• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trang Dimple

New member
Xu
38
Mỗi con vật đều có một câu chuyện riêng . Hãy cùng Bút nghiên tìm hiểu về sự tích của các loài vật để kể cho các bé nghe nhé

Sự tích con Ve Sầu
Truyện cổ dân tộc Tày
Ở làng nọ có hai anh em trai, cha mẹ đều mất sớm. Người em còn bé, vì vậy mọi công việc đều đến tay anh, lo toan trong nghèo khó, nhưng người anh hết lòng thương yêu em. Trồng lúa không đủ ăn, họ thường phải sống bằng hái rau, măng, củ mài trên rừng, bắt cá dưới suối. Công việc nặng nhọc anh giành phần mình; trong bữa ăn anh nhường em phần ngon. Mỗi lần đánh được cá, khi ăn anh phần em khúc giữa, còn mình chỉ ăn đầu và đuôi cá. Thấy anh đối xử với mình thường xuyên như vậy, thời gian trôi đi đã để lại cho em những suy nghĩ ích kỷ, vì em chưa bao giờ được ăn đầu cá và đuôi cá, cậu sinh nghi, cho rằng anh mình chả thương yêu gì mình.

Như thường lệ, hôm ấy hai anh em lên rừng đào củ mài, anh đào bới còn em nhặt củ. Hố đào càng sâu, càng được củ to. Thế nhưng không may anh mất thăng bằng, ngã cắm đầu xuống hố, hai chân chổng ngược lên trời. Hố hẹp lại sâu cho nên anh không tài nào nhúc nhích được, anh nói vọng lên
.
– Em ơi! cứu anh với, kéo anh lên, anh ngạt thở chết mất.

Lúc này người em mới đem những điều nghi ngờ bấy lâu nay nói ra, được dịp trả thù anh:

“Hua pia quất choòi ải, hua pia cá choòi ải”

(Đầu cá quất giúp anh, đầu cá mo giúp anh).

Mặc dầu vậy anh vẫn cố gắng nói với em:

“Hua pia quất nhắng vạy dú xa, hua pia cá nhắng vạy dú khỉnh”

(Đầu cá quất còn trên gác bếp, đầu cá mo còn ở trong trạn).

Nghe thấy anh bảo vậy, người em liền cắm đầu chạy một mạch về nhà để ăn, mặc cho anh kêu gào thảm thiết dưới hố sâu.

Đến nhà, người em lao ngay vào gác bếp lấy đầu cá quất ra ăn, nhưng đầu cá toàn là xương, khô cứng như que củi, nó chịu không thể nào nhai nổi. Sau đó người em chạy lại trạn bát lấy đầu cá mo, trong đầu nó hình dung đây là món ăn béo bổ mà trước đây anh nó vẫn thường ăn, nhưng nó đã nhầm, cả hai đầu cá đều như nhau. Cho đến lúc này người em mới hiểu tình cảm của anh trai giành cho mình là tất cả những điều tốt đẹp nhất.

Người em chạy ngay lên rừng, bị ngã sấp, ngã ngửa để cứu lấy người anh. Nhưng trời ơi! Muộn mất rồi. Người anh bị ngạt thở, đã chết cứng từ lâu. Người em hối hận, thương anh, nó kêu khóc thảm thiết bên cạnh hố củ mài. Nó nhịn ăn, nhịn uống, khóc ròng rã hàng tháng trời, người gầy khô đét lại, mắt lồi ra mà chết.

Người anh chết biến thành cây cổ thụ to, còn em biến thành con ve sầu suốt ngày bám vào thân cây. Cứ đến ngày giáp hạt, mùa đào củ mài, con ve lại nhớ đến anh mình, kêu râm ran suốt ngày như tiếng gọi: “Anh, anh, anh…”, “mình gầy xác ve mắt lồi ra là vậy”.

Sự tích con thiêu thân

Ngày xưa, ở một làng gần phá Tam Giang (Thừa Thiên- Huế ngày nay), có một chàng trai khoẻ mạnh, thông minh nhưng phải cái tính hơi gàn dở, làm gì cũng khác người, lại chẳng ham thích cái gì được lâu.

Năm hai mươi tuổi, chàng theo học một đạo sĩ. Nhưng được vài năm lại chán, bỏ về. Ai hỏi thì nói rằng: Học phép thuật cốt được trường sinh bất tử. Nhưng thử hỏi để làm gì? Ðừng bận tâm vì sống chết tức là không chết, không bận trí về phải trái, thế là mình trong sạch.
Rồi chàng cũng cày cấy, làm lụng như mọi người. Năm hai mốt tuổi chàng lấy vợ. Người vợ là một cô gái con nhà gia giáo và xinh đẹp. Hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc.

Một hôm, người chồng đi làm về, vừa rửa chân tay vừa cười một mình. Anh nói:

– Mình ạ! hôm nay tôi thấy một chị tuổi gần ba mươi, cứ cuốc cuốc bới bới ngoài mương… Chị ta bảo: “Chồng tôi qua đời đã hai năm nay. Trước khi mất, anh dặn tôi đừng lấy ai. Tôi thề rằng: Bao giờ nước mương chảy ngược về phía tây thì hoạ chăng mới có chuyện em đi lấy chồng. Nay tang chồng đã mãn, cha mẹ tôi muốn gả tôi cho người khác, nên tôi phải ra đây cố cuốc để cho nước chảy về phía tây”. Tôi nghe vậy liền cuốc giúp mấy nhát, ai ngờ nước lập tức trở dòng chảy về tây. Chị đàn bà mừng quá, cứ lạy cảm ơn tôi mãi. Vì thế tôi buồn cười từ chiều đến giờ.

Người vợ nghe chồng kể chuyện càng nghe càng sa sầm nét mặt: Trời ơi! hèn chi tối sập mặt trời mới thấy mặt. Cái đồ đàn bà hư thân mất nết, thề thốt rồi lại nuốt lời.
Anh chồng cứ cười ha hả. Chị vợ mắng nhiếc anh chồng thậm tệ. Thấy vợ thực sự nổi giận, anh mới hỏi:
– Ngộ lỡ anh chết thì em tính thế nào?
Chị vợ không kìm nổi nước mắt: “Thề có trời đất đất, nếu chẳng may anh chết đi, em sẽ làm nhà bên mộ, ở vậy hết đời cho trọn nghĩa vợ chồng.”

Chẳng ngờ nửa tháng sau, anh chồng đi cày về mắc trận mưa giông, nửa đêm thì tay chân chết cứng như đá. Chị vợ hết đánh gió lại xoa dầu nhưng vẫn không cứu được. Ðến sáng, anh chồng chết. Chị vợ khóc lóc thảm thiết, mấy lần đòi chết theo chồng, may có làng xóm khuyên can mới cứu được.

Ðêm hôm trước ngày đưa tang chồng, chị vợ đang ngồi cạnh quan tài thì chợt nghe có tiếng gõ cửa. Nàng ra tiếp thì thấy một chàng thanh niên tuấn tú tự xưng là bạn cũ của chồng chị, nay nghe bạn mất, vội tìm đến viếng. Ðêm khuya, trong không khí tĩnh lặng của khói hương. Gái đẹp, trai xinh, chẳng hẹn mà nên, dần dần xích lại gần nhau, cùng liếc mắt đưa tình. Bỗng người con trai ôm bụng, đau đớn ngã vật xuống đất. Người đàn bà hốt hoảng chạy lại đỡ dậy, hỏi sự tình. Chàng trai vừa rên lên vừa đáp:

– Nàng ơi, ta vốn có bệnh đau bụng kinh niên. Khi ở nhà, mỗi lần lên cơn đau thế này, mẹ ta phải mua óc người nấu cháo cho ta ăn mới khỏi…



Nghe bạn chồng nói những lời thảm thiết, chị ta liền chạy xuống bếp nhóm lửa nấu nước, xong vác dao xăm xăm bước lên nhà trên định cạy nắp quan tài bổ đầu chồng lấy óc nấu cháo cho tình nhân ăn. Nào ngờ, nắp quan tài được dỡ ra thì người chồng bỗng thản nhiên dụi mắt ngồi dậy. Chị vợ kêu rú lên khủng khiếp, vội chạy về phía người tình. Nhưng trong nhà đã trống không, chẳng có một ai. Thì ra chỉ là ảo ảnh do người chồng dùng phép thuật mà anh đã học được ở đạo sĩ thuở nào tạo ra để thử lòng vợ. Người đàn bà hoảng sợ vùng bỏ chạy. Chẳng may, trong lúc vội vàng chị ta ngã vào bếp lửa và bị cháy thành tro.

Từ đó, đêm đến, hễ cứ thắp đèn hoặc nhóm bếp lên, người ta lại thấy một loại côn trùng bé nhỏ bu quanh ngọn lửa rồi lao vào mà chịu chết cháy. Mọi người tin rằng đó là hậu thân của người đàn bà lẳng lơ, tệ bạc đã chết vì ngọn lửa đam mê đầy tội lội của chính mình

Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 
Sự Tích Chim Hít Cô
Ngày xưa, có hai cô cháu ở chung với nhau một nhà. Người cô già, chồng chết từ lâu. Đứa cháu còn bé chừng mười hai tuổi mồ côi cha mẹ. Nhà họ nghèo, chỉ có vài sào ruộng, không đủ sống. Cho nên cô cháu ngày ngày phải đi mò cua bắt ốc hoặc mót hái kiếm ăn. Mấy năm trời được mùa, hai cô cháu tuy không lấy gì làm đầy đủ nhưng cũng sống vui. Ngày ngày cháu theo cô xách giỏ ra đồng, miệng hát có vẻ thích chí.

Nhưng không may vụ hạ năm ấy mất mùa. Rồi tiếp đến vụ mùa nắng hạn nên cũng chẳng ăn thua gì. Trời không nắng lắm nhưng nhất định không mưa làm cho các ao hồ đều khô rông rốc. Ruộng nứt nẻ hết. Hai cô cháu cũng như những người nghèo khác đi mò cua bắt ốc ở các vùng cạn nước. Nhưng cua ốc bắt mãi cũng phải hết. Mà trong nhà thì gạo đã kiệt từ lâu. Biết tìm cái gì mà nuôi nhau đây. Người ta có sức khỏe lên rừng chặt củi về đổi lấy những cái ăn được mà sống qua ngày. Riêng hai cô cháu sức yếu đành chịu nằm nhà nhịn đói. Cái chết đang dọa nạt họ.

May sao, buổi sáng hôm ấy có người hàng xóm sang báo tin cho cô cháu biết là có mấy đám lúa ở làng bên cạnh đã bắt đầu gặt. Bà cô thấy mình yếu lắm rồi, đứng lên không vững nữa. Chỉ có cháu là hơi tỉnh. Anh chàng gắng ngồi lên. Một người láng giềng đem cho một bát canh rau. Cháu húp vào thấy khỏe cả người, vội đứng lên đi theo họ.

Họ đến vừa kịp buổi gặt. Nhưng người gặt thì ít mà người mót thì đông vô kể. Tất cả đều đói nhưng mót rất khỏe. Họ đánh liều sấn vào bứt lúa mặc kệ chủ ruộng cầm roi đánh không tiếc tay.

Mãi đến chiều, người cháu mới đem lúa về. Lèo tèo chỉ có một nắm bằng cái chổi xể. Nhưng anh chàng không ngại. Hắn đập, sảy, rang rồi bỏ vào cối giã. Chỉ một lúc sau hắn đã đổ vào nồi bắc lên bếp.

Khi nồi cháo bắt đầu sôi thì người cô bỗng trở mình và rên khừ khừ. Cháu lật đật vào lật chiếu thăm cô. Cô rên rỉ kêu đau bụng, bảo cháu đi xin cho mình một tí gừng. Cháu ngần ngại không muốn đi nhưng thấy cô có vẻ nguy kịch, vội đánh đường vào xóm. Sau khi cháu đi, người cô gắng dậy ngồi vào bếp đun lửa cho nồi cháo. Lúc cháo chín, cô bỏ muối vào nếm thử một hớp. Chất ngũ cốc vào bụng trôi đến đâu, thịt da như sống lại đến đấy. Thấy cháu vẫn chưa về, cô múc ra một bát để dành phần cho cháu rồi lại ngồi ăn. Loáng một cái, cô đã ăn hết phần của mình. Cô lại chõng nằm nhưng trong bụng vẫn thấy thèm. Thấy cháu vẫn chưa về, cô nghĩ: – “Thằng bé có lẽ được người ta cho ăn rồi nên mới lâu thế. Nếu hắn đói thì dù gừng được hay không cũng phải về sớm”. Nghĩ vậy, người cô lại lồm cồm dậy ăn xén vào cháo của cháu một tý. Cô đi ra ngoài cửa nhìn. Vẫn không thấy tăm dạng của cháu. -“Chắc nó được ăn rồi còn ngồi lại sưởi. Ta có thể ăn nốt đi cho nó”. Nghĩ thế, cô yên tâm lại húp thêm một hớp nữa vào phần của cháu.

Cho đến khi người cháu mang gừng về thì bát cháo chỉ còn một tý nước ở dưới đáy. Cháu hỏi cô. Cô không trả lời. Nhưng cháu cũng đoán được hết. Cháu ôm mặt khóc nức nở. Cháu giận cô, oán cô rồi rủa cô. Được một chốc, cháu bưng bát cháo lại chõng cô nằm, dí sát vào miệng và nói bằng một giọng cay chua:

– Đó còn ít nữa, hít nốt đi! Hít đi cô, hít cô…
Sáng hôm sau, mãi đến trưa vẫn chưa thấy cháu dậy, cô lại gần đưa tay sờ vào người cháu, thì ôi thôi người cháu đã lạnh toát từ bao giờ.

Từ đó trở đi vào khoảng trời khuya, người ta nghe có tiếng chim kêu não nùng trong không gian: “Hít cô! Hít cô!”. Tiếng chim kêu một điệu đều đều như nhắc nhở những ngày sống gian khổ của hai cô cháu.

Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 
Sự tích chim Gò Sóng

Các già làng thường chỉ tay ra con suối trước nhà chảy từ rừng sâu đổ về thung lũng uốn lượn quanh bản trông giống như một con rắn lớn, để bắt đầu câu chuyện về con nước hiền, con nước dữ. Chỉ nghe một lần là người ta nhớ mãi không quên…

Ở một nơi kia, mãi chỗ tận cùng của con suối có một cái hố thông xuống ruột đất to lắm, sâu lắm. To và sâu đến nỗi nước khắp trời hàng năm rơi xuống, đổ về, không bao giờ đầy. Bên cạnh miệng hố mỗi năm mọc thêm một cây bầu thần kỳ. Hàng năm nõ chỉ đậu một quả. Quả to rất nhanh. Người ta bảo cây bầu ấy do Be Dòng trồng, quả nó che lấp mất lỗ thông xuống ruột đất, nước sẽ ứ ngập khắp trần gian, giết hại loài người và muôn thú.

Thường thì năm nào cũng vậy, khi quả bầu lớn lên chắn ngang miệng hố, nước trên trời rơi xuống không chỗ thoát, tràn khắp đồi thấp, đồi cao. Muôn loài rơi vào thảm họa của nạn hồng thủy. Nhưng rồi quả bầu ấy không hiểu vì sao lại tự vỡ ra. Nước lại chui hết xuống ruột đất. Vào một năm, quả bầu nằm im ở miệng hố trong nhiều lần trăng mọc, nhiều lần trăng chết. Thế là muôn loài chim đắm trong biển nước mênh mông. Người và muông loài muôn thú chết gần hết. Chỉ có chim gò sóng nhờ có đôi cánh khỏe, bay được cao, nên mới qua khỏi cơn biến nạn. Bụng Gò Sóng căm Be Dòng nhiều. Gò Sóng ngày ngày bay tới cái hố thông với ruột đất đó, dùng những chiếc lông cánh vừa cứng vừa nhọn hơn mũi tên của mình, đâm xiên cho vỡ quả bầu. Quả bầu chỉ vỡ từng mảnh nhỏ. Gò Sóng vẫn không nản lòng, hết ngày này đến ngày khác. Đến khi quả bầu vỡ vụn hết mới thôi. Nước miệng hố lại chảy thông với ruột đất.

Sau lần ngập nước kéo dài năm đó, loài người chỉ còn sống sót lại hai anh em Mó Hù và Mó Po. Mó Hù là con trai, Mó Po là con gái. Thấy núi rừng xác xơ trơ trọi. Bụng Mó Hù và Mó Po không vơi nỗi lo âu buồn bã. Ông trời động lòng, sai người xuống trần gian bảo hai anh em:

– Hai người này khóc nhiều, nước mắt khô rồi. Cạn dòng nước mắt cũng đến thế thôi. Bây giờ chúng mày phải thành vợ thành chồng để gây lại nòi giống thôi! Trời bảo thế.

Nghe nói, đầu Mó Hù lắc lắc, mắt Mó Hù nghoảnh đi chớp chớp không dám nhìn Mó Po. Mãi sau Mó Hù mới thở dài nơi với người trời:

– Không được đâu người trời à! Mó Po là em gái tôi, ngủ chung làm vợ làm chồng sao được! Bụng mình không ưng đâu!

Biết rằng lời nói suông khó có thể thay đổi được ý nghĩ của loài người, người trời lựa lời nói:

– Ta sẽ cho chúng mày hai hạt giống. Mỗi người trồng một hạt xa nhau mười lần cánh tay. Nếu hai cây mọc lên mà tự tìm về gốc quấn lấy nhau thì chúng mày phải nên vợ nên chồng thôi! Ý trời bảo thế đấy!

Mó Hù và Mó Po nhận hai hạt giống đem trồng như lời người trời nói. Sáng hôm sau cả hai hạt giống đã nảy mần. Hạt Mó Hù trông mọc thành dây leo, hạt Mó Po trồng đâm lên cây thẳng. Rất lạn, cả hai cây lớn rất nhanh. Sang ngày hôm sau rồi hôm sau nữa, dây của cây Mó Hù đã bò tới quấn lên thân cây. Rồi chúng bắt đầu đâm hoa kết trái.

Thấy vật Mó Hù và Mó Po cùng nghĩ: Trời đã định thế ta phải làm theo thôi! Trái ý trời sao được. Thế là Mó Hù và Mó Po nên vợ nên chồng. Rồi họ sinh con, nhiều trai nhiều gái. Con họ lại sinh thêm nhiều cháu. Loài người từ đó ngày một thêm đông đúc. Từng bản, từng bản lại được dựng lên. Hai vợ chồng Mó Hù chờ cho cây đó ra quả, lại lấy hạt gieo khắp núi cao, đồi thấp, thung xa. Rồi cây cối lại sinh sôi mọc ngút ngàn. Kết thành từng rừng lớn. rừng nhỏ. Còn loài chim Gò Sóng vẫn sinh sôi này nở. Các loài chim thú khác cũng ngày một sinh sôi. Từ đó, để cho cuộc sống loài người cũng nhe muôn loài được yên ổn, Gò Sóng vẫn ngày ngày bay đến chỗ có lỗ nước thông với ruột đất đẻ xem nếu có nguy cơ của nạn hông thủy như năm nọ thì chim lại dùng những chiếc lông cánh của mình bắn vỡ quả bầu thần. Năm nào Gò Sóng mải kiếm ăn, quên đi bắn thì quả bầu lớn nhanh chắn ngang miệng hố và nạn lụt lan lan tràn…Khi ấy người dân ở đây thường bảo nhau cầu khấn chim Gò Sóng mau trở lại để phá quả bầu thần, cứu cho muôn loài khỏi gập lụt.

Chuyện về con nước hiền, con nước dữ ngừng ở đây, thường thì như vậy. Nhưng nếu câu chuyện được kể vào tháng sáu, tháng bảy khi những cơn giông gầm thét ầm ào ngoài rừng, từng đợt mưa trút xuống thì các già làng lại kể đoạn tiếp đoạn sau này nữa:

…Thấy chưa! Gò Sóng và Be Dòng đang đánh nhau đấy!

Gò sóng dùng cánh bắn Be Dòng tạo nên gió lớn. Còn Be Dòng dâng nước lên cao để định cuốn gò sóng xuống làm cho mưa to. Sau những trận giao tranh quyết liệt, Gò Sóng thường bắn hết lông cánh. Nó phải mượn đũa của con người để bắn tiếp. Vì vậy vào tháng sáu, tháng bảy con người bị mất đũa thường ít kêu ca, tìm kiếm. Còn khi vào rừng thấy Gò Sóng gãy cánh hay rụng hết lông rớt xuống, người ta mang về nuôi chu đáo. Đến khi Gò Sóng đủ lông liền cánh lại thả nó về rừng. Con người không nỡ giết thịt loài chim đã giúp mình thoát khỏi những nạn lụt khủng khiếp, chính là từ câu chuyện này.


Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 
Sự tích mèo và chuột

Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhận được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.
Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian.

Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn no nê. Đến nỗi người phải có câu than rằng:

“Chuột kia xưa ở nơi nào ?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?”
Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:
– Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?
Trời nói:

– Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.

Vua Bếp tâu:
– Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm,chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.

Trời nghe tâu, phán rằng:

– Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: “Nghèo, nghèo, nghèo”, thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.

Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột và cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dạy mà làm.

Thành thử bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ “gầm gừ, gầm gừ” và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: “nghèo, nghèo, nghèo, nghèo”…

Nhưng lúc ấy, mèo ngồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp để phóng uế.

Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 
Sự tích con Chuồn Chuồn
Ngày ấy trong một khu rừng có cái đầm nước thật to, mỗi con vật được phân công một việc. Riêng Chuồn Chuồn được mọi vật giao nhiệm vụ trông coi thời tiết. Khốn nỗi, Chuồn Chuồn làm được chăng hay chớ, chẳng chăm chỉ, đã vậy lại còn lười. Mọi vật lo nhất là chỗ trú thân. Hàng ngày Tò Vò cố kiếm đất để xây những tổ đất thật to. Ve Sầu thì đi tìm những hốc cây chắc chắn. Còn Kén Tằm thì cố sức nhả tơ làm những tổ kén dầy không sợ gió bão…Trong khi ấy, Chuồn Chuồn vẫn mải rong chơi, không để ý làm tổ. TòVò thấy vậy,. cũng đôi lần nhắc nhở Chuồn Chuồn:

– Chuồn Chuồn ơi! Phải chú ý làm tổ thôi, chứ đến lúc có gió bão làm sao mà tránh.

Chuồn Chuồn trả lời rất chủ quan:

– Tò Vò có đôi cánh nhỏ, bay kém sợ gió bão mới phải làm tổ. Chứ như tôi đây, cánh nhiều này, mắt nhìn rộng này, bay khắp nơi được này…chẳng có gì phải sợ cả. Bão đến là tôi biết liền, bay tránh chỗ khác vẫn còn kịp.

Nói rồi, Chuồn Chuồn lại bay nhởn nhơ coi như không nghe thấy những lời khuyên của bạn bè.

Khuyên mãi mà Chuồn Chuồn không nghe, các con vật xung quanh đầm nước ấy không để ý đến Chuồn Chuồn nữa. Chúng đi tìm nhưng chỗ trú ẩn tốt nhất phòng khi có bão đến.

Vài hôm sau, đúng vào cái buổi Chuồn Chuồn được phân công bay lên cao theo dõi gió, mây có gì lạ để báo cho mọi vật biết thì Chuồn Chuồn lại cụp cánh ngủ mê mệt dưới cánh hoa sen, sau một ngày rong chơi mê mải.

Đúng thời khắc ấy, gió bão nổi lên.

Bão lớn kéo đến thật bất ngờ, mây đen trên bầu trời cuồn cuộn k1éo đến, chẳng mấy chốc cả bầu trời đen kịt. Gió thổi từng cơn, từng cơn rồi ào ào như muốn quét tất cả mọi vật trên mặt đất. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi sầm sập, sầm sập như thác đổ. May cho Tò Vò đã có một cái tổ chắc chắn nên nó trú trong đó không hề hấn gì. Kén Tằm cũng có một cái tổ to bám chắc vào một cành cây, nên mưa gió có lớn cũng không làm cho cái tổ đó rơi xuống đất. Còn Ve Sầu nằm rất yên ổn trong một hốc cây lớn. Trong khi đó…

Khổ thân cho Chuồn Chuồn, khi gió bão đến, nó vẫn còn ngủ không biết trời đất. Phải mãi một lúc sau gió, mưa to quá, Chuồn Chuồn mới tỉnh ngủ. Quá hoảng sợ, Chuồn Chuồn vội cất cánh bay lên tìm chỗ trú. Nhưng tìm ở đâu bây giờ ? Khi những chỗ trú tốt nhất mọi con vật đã làm tổ, hơn nữa gió bão mịt mù không tìm ra phương hướng, Chuồn Chuồn cứ bay loạng quạng, đôi cánh của Chuồn Chuồn bị nước mưa đánh cho tơi tả. Cứ bay nữa thì chết, Chuồn Chuồn ghé vội đậu lên một cành cây, cất tiếng cầu cứu:

– Các bạn ơi! Cứu tôi với…cứu tôi với…
Đang nằm trong tổ tránh mưa, nghe thấy tiếng kêu cứu của Chuồn Chuồn, Tò Vò bật dậy, nghĩ :“ Phải cứu bạn Chuồn Chuồn thôi!”. Rồi Tò Vò vội bay ra khỏi tổ bất chấp lúc ấy trời đang mưa to, gió đang thổi mạnh. Ve Sầu cũng nghe thấy tiếng kêu cứu của Chuồn Chuồn, nó thò đầu ra khỏi hốc cây quan sát, thấy hành động dũng cảm của Tò Vò, Ve Sầu cũng bay theo.

Tò Vò và Ve Sầu dìu được Chuồn Chuồn vào chỗ trú, làm những động tác hồi sức làm cho Chuồn Chuồn tỉnh lại. Nhớ sự cứu giúp kịp thời của Ve Sầu và Tò Vò, Chuồn Chuồn đã qua được tai nạn nguy khốn. Chuồn Chuồn nhìn hai bạn với sự hàm ơn, nói thật lòng:

– Các bạn đã vì mình mà không sợ nguy đến tính mạng. Mình biết ơn các bạn lắm.

Ve Sầu nói :

– Giá như mà bạn nghe lời chúng tôi, chịu khó một tý, làm một cái tổ thật tốt thì đâu gặp phải chuyện như thế này.

Chuồn Chuồn chớp chớp mắt có vẻ ân hận. Tò Vò nói giọng buồn buồn:
– Cũng giá như …Chuồn Chuồn chịu khó quan sát thời tiết, dự báo trước được gió bão thì đâu đến nỗi…

Đến lúc này Chuồn Chuồn mới thấm thía những sai lầm của mình và hứa với tất cả sẽ không bao giờ mắc lại những sai lầm ấy nữa.

Vì thế bây giờ chúng ta thấy Chuồn Chuồn rất chăm chỉ việc dự báo thời tiết hết ngày này qua ngày khác, đến độ người ta phải đặt thành câu ca dao:
Chuồn Chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
Còn riêng việc tìm chỗ để làm tổ, Chuồn Chuồn không làm được. Mọi chỗ tốt làm tổ không còn. Vì thế Chuồn Chuồn vẫn cứ đi tìm.

Cũng chính vì thế mà bây giờ các em thấy Chuồn Chuồn không bao giờ đậu lâu được một chỗ, cứ đi tìm kiếm cả ngày, lúc thì ở đầm sen, lúc lại ở bờ ao…

Chuồn Chuồn còn đi tìm chỗ làm tổ cho mình vất vả lắm. Chẳng biết bao giờ mới có!

Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 
Sự tích chuột chù
Ngày xưa, xưa ơi là xưa, lúc các cô tiên còn hay xuống trần gian dạo chơi, chuột chù vốn là vật nuôi làm cảnh của một cô tiên. Lông nó lúc ấy trắng và thơm mùi hoa lan vì suốt ngày nó chỉ biết ăn hoa và củ lang mà thôi.

Thế rồi một hôm chuột chù theo cô tiên xuống trần gian chơi. Chợ đông người quá, các hàng ăn thì lại rất thơm ngon. Chuột chù ngạc nhiên, say mê dí mũi vào ngửi và kêu lên ầm ĩ: “Thích, thích, thích”. Nó cứ sy mê mà không để ý đến cô tiên, dần dần nó tuột lại phía sau mà không hay biết.

Khi trời sụp tối, chợ đã tan, nó mới biết mình bị lạc. Nó ngơ ngác tìm cô tiên rồi sợ phát khóc khi thấy một bầy mèo đi tới. Nó vội vàng bỏ chạy, dũi cả đất bùn nơi cống rãnh lên người để ẩn nấp. Càng lúc nó càng chui sâu xuống đất, đào thành cái hang để trốn trong đó.


Mấy ngày sau, đói quá, nó mới mon men bò ra chợ để hy vọng gặp lại chủ của mình. Mấy ngày vùi trong bùn đất nên nó đi đến đâu, mọi người bịt mũi dạt ra đến đấy. Ngay cả cô tiên, chủ của nó thấy vậy cũng bay lên cao, không nhận ra nó nữa. Lông nó trở nên đen thui, mùi hôi thật kinh khủng, khác hẳn ngày xưa. Thế là các cô tiên đi mất, từ đó chuột chù ở lại trần gian bơ vơ, phải tự tìm thức ăn và bị mọi người xua đuổi.

Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 
Sự tích cái bướu của Lạc đà
Thời xưa lạc đà không có bướu. Lưng nó phẳng ngang, hơi cong.
Nó được xếp cùng chủng với ngựa lừa, nhưng không phải là loài chở nặng, suốt ngày long nhong tự do trên sa mạc. Sao trên trời cát dưới biển hằng hà sa số là tài sản thiên nhiên dành cho nó. Nó chẳng phải làm gì, chỉ rong chơi đó đây, từ ngày này qua tháng nọ, cuộc sống lãng du thênh thang vui sướng vô tư nhất trần đời. Trong muôn loài động vật hoang dã thời bấy giờ, khối con mơ ước được du ngoạn mặc sức như nó mà không được. Nó nghênh ngang dạo chơi khắp vùng sa mạc, không có gì ngăn bước nó. Thật không còn gì tự do bằng.
Thế nhưng trên đời luôn có oái oăm, trái khoáy. Có những người được sống đời tư do mà không hề nhận ra hạnh phúc mình đang có không dễ ai có được.
Bấy giờ có hai anh em lạc đà kia.

Lạc đà em sinh sau, vừa hiền vừa dại, quanh quẩn bên vú mẹ, gặp kẻ nào mon men đến gần là sẵn sàng kết bạn chơi đùa, thích thú bảo nhau rống lên những âm thanh vang vọng rồi rúc rích cười, thế là vui. Có xảy ra vậy, ấy là chuyện một thời, ở mãi tận một miền hoang dã xa, nơi khu rừng già, các loài thú hoang đưa nhau đi tìm đất lạ, hòng thay đổi nếp sinh hoạt quen thuộc, chán ngắt quẩn quanh bên gốc dại cây già. Chúng rất hiền lành. Bấy giờ voi, cọp, hươu, trăn, tinh tinh quấn quýt ca vui cả với thằn lằn, kanguru, cả với chị chim trĩ bé nhỏ nữa thì đủ biết là hòa bình thế nào.


Những loài hoang dã ham vui này rủ nhau đi cách khu rừng một quãng quá xa, đến nỗi sau khi hình ảnh rừng già ở lại sau lưng dần dần mất hút rồi ,chúng mới nhận ra trước mặt chúng là một vùng bao la vô tận, trải dài toàn là cát vàng óng ánh. Ấy chính là một sa mạc nóng bỏng, quê hương của lạc đà.
Lạc đà em nhanh chóng tiếp đón bạn bè từ bốn phương tới. Nó chơi với các con thú lạ kia thân mật như được sinh ra từ trong một bầy.
Một thời gian rất dài, cuộc vui giữa các loài động vật hoang dã đó lưu lại biết bao kỷ niệm êm đềm trong ký ức mỗi đứa. Bỗng một hôm, lạc đà em lăn đùng ra bệnh. Chẳng bao lâu nó chết.
Em chết, lạc đà anh mang nỗi buồn vô tận. Ngay sau đó, trên lưng lạc đà anh nổi lên một cục u to. Đó là cái bướu trách nhiệm, hình ảnh của lo toan, vất vả, nhọc nhằn, cô quạnh…
Đám tang lạc đà em được đoàn động vật hoang dã thương tiếc xếp hàng, giương cờ tang đưa chân nó đến nơi an nghỉ cuối cùng cách thân tình trìu mến.
Kanguru, Tinh Tinh, Thằn Lằn, Trăn, chim Trĩ bảo nhau trở về chốn xưa, nơi có cây cối, rừng rậm lá hoa, mỗi đứa sẽ tự kiếm cho được một bông hoa nhỏ, mang về cùng nhau đặt trên mộ lạc đà em cho chí tình bằng hữu. Ấy là chung một niềm Nhớ Bạn.

Bút nghiên sưu tầm và chia sẻ
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top