Quản lý chuyên môn qua việc dự giờ của giáo viên

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Dự giờ, thăm lớp là một việc làm hết sức quan trọng đối với mỗi giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng. Thông qua việc làm này giúp giáo viên rất nhiều trong công tác phát triển chuyên môn, đặc biệt là trong đổi mới dạy học hiện nay.

Về phía người dạy, dự giờ sẽ giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Dù thế nào đi nữa thì mỗi khi có người đến dự giờ, các giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị bài kĩ hơn, đôi khi còn có sự trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp, đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa đối với mỗi giáo viên. Khi có người đến dự giờ, lớp học cũng diễn ra sôi nổi hơn, ý thức học tập của học sinh tốt hơn, đây là điều kiện tốt nhất để giáo viên phát huy tính sáng tạo của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học, các em rất thích thể hiện mình trước đám đông. Việc dự giờ không chỉ giúp cho giáo viên đi dự giờ học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp mà còn giúp cho họ những sáng tạo trong xử lí các tình huống trong dạy học, trước cùng một câu hỏi đặt ra, tuỳ từng đối tượng học sinh mà giáo viên có thể giúp các em trả lời câu hỏi theo một hướng khác nhau, thông qua việc xử lí tình huống của đồng nghiệp giáo viên sẽ khắc phục được những thiếu xót trong quá trình giảng dạy...


Tuy nhiên hoạt động dự giờ của các giáo viên hiện nay nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng có thể nói chưa thực sự đạt được những hiệu quả như mong muốn. Xuất phát từ thực tế hầu như các giáo viên còn chưa tự giác, tích cực dự giờ của đồng nghiệp bởi tâm lí e ngại cho rằng đi dự giờ tức là kiểm tra tiết dạy của giáo viên do đó việc dự giờ phần lớn chỉ do các cán bộ chỉ đạo chuyên môn đối với các nhà trường. Nói đến dự giờ tức là nói đến hoạt động của các Hiệu trưởng, Hiệu phó, Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn trong khi lẽ ra việc làm này phải là việc làm thường xuyên đối với mỗi giáo viên. Giáo viên hầu như mới chỉ tham gia dự giờ trong các hoạt động mang tính chất “thao giảng” chào mừng các ngày kỉ niệm trong năm học như 20-10, 20-11, 8-3, 26-3,...

Trong những năm qua, tích cực hưởng ứng cuộc vận động đổi mới công tác quản lí nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các nhà trường của Ngành giáo dục phát động, trường Tiểu học Văn Cẩm chúng tôi đã có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức cho giáo viên được dự giờ, thăm lớp thường xuyên thực sự đã nâng cao được hiệu quả công tác này. Sau đây xin được giới thiệu cùng bạn đọc một mô hình có thể là không mới đối với nhiều trường nhưng chúng tôi hi vọng với cách mà trường chúng tôi đã và đang làm sẽ giúp được giáo viên rất nhiều trong phát triển chuyên môn.

1. Hoạt động của tổ chuyên môn trong công tác dự giờ, thăm lớp:

Trường chúng tôi có 15 lớp, được chia thành 3 tổ chuyên môn: Tổ 4-5, Tổ 2-3 và Tổ 1-chuyên (Các giáo viên lớp Một và giáo viên dạy các môn chuyên). Với gần 30 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở các môn văn hoá cũng như các môn chuyên, do đó việc dự giờ thăm lớp của các giáo viên nếu không thực hiện tốt sẽ mất đi một cơ hội tốt để giáo viên phát triển được chuyên môn cho mình. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tích cực, chủ động trong công tác dự giờ thăm lớp đối với mỗi giáo viên.

Hàng tuần, chúng tôi đều có lịch cụ thể cho mỗi tổ chuyên môn sinh hoạt, mỗi tổ được bố trí sinh hoạt một buổi trong tuần để cán bộ quản lí chuyên môn đi sâu sát hơn trong việc nắm bắt tình hình hoạt động chuyên môn của mỗi tổ khối. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, các tổ trưởng tổ chức điều hành việc trao đổi bài giữa các thành viên, ngoài ra nhiệm vụ mà chúng tôi đặt lên hàng đầu đó là tổ chức dự giờ đối với mỗi giáo viên trong các tổ khối.

Sau khi bàn bài, thường các giáo viên sẽ đưa ra những vướng mắc trong chuyên môn của mỗi tuần, trên cơ sở đó chúng tôi chỉ đạo các tổ chuyên môn lập kế hoạch để thành lập các chuyên để đổi mới dạy học. Mỗi tổ sẽ thành lập một chuyên đề bàn về những vướng mắc chung nhất đối với mỗi giáo viên, tổ trưởng chuyên môn sẽ trực tiếp chỉ đạo chuyên đề, Hiệu phó chỉ đạo chung các tổ. Hầu như tuần nào chúng tôi cũng tổ chức được ít nhất một chuyên đề của một tổ khối, có những tuần cả 3 tổ đều có tiết dạy chuyên đề. Trong mỗi tiết dạy chuyên đề chúng tôi đều chọn các giáo viên dạy một cách phù hợp và thường chia ra để tạo điều kiện cho mỗi giáo viên đều có cơ hội tham gia chuyên đề một cách có hiệu quả nhất. Vai trò của tổ trưởng chuyên môn và Hiệu phó là cùng với các giáo viên dạy chuyên đề đó soạn bài và trao đổi về bài dạy trước khi giáo viên giảng, trực tiếp chỉ đạo giáo viên rút kinh nghiệm sau mỗi giờ dạy chuyên đề.

2. Hoạt động dự giờ thường xuyên của các giáo viên:

Khác với cách làm trước đây, các giáo viên hầu như chỉ được tham gia dự giờ nhân dịp các ngày lễ mang tính chất thao giảng của mỗi giáo viên (Mỗi dịp kỉ niệm, các giáo viên thường đăng kí tham gia thao giảng một tiết dạy để chào mừng và các giáo viên trong tổ khối đến dự giờ) do đó việc tổ chức rút kinh nghiệm cho mỗi tiết dạy còn rất hạn chế, phần lớn các giáo viên chỉ dự giờ chứ ít khi rút kinh nghiệm vì cho rằng đó là tiết dạy chào mừng. Cũng chính vì lí do trên mà công tác dự giờ của giáo viên kém hiệu quả, giáo viên chưa thực sự ý thức tự giác trong trao đổi bài với đồng nghiệp và dần đánh mất cơ hội tham gia góp ý bài dạy cho đồng nghiệp, các đóng góp ý kiến thường chỉ tập trung vào các cán bộ chỉ đạo như Tổ trưởng hay Hiệu trưởng, Hiệu phó. Xuất phát từ những thực tế đó, mấy năm gần đây chúng tôi đã chú ý khắc phục để đưa ra những cách làm khác nhau giúp giáo viên tích cực chủ động hơn trong việc dự giờ thăm lớp.

Căn cứ vào thời khoá biểu trên lớp của mỗi giáo viên, chúng tôi đã cùng với các tổ trưởng chuyên môn lên lịch dự giờ cụ thể cho mỗi giáo viên. Trước đây các giờ trống, mọi người thường không biết làm gì thì nay đã có lịch cụ thể để giáo viên đến dự giờ các đồng nghiệp. Việc làm này đã giúp giáo viên tự giác, tích cực hơn rất nhiều trong hoạt động dự giờ. Nếu như trước đây giáo viên e ngại không đến dự giờ đồng nghiệp vì làm họ mất tự nhiên và nhiều người không thông cảm cho rằng người đi dự là tinh vi này nọ,... thì nay giáo viên đã chủ động hơn vì có lịch cụ thể. Đây là một hoạt động theo chúng tôi là rất có hiệu quả, người dạy thì chủ động về bài dạy do đó chất lượng bài dạy sẽ cao hơn rất nhiều, còn người dự thì không phải chỉ được dự giờ một tuần 1, 2 tiết theo quy định mà có khi được dự cả 5, 7 tiết. Sau mỗi tiết dạy, cả người dạy và người dự đều rút được kinh nghiệm để chủ động hơn cho các bài sau.

3. Hoạt động rút kinh nghiệm giờ dạy của giáo viên:

Đây có thể nói là một hoạt động quan trọng nhất trong việc dự giờ, thăm lớp. Nắm được vai trò và ý nghĩ của hoạt động đó, chúng tôi đã chủ động giúp giáo viên thực hiện tốt nhất quyền tự chủ của mình. Khác với cách làm trước đây, giáo viên ít khi được góp ý bài dạy của đồng nghiệp hoặc có góp ý cũng rất e dè chưa mạnh dạn thì nay chúng tôi đã tạo điều kiện để giáo viên khắc phục tình trạng này bằng cách cho giáo viên ghi lại những ý kiến đóng góp của mình vào phiếu dự giờ, khi sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên dựa vào phiếu đó để phát biểu ý kiến xây dựng tiết dạy. Nếu trong tiết dạy có nhiều ý kiến đóng góp trái ngược nhau thì Tổ trưởng sẽ trực tiếp thống nhất ý kiến với các giáo viên để đi đến kết luận và có thể chỉ đạo giáo viên dạy lại tiết dạy đó để mỗi giáo viên thực sự hết những thắc mắc băn khoăn về tiết dạy.

Một điểm cũng rất quan trọng là chúng tôi đã chủ động đưa các giáo viên đến dự các tiết dạy cùng nhau của các giáo viên khác nhau, trên cơ sở đó giáo viên dự giờ sẽ rút kinh nghiệm qua mỗi tiết dạy và sẽ học được ở mỗi người dạy cách chủ động sáng tạo khi xử lí tình huống.

4. Kết quả của việc chỉ đạo thực hiện:

Trường chúng tôi đã được quan tâm chú ý đến rất nhiều bởi số lượng giáo viên dạy giỏi ngày càng nhiều, chất lượng mũi nhọn cũng như chất lượng đại trà ngày một tăng cao so với mặt bằng chung của huyện.

Trong mấy năm gần đây sổ dự giờ của giáo viên trường tôi luôn kín những lời nhận xét đóng góp cho mỗi tiết dạy sau khi dự giờ. Nếu như trước đây cả năm học có người không dùng hết một cuốn sổ dự giờ thì nay có người trong một học kì đã dùng hết đến 2, 3 cuốn điều đó góp phần đáng kể trong công tác trao đổi nâng cao chất lượng chuyên môn đối với mỗi giáo viên.

Cũng trong những năm gần đây, chất lượng của các buổi sinh hoạt chuyên môn đã tăng lên một cách đáng kể, các ý kiến trao đổi sôi nổi hơn vì các bài dạy trong tuần cần được góp ý ngày một nhiều hơn, thời gian sinh hoạt thường kéo dài cả buổi và thực sự có hiệu quả.
Trên đây là một số việc làm mà trường chúng tôi đã làm được trong mấy năm qua nhằm đổi mới công tác quản lí chỉ đạo chuyên môn trong nhà trường tiểu học. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của bạn đọc cả nước về vấn đề này. Xin trân trọng cảm ơn!

Phạm Văn Công
(Trường TH Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình)
Theo Báo Giáo Dục và Thời Đại
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top