Sang thu - một bài thơ đẹp

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
SANG THU - MỘT BÀI THƠ ĐẸP


Trong dàn hợp xướng những bài thơ mùa thu quê hương, Sang thu của Hữu Thỉnh như một làn hương mới. Nếu mùa thu trong thơ xưa thường gắn với những màu sắc đã trở thành ước lệ:


Lá vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Phảng phất bên song bóng nhạn thưa

(Ngô Chi Lan)

Hay:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
(Truyện Kiều)

Và trong thơ mới:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông
(Bích Khê)

Thì với sự xuất hiện của "Sang thu", những màu sắc ấy dường như lại trở nên xa lạ.

Bài thơ được diễn đạt bằng lối thơ năm chữ với mười hai dòng thơ, cách cấu tứ thiên về quan sát miêu tả, hình ảnh bức tranh sang thu được khái quát một cách trọng vẹn. Bài thơ bắt nguồn từ dòng cảm xúc tương sáng khi nhà thơ đang thả hồn mình lãng đãng cùng trời đất chợt nhận ra vạn vật sắp vào thu.


Từ cái giật mình:


Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se


Nhà thơ chợt nhận ra quanh mình thiên nhiên đang bước những bước đầu tiên vào thu:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu


Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.


Dòng sông, đàn chim, đám mây, tia nắng, cơn mưa, tiếng sấm dường như đều ý thức được thời gian bới thế chúng mới có thể "được lúc dềnh dàng", "bắt đầu vội vạ". Phải chăng tất cả chúng đang dùng dằng nửa ở nửa đi tới hành trình về phía vô tận của mình. Ngay cả câu kết cũng như chưa kết thúc, như muốn người đọc quan sát tiếp và miêu tả để hoàn thiện bức tranh vạn vật vào thu.

Sự hấp dẫn của Sang thu còn ở cách cảm nhận về thiện nhiên sự vật của tác giả. Cảnh thu trong thu xưa thường được cảm nhận ở trạng thái tĩnh tại hoặc vương vẫn những cảm xúc buồn. Đến Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới cách cảm nhận về mùa thu đã khác bức tranh sang thu trong "Đây mùa thu tới" được dựng lại thông qua sự tác động của thời gian lên cảnh vật:


Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh


Với sang thu sự vật không chỉ hiện lên ở dáng vẻ, đường nét của chúng mà ở trạng thái giao mùa rất riêng đang diễn ra ngay trong bản thân chúng. Và vì thế chúng có quyền được "dềnh dàng" khi tạm biệt mùa hè.

Tôi đọc bài thơ ấy và nhìn thấy ở đó một tâm hồn rất trẻ trung, trong sáng, một tình yêu thiên nhiên, cuộc sống rất đỗi chân thành. Có lẽ chính điều này đã làm nên cái đẹp của bài thơ.


Không chỉ vậy, bài thơ đã mang đến cho những vần thơ mùa thu một làn hương mới. Mùa thu trong bài thơ không được cảm nhận bằng những âm thanh lặng vắng, bằng những màu vàng rực hay "mơ phai", bằng những dàng buồn dương liễu mà bằng chính hương vị gần gũi nhất, quen thuộc nhất đối với mỗi người Việt chúng ta: hương ổi tan trong gió se buổi sớm, làn gió chùng chình qua ngõ, dòng sông lặng lờ, đàn chim bắt đầu đi lánh rét.


"Sang thu" mang đến cho người đọc thêm một sự cảm nhận về mùa thu, thu không chỉ đến trong màu sắc và dáng vẻ đã trở thành ước lệ kia, thu còn đến trong những sự vật thân quen của đời sống mà lại rất mới mẻ trong thơ.



NGUỒN: Diễn Đàn Kiến Thức - Trích từ Sách 100 bài làm văn hay lớp 9 *

(Xin vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn bài viết này. Cảm ơn!)



 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top