Quản lý an toàn sinh học ở Việt Nam
Hiện nay, nghiên cứu về công nghệ gen đang được quan tâm thực hiện tại nhiều phòng thí nghiệm sinh học tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, đáp ứng yêu cầu cấp bách của phát triển công nghệ sinh học phục vụ đời sống và khoa học.
Nhận thức được tầm quan trọng của an toàn sinh học trong đời sống, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới vấn đề an toàn sinh học. Ngay từ khi trở thành thành viên tham gia Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định, quy chế, chỉ thị,.... và hướng dẫn về an toàn sinh học. Ví dụ:
- Năm 1993, ban hành Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
- Năm 1993, ban hành Pháp lệnh Thú y.
- Năm 1996, ban hành Nghị định về Quản lí giống cây trồng vật nuôi.
- Năm 2004, nhà nước Việt Nam chính thức tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.
- Năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Quy chế Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.
- Năm 2008, Nhà nước Việt Nam đã ban hành luật Đa dạng sinh học.
View attachment 10490
Hình: Bìa cuốn Luật Đa dạng sinh học
Chương 4 và các điều từ 57 tới điều 69 của luật Đa dạng sinh học của Việt Nam đã đề cập tới các vấn đề về báo cáo đánh giá rủi ro về sinh vật biến đổi gen; thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro về sinh vật biến đổi gen; quy định cấp giấy chứng nhận mức an toàn sinh học; quy định cung cấp thông tin về an toàn sinh học của hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen; cung cấp, công khai thông tin về sinh vật biến đổi gen; nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen; khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; nhập khẩu, quá cảnh sinh vật biến đổi gen; chế biến sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen; tiếp thị, quảng cáo, mua, bán, cho, tặng sinh vật biến đổi gen; vận chuyển, lưu giữ, thải bỏ sinh vật biến đổi gen; và giải phóng sinh vật biến đổi gen ra môi trường.
Nguồn: TÀI LIỆU THÍ NGHIỆM THỰC HÀNH TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG*