Quanh chuyện “hạ chuẩn” giáo viên

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Quanh chuyện “hạ chuẩn” giáo viên

“Các em giờ đều là con một hoặc là con út trong gia đình, sinh ra đã được bố mẹ phục vụ đâu phải chăm sóc em út. Vậy hỏi cớ gì lớn lên, các em lại chọn công việc đi… đổ bô”, một giáo viên mầm non chia sẻ.
Liên tục những năm gần đây, đầu năm học, ngành giáo dục lại vang lên điệp khúc thiếu giáo viên (GV). Từ bậc học thấp nhất cho đến bậc học cao nhất, đâu đâu cũng thiếu. Không chỉ thiếu hiện tại mà thì còn thấy rõ sự thiếu hụt nghiêm trọng ở thì tương lai khi mà thí sinh thi vào các trường Sư phạm năm sau luôn thấp hơn năm trước, điểm chuẩn hạ ầm ầm vẫn không tuyển đủ, thậm chí nhiều ngành Sư phạm ở một số trường còn phải đóng cửa vì không có người học.

giaovien28820111_14e86.jpg

Chuẩn giáo viên đang được hạ cả đầu vào lẫn đầu ra. (Ảình chỉ mang tính minh họa).

Chẳng phải nói dông dài nhiều người cũng hiểu được vì sao ngành Sư phạm ngày càng “rớt giá” như hiện nay. Nhưng từ chia sẻ của chính những nhà giáo có lẽ mới “thấm” hết được tại sao nghề giáo lại được “ưu tiên” hạ chuẩn đến vậy?

Thà đi giúp việc…

Tại một hội thảo về giáo dục tại TPHCM cách đây không lâu, một vị lãnh đạo thuộc phòng giáo dục ở Q.3 khi nói về tình trạng thiếu GV trên địa bàn mình đã… bật khóc. Bà khóc có lẽ không hẳn chỉ vì mai mốt các trường ở quận mình không có GV đứng lớp mà dường như dồn nén bấy lâu có dịp bật ra.

Vẫn là câu chuyện về đời sống GV. GV bây giờ gánh áp lực rất nhiều mà thu nhập thấp thì quá thấp. Bà không kêu thẳng ra như vậy mà nói ngắn gọn: “Có GV bỏ nghề đến nói với tôi: “Thà đi giúp việc còn tốt hơn chị ạ, thu nhập còn được 3 - 4 triệu, công việc nhẹ còn có thời gian lo cho gia đình, chồng con”.

Từ nhỏ được phục vụ, lớn lên chịu đi… đổ bô?

Năm học này, chính thức về hưu, kết thúc hơn 35 năm gắn bó với nghề dạy trẻ, cô Vũ Thị Thanh Vân, nguyên phó hiệu trưởng trường Mầm non Thành phố (TPHCM) còn mang nhiều tâm tư về nghề. Theo cô Vân, tình trạng thiếu GV không có gì khó hiểu không chỉ riêng về vấn đề thu nhập mà còn xuất phát từ chính công việc. Nếu trường đây, ngành nghề nào cũng tương đương nhau, nghề nhà giáo cũng như bao nghề khác, thậm chí có phần được coi trọng thì giờ đang “tụt dốc”, có sự khác biệt rõ ràng với các ngành khác.

“Hãy nghĩ xem, bây giờ mỗi gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con, các em được bố mẹ phục vụ tận răng, không phải chăm sóc em út gì. Vậy hỏi cớ sao lớn lên các em lại phải chọn cái nghề mà tôi xin lỗi nói tuột ra là… đi đổ bô”, cô Vân nói thẳng.

Cô Vân phân tích, ngày nay người ta đi học Sư phạm bởi 3 lý do. Một là đam mê nhưng lý do này rất ít vì nhiều em có đam mê đi nữa thì vẫn gạt bỏ theo nghề khác; hai là những em vì điều kiện gia đình nên theo học Sư phạm để không mất học phí, sau này sẽ tìm cơ hội ở những lĩnh vực khác và cuối cùng là những người quá kém, chẳng vào nổi đâu nữa thì đi… Sư phạm.
Cô dẫn chứng, rất nhiều GV chấp nhận đến trường dạy học nhưng không bận tâm đến thành tích, khen thưởng, thậm chí kỷ luật vẫn… vui. Bởi họ tạm thời dừng chân ở trường học, còn vẫn tích học lên, học nâng cao, khi có cơ hội là đi ngay.

Sống một mình thì đủ

Trong hội nghị tổng kết năm học tại một tỉnh thành nọ, một phó hiệu trưởng xung phong hỏi lãnh đạo cao nhất trong Sở GD-ĐT: “Theo giám đốc, GV đã sống được bằng nghề của mình chưa?”.
Vị giám đốc trả lời câu hỏi một cách đầy hài hước nhưng cũng không kém phần chua xót: “Nếu sống một mình thì sống được”.

Câu trả lời của vị giám đốc làm tôi liên tưởng đến không ít GV khi lập gia đình phải bỏ dạy tìm công việc khác vì khi đó “họ không thể chỉ sống cho riêng mình”. Hay có những thầy cô giáo vì công việc trồng người mà phải gác bỏ hạnh phúc riêng.

Một cô giáo 23 tuổi, dạy tại một trường THPT ở Q.8 (TPHCM) từ chia sẻ, thu nhập của mình chỉ đủ trang trải tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày… Còn khi có việc “lớn” như đi cưới, đám giỗ, hay mua đồ dùng trong nhà, học thêm cô phải ngửa tay xin bố mẹ ở quê. Việc lập gia đình cũng bị cô gạt sang một bên vì “Lo cho mình không nổi, lấy gì lo cho gia đình cho con”.
Nỗi lo lắng tương lai rồi không có GV đi dạy chứ chưa bàn đến việc GV giỏi không phải là không có cơ sở. Bởi khi thiếu GV, thiếu người theo học ngành Sư phạm buộc phải hạ chuẩn mong cho đủ, dù điều đó chẳng khác nào đồng nghĩa với hạ chất lượng giáo dục.

Chẳng đâu xa, những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường Sư phạm năm sau luôn thấp hơn năm trước, điểm chuẩn hạ ầm ầm vẫn không tuyển đủ người học. Nhiều ngành đã phải đóng cửa. Chẳng đâu xa, mới đây nhất, từ chuẩn năng lực ngoại ngữ bắt buộc với GV dạy tiếng Anh tiểu học là trình độ B2, giờ đã được hạ xuống “chuẩn” thấp hơn là B1 mong cho đủ GV. Nếu còn thiếu, ai dám đảm bảo chuẩn sẽ không tiếp tục hạ? Chuẩn nghề giáo đang hạ từ đầu vào lẫn đầu ra mà còn chưa chắc giải quyết được bài toán thiếu GV.

Hoài Nam - Dân Trí

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top