Sẽ giao quyền tự chủ cho trường đại học?

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Nhiều trường mới vừa thành lập cao đẳng đã xin lên đại học, hồ sơ đăng ký ghi tên giảng viên mà giảng viên đó không biết.

Ngày 30-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (ĐH). Vấn đề giao quyền tự chủ cho trường ĐH, chất lượng giáo dục… được nhiều đại biểu quan tâm góp ý.

Tự chủ để vươn lên

Kiến nghị với các bộ, ngành, dự thảo báo cáo của đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu ban hành lộ trình đối với các trường công lập về chế độ thu và sử dụng học phí mới theo hướng kinh phí từ học phí và ngân sách nhà nước cấp bù đắp đủ những chi phí cần thiết, bảo đảm hoạt động thường xuyên đối với công tác đào tạo và tương xứng với chất lượng đào tạo. Hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH; cho các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ và có đánh giá, kiểm tra trách nhiệm thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở…

Đồng tình với kiến nghị này, GS Phạm Phụ đến từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng cần giao quyền tự chủ cho các trường về nhiều mặt chứ không chỉ tự chủ về tài chính. Ông Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, “đề nghị QH sắp tới xây dựng Luật Giáo dục ĐH nên quy định việc giao quyền cho các trường để họ tự vươn lên. Chúng ta phải xác định rõ quan điểm giáo dục là cho mọi người, của mọi người, ai cũng có quyền hưởng thụ và đóng góp cho giáo dục”. Theo ông Phường, nên giao quyền tự chủ cho các trường trong vấn đề quan hệ hợp tác, kêu gọi đầu tư để các trường tự phát huy vai trò của mình. Bởi mục đích cuối cùng của giáo dục ĐH là phục vụ xã hội, đào tạo nguồn nhân lực.


1561423869-chot.jpg

Cần giao quyền tự chủ cho các trường về nhiều mặt chứ không chỉ tự chủ về tài chính. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM trong giờ thực tập môn hóa. Ảnh: HTD

Không được nóng vội

Có ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục ĐH thấp là do vừa qua đã mở quá nhiều trường ĐH. Nhưng theo quan điểm của PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: “Chúng ta phải bình tĩnh xem xét vấn đề chất lượng”. Bởi theo ông Cần, trường mọc lên nhiều nhưng không làm giảm chất lượng ở những trường truyền thống. “Thêm một trường ĐH ở Trà Vinh hay Cà Mau đào tạo với chất lượng vừa phải thì tốt hơn chứ. Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo quá nóng ruột trước dư luận xã hội. Vì nóng ruột mà Bộ đã ra những yêu cầu quá cao: cùng một tiêu chí như nhau giữa trường đào tạo nhân tài với trường đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí thì vô hình trung làm co lại sự phát triển”. Theo ông Cần nên có sự phân tầng trong giáo dục ĐH, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để có một bộ phận trường vươn lên. “Đừng hốt hoảng với việc nhiều trường ĐH mà chất lượng chưa cao, phải nhìn theo những góc độ khác nhau” - ông Cần nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Tươi, Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thì cho rằng cần phân tầng việc học, bởi nhu cầu học của thanh niên là rất lớn nhưng phải có khả năng, trình độ mới học được. Nếu không vào được ĐH thì có thể học ở bậc thấp hơn. Bà Tươi không đồng tình với quan điểm mở trường tràn lan bởi “đã mở trường thì phải có chuẩn mực và đã là ĐH thì phải là ĐH thực sự”. Thực tế, có nhiều trường mới vừa thành lập cao đẳng đã xin lên ĐH, hồ sơ đăng ký ghi tên giảng viên mà giảng viên đó không biết; giảng viên đang dạy cao đẳng thì không thể dạy trình độ ĐH…

“Tiếc là khảo sát không quy nạp được nguyên nhân phổ biến của chất lượng kém là gì. Tôi cho rằng nguyên nhân là suất đầu tư quá thấp. Nhiều trường thu học phí với mức 200 USD/sinh viên/năm. Với chi phí như vậy thì không ai đào tạo tốt được. Các chuyên gia nước ngoài họ cũng không tưởng tượng được” - GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá. Theo GS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, dự thảo báo cáo của đoàn giám sát “đã chụp ảnh được thực trạng giáo dục ĐH hiện nay khá toàn diện. Nhưng quan trọng là có ảnh rồi thì chúng ta tìm nguyên nhân và giải quyết như thế nào?”.

Một số kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội

Sớm xây dựng Luật Giáo dục ĐH; ban hành nghị quyết về giáo dục ĐH, trong đó quy định tỉ lệ chi ngân sách hằng năm dành cho giáo dục ĐH trong tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo; quy định suất đầu tư tài chính cho giáo dục ĐH phù hợp cho từng loại hình trường, từng vùng miền, nhóm ngành đào tạo; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và việc chuyển đổi loại hình trường.


Theo PLTP.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top