Sự chuyển hóa tiền thành tư bản và sản xuất giá trị thặng dư

Bút Nghiên

ButNghien.com
I. SỰ CHUYỂN HÓA TIỀN THÀNH TƯ BẢN

1. Công thức chung tư bản chủ nghĩa


Tiền là sản vật cuối cùng của lưu thông hàng hóa, đồng thời là hình thái xuất hiện đầu tiên của tư bản.

- Tiền trong lưu thông hàng hóa gản đơn vận động theo công thức: H - T - H.

- Tiền trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa vận động theo công thức: T - H - T'

a. So sánh hai công thức

Hai công thức trên biểu hiện của nền sản xuất hàng hóa ở hai mức độ khác nhau. Những trong hai công thức này có những điểm giống nhau và khác nhau:

- Điểm giống nhau:

+ Giữa hai công thức lưu thông nói trên đều cấu tạo bởi hai yếu tố hàng(H) và tiền (T)

+ Đều chứa đựng hai hành vi đối lập nhau là mua và bán

+ Đều biểu hiện quan hệ kinh tế giữa người mua và người bán.

- Điểm khác nhau giữa hai công thức đó là :

+ Lưu thông hàng hóa giản đơn ( H- T - H): bắt đầu bằng hành vi bán (H- T)và kết thúc bằng hàng vi mua(T - H). Điểm bắt đầu và điểm kết thúc đều là hàng hóa, tiền chỉ đóng vai trò trung gian, mục đích là giá trị sử dụng.

Nhưng ngược lại trong lưu thông tư bản chủ nghĩa thì:

+ Bắt đầu bằng hành vi mua (T - H) và kết thúc bằng hành vi bán (H - T')

+ Tiền vừa là điểm xuất phát vừa là điểm kết thúc, còn hàng hóa đóng vai trò trung gian... mục đích của lưu thông tư bản là giá trị và giá trị lớn hơn.

- Tư bản vận động theo công thức: T - H - T'. Trong đó: T' = T + \Delta t ( \Delta t là số tiền trội hơn so với số tiền ban đầu được gọi là giá trị thặng dư - ký hiệu là m ). T ban đầu ứng ra với mục đích thu được giá trị thặng dư trở thành tư bản.

Công thức: T - H - T' với T' = T + m

- T - H - T' được gọi là công thức chung của tư bản vì mọi tư bản đều vận động như vậy nhằm mục đích mang lại giá trị thặng dư.

Như vậy, tư bản là tiền tự lớn lên hay giá trị sinh ra giá trị
thặng dư

b. Mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản

- Trong công thức này ta thấy điểm đầu và điểm cuối không giống nhau ( T# T '). Đó là T< T ' hay T ' > T vì T' = T + \Delta t. Lượng \Delta t phải chăng được thực hiện (sinh ra) trong lưu thông. Nếu như vậy thì lưu thông sẽ làm tăng thêm giá trị. Nhưng nếu lưu thông làm tăng thêm giá trị sẽ trái với yêu cầu của quy luật giá trị là mua bán, trao đổi phải trên cơ sở ngang giá. ë đây sẽ xảy ra một số trường hợp sau (xét trong phạm vị lưu thông):

+ Nếu mua bán ngang giá: Thì chỉ có sự thay đổi hình thái từ tiền thành hàng hoặc từ hàng hoá thành tiền còn tổng giá trị thì không hề thay đổi.

+ Nếu trao đổi không ngang giá: Tức là hàng hoá có thể bán thấp hoặc cao hơn giá trị. Nhưng trong nền kinh tế hàng hoá thì người bán cũng có thể là người mua (Và ngược lại ). Vì vậy, cái lợi mà họ thu được khi bán, sẽ bù lại cái thiệt khi mua và ngược lại.

+ Còn nếu chuyên mua rẻ bán đắt thì tổng giá trị không tăng lên bởi vì tổng giá trị mà người này thu được chẳng qua chỉ là sự ''ăn chặn'',''đánh cắp '' số giá trị của người khác mà thôi.

+ Nếu xét ngoài lưu thông tức là tiền để trong két, hàng hoá để trong kho thì không sinh ra được giá thặng dư mà chỉ giữ nguyên giá trị.

Như vậy: Lưu thông và bản thân tiền tệ trong lưu thông không hề tạo ra giá trị

Vậy tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông.

Đó là mâu thuẫn của công thức chung của tư bản

Để giải quyết mâu thuẫn này Mác đã phân tích và giải quyết bằng lý luận về hàng hoá sức lao động

2. Hàng hóa sức lao động

a. Sức lao động, sự chuyển hóa sức lao động trở thành hàng hóa


Để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản cần tìm trên thị trường một loại hàng hóa, mà việc sử dụng nó có thể tạo ra được giá trị lớn hơn giá trị của bản thân nó. Hàng hóa đó là hàng hóa sức lao động.

- Sức lao động là toàn bộ những năng lực tồn tại trong một con người và được người đó sử dụng vào sản xuất. Sức lao động là cái có trước, còn lao động chính là quá trình sử dụng sức lao động. Việc tiền tệ biến thành tư bản, không thể tách rời việc sức lao động trở thành hàng hóa.

Để sức lao động trở thành hàng hoá khi có hai điều kiện:

+ Người lao động phải là người được tự do về thân thể của mình, có quyền sở hữu sức lao động của mình và chỉ bán sức lao động đó trong một thời gian nhất định

+ Người lao động không còn có tư liệu sản xuất cần thiết để tự mình đứng ra tổ chức sản xuất, muốn sống chỉ còn cách bán sức lao động cho người khác sử dụng.

b. Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động:

- Khi sức lao động trở thành hàng hoá thì hàng hóa sức lao động cũng giống như bất kỳ hàng hoá nào khác. Nó cũng có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng:

+ Giá trị của hàng hoá sức lao động: cũng là số lượng lao động xã hội cần thiết (LĐXHCT) để sản xuất và tái sản xuất ra nó quyết định. Nó là giá trị của toàn bộ các tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động, để duy trì đời sống của người công nhân làm thuê và gia đình họ...

+ Giá trị sử dụng của hàng hoá sức lao động: Thể hiện ở quá trình tiêu dùng sức lao động, tức là quá trình lao động để sản xuất ra một hàng hoá nào đó.

Trong quá trình lao động, sức lao động tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Phần giá trị dôi ra so với giá trị sức lao động ( giá trị ban đầu ) là giá trị thặng dư

Đây chính là đặc điểm riêng có của giá trị sử dụng cña hàng hoá sức lao động. Đặc điểm này chính là chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản

II. SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

1. Quá trình sản xuất giá trị thặng dư


Mục đích của sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa là sản xuất giá trị thặng dư. Nhưng để sản xuất giá trị thặng dư, trước hết nhà tư bản phải tổ chức sản xuất ra những hàng hóa có giá trị sử dụng. Vì giá trị sử dụng là nội dung vật chất của hàng hóa, là vật mang giá trị và giá trị thặng dư.

- Quá trình nhà tư bản tiêu dùng hàng hóa sức lao động và tư liệu sản xuất để sản xuất giá trị thạng dư có hai đặc điểm:

+ Công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản.

+ Sản phẩm làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản

- kết luận: Giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không

Sở dĩ nhà tư bản chiếm đoạt được số lao động không công ấy vì nhà tư bản là người chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Do điều kiện này mà nền sản xuất trở thành nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.

2. Tư bản bất biến và tư bản khả biến

- Để sản xuất giá trị thặng dư, nhà tư bản phải ứng trước tư bản (tiền) ra để mua tư liệu sản xuất và sức lao động.

- Trong quá trình sản xuất, giá trị của tư liệu sản xuất được lao động cụ thể của người công nhân chuyển vào sản phẩm mới, lượng giá trị của chúng không đổi. Bộ phận tư bản ấy được gọi là tư bản bất biến : ký hiệu là c

- Đối với bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động thì có sự chuyển hóa khác:

+ Giá trị của nó biến thành các tư liệu sinh hoạt của người công nhân .

+ Trong quá trình sản xuất, bằng lao động trừu tượng của mình, người công nhân tạo ra một giá trị mới không những đủ bù đắp lại giá trị sức lao động của công nhân, mà còn có giá trị thặng dư cho nhà tư bản, do vậy bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động đã có sự biến đổi vệ lượng trong quá trình sản xuất. Bộ phận tư bản đó được gọi là tư bản khả biến: ký hiệu là v.

Như vậy ta thấy tư bản bất biến (c) chỉ là điều kiện còn tư bản khả biến (v) mới là nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư.

Do đó giá trị của hàng hóa = c + v + m

3. Tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư

a.Tỷ suất giá trị thặng dư:


- Tỷ suất giá trị thặng dư ( m') là tỷ lệ phần trăm giữa số lượng giá trị thặng dư với tư bản khả biến. Được tính bằng công thức:

m’=(m/v).100% hay m’ = (t’ /t). 100%

- Tỷ suất giá trị thặng dư phản ánh mức độ bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân. Nó chỉ rõ, trong tổng số giá trị mới do sức lao động tạo ra thì công nhân được hưởng bao nhiêu, nhà tư bản chiếm đoạt bao nhiêu. Hay là, nhà tư bản bỏ ra một lượng tiền để trả lương (mua sức lao động) cho công nhân thì thu được bao nhiêu giá trị thặng dư.

Nhưng trong quá trình sản xuất nhà tư bản càng thu được nhiều giá trị thặng dư càng tốt. Tỷ suất giá trị thặng dư mới phản ánh mức độ bóc lột chứ chưa nói đến quy mô bóc lột. Mác đã dùng khối lượng giá trị thặng dư để phản ánh quy mô bóc lột của nhà tư bản.

b. Khối lượng giá trị thặng dư.


- Khối lượng giá trị thặng dư (M)là số lượng giá trị thặng dư thu được trong một thời gian sản xuất nhất định: Công thức:

M =m’ . V hoặc M = (m/v). V



Trong đó: V là tổng số tư bản khả biến được sử dụng trong thời gian trên.

M nói lên quy mô bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân

4. Giá trị thặng dư tuyệt đối, tương đối và giá trị thặng dư siêu nghạch

a. Giá trị thặng dư tuyệt đối:


- Là giá trị thặng dư thu được do kéo dài thời gian lao động vượt quá thời gian lao động tất yếu, trong khi năng suất lao động, giá trị sức lao động và thời gian lao động tất yếu không thay đổi.

Việc kéo dài thời gian lao động và tăng cường độ lao động là để sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối.

b. Giá trị thặng dư tương đối:

- Giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được do rút ngắn thời gian lao động tất yếu bằng cách nâng cao năng suất lao động trong ngành sản xuất ra tư liệu sinh hoạt để hạ thấp giá trị sức lao động, nhờ đó tăng thời gian lao động thặng dư ngay trong điều kiện độ dài ngày lao động, cường độ lao động vẫn như cũ.

c. Giá trị thặng dư siêu ngạch:

- Giá trị thặng dư siêu nghạch là phần giá trị thu được do áp dụng công nghệ mời sớm hơn các xí nghiệp khác làm cho giá trị cá biệt của hàng hóa thấp hơn giá trị thị trường của nó.

Khi các xí nghiệp đều đổi mới công nghệ một cách phổ biến thì giá trị thặng dư siêu ngạch của doanh nghiệp không còn nữa. Vì vậy, giá trị thặng dư siêu ngạch trong từng xí nghiệp chỉ là một hiện tượng nhất thời, những trong phạm vi toàn xã hội thì nó lại thường xuyên tồn tại.
Giá trị thặng dư siêu ngạch là động lực mạnh nhất để thúc đẩy các nhà tư bản đổi mới công nghệ tăng năng xuất lao động cá biệt.

Do đó Mác gọi giá trị thặng dư siêu ngạch là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư tương đối.

5. Sản xuất giá trị thặng dư - quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản

Nếu quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hoá là quy luật giá trị thì quy luật kinh tế cơ bản của nền xản xuất TBCN là quy luật giá trị thặng dư

Quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản bởi vì:

- Quy định bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa

- Chi phối mọi mặt của đời sống kinh tế của xã hội tư bản. Không có sản xuất giá trị thặng dư thì không có chủ nghĩa tư bản

Nội dung của quy luật này là sản xuất nhiều và ngày càng nhiều hơn giá trị thặng dư bằng cách tăng cường bóc lột công nhân làm thuê. Quy luật của giá trị thặng dư là nguồn gốc của mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản: Mâu thuẫn giữa tư bản và lao động giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân…

(Theo Bài giảng Kinh tế chính trị)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top