SẤM TRẠNG TRÌNH VÀ BẠCH VÂN CƯ SĨ
Cách đây hơn 500 năm, ở làng Trình Truyền ( Trung Am) hiện giờ thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng, có một cậu bé khi mới một tưởi đã nói sõi, lên năm tuổi được mẹ dạy cho kinh sách văn thơ và chữ Nôm. Cậu bé học đâu nhớ đấy, học nhiều bài vở mà quên chữ nào. Có lần, mẹ cậu bé mắng yêu: cứ kiểu này mẹ không còn chữ để dạy con mất thôi! Khi lớn lên, cậu bé này khôi ngô, tuấn tú và rất ham học. Thấy vậy, cha mẹ cậu liền gửi cho theo học cụ Bảng nhãn Lương Đức Bằng ( Thanh Hóa). Thấy học trò thông minh, chăm chỉ, nết ne, có ý thức nghiên cứu nên thầy dạy luôn yêu quý, khen ngợi.
Cậu bé đó chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm, sinh năm 1491, cha là Thái Bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là Nhữ Thị Thục con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người hay chữ, giỏi thơ văn. Năm Giáp Ngọ ( 1534), Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi đỗ giải Nguyên, năm sau ( 1535), ông đi thi Hội, tiếp đó dự thi Đình, đỗ thủ khoa được phong Trạng nguyên. Nhân dân các nơi thường gọi ông là Trạng Trình. Thời kỳ đó, đất nước có nhiều biến động, không ổn định. Ông làm quan cho nhà Mạc được 8 năm, thấy triều đình lắm kẻ gian thần, lộng quyền, đục khoét, ông dân sớ xin xử tội 18 lộng thần đều là những kẻ quyền quý. Vua nhà Mạc không nghe. Ông liền trả lại mũ áo triều đình, cáo quan về quê mở trường dạy học. Ông dựng một cái am nhỏ bên hồ đặt là am Bạch Vân lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ.
Trong những năm làm quan nhà Mạc, ông là người quan tâm đến việc dân, việc nước, song vì triều đình nhà Mạc lúc đó đã đến buổi suy tàn, đổ nát nên ông quyết lánh xa công danh để về quê ẩn dật. Thời gian này, ông vẫn đem hết tâm huyết truyền tinh hoa dạy cho các môn đệ, thầm mong họ sẽ có cơ hội thay ông giúp đời, cứu nước. Sử cũ cho biết: Trong số học trò của ông hồi đó, nhiều người có danh tiếng như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử…
Thời đó mãi về sau, dân gian còn truyền tụng nhiều về những câu nói của ông có tính chiến lược đối với thời đại mà người đời thường truyền miệng là “ Sấm Trạng Trình”!
Sau khi vua Lê Trung Tông mất, không có con nối nghiệp. Nhân cơ hội ấy chúa Trịnh Kiểm muốn dứt hẳn dòng dõi nhà Lê nhưng không biết nên làm cách nào cho phải, bèn đem mưu kế ấy bàn với Phùng Khắc Khoan cũng thấy phân vân khó xử, liền cử người thân tín bí mật đi ra Hải Dương để xin ý kiến sư phụ mình là Trạng Trình. Khách đến, khi nghe xong lời trình bày, Trạng Trình không nói gì với khách, chỉ ngoảnh lại bảo gia nhân rằng: Năm nay lúa không tốt, vì thóc không chắc. Chúng sẽ bay lên tìm thóc giống cũ mà gieo thì lúa sẽ tốt hơn!. Nói xong, Trạng Trình liền chống gậy đi chơi chùa. Khách liền đi theo ông. Đến chùa ông vẫn không nói gì với khách, chỉ nói với nhà sư rằng: Nhà ngươi hãy chăm cúng Phật mà ăn oản! Khách trở về tường thuật đầu đuôi với Phùng Khắc Khoan. Sau khi Phùng Khắc Khoan tâu bày với Trịnh Kiểm về những câu nói của Trạng Trình thì quả nhiên Trịnh Kiểm hiểu ý Trạng Trình, bèn sai người đi tìm được người cháu 6 đời của dòng họ Lê tên là Lê Duy Bang, rước về lập làm vua, tức là Lê Anh Tông. Còn mình thì vẫn giữ cương vụ “ Chúa”.
Mùa đông năm Ất Dậu ( 1585) Nguyễn Bỉnh Khiêm lâm bệnh nặng. Nghe tin ấy, vua Mạc Hậu Hợp cử quan khâm sai về thăm và hỏi ý kiến ông về tương lai của họ Mạc. Trạng Trình nói: “Cao Bằng tuy tiểu, khả dung sổ thế”. Đại ý là: “ Đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng được vài đời nữa”! Quả nhiên, đến khi gặp thất bại. nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và còn tồn tại ở đó đến năm 1677 mới chấm dứt.
Trong tập sách “ Trình tiên sinh quốc ngữ” của Trạng Trình có ghi ngay ở trtang đầu dòng chữ “ Việt Nam khởi tổ xây nền”. Rõ ràng từ ngày ấy, ông đã khẳng định rằng nước ta là nước Việt Nam. Đó là sự tiên đoán thật chính xác!
Ngoài ra, còn có những giai thoại khác về những lời tiên tri cho hậu thế, người đời truyền tụng. Ông mất năm 1585, thọ 95 tuổi. Vua nhà Mạc đã cử quan phụ chính triều đình là Ứng vương Mạc Đôn Nhượng về dự lễ tang cùng với một số đại thần và truy tặng Trạng Trình từ tước Trình Nguyên lên tước Thái phó trình quốc công.
Theo NXBLĐ.