sự suy yếu rõ của nhà Trần, nó vừa gây thêm khó khăn, khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn.
Mặt khác năm 1388 ở phía Bắc nhà Minh sai sứ sang đòi chúng ta cống nạp lương thưc, các loaijtrái cây đặc sản và những báu vật sản vật quý hiếm. Vua Trần buộc phải cống nạp 5000 thạch lương. Năm 1395 nhà Minh vờ cho người sang ta xin giúp 50 con voi , 50 vạn hộc lương. Những việc làm trên nhằm thăm dò nhà Trần và chuẩn bị tiến hành âm mưu xâm lược đã được vạch ra từ trước của nhà Minh.
Tóm lại, xã hội Đại Việt cuối thế kỉ XIV đã lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc và toàn diện: chính quyền suy yếu, bọn nịnh thần chuyên quyền, dòng họ thống trị xa đọa, nông nghiệp giảm suất nghiêm trọng, dẫn đến nông dân nghèo, nô tì nổi dậy chống đối hay bỏ trốn. Trong lúc đó, những cuộc tấn công đánh phá của Chăm Pa lại liên tục diễn ra, dù cuối cùng bị đẩy lùi hẳn đã làm cho cuộc sống của nhân dân ta thêm khổ cực, triều đình thêm rối ren, tài chính kiệt quệ. Đã vậy Đại Việt đứng trước nguy cơ một cuộc xâm lược ngày càng đến gần của quân Minh. Đó là những tiền đề dân đến cải cách của Hồ Quý Ly.
1.2 Bối cảnh của cải cách Lê Thánh Tông
Sau khi triều nhà Hồ bị sụp đổ bởi quân xâm lược Minh và cuộc cái cách của Hồ Quý Ly đã thất bại bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cơ bản nhất vẫn do giặc minh xâm lược nước ta vào cuối 1406-1407.
Trải qua gần 22 năm đặt ách xâm lược giặc Minh đã bị đánh đuổi về nước. tháng 4-1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế mở đầu cho triều đại nhà Lê. Trải qua các đời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) , Thái Tông ( 1434-1442) đất nước dần được khôi phục. Năm 1640 Lê Thánh Tông lên ngôi kế thừa những thành quả của triều đại trước, có những điều kiện mới để xây dựng đất nước, song cũng đứng trước những nguy cơ thử thách và có nguy cơ đưa xã hội đi vào khủng hoảng như cuối thời nhà Trần.
Như vậy xét về xuất phát thì Lê Thánh Tông đã có phần danh nghĩa hơn Hồ Quý Ly, bởi lẽ ông đã danh chính ngôn thuận nối nghiệp của họ nhà Lê còn Hồ Quý Ly đã từng bước dùng thủ đoạn để chiếm đoạt ngôi báu của nhà Trần thời suy vong. Nhà Trân đã quá nhu nhược suy yếu để Hồ từng bước nắm giữ quyền hành trong triều, âu cũng là một tất yếu lịch sử. Song ở đây ta không bàn thế nước rơi vào tay ai mà ở đây ta nói đến hoàn cảnh ra đời của cải cách Lê Thánh Tông.
Nếu như nói Hồ Quý Ly tiến hành cải cách ngay trong lúc là quan triều nhà Trần và ông tiến hành cải cách trong bối cảnh xã hội nhà Trần mục nát suy vong, sau đó ông lên làm vua tiếp tục đẩy mạnh cải cách, thì ở đây Lê Thánh Tông thực hiện cải cách khi đã lên lam vua và xã tắc triều đình nhà Lê đang có dấu heieuj suy thoái trung thần đất nước bị giết hại, gian thần thì mặc sức kết bè kéo phái cùng nhau bóc lột nhân dân. Qua đó cho ta thấy rằng về động cơ tiến hành cuộc cải cách của cả nhà Hồ và nhà Lê đều xuất phát từ lòng yêu nước, muốn đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng để đem lại quốc thái dân an.
Trở lại với tình hình xã hội thời Lê trong “trung hưng kí” đã phản ánh như sau : “ Nhân Tông mới hai tuổi, sớm lên ngôi vua.. kẻ thân yêu giữ Việc, tệ hối lộ công hành, phường dốt giặc nổi lên như ong. Người trẻ không biết Nghĩ, tự ý làm càn. Bán quan mua ngục, ưa giàu ghét nghèo. Bọn dao sát thì được bổ dụng …”
Nhận thức được thực trạng trên của đất nước và vương triều, với tư chất thông minh ,quyết đoán Lê Thánh Tông đã tiến hành cải cách trên các mặt.
2. Nội dung cải cách về chính trị và hành chính của cải cách Hồ Quý Ly và cải cách của Lê Thánh Tông – một sự tiếp nối và phát triển
Một sự tiếp nối và phát triển về chính trị và hành chính của 2 cuộc cải cách Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông mà chúng ta dễ ràng nhận thấy đó là cải cách của Hồ Quý Ly đã đặt cơ sở nền móng cho việc xây dựng chế độ quân chủ quan liêu còn những chính sách của Lê Thánh Tông đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện thể chế chính trị quân chủ quan liêu đó. Nói một cách ví von ta có thể nói rằng Hồ Quý Ly là người đào móng cho ngôi nhà còn Lê Thánh Tông là người tiếp tục xây cái móng đó lên thành những bức tường để hình thành lên ngôi nhà, mà ngôi nhà đó ở đây là bộ máy nhà nước phong kiến. Tìm hiểu về nội dung cải cách về chính trị và hành chính của 2 cuộc cải cách trên ta sẽ thấy được điều đó.
2.1 Nội dung về cải cách hành chính và chính trị của Hồ Quý Ly
Hồ Quý Ly chủ trương gạt bỏ tất cả các tôn thất nhà Trần ra khỏi bộ máy chính quyền trung ương và thay vào đó là những nho sĩ trí thức có tư tưởng cải cách, nhà Hồ tiến hành tuyển chọn, đề bạt và tổ chức thi cử để đào tạo tầng lớp quan lại. Năm 1375 Hồ Quý Ly đã đề nghị xóa bỏ chế độ lấy người tôn thất làm các chức chỉ huy quân sự cao cấp, định lại số quân, đưa lực lượng trẻ vào. Năm 1378 trong số 16 chỉ huy các đạo quân ở trung ương, 12 người không phải là tôn thất nhà Trần. Năm 1379 Hồ Quý Ly đặt quy chế về hệ thống quan lại địa phương, thống nhất việc quản lý từ trung ương đến địa phương. Các chức An phủ sứ ở lộ phải quản toàn bộ lộ đến các phủ, huyện, châu.. trong lộ, lộ trực tiếp chịu trách nhiệm trước nhà nước trung ương.
Hồ Quý Ly loại bỏ dần dần tầng lớp quý tộc nhà Trần khỏi bộ máy chính quyền trung ương thay thế dần bằng tâng lớp nho sĩ có tư tưởng cải cách Nguyễn Đa Phương làm tướng quân. Phạm Cự Luận làm đô sự rồi tăng đến chức Thiêm thư khu mật viện sư. Hồ Quý Ly đã tâu với thượng hoàng Nghệ Tông giết Trần Phế Đế (1388), giết thái úy Trang Định Vương Ngạc (1391) và lần lượt diệt trừ các quan lại, tướng lĩnh cao cấp khác là quý tộc hộ Trần như : Trần Ngọc cơ, Trần Ngọc Kiểm (1397), Thái bảo Trần Nguyên Hãn, Thượng tướng Trần Khát Chân, Trụ quốc Trần Nhật Đôn, Trần Thận Tông và nhiều viên chức cao cấp khác (1399).. Từ tháng 2/1400 nhà Trần mất hết quyền bính dù chỉ là danh nghĩa, thiết chế quân chủ quý tộc nhà Trần hoàn toàn sụp đổ. Chính quyền chuyển sang tay họ Hồ đứng đầu là Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly ra sức tuyển chọn đề bạt và tổ chức thi cử để nhan chóng đào tạo một đội ngũ quan liêu mới cho nhà nước, chế độ quân chủ quý tộc chuyển dần sang chế độ quân chủ quan liêu từ cuối thế kỉ XIV sang đầu thế kỉ XV.
Như vậy xét về định hướng, mục tiêu và kết quả của công cuộc cải cách ta thấy cải cách của Hồ Quý Ly đã loại bỏ được tầng lớp quý tộc họ Trần ra khỏi bộ máy nhà nước ngày cảng bổ sung được đội ngũ quan liêu- nho sĩ vào chính quyền, bộ máy hành chính lại làm cho chế độ cai trị mang tính pháp trị cao hơn. Do đó đã tác dụng làm chuyển dần thiết chế chính trị từ chế độ quân chủ quý tộc sang chế độ quân chủ quan liêu. Tuy chưa xây dựng được một thiết chế quân chủ quan liêu hoàn trỉnh dưới triều Hồ do hoàn cảnh khách quan cuộc xâm lược của nhà Minh (cuối 1406- 1407) làm cho công cuộc cải cách bị bỏ dở. Nhưng cải cách của Hồ Quý Ly đã đáp ứng được yêu cầu khách quan cấp thiết đạt ra cho toàn xã hội lúc bấy giờ là phải củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền để xây dựng cải cách và quản lý đất nước, quản lý các công trình công cộng như đê điều thủy lợi và nhất à yêu cầu bảo vệ đất nước chống ngoại xâm từ cả hai phía bắc Nam.
2.2 Nội dung cải cách chính trị và hành chính của Lê Thánh Tông
Cuộc xâm lược của nhà Minh đã làm cho những cải cách của hồ Quý Ly phải dừng lại và dẫn đến thất bại, nước ta bị rơi vào tay giặc Minh cơ sở của một thiết chế quân chủ quan liêu mới được thiết lập thì đã bị tan rã. Sự thất bại trong cải cách của Hồ Quý Ly là cơ sở và bài học kinh nghiệm cho cải cách của Lê Thánh Tông. Thiết chế phong kiến quân chủ quan Liêu mà Hồ Quý Ly thiết lập xây dựng đã được Lê Thánh Tông tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh nó.
Xuất phát từ mực tiêu của cải cách là nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của bộ máy hành chính và thực trạng tình hình chính trị để có một nhà nước tập quyền mạnh, có năng lực, tập chung được quyền lực của chính quyền Trung ương Lê Thánh Tông trước hết bãi bỏ các chức quan và cơ quan trung gian giữa vua và bộ phận thừa hành, đó là Thượng Thư sảnh, Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, khu mật viện cùng các viên quan cao cấp như tướng quốc (tể tướng), đại hành khiển tả, hữu, bộc xạ… vua trực tiếp nắm toàn quyền kể cả quyền tổng chỉ huy quân đội, chỉ đạo mọi công việc trọng yếu và quan hệ làm việc trực tiếp với các cơ quan thừa hành. Giúp vua bàn bạc chỉ đạo công việc khi cần thiết có các đại thần như Thái sư, Thái phó, Thái bảo , Thái úy , thiếu sư, thiếu bảo….
Cơ quan quản lý trung ương là sáu bộ ( lễ, lại, binh, hình, hộ, công) phụ trách các hoạt động khác nhau của nhà nước. Giúp việc cho 6 bộ là 6 tự. Đứng dầu các bộ là chức thượng thư chịu trách nhiệm trực tiếp trước vua về hoạt động của các quan lại ở 6 bộ. Để tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các quan lại ở 6 bộ ngoài Ngự sử Đài Lê Thánh Tông đặt thêm 6 khoa. Mỗi bộ đều có một khoa tương ứng để theo dõi, giám sát hoạt động của các quan chức bộ đó.
Hệ thống hành chính từ cấp trung gian đến cấp cơ sở là làng xã có những cải cách cơ bản nghiêm trọng. Năm 1466 Lê Thánh Tông bãi bỏ các đơn vị trung gian lớn là 5 đạo, thống nhất chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên ( Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam sách, Quốc Oai, An Giang, Bắc Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô ) Năm 1471 vua đặt thêm 1 đạo thừa tuyên 13 là Quảng Nam, dưới đạo thừa tuyên là phủ, châu, huyện, xã bỏ đơn vị trấn và lộ, đổi lộ làm Phủ Trấn làm Châu.
Cùng với việc cải tổ đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước là việc tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp. Ở mỗi đạo thừa tuyên có 3 ti ngang quyền nhau cùng quản lý công việc chung. Đô tổng binh sứ ti ( Tức đô ti) phụ trách về quân sự, thừa tuyên sứ ti ( thừa ti) trông coi mặt dân sự, hiến sát ti ( Hiến Ti ) phụ trách công việc thanh tra giám sát các quan lại địa phương của mình, thăm non tình hình đời sống nhân dân. Các ti chịu trách nhiệm trước triều đình theo hệ thống dọc. Đứng đầu phủ có tri phủ. Đứng đầu huyện có tri huyện, xã quan đổi thành xã trưởng. Xã chia làm 4 loại theo số lượng dân cư. Xã lớn ( đại xã) có từ 500 hộ trở lên bầu 5 xã trưởng, Trung xã từ 300 hộ đến dưới 500 hộ có 4 xã trưởng, xã nhỏ ( tiều xã ) có 100 hộ đến dưới 300 hộ có 2 xã trưởng, dưới 60 hộ có một xã trưởng. Riêng phủ Trung đô các quan chức phụ trách gọi là phủ doãn, thiễu doãn, thị lang. Đứng đầu chính quyền cấp châu là Tri châu.
Hệ thống tổ chức thanh cha giám sát, quan lại được cải tổ khá chặt chẽ từ triều đình đến các địa phương. Ở Trung ương có cơ quan ngự sử đài, bên cạnh việc giám sát chung còn có 13 cai đạo giám sát Ngự sử ( nằm trong ngự sử đài ) chuyên giúp đỡ công tác với các hiến ti trong việc giám sát quan chức ở các đạo thừa tuyên, lại có 6 khoa, ở đạo thừa tuyên có Hiến ti trong việc giám sát quan chức.
Cuộc cải cách về cơ cấu tổ chức hành chính đã trình bày ở trên của Lê Thánh Tông đã tạo ra cơ cấu hành chính tổ chức từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương cấp cơ sở trong phạm vi cả nước. Một bố máy gọn gàng, chẽ nhất quán đảm bảo được sự chỉ đạo và quyền lực tập trung của trung ương. Đây là mô hình tiên tiến nhất của chế độ phong kiến tập quyền đương thời là một biểu hiện rõ nét của sự xác lập chế độ quân chủ quan liêu Đại Việt đương thời, Và như vậy có thể nói cuộc cải cách hành chính của Lê Thánh Tông đã thúc đẩy cho quá trình phong kiến hóa trong xã hội Đại Việt hình thành, chế đọ quân chủ lập hiến được thiết lập .
Trong cuộc cải cách hệ thống quan lại, Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý đến vấn đề tuyển dụng, bổ nhiệm, vấn đề quản lý, phân định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm, tiêu chuẩn đánh giá quan lại.
Lê Thánh Tông bãi bỏ chế độ bổ dụng các Vương hầu, quý tộc vào các trọng chức của triều đình. Tiêu chuẩn để được bổ dụng làm quan là phải có trình độ học thức đã được kiểm tra qua khoa cử, không phân biệt thành phần xuất thân. Các thân vương, công hầu được ban cấp bổng lộc nhiều, nhưng nếu không đỗ đạt, không có tài năng thì cũng không được làm quan.
Không chỉ có quan chức ở trung ương, mà các quan chức địa phương từ cấp đạo thừa tuyên đến cấp xã cũng phảI có trình độ học vấn. Các quan chức ở cấp châu, huyện phải là những người đã “có chân thi Hội (Tiến sĩ) đỗ tam trường” . cấp xã phải “xét những ngườI biết chữ, có tài cán mới được bổ nhiệm. Nếu không biết chữ thì cho nghỉ”
Việc sử dụng, thăng, giáng chức được thực hiện căn cứ vào những tiêu chí cụ thể về năng lực, phẩm chất “xét kỹ quan lại, hoặc có người liêm hay tham, siêng hay lười đều kể tên để định thăng, giáng”.
Cơ sở để thăng, giáng chức là khảo khóa, Lê Thánh Tông quy định hạn khảo khóa (kiểm tra lại tiêu chuẩn, tài năng, đức độ, công tội của quan lại định kỳ) cứ 3 năm xét sơ khảo, 3 năm tiếp theo xét lần thứ hai, 3 năm cuối (đủ 9 năm) chung khảo để được thăng, chuyển ngạch hay bị giáng chức, xuống ngạch.
Để quản lý bộ máy quan liêu, song song với việc khảo khóa theo niên hạn, vua Lê Thánh Tông còn định lệ giảm thải “Trưởng quan theo đạo công xét kỹ những quan viên dưới quyền, giảm hoặc có người hèn kém bỉ ổi không thể làm việc được… giao Bộ Lại xét thực đều bắt về hưu. Lại chọn người từng trải, làm được việc, có tài khí, kiến thức thông thạo mà bổ thay vào” . Như vậy, với lệ giảm thải thì kẻ hèn kém bị loại bỏ, và người có tài khi được cất nhắc vào bất kỳ lúc nào, không cần thiết phải chờ niên hạn khảo khóa, quan trường do vậy được thường xuyên sàng lọc.
Thiết chế chính trị sau cải cách hành chính của Lê Thánh Tông là một biểu hiện của sự xác lập và phát triển chế độ phong kiến Việt Nam về mặt thượng tầng kiến trúc. Công cuộc xây dựng, củng cố và phát triển thiết chế chính trị quân chủ quan liêu (trung ương tập quyền chuyên chế) ở thế kỷ XV, đạt đến đỉnh cao dưới thời Lê Thánh Tông sau cải cách hành chính và bộ máy quan lại là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của lịch sử Việt Nam bấy giờ.
Đây là một việc cải cách hoàn toàn mới, có tính sáng tạo của Lê Thánh Tông nhằm làm trong sạch bộ máy hành chính và thúc đẩy sự siêng năng của các bộ chủ quản dưới quyền của nhà vua, tựa như các ngành thanh tra, kiểm tra sau này.
ð Sự tiếp nối ở đây được thể hiện là nếu như nhà Hồ chủ trương gạt bỏ tất cả các tôn thất nhà Trần ra khỏi bộ máy chính quyền trung ương và thay vào đó là những nho sĩ có tư tưởng cải cách, nhà Hồ đã tiến hành tuyển chọn để bạt và tổ chức thi cử để đào tạo tầng lớp quan lại mới thì đến thời vua Lê Thánh Tông việc cải tổ bộ máy nhà nước cả về cấu trúc và chấn chỉnh quy tắc làm việc, hoàn thiện đội ngũ quan liêu từ trung ương đến địa phương, tổ chức thi cử chặt chẽ. Bỏ qua các chức vụ cao nhất trong bộ máy quan lại như tể tướng, đại tổng quản… nhà vua trược tiếp điều hành quân đội và cũng là tổng chỉ huy quân đội . Sự tiếp nối đó còn thể hiện ở chỗ Lê Thánh Tông đã xây dựng được bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương biểu hiện của sự xác lập và phát triển chế độ phong kiến Việt Nam về mặt thượng tầng kiến trúc.
Kết luận
Cải cách của Hồ Quý Ly và cải cách của Lê Thánh Tông là 2 cuộc cải cách có ý nghĩa rât lớn trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Và mỗi cuộc cải cách đều có vai trò ý nghĩa riêng của mình: Cải cách của Hồ Quý Ly không chỉ làm thay đổi thiết chế chính trị quân chủ quý tộc đã lâm vào con đường khủng hoảng đã tạo được sự chuyển mình và là thời điểm mở đầu cho sự chuyển mình đó sang thiết chế quân chủ quan liêu, phong kiến tập quyền mà còn xóa bỏ tình trạng kinh tế điền trang đã chở lên lạc hậu cản trở sự phát triển của sức sản xuất và yêu cầu củng cố quốc gia thống nhất và Cải cách của Lê Thánh Tông đã tạo được hệ thống hành chính thống nhất trong phạm vi cả nước. Hệ thống khá gọn gàng với chức trách phân minh, bảo đảm sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của trung ương. Đây là mô hình tiên tiến nhất của chế độ quân chủ phong kiến đương thời, trong đó, trung ương và địa phương gắn liền nhau, quyền lực được bảo đảm từ trên xuống dưới. Một người đặt nền móng và một người tiếp tục xây đắp và phát triển hoàn thiện nó đó là một sự tiếp nối tuyệt vời. Người đi trước luôn để lại cho những người đi sau rất nghiều bài học kinh nghiệm và có thể người trước thất bại nhưng người sau không thất bại. Cải cách của Lê Thánh Tông đi đến thành công là do có bài học từ sự thất bại của cải cách của Hồ Quý Ly . Sự Tiếp nối Hồ Quý Ly đã cho thấy thông minh sáng tạo của Lê Thánh Tông và sự tiếp nối đó cũng chính là một quy luật của lịch sử.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Cảnh Minh, (2009), “ Một số chuyên đề lịch sử cổ trung đại Việt Nam”, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.
2. Phan Đăng Thanh- Trương Thị Hòa (1997) “Cải cách Hồ Quý Ly”, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
3. Nhiều tác giả, (1965) Lịch “ sử chế độ phong kiến Việt Nam”, Tập 3, Nhà xuất bản Khoa Khoa Học Xã Hội.
4. Lê Đức Tiết, (1997) “ Lê Thánh Tông - Vị vua anh minh, nhà canh tân xuất sắc”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội.
NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG
Sửa lần cuối: