Sự giao thoa của tư tưởng nho giáo và phật giáo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Chị Lan

New member
Sự giao thoa của tư tưởng nho giáo và phật giáo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du


1.Phật giáo và Nho giáo là hai học thuyết lớn của triết học nhân loại nói chung và triết học Phương Đông nói riêng. Hai học thuyết này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng triết học Việt Nam. Sự ảnh hưởng ấy thể hiện trong trước tác của những nhà tư tưởng, trong sáng tác của những nhà văn, nhà thơ, trong lối sống, sinh hoạt của nhân dân ta hàng ngàn đời nay. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể với những điều kiện kinh tế khác nhau, các tư tưởng trên có biểu hiện riêng.

Truyện Kiều là kiệt tác của văn học Việt Nam. Tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị văn học và tư tưởng. Tiếp cận Truyện Kiều chúng ta sẽ hiểu hơn về xã hội Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động - giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Tiếp cận Truyện Kiều chúng ta cũng sẽ thấy rõ hơn những biểu hiện của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo ở nước ta vào một giai đoạn lịch sử nhất định - giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

2. Tư tưởng nho giáo, phật giáo
2.1. Nho giáo


Nho giáo là học thuyết tiêu biểu của triết học Trung Quốc cổ trung đại . Nho giáo do Khổng Tử sáng lập, xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ VI TCN, duới thời Xuân Thu. Những tư tưởng của Nho giáo được thể hiện trong hai bộ sách kinh điển: Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tứ Thư có: Trung dung, Đại học, Luận Ngữ, Mạnh tử. Ngũ kinh có: thi, thư, lễ, dịch, xuân thu. Hệ thống kinh điển đó hầu như viết về chính trị, xã hội, ít viết về tự nhiên. Điều này cho thấy rõ xu hướng biện luận về xã hội, về chính trị đạo đức là những tưởng cốt lõi của Nho giáo.

Học thuyết Nho giáo chứa nhiều nội dung nhưng ở đây chúng tôi chỉ bàn nội dung liên quan đến tác phẩm: Tư tưởng thiên mệnh. Nho giáo cho rằng con người và thế giới bên ngoài do trời sinh ra, số phận con người do trời định. Trời an bày địa vị của con người. Xuất phát từ tư tưởng này mà về sau vào thời nhà Hán, Đổng Trọng Thư nêu thuyết "thiên nhân cảm ứng".

Trong lịch sử phát triển của phong kiến Trung Quốc, Nho giáo có ảnh hưởng lớn về tư tưởng, nó được triều đình phong kiến vận dụng để xây dựng và củng cố quyền lực của nhà nước phong kiến. Nho giáo là cốt lõi của ý thức hệ phong kiến.

2. 2. Phật giáo

Đạo phật hình thành ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN, người sáng lập là thái tử sidharta (Tất-Đại-Đa) . Đạo phật thực chất là một học thuyết về nỗi khổ và sự giải thoát. Đức phật từng dạy'' ta chỉ dạy một điều: khổ và khổ diệt". Cốt lõi của học thuyết này là tứ diệu đế (bốn chân lí kì diệu), gồm :

Khổ đế: chân lí về bản chất nỗi khổ

Nhân đế hay tập đế: là chân lí về nguyên nhân của nỗi khổ.

Diệt đế: chân lí về cảnh giới diệt khổ. Nỗi khổ sẽ bị tiêu diệt khi nguyên nhân gây ra nỗi khổ bị loại trừ. Sự tiêu diệt khổ đau gọi là niết bàn. Đó là thế giới của sự giác ngộ và giải thoát.

Đạo đế: chân lí chỉ ra con đường diệt khổ. Con đường diệt khổ, giải thoát và giác ngộ đòi hỏi phải rèn luyện và tu hành.

Học thuyết Nho giáo và Phật giáo đã xâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Dĩ nhiên, các tư tưởng này khi xâm nhập vào nước ta đều bị sự khúc xạ của văn hóa Việt Nam. Tùy vào từng giai đoạn lịch sử mà tư tưởng Nho giáo hoặc Phật giáo giữ địa vị thống trị.

3. Tư tưởng Nho giáo, Phật giáo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
3.1. Tưởng Nho giáo trong Truyện Kiều


Truyện Kiều là một kiệt tác của văn học Việt Nam. Khi tiếp nhận tác phẩm này rất nhiều nhà nghiên cứu đề cao giá trị nhân văn của tác phẩm: Nguyễn Du đã vượt qua những ràng buộc của Nho giáo để ngợi ca tình yêu tự do, ngợi ca hạnh phúc riêng tư của con người. Tất nhiên đó là những kết luận không thể phủ nhận được. Nhưng là một sản phẩm của ý thức hệ phong kiến, sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học, bản thân lại từng làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Du không thể không ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo. Sự ảnh hưởng ấy được ông thể hiện khá rõ trong việc lí giải số phận của nhân vật chính - Thúy Kiều bằng thuyết thiên mệnh. Nguyễn Du cho rằng mọi khổ đau tủi nhục của Kiều đều do trời định. Nhà thơ đã nhiều lần nói đến trời, đến thiên mệnh như các nhà kinh điển của nho gia. Trong Truyện Kiều tư tưởng thiên mệnh ấy được tác giả thể hiện dưới dạng"tài mệnh tương đố'', "hồng nhan bạc mệnh".

Trong Truyện Kiều mâu thuẫn giữa tài và mệnh tập trung ở nhân vật nàng Kiều. Để hiểu được mâu thuẫn này thì phải nhận thức được thế nào là tài, thế nào là mệnh. Tài là tài năng, nhan sắc, là những gì tốt đẹp của con người. Tài là một giá trị thực tại. Số mệnh là một thực thể siêu hình, nó không tồn tại và không có hiệu lực thực tại nhưng ở Truyện Kiều mệnh có một vai trò to lớn: " chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau".

Tác giả đã nhận thức nỗi khổ của Thúy Kiều với một ý nghĩa siêu hình, bản chất số phận của nàng là mâu thuẫn giữa tài và mệnh. "Tài mệnh tương đố" là niềm tin của tác giả. Những lực lượng tàn phá cái hay, cái đẹp đều được nhà văn khái quát thành số mệnh. Bởi theo thuyết thiên mệnh của Nho giáo, người ta giàu nghèo sướng khổ là do trời định trước :"tử sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên". Người ta bằng kinh nghiệm ở đời, theo hướng duy tâm thần bí để suy ra rằng, sở dĩ có điều bất bình là đạo trời vốn gét cái trọn vẹn ("tạo vật số toàn/ tạo hóa kị doanh") :

"Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quyen thói má hồng đánh ghen"


Tài hoa thì bạc mệnh! Đó là mệnh đề mà tác giả đã chứng minh bằng cuộc đời của Thúy Kiều. Kiều được miêu tả như một ngưòi đẹp toàn diện. Sắc đẹp ấy, tài năng ấy đã dự báo một cuộc đời đầy sóng gió bởi: "rằng hồng nhan tự thủa nào/ cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu''. Hay ẩn trong "tài" chính là "họa" :"chữ tài liền với chữ tai một vần"
Mệnh đề ấy còn được Nguyễn Du cụ thể hóa ở nhân vật Đạm Tiên. Đạm Tiên cũng là người con gái đẹp, tài năng"nổi danh tài sắc một thì" nhưng:

"Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương".


Nhìn chung, Nguyễn Du cắt nghĩa cái đau khổ của Thúy Kiều hay cái đau khổ của cuộc đời nói chung thông qua nàng Kiều là do mâu thuẫn giữa tài và mệnh. Tư tưởng ấy dường như quán xuyến từ đầu đến cuối tác phẩm và được tác giả khái quát ở phần cuối tác phẩm:

"Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt nhầm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao được mới phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào"



3.2. Tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều


Bên cạnh việc vận dụng học thuyết Nho giáo, Nguyễn Du còn vận dụng học thuyết Phật giáo vào việc lí giải số phận nhân vật, bỏi vì dường như khi giải thích bằng thuyết thiên mệnh, ông vẫn chưa thực sự thỏa mãn, vẵn bị bế tắc. Vì thế Nguyễn Du đã tìm đến đạo phật. Ông dùng thuyết nhân quả và nghiệp báo của đạo phật mà giải thích số phận của nhân vật. Giáo lí nhà phật khẳng định: " nước bao giờ cũng chảy xuống, tham muốn và tình dục sẽ đưa con người vào vòng trầm luân đau khổ, từ đó đẩy con người vào nghiệp báo luân hồi". Sở dĩ Thúy Kiều có số phận mong manh như thế vì nàng có cái nghiệp tiềm ẩn bên trong, cái nghiệp tiềm ẩn từ kiếp trước:

"Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi
Dẫu sao bình đã vỡ rồi
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong"


Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều câu thơ thể hiện thuyết nghiệp báo trên của đạo phật ở Truyện Kiều, nó thấm nhuần vào tư tưởng của nhân vật cho nên Kiều đã dự cảm được vận mệnh cuộc đời mình từ khi còn nhỏ:

"Kiếp này trả nợ chưa xong
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau"


Dưới ánh sáng của nhân duyên học (từ dùng của đạo phật) , các quan điểm thiên mệnh đều ngã quị, không thể tồn tại mà xưng hùng xưng bá để dày đọa kiếp người. Con người khổ ải là do hành vi "thất niệm" của mình tạo ra từ trước cho nên không thể trách trời được:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa"


Dựa vào thuyết nghiệp báo của đạo phật, chúng ta thấy rằng chết không phải là hết, chết là một sự thoát xác, thay đổi từ trạng thái sinh hoạt này sang một trạng thái sinh hoạt khác, khổ đau hoặc sung sướng hơn, tùy vào nghiệp của mình đã tạo ra ở kiếp trước. Người Việt Nam nói riêng và người Phương Đông nói chung đã hấp thụ tư tưởng này nên chúng ta không bao giờ tin chết là hết, chêt là mất hẳn. Có lẽ vì vậy nên người Việt thường có quan niệm rằng: con người sau khi chết thể xác tan rã nhưng tinh thần còn tồn tại. Thực ra đó là ảnh hưởng từ thuyết nghiệp báo của nhà phật. Kiều cũng đã tin như thế:

"Kiều rằng những đấng tài hoa
Thác là thể phách còn là tinh anh"

Để chứng minh cho lòng tin ấy, Nguyễn Du đã cụ thể hóa sự xuất hiện mờ ảo linh thiêng của Đạm Tiên trong buổi chiều thanh minh và những lần nàng hiện về báo mộng cho Kiều. Vì nhận thức chết là chưa hết nên khi trao duyên lại choThúy Vân, Kiều đã dặn em:

"Mai sau dẫu có bao giờ đốt
Lò hương ấy so hương phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu gió thì hay chị về"


Theo triết lí của đạo phật, ở đời không có cái gì tự nhiên mà có, ngẫu nhiên mà sanh. Sở dĩ nàng Kiều mang nghiệp báo là do một túc duyên tiền định.

Có người cho rằng nếu đúng như thuyết nghiệp báo và luật nhân quả (gây nhân nào gặp quả ấy) của đạo phật thì tại sao những người hiếu thảo, vị tha như Kiều vẫn chịu khổ. Thực ra, triết lí nhân quả của đạo phật chia làm nhiều thứ: nhân quả hiện tại, nhân quả nhiều đời, nhất thế nhân quả, tam thế nhân quả. Thân phận Thúy Kiều chính là biểu hiện của thứ nhân quả nhiều đời, thứ nhân quả được truyền từ kiếp trước. Trong Truyện Kiều còn hiển thị cả thứ nhân quả hiện tại. Những kẻ làm việc bạc ác tinh ma như Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh cuối cùng đều bị trừng phạt (thể hiện ở doạn thơ Kiều báo ân báo oán)

Vì muốn chứng minh một cách rõ ràng thuyết nhân quả - báo ứng là một định lí hiển hiện có thật và mọi người đều có thể được đáp ứng tương ứng với hành vi của mình đã tạo ra trong kiếp sống hiện tại, tác giả Truyện Kiều đã để cho kiều sống lại thoát khỏi oan kiếp tiền định ở sông Tiền Đường vì nàng biết rèn luyện tâm tính.

Điểm đặc biệt của đạo phật chính ở chỗ phàm là con người dù tội lỗi bao nhiêu nhưng biết thành tâm sám hối, ăn năn thì có thể trở thành trong sạch được. Lối thoát của đạo phật là đi tu:"tu là cội phúc, tình là dây oan''. Kiều đã luyện đúng tinh thần của đạo phật, nhờ thế mới có cái hậu của Truyệnkiều, cái hậu ấy chính là sự sum họp với những người nàng yêu thương nhất. Trải qua mười lăm năm liu lạc, cuối cùng nàng đã đạt được ước nguyện đoàn viên. Mười lăm năm đoạn trường của nàng là bài học về khổ đế mà nguyên nhân vừa hợp với giáo lí, vừa hợp với tinh thần giới luật nhà phật là lòng khát ái, dục ái.

Tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều còn thể hiện ở quan niệm về chữ "tâm"

Trong kinh luận, Phật giáo thường chép:"tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" (ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới là do tâm, vạn pháp hữu hình, vô hình, tâm pháp, sắc pháp đều do thức tạo ra). Theo đạo phật, tâm là chủ thể của muôn sự muôn vật. Riêng đối với con người mọi vật đều do tâm thúc đẩy. Với Kiều tâm cũng quyết định mọi vui buồn và giá trị của đời sống:

"chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Đọc Truyện Kiều chúng ta còn bắt gặp cả tinh thần từ bi bác ái, vị tha của đạo phật. Điều đó thể hiện ở cách ứng xử của kiều với những ngưỡi xung quanh. Kiều đã hy sinh tình yêu, hy sinh hạnh phúc riêng tư của bản thân để cứu gia đình ra khỏi cơn gia biến. Đó là lòng hiếu thảo. Mười lăm năm lưu lạc, mười lăm năm chịu kiếp đọa đày, đáng ra nàng phải thương phận mình nhưng lúc nào kiều cũng băn khoan về những người thân, về mẹ cha, về Kim Trọng. Đó chính là sự vị tha.

Đọc Truyện Kiều chúng ta còn bắt gặp âm hưởng của đạo phật qua những thuật ngữ của đạo phật: đoạn trường, am mây, Nhồi tâm hương... Lúc ở "quan âm các" nhà Hoạn Thư, công việc của thúy kiều được Nguyễn Du tả như sau: “ngày phô thủ tự, đêm nhồi tầm hương". Ngày phô thủ tự, nghĩa là ngày bày ra chép kinh. Đêm nhồi tầm hương", ở đây là ngũ phần hương, năm thứ hương của pháp thân là: giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Nhồi tầm hương là ngồi thiền để tô bồi năm phần hương của pháp thân.

3.3. Sự giao thoa của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo

Tác phẩm Truyện Kiều vừa tồn tại triết lí của Nho giáo, vùa tồn tại triết lý của Phật giáo (như chúng ta đã khảo sát ở trên) , sở dĩ như thế vì bản thân tác giả đã tiếp thu cả hai tư tưởng này. Nhưng trong Truyện Kiều, tư tưởng Nho giáo và Phật giáo không tồn tại một cách biệt lập mà giữa chúng có sự đan xen nhau.

Tư tưởng thiên mệnh là nội dung của Nho giáo nhưng ở Truyện Kiều nó không thuần túy Nho giáo nữa mà có thêm màu sắc Phật giáo. Nhà thơ giải thích tư tưởng định mệnh của Nho giáo bằng ngôn ngữ của Phật giáo. Mâu thuẫn của tài và mệnh là là biểu hiện tư tưởng định mệnh của Nho giáo thì nguồn gốc sẫu xa của nó lại chính là chữ nghiệp theo quan niệm của Phật giáo. Để thủ tiêu mâu thuẫn của tài và mệnh, con người phải tu tâm bởi vì theo đạo phật thì "thiện căn" - gốc rễ của cái thiện là ở trong lòng mình. đây là những lời của sư tam hợp khi nghĩ về cuộc đời Kiều:

"Sư rằng phúc họa đạo trời
cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
có trời mà cũng có ta
tu là cội phúc tình là dây oan"


Sư Tam Hợp cũng cho rằng mọi việc (phúc họa) do ở trời nhưng sau đó lại đề cao hành vi tu tâm. Như thế là Nguyễn Du đã đi từ nho sang phật hay nói đúng hơn là nhà thơ đã kết hợp Nho giáo với Phật giáo trong việc lí giải cuộc sống. Sở dĩ kết hợp được là vì chữ nghiệp theo quan niệm của Phật giáo cũng là một tưởng định mệnh. Cái khác là trong Nho giáo định mệnh do một lực lượng siêu nhiên bên ngoài con người chi phối (trời) còn với Phật giáo thì định mệnh nằm ngay trong bản thân con người và chi phối con người bằng luật nhân quả. Điều này đã được Hoàng Ngọc Hiến nói đến trong" triết lí Truyện Kiều": "tìm hiểu Truyện Kiều với nhu cầu hệ thống không khỏi phân vân vì ngôn ngữ triết học trong tác phẩm. Ngôn ngữ Nho giáo lẫn với ngôn ngữ Phật giáo... ". Đúng như thế, trong Truyện Kiều người phát ngôn cho tư tưởng Nho giáo là Đạm Tiên, song ngôn ngữ của Đạm Tiên vừa có nói đến trời, đến nhân, đến hiếu, vốn là những đức của Nho giáo đồng thời cũng nói đến "hội chủ", "đến sổ đoạn trường" đến "quả kiếp nhân duyên" của Phật giáo:

"Vâng trình hội chủ xem trường
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên
Âu đành quả kiếp nhân duyên
Cũng người một hội một thuyền đâu xa"

Đọc Truyện Kiều, chúng ta bắt gặp rất nhiều câu thơ thể hiện sự giao thoa của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo. Chữ "trời" có khi được tác giả thay bằng chữ "thiên mệnh" của nho, cũng có lúc được thay cho chữ "nhân quả", "kiếp nghiệp" của đạo phật. Ngay trong cuộc đời mình, có lúc Kiều cho rằng ngọn nguồn khổ đau của mình đều do trời nhưng cũng có lúc nàng đổ lỗi cho nghiệp, kiếp:

"Nàng rằng nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoảntàng được sau
Số còn nặng nợ má đào
Người đà muốn chết trời nào có cho"


Nguyễn Du dùng chủ nghĩa thiên mệnh để cắt nghĩa cuộc sống mà chủ nghĩa thiên mệnh thì có tính cách siêu hình, trong khi đó ông cũng lờ mờ nhẩn ra rằng con người cũng có vai trò to lớn trong việc cải tạo vận mệnh của mình:"xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", do đó nhiều trường hợp tác giả tỏ ra không nhất quán, bế tắc khi lí giải đau khổ của Thúy Kiều hay đau khổ của cuộc đời nói chung. Vì vậy, Nguyễn Du đã tìm đến đạo phật với mong muốn giải thoát được sự bế tắc ấy. Và ở đây ông đã gặp chữ "tâm" của đạo phật" thiện căn ở tại lòng ta/ chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Sự đan xen của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trong Truyện Kiều một mặt phản ánh mâu thuẫn trong thế giới quan của Nguyễn Du, mặt khác phản ánh đặc trưng tư tưởng của thời đại bấy giờ, thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX cùng với sự suy tàn của chế độ phong kiến, Nho giáo không còn giữ địavị độc tôn như trước nữa, Phật giáo có điều kiện phát triển. đồng thời giữa Nho giáo và Phật giáo có xu hướng kết hợp với nhau và với tín ngưỡng dân gian để tìm một lời giải cho thời đại.

4. Kết luận

Học thuyết Nho giáo và học thuyết Phật giáo là những thành tựu nổi bật của triết học Phương Đông, nó có nội dung rất rộng lớn. Ở phần nội dung chúng tôi đã phân tích những biểu hiện tư tưởng của hai học thuyết ấy trong Truyện Kiều. Tất nhiên đó chỉ là những biểu hiện của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trong một tác phẩm văn học. vì thế nó chưa bao quát hết các vấn đề của nho, Phật giáo.

Truyện Kiều là thi phẩm nổi tiếng nhất trong thi đàn văn học Việt Nam thế kỉ XVIII. Trong bài viết này chúng tôi không khai thác giảtị văn chương của tác phẩm, thiết tưởng việc ấy coi như thừa vì bản thân tác phẩm đã tự chứng minh cho giảtị của mình trong quá trình văn học sử Việt Nam. Ở đây chúng tôi chỉ khai thác khía cạnh triết học của tác phẩm. Qua khảo sát và phân tích Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy tư tưởng triết học nổi bật của tác phẩm là tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo. Điều đặc biệt là ở tác phẩm này tư tưởng Nho giáo và Phật giáo có sự đan xen với nhau. Nho giáo không thuần nhất là Nho giáo nữa, Phật giáo cũng thế. Tuy nhiên sự giao thoa ấy có thể giải thích được vì Nguyễn Du là một nhà nho uyên thâm và ở nước ta thời ấy nho bước qua phật học rất gần, bởi lẽ hầu hết kinh điển Phật giáo đều được viết bằng chữ hán.

(ST)

Nguồn: VHNA
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top