• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Sinh viên năm cuối chuẩn bị gì trước khi xin việc?

  • Thread starter Thread starter HuyNam
  • Ngày gửi Ngày gửi
H

HuyNam

Guest
Sinh viên năm cuối chuẩn bị gì trước khi xin việc?


Khi bước vào năm học cuối cùng của giảng đường đại học, hầu hết các sinh viên không khỏi băn khoăn và lo lắng về việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Vậy, các bạn sinh viên phải chuẩn bị những gì khi đi xin việc và phỏng vấn xin việc?

Nhiều giám đốc tuyển dụng cho biết kinh nghiệm có liên quan đến công việc sắp tới của ứng viên là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định tuyển người. Thật không may, sinh viên mới ra trường thường xem nhẹ những trải nghiệm mà họ thu lượm được qua các đợt thực tập, công việc bán thời gian cũng như hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, phần đông nhà tuyển dụng lại xem hoạt động tình nguyện cũng là dạng kinh nghiệm đáng ghi nhận.

Tự tin dù chưa có kinh nghiệm

Hầu hết các bạn sinh viên mới ra trường đều rất bỡ ngỡ trong quá trình tìm kiếm việc làm và tiếp cận với các doanh nghiệp để xin việc làm. Một điều dễ nhận thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp khi đăng thông tin tuyển dụng đều đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm trong khi sinh viên mới ra trường, nếu không có doanh nghiệp nào nhận vào làm, không đi làm thì lấy kinh nghiệm ở đâu?

Trả lời câu hỏi này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù yêu cầu như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp nhận hồ sơ của các bạn chưa có kinh nghiệm. Do đó các bạn không nên e ngại khi có ý định nộp hồ sơ xin việc vào các doanh nghiệp. Dù chưa có kinh nghiệm, chưa từng làm ở đâu nhưng trong thời gian thử việc, nếu các bạn thể hiện được khả năng của mình thì doanh nghiệp cũng không thể từ chối các bạn được!

Sinh viên mới ra trường: Tôi là ai?

Có thế nói rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đã mang đến cho các bạn sinh viên mới ra trường rất nhiều cơ hội việc làm và tất nhiên cả cơ hội thăng tiến nữa. So với các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng… thì các bạn sinh viên mới ra trường ở các tỉnh khác có ít cơ hội hơn nhưng không phải là không có.

Trước hết các bạn phải xem công việc đó có phù hợp, có đúng với chuyên ngành mà mình đã học hay không? Ngoài ra các bạn cần phải xem mình có những khả năng gì nổi bật mà trong công việc sắp tới mình có thể phát huy thế mạnh đó không? Khả năng giao tiếp, kinh nghiệm, các văn bằng chứng chỉ như Anh Văn, Vi tính… cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, cộng điểm cho các bạn khi gửi hồ sơ xin việc. Đánh giá được khả năng và sở trường của mình sẽ giúp các bạn lựa chọn được công việc phù hợp với mình hơn và khả năng “lọt” vào “tầm ngắm” của nhà tuyển dụng cũng sẽ cao hơn.

Với các bạn sinh viên, trong quá trình học tập ở nhà trường thường tham gia các phong trào, hoạt động của đoàn, hội của trường sẽ giúp các bạn năng động hơn và các doanh nghiệp cũng đánh giá cao quá trình hoạt động xã hội này của các bạn. Do đó, khi đi phỏng vấn hay làm đơn xin việc các bạn phải thể hiện được năng khiếu nổi trội của mình. Việc các bạn đi làm bán thời gian, đi dạy kèm hay làm tiếp thị… trong quá trình học cũng là những điều kiện để các doanh nghiệp đánh giá cao bạn.

Bên cạnh đó, với không ít nhà tuyển dụng, điều mà họ muốn nhìn thấy nhất ở ứng viên là khả năng hòa nhập với công ty lẫn đồng nghiệp.

Bằng cấp không quyết định tất cả

Nền tảng học vấn của ứng viên cũng là yếu tố “ghi điểm” được thể hiện ở nơi học, chuyên ngành và bằng cấp. Hãy đảm bảo phần này có đề cập đến cả các khóa học khác và những dự án hoàn chỉnh nếu chúng có liên quan đến công việc.

Nhiều sinh viên băn khoăn rằng bằng cấp của các trường ở tỉnh không có thương hiệu bằng bắng cấp của các trường ở TP.HCM hay bằng của trường dân lập, tư thục… không bằng bằng của các trường công lập… như vậy khi đi xin việc sẽ không được các doanh nghiệp đánh giá cao?

Nhưng theo các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, văn bằng của các trường không phải là yếu tố quyết định, bằng của trường nào cũng được xem xét như nhau, quan trọng là khả năng làm việc, tiếp nhận và xử lý công việc của các bạn như thế nào trong quá trình làm việc thực tế. Do đó, trước khi trở thành nhân viên chính thức của các doanh nghiệp, các bạn sinh viên đều có thời gian để các bạn thử thách (có thể từ 1-3 tháng) qua đó doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực thực tế của các bạn và xem xét khả năng phù hợp của các bạn đối với công việc như thế nào? Cũng có thể trong quá trình thử việc các bạn cũng sẽ được tập huấn, bổ sung những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho công việc mà các bạn tiếp nhận.

Vài năm đầu sau khi tốt nghiệp chỉ là khởi đầu của một quá trình khám phá lâu dài. Bạn có thể phải làm những công việc tẻ nhạt, hoàn toàn không phù hợp với tích cách.

Nhưng hãy nhớ rằng, không ai làm mãi một nghề. Khi cuộc sống của bạn có nhiều thứ để lo lắng hơn bạn sẽ ít phạm sai lầm trong nghề nghiệp hơn. Bạn sẽ học được nhiều từ những vấp ngã ban đầu.

"Sự nghiệp của mỗi người là một quá trình dài trong đó công việc đầu tiên chỉ là viên gạch khởi đầu. Từng bước, từng bước bạn sẽ nhận ra con đường sự nghiệp của mình"

Thể hiện lòng đam mê

Đam mê là ưu điểm hàng đầu mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên. Những người hết lòng với công việc cho thấy họ là nhân viên hiệu quả tiềm năng. Để trả lời câu hỏi: “Tại sao anh/chị muốn làm ở đây?”, trong mọi trường hợp bạn nên nhấn mạnh đến thế mạnh của công ty cũng như các thách thức ở vị trí mới. Thái độ “nhiệt tình hay hờ hững” với công việc không qua mắt được ban tuyển dụng và họ cũng sẽ cảm thấy tương tự như thế về bạn.
 
Về cách viết một lá đơn xin việc, bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY

Trong phần này tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị hồ sơ xin việc.

Tôi đọc rất nhiều những bộ Hồ sơ xin việc làm, đọc bằng thái độ vô tư không ác cảm với bất kỳ bộ hồ sơ nào dù cho nó xuất phát từ đâu, chữ viết xấu và trình độ ứng viên thấp đến đâu. Nhưng tôi sẽ loại ngay những bộ hồ sơ xin việc mà tôi nhìn thấy từ đó nhưng sơ sót tuy nhỏ nhưng nói lên được sự cẩu thả, thiếu thành tâm và "tinh thần chạy show" của ứng viên.

Tôi nói để các bạn rút kinh nghiệm và tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà các nhà tuyển dụng dễ tính nhất cũng sẽ loại ngay những bộ hồ sơ mắc các khuyết điểm sau đây:

1. Không ký tên vào đơn xin việc.
2. Không ghi ngày tháng viết đơn.
3. Đơn xin việc và tờ khai lý lịch có chữ viết và chữ ký tên là photocopy.
4. Nộp hồ sơ xin việc cho công ty ngành A lại nói về chuyên môn của mình ngành B. (Có lẽ hồ sơ này đã photo nhiều bản gởi cho các nơi khác thuộc về ngành B, nay gởi cầu may cho ngành A).
5. Bìa hồ sơ không ghi địa chỉ liên lạc, điện thoại liên hệ (nếu có) của mình.

Bạn có thấy là tôi khó tính không? Các nhà tuyển dụng khác cũng vậy, mà có khi họ còn khắt khe hơn tôi nữa. Bởi vì những điều nêu trên đủ minh chứng cho sự hời hợt của chính bạn. Công việc quan trọng như vậy mà bạn không "quan trọng hóa" thì làm sao bạn lọt vào "tầm ngắm" của nhà tuyển dụng? Hồ sơ xin việc với các bản sao photo thì tôi đoán chắc là bạn đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi và nộp thêm nơi đây để cầu may...

Nào, hãy chú ý những gì mà tôi vừa nói với các bạn để tránh những sai lầm mà chính bạn không hề biết.

Ngoài tờ Đơn xin việc, bạn còn phải chuẩn bị gì?

TỜ KHAI LÍ LỊCH của bạn chính là sự tự giới thiệu mình, biết vậy thì tờ lý lịch và chữ viết của bạn phải là chữ viết thật (không phải chữ photo) và viết hết sức kỹ lưỡng, đừng để sai chính tả. Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú, số CMND, ngày cấp...và tất cả các chi tiết trên đó bạn nhớ đừng bỏ sót nhé!

Về nội dung trình độ học vấn và chuyên môn, bạn cần ghi các trường học mà bạn đã trải qua, chủ yếu từ cấp 2, cấp 3 trở lên. Nếu bạn tốt nghiệp Đại học thì nên ghi rõ tốt nghiệp trường nào, khoa nào, khóa mấy, kèm theo phiếu điểm bạn đạt được hoặc nhận xét của trường (nếu chưa lấy bằng). Các môn học khác mà bạn có chứng chỉ như Anh văn, Vi tính, nghiệp vụ văn phòng, trợ lý giám đốc, đồ họa...cần được ghi hết vào để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn được trang bị kiến thức và chuyên môn khá tốt.

Cũng hết sức quan trọng khi bạn viết tiếp vào phần QUAN HỆ GIA ĐÌNH bằng thái độ trân trọng. Tên tuổi cha mẹ mình, địa chỉ, nghề nghiệp của hai đấng sinh thành ra sao...đều có ảnh hưởng đến tư cách, học vị và hoàn cảnh sống của bạn.

Ở mục này bạn không nên viết chung chung. Cha: Nguyễn Văn A, sinh năm...., nghề nghiệp: công nhân. Mẹ: Lê Thị B, sinh năm...nghề nghiệp: buôn bán. Đọc những chi tiết này tôi thấy mơ hồ lắm. Nếu bạn viết như sau: Cha: Nguyễn Văn X, sinh năm...công nhân bậc 4 ngành điện, làm việc tại nhà máy Điện A. Mẹ: Lê Thị B, sinh năm..., bán mỹ phẩm tại chợ An Đông....thì nội dung sẽ khác. Nhà tuyển dụng sẽ hiểu rõ thêm về gia cảnh của bạn.

Có bạn sẽ nói: Mẹ tôi không bán mỹ phẩm mà bán...mắm. Cha tôi không phải là thợ điện bậc 4 mà là công nhân ngành vệ sinh...Vậy có ghi không? Có gì ngại mà bạn không ghi. Nghề nghiệp nào cũng tốt cả, miễn không làm hại xã hội, gạt gẫm người khác. Má tôi ngày trước bán quần áo cũ ngoài chợ, tôi cũng đã ghi: Bán quần áo cũ. Ba tôi làm công nhân cầu đường (thời trước gọi là cu ly) thì tôi cứ ghi đúng như vậy. Vấn đề là ba má tôi đã nuôi tôi ăn học đến như thế này đây chớ không phải "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa phải quét lá đa". Ngày nay có nhiều gia đình nghèo khó đã làm việc cật lực nuôi con ăn học, thi đậu một lượt vài ba trường đại học. Bạn có biết chuyện "Cô bé bán khoai thi đậu ba trường đại học" không?

Rồi còn anh chị em trong gia đình nữa. Các anh chị của bạn đã thành đạt, các em của bạn đang học cấp 2, cấp 3...sẽ là những chi tiết thuận lợi cho bạn. Nhà tuyển dụng sẽ có thiện cảm với bạn vì các thành viên trong gia đình bạn có trình độ văn hóa, có ý chí tiến thân bằng học vấn...Tất nhiên, bạn cũng vậy chứ?

BẢN SAO HỘ KHẨU VÀ GIẤY TẠM TRÚ. Nói chung là bạn chỉ cần thị thực tại địa phương (phường hoặc quận) nơi bạn thường trú với con dấu đỏ đóng vào. Chỉ cần vậy thôi là đủ thấy sự quan tâm của bạn về chuyện tìm việc làm.

Bạn có hộ khẩu thành phố là một lợi điểm vì có nhiều nhà tuyển dụng trong thông báo tuyển lao động đã nói lên điều này: Ưu tiên người có hộ khẩu thành phố. Nhưng có những công ty tuyển lao động lại quan tâm đến người gốc gác từ các tỉnh vì họ có chương trình phát triển kinh doanh ra ngoài khu vực thành phố. Bạn không có hộ khẩu thành phố chính là một thuận lợi mà bạn không biết. Vậy, nếu bạn kèm theo trong hồ sơ của bạn GIẤY TẠM TRÚ, có khi bạn được sự quan tâm hơn trong việc tuyển chọn. Và giấy tạm trú của bạn, do khó khăn trong việc xác nhận, sao y...có thể nộp bản photo trước.

GIẤY KHÁM SỨC KHỎE, theo tôi không cần nộp ngay trong hồ sơ tuyển dụng. Nhà tuyển dụng không quan tâm đến chuyện bạn có đủ sức khỏe để làm việc hay không mà họ quan tâm đến trình độ chuyên môn của bạn liệu có đảm đương được công việc họ cần hay không? Bạn có khỏe như...Lý Đức...mà bạn không biết vi tính thì sao nhỉ? Nhà tuyển dụng cần bạn thông thạo Winword, Excel, PowerPoint...kia mà! Do vậy, giấy khám sức khỏe nộp sau cũng được và tờ giấy này sẽ thực sự cần thiết khi bạn được tuyển dụng. Lúc đó, phòng Hành chính Tổ chức sẽ yêu cầu bạn nộp giấy khám sức khỏe để đăng ký lao động cho bạn với Phòng Quản lý Lao động Quận. Lúc này bạn được ký hợp đồng lao động rồi đó! Phải nộp ngay thôi...

GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN. Bạn không cần phải nộp giấy chứng minh nhân dân khi đã nộp bản sao hộ khẩu thường trú hay giấy tạm trú. Vì trong hai loại giấy tờ chứng nhận nói trên đã có ghi số CMND, ngày cấp, nơi cấp...của bạn rồi. Nếu bạn thích thì cứ nộp nhưng chỉ cần bản photo và không cần thị thực làm gì. Tôi thấy nhiều bạn trẻ nộp giấy tờ sao y nơi Phòng Công chứng, chờ đợi khá lâu. Tưởng công chứng giấy tờ gì quan trọng, té ra sao y bản chính...CMND.

CHỨNG CHỈ, BẰNG CẤP. Các loại giấy tờ này hết sức quan trọng, trong lúc bạn tìm việc nên sao y bản chính nhiều bộ để nếu nộp hồ sơ bên này không được tuyển dụng thì vẫn còn bản khác để nộp nơi khác, không mất thời gian đi chứng thực lại. Tất cả nên có con dấu đỏ của chính quyền quận hay phòng công chứng xã phường.

Có phải nộp hết các loại chứng chỉ mà bạn có không?

Việc này tùy lời rao tuyển cần trình độ chuyên môn nào thì bạn nộp loại chứng chỉ đó. Trước tiên là bằng Đại học, phải có. Sau đó, các chứng chỉ tin học văn phòng, chứng chỉ A hoặc B hoặc C ngoại ngữ. Nếu nhà tuyển dụng tuyển nhân viên thiết kế thì bằng Cao đăng mỹ thuật và chứng chỉ Kỹ thuật viên đồ họa nay chứng chỉ Tin học về các phần mềm thiết kế là quan trọng. Nhà tuyển dụng cần tuyển người quản lý kinh doanh thì nộp ngay bằng Đại học Kinh tế khoa Quản trị kinh doanh hay khoa Thương mại. Nếu như bạn có thêm giấy chứng nhận đã học ở một trung tâm đào tạo nhân viên marketing thì đó là một lợi điểm.

Như vậy bạn đã chuẩn bị khá tốt cho bộ hồ sơ xin việc của mình. Hãy kẹp tất cả lại bằng chiếc kẹp giấy còn mới, còn cứng để giấy tờ không bị "sút sổ đổ tháo" hoặc bị rách vì cọng kẽm chỉa ra ngoài. Bạn cho hồ sơ vào bao đựng hồ sơ và cẩn thận ghi đầy đủ các chi tiết vào bề mặt của bao đựng hồ sơ: Tên họ, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của bạn...

Phía góc dưới, bên trái của bao đựng hồ sơ là phần liệt kê các loại giấy tờ mà bạn đã nộp cho nhà tuyển dụng. Bạn hãy ghi vào đầy đủ nhé. Nhà tuyển dụng sẽ liếc qua chỗ quan trọng này trước khi họ mở hồ sơ của bạn ra đấy.

Bạn đã chuẩn bị xong hồ sơ xin việc. Việc tiếp theo là bạn gởi hồ sơ đến tay nhà tuyển dụng. Gởi bằng cách nào?

Nếu nhà tuyển dụng có cho địa chỉ thì bạn chịu khó đến tận nơi để gửi. Điều này sẽ thuận lợi cho bạn nếu như bạn được nhà tuyển dụng gọi đến dự phỏng vấn sau này. Thuận lợi vì bạn biết được đường đi đến trụ sở và biết được tầm cỡ của công ty tuyển dụng lao động. Thuận lợi hơn là hồ sơ của bạn được sạch sẽ không "bị" dán tem và con dấu của nhân viên bưu điện đóng vào.

Nếu nhà tuyển dụng cho địa chỉ là Hộp thư số 12345 Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn, Bưu Điện chợ Lớn...thì tôi khuyên bạn nên đến tận nơi để gửi, hồ sơ của bạn trông dễ nhìn hơn.

Sau khi gửi hồ sơ xong, bạn phải chờ đợi thôi. Thời hạn cuối cùng của việc nhận hồ sơ sẽ qua và...nếu như bạn đủ điều kiện và làm như tôi khuyên bạn, chắc chắn bạn sẽ được mời đến phỏng vấn.

Lúc đó bạn tự hỏi phải chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn của bạn?

Theo P.H.Diệp*
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top