Quá trình hoàn thiện của nhà nước Aten và tác động của nó đối với sự phát triển của chế độ nô lệ Ate

Trang Dimple

New member
Xu
38
Quá trình hoàn thiện của nhà nước Aten và tác động của nó đối với sự phát triển của chế độ nô lệ Aten

* Quá trình hoàn thiện của nhà nước Aten

Sự hình thành nhà nước Aten có những đặc trưng riêng biệt. Thứ nhất, Nhà nước Aten ra đời trong bối cảnh lịch sử hoàn toàn không có sự can thiệp, xâm lược của các thế lực bên ngoài. Nhà nước Aten xuất hiện trên cơ sở tan rã của xã hội thị tộc của chính cư dân vùng Attích. Thứ hai, nhà nước Aten xuất hiện không phải là kết quả của các cuộc chiến tranh, xung đột, đổ máu mà nó được hình thành một cách hòa bình dần dần, từng bước hoàn thiện thông qua hàng loạt các cuộc cải cách xã hội, từ cải cách đầu tiên của Têdê, đến những cải cách cuối cùng của Pêricơlet. Những tàn dư của xã hội nguyên thủy bị đẩy lùi và bị thủ tiêu một cách triệt để. Thứ ba, Nhà nước Aten được xây dựng và hoàn thiện theo hướng xây dựng thiết chế nhà nước dân chủ chủ nô – một thiết chế hết sức đề cao và đảm bảo quyền lợi kinh tế, chính trị của những công dân tự do.

- Những cải cách của Xôlông

Sau cải cách đầu tiên của Têdê, trong xã hội Aten, quyền thống trị của giai cấp quý tộc thị tộc ở Attích chủ yếu là xây dựng trên cơ sở kiêm tính và tập trung ruộng đất trong tay giai cấp đó. Song quyền thống trị đó không thể tồn tại lâu dài. Ở thế kỉ VII TCN, do sự phát triển của công thương nghiệp và mậu dịch hàng hải, ở Aten cũng như ở nhiều quốc gia - thành thị khác của Hy Lạp, những tầng lớp xã hội mới đã xuất hiện ngày càng đông đảo. Địa vị chính trị của họ không tương xứng với vai trò kinh tế của họ trong xã hội. Đó là tầng lớp đông đảo những công thương gia, tiểu chủm tiểu thương, những người chủ thuyền buôn, thủy thủ và công nhân khuân vác bến tàu…, nói chung là những tầng lớp thị dân mới, sống tập trung ở đô thành và ở các thương cảng. Bọn quý tộc thị tộc rất ganh ghét và khinh bỉ họ, nhưng không vì thế mà nhiều người trong bọn chúng không nối theo gót họ để chuyển hướng kinh doanh công thương nghiệp, thậm chí cả đi làm nghề cướp biển nữa.

Về phía quần chúng nhân dân thành thị và nông thôn Attích, từ những tầng lớp thị dân khác nhau đến tầng lớp nông dân tá điền, nếu mọi người đều thống nhất mong muốn lật đổ ách thống trị của giai cấp quý tộc thị tộc, thì ngược lại, mỗi tầng lớp người nói trên không thống nhất với nhau về mục tiêu và phương pháp đấu tranh. Bần nông và tá điền thì mong sao thân phận tự do của mình cũng như của vợ con mình được đảm bảo tránh khỏi cái họa bị nô dịch vì nợ, ước ao được xóa bỏ nợ nần và được chia lại ruộng đất. Còn tầng lớp hữu sản ở các thành thị như công thương gia, chủ thuyền, tiểu chủ và tiểu thương cũng như tầng lớp trung tiểu chủ không phải quý tộc xuất thân thì muốn tước bỏ mọi đặc quyền của quý tộc thị tộc, lật đổ ách thống trị của họ để giành lấy chính quyền. Trong cuộc đấu tranh đó, tầng lớp đông đảo những người Mêtéc cũng tích cực tham gia. Họ là những người kiều dân đến ngụ cư làm ăn sinh sống lâu ngày ở Aten. Bởi vậy họ cũng đấu tranh tích cực để được thừa nhận quyền bình đẳng với những công dân Aten.

Ngay từ buổi đầu của cuộc đấu tranh giai cấp, trong xã hội Aten, thế lực của bọn quý tộc phản động đã tỏ ra non yếu, vì một quá trình phân hóa giàu nghèo đang diễn ra lúc bầy giờ trong nội bộ chúng: nhiều gia đình quý tộc dần dần bị phá sản vì kinh doanh thua lỗ; một số khác thì chuyển hướng sang hoạt động về công thương nghiệp và mậu dịch hàng hải, nên đeo đuổi những lợi ích mới, khác với tầng lớp quý tộc thị tộc đại địa chủ. Do đó mà tự nhiên họ ngả về cùng phe với các tầng lớp thị dân mới. Rút cuộc, những tàn tích của chế độ thị tộc, những quan hệ xã hội cũ, những hình thức cướng bức lao động của đám người bị nô dịch, bao nhiêu những nhân tố lâu ngày đã kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của xã hội Aten, đều dần dần bị xóa bỏ. Cuộc phản kháng của quý tộc thị tộc phản động bị đạp tan; quyền thống trị của chúng bị thu hẹp lại. Nhưng để đi đến kết quả đó, xã hội Aten đã phải trải qua một cuộc đấu tranh ác liệt kéo dài hơn một thế kỉ.

Một trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đấu tranh đó là cuộc chính biến xảy ra hồi nửa sau thế kỉ VII TCN (khoảng năm 630 TCN) do Xilông thực hiện. Cuộc chính biến đã bị thất bại, vì quần chúng Aten không ủng hộ việc thực hiện nền độc tài cá nhân. Nhưng phong trào quần chúng ở Aten tiếp tục sôi nổi. Họ đòi giai cấp quý tộc thống trị phải bãi bỏ lệnh xét xử rất độc đoán của các tòa án quý tộc, dựa trên những tập quán và thể lệ hà khắc truyền miệng từ đời xưa, đòi ban hành pháp luật viết thành văn bản và có hiệu lực đối với tất cả mọi người công dân. Cuối cùng, giai cấp quý tộc đã buộc phải nhượng bộ để tránh nguy cơ của một cuộc nổi dậy của quần chúng bất mãn và nam 621 TCN đã giao cho viên chấp chính quan đương thời tên là Đơracôn (Dracon) tránh nhiệm khởi thảo và ban hành một bộ luật, gọi là luật Đơracôn, nổi tiếng xấu trong lịch sử vì tính chất hết sức nghiêm khắc của nó; một việc trộm cắp nhỏ thôi (như trộm hoa quả) cũng bị khép án tử hình. Bộ luật này về căn bản chỉ là một văn bản đúc kết lại những điều luật nhằm bảo vệ quyền tư hữu tài sản của giai cấp quý tộc thị tộc (về sau từ ngữ “luật Đơracôn thường dùng để chỉ một đạo luật hay một chế độ pháp luật nào đó có tính chất hà khắc).

Mặc dù vậy, bộ luật Đơracôn vẫn là một bước tiến đáng kể trong lịch sử pháp chế của nhà nước Aten, vì nó hạn chế được phần nào sự xét xử độc đoán của các tòa án nằm trong tay quý tộc và lần đầu tiên nó đặt ra nguyên tắc bình đẳng giữa mọi người trước pháp luật, không phân biệt giai cấp và địa vị xã hội. Bộ luật này được khắc trên nhiều tấm bia đá, đặt ở những nơi công cộng; bằng cách đó, dân chúng có thể theo dõi việc xét xử ở các tòa án có đứng hay không đúng với pháp luật.

Tuy nhiên việc ban hành pháp luật thành văn không những không chấm dứt được phong trào đấu tranh của quần chúng vì nó không đem lại một sự cải thiện gì trong chế độ chính trị và kinh tế đương thời, mà còn thúc đẩy phong trào đấu tranh đó phát triển ngày càng sôi nổi. Không bao lâu trong phong trào đó đã phát triển thành một cuộc khởi nghĩa của dân chúng “demos” chống lại quý tộc như lời Arixtôt đã thuật lại: “Đại đa số dân chúng bị thiểu số nô dịch. Họ nổi dậy chống lai quý tộc”. Khởi nghĩa nổ ra mãnh liệt, cuộc đấu tranh giữa hai phe kéo dài trong một thời gian lâu. Cuối cùng, họ cùng nhau thỏa thuận chọn Xôlông, một nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ, làm chấp chính quan và làm trọng tài để hòa giải, đồng thời giao phó cho ông ta trách nhiệm cải tổ lại chế độ chính trị của Aten.

Xôlông vừa sung chức chấp chính quan năm 594TCN đã ban hành ngay một loạt cải cách chính trị và xã hội có ỹ nghĩa cách mạng lớn lao.

Xôlông xuất thân từ một gia đình quý tộc bị phá sản. Thuở còn trẻ, ông đã phải làm nghề buôn bán và đã từng đi khắp nơi. Cuộc sống phiêu lưu vất vả đã làm cho ông có dịp gần gũi với quần chúng nhân dân lao động. Ông đã từng có uy tín lớn trong đám quần chúng đó vì thái độ chống bọn quý tộc của ông. Khi được giao quyền bính trong tay, ông liền tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng thiết tha nhất của quần chúng, vì theo ý ông, chỉ có bằng cách đó mới có thể đạt tới sự phồn vinh của quốc gia và tăng cường khả năng phòng thủ của Aten.

Nhằm mục đích đó, Xôlông bắt đầu thực hành một cuộc cải cách nổi tiếng, gọi là “sêsasơchêia” (Seisachtheia, tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là trút gánh nặng). Ông tuyên bố xóa bỏ mọi nợ nần, những ruộng đất của nông dân đem nộp cho quý tộc để gán nợ được hoàn trả cho nông dân. Những nông dân phải bán mình làm nô lệ vì nợ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ, thành người tự do. Nhà nước cấm tuyệt đối việc lấy thân mình hoặc vợ con mình làm vật để trừ nợ (kể cả việc kí văn tự vay nợ lấy bản thân con nợ làm vật thế chấp).

Xôlông còn thực hiện một loạt biện pháp kinh tế và tài chính khác nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của thủ công nghiệp và của thương nghiệp, như thực hành cải cách chế độ tiền tệ, thừa nhận quyền tự do di sản cho bất cứ ai theo ý muốn (trước kia, tài sản của người quá cố đương nhiên thuộc quyền sở hữu của thị tộc của người đó), cấm chỉ xuất cảng nông sản phẩm ra nước ngoài (trừ rượu vang và dầu ô liu), tìm những thợ giỏi ở nước ngoài đem về Aten, thực hành tiết kiệm, hạn chế việc ăn tiêu xa xỉ của bọn quý tộc lúc cưới xin hay ma chay, tang lễ…

Nhưng cải cách quan trọng nhất của Xôlông là cuộc cải cách nhằm thủ tiêu những đặc quyền của giai cấp quý tộc thị tộc và xác định địa vị xã hội của mỗi người công dân theo mức tài sản tư hữu của họ. Theo cải cách đó, thì tất cả công dân Aten, không phân biệt thành phần quý tiện, đều chia thành bốn đẳng cấp, căn cứ theo mức thu nhập hằng năm của mỗi người cao hay thấp: những người thu nhập hàng năm từ 500 mêđim (médimme) thóc trở lên (mỗi mêđim ước chừng 52,5 lít) thì thuộc đẳng cấp thứ nhất. Những người có từ 300 mêđim thóc trở lên thì thuộc đẳng cấp thứ hai. Những người thu hoạch từ 200 mêđim thóc trở lên thì thuộc đẳng cấp thứ ba, tức tầng lớp trung nông “dơgit” (zeugites). Và cuối cùng, những người còn lại, không có hoặc có ít ruộng đất, thu hoạch thấp thì xếp vào đẳng cấp thứ tư, tức tầng lớp bần nông tá điền “tetơ” (thètes). Hai tầng lớp trên hưởng đầy đủ những quyền lợi chính trị và có thể được giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước Aten, kể cả chức chấp chính quan, nhưng đẳng cấp thứ nhất thì có nghĩa vụ đóng góp nhiều cho nhà nước để xây dựng hạm đội, kiến thiết đô thành, tổ chức tế thần…Còn đẳng cấp thứ hai thì có nghĩa vụ phục vụ trong kỵ binh nên thường được gọi là đẳng cấp kỵ sĩ. Quyền lợi chính trị của đẳng cấp thứ ba có bị hạn chế một phần nào, như là không được bầu làm chấp chính quan và do đó mà không thể trở thành ủy viên Hội đồng Arêôpagiơ được; họ phục vụ trong bộ binh và phải tự túc về quân trang. Người thuộc ba đẳng cấp trên đây đều có quyền được bầu vào Hội đồng Bốn trăm đại biểu nhân dân, do Xôlông đặt ra để hạn chế quyền của Hội đồng quý tộc Arêôpagiơ. Đẳng cấp thứ tư chỉ được quyền tham gia Đại hội nhân dân và bầu cử người sung các chức vụ công cộng, nhưng không được quyền ứng cử; trong bộ binh, họ thuộc hạng lính thường, vũ trang sơ sài.

Cải cách trên đây của Xôlông đã thay đổi hẳn cơ cấu chính trị của nhà nước Aten. Trên cơ sở bốn bộ lạc cũ, Xôlông thiết lập cơ quan quyền lực mới – Hội đồng Bốn trăm – mỗi bộ lạc cử ra 100 đại biểu của mình. Hội đồng Bốn trăm này song song tồn tại với Hội đồng quý tộc Arêôpagiơ, nhưng khác hẳn về thành phần với Hội đồng này. Nếu như Hội đồng Arêôpagiơ chỉ gồm có những quý tộc giàu có nhất thì Hội đồng Bốn trăm gồm đại biểu của các đẳng cấp (trừ đẳng cấp thứ tư), do đó nó có tính chất dân chủ hơn. Đại hội nhân dân, trong thời kì quý tộc nắm quyền, đã mất gần hết vai trò chính trị của nó, thì nay được khôi phục lại quyền lực cũ. Hơn nữa, theo Arixtôt, thì Xôlông cũng là người sáng lập ra Tòa án nhân dân Aten, gọi là “heeliê” (hélie), một trong những tổ chức dân chủ nhất của bộ máy Aten thời bấy giờ, vì thành phần của nó gồm có cả hội thẩm nhân dân thuộc đẳng cấp thứ tư. Đội nhân dân, Hội đồng Bốn trăm và Tòa án nhân dân là những cơ quan quyền lực công cộng mới, trọng yếu nhất của chế dộ chính trị dân chủ Aten.

Cuộc cải cách của Xôlông có ý nghĩa tiến bộ rõ rệt. Nó thay đổi hẳn chế độ chính trị và xã hội cũ của Aten,đánh một đòn nặng nề vào những tàn tích của chế độ thị tộc và sự thống trị của giai cấp quý tộc thị tộc, tạo điều kiện cho sự phát triển của chế độ tư hữu, đặt cơ sở cho nền dân chủ chủ nô Aten. Engghen nói: “Ở đây, người ta đã đưa một yếu tố hoàn toàn mới vào hiến pháp: chế độ tư hữu. Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân nhiều hay ít là tùy theo số tài sản ruộng đất của họ nhiều hay ít và những giai cấp hữu sản càng có them được thế lực, thì những tập đoàn cùng huyết thống cũ lại càng bị gạt bỏ đi; tổ chức thị tộc lại bị thất bại một lần nữa.”

- Những cải cách của Cơlixten

Năm 508 TCN, nhờ phong trào nổi dậy của quần chúng chống xu thế bảo thủ, Cơlixten – thủ lĩnh của phái Duyên hải – được cử giữ chức chấp chính quan thứ nhất. Nền dân chủ được phục hưng. Từ năm 508 đến năm 506 TCN, Cơlixten đã thực hiện hang loạt những cải cách xã hội nhằm mục tiêu thủ tiêu những tàn tích của chế độ thị tộc, hoàn thiện them một bước nền dân chủ chủ nô Aten.

Cải cách quan trọng nhất, triệt để nhất của Cơlixten là việc phân chia cư dân Aten theo những khu vực hành chính (không dựa vào khu vực cư trú của 4 bộ lạc cũ). Toàn bộ xứ Attích được chia thành 10 khu hành chính. Người Hy Lạp gọi là Philai. Mỗi khu Philai được chia thành 10 tiểu khu ( Đemơ). Cư dân sống ở mỗi tiểu khu phải đăng kí vào sổ hộ tịch để nhà nước theo dõi, quản lí. Lối gọi tên người theo dòng họ thị tộc bị bác bỏ thay bằng lối gọi theo tên riêng từng người. Thế là với Cơlixten, ranh giới, bộ lạc (cùng với thế lực của tập đoàn quý tộc thị tộc) bị xóa bỏ hẳn. Tàn tích cuối cùng của chế độ thị tộc bị thủ tiêu. Cơlixten đã cải tổ các cơ quan quyền lực trong bộ máy nhà nước Aten, theo hướng dân chủ. Hội đồng 400 người bị bác bỏ thay bằng Hội đồng 500 người – Người Hi lạp gọi là Bulê – Theo quy chế, tất cả các công dân tự do nam giới Aten, tuổi từ 18 đều có quyền tham gia Hội đồng 500 người. Và mỗi Philai, được bầu 50 người. Bulê là cơ quan hành chính cao nhất ở Aten, thay mặt toàn thể công dân thường trực các công việc của nhà nước trong suốt một năm. Bulê cũng có nhiệm vụ kiểm tra tư cách công dân và tư cách các thành viên trong bộ máy nhà nước – 500 người của Bulê được phân chia trong 10 ủy ban trường trực – Pơritani – Mỗi Pơritani gồm 50 người của cùng một Philai với nhiệm kì 1/10 của năm ( khoảng từ 36 đến 39 ngày ) và có chức năng như một bộ phận thường trực thay mặt Bulê giải quyết các công việc hàng ngày.

Cơlixten đã tăng cường vai trò của Đại hội nhân dân. Đại hội nhân dân (Êccơlêdia) là cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước Aten. Êccơlêdia là đại hội của toàn thể công dân Aten từ 18 tuổi trở lên, có quyền thảo luận và biểu quyết các dự luật, chính sách của hội đồng Bulê, chọn cử những viên chức của bộ máy nhà nước. Cơixten đã tăng số quan chức Aten lên 20 người, gồm 10 quan chấp chính và 10 tư lệnh quân sự.

Để ngăn chặn những âm mưu đảo chính hoặc phá hoại nền dân chủ, Cơlixten đã cho thực hành “ chế độ bỏ phiếu bằng vỏ sò”. Bất kì công dân Aten nào (kể cả những người đang có chức vụ) nếu bị nghi ngờ là có những âm mưu hành vi đe dọa tới nền an ninh xã hội, nền dân chủ thì trong đại hội nhân dân, toàn thể công dân tự do Aten sẽ tiến hành bỏ phiếu kín bằng cách ghi tên người mà họ nghi ngờ lên các mảnh vỏ sò hay mảnh gốm. 6000 lá phiếu cùng ghi tên một người, thì 10 ngày sau người đó buộc phải rời khỏi Aten trong thời hạn là 10 năm. Bằng biện pháp này, Aten đã có khả năng ngăn chặn những âm mưu phản loạn, ngăn cản xu thế độc tài, quân phiệt. Cơlixten cũng đã thực hiện việc giải phóng một số nô lệ có công thành người tự do (nhưng không được quyền công dân) và cho phép một số kiều dân Mêtéc có công lao thành công dân tự do Aten. Có thể nhận xét, với những cải cách tiến bộ và mạnh mẽ, Cơlixten đã hoàn toàn thủ tiêu những tàn tích cuối cùng của chế dộ thị tộc, đánh dấu bước cuối cùng trong việc xây dựng nhà nước dân chủ chủ nô Aten. Những cải cách của Cơlixten đã tam thời hòa hoãn được những xung đột và thỏa mãn hầu hết các quyền lợi của các phe phái tạo nên ở Aten một khối công dân tự do có quyền lợi chính trị ngang nhau, cùng thống trị bóc lột sức lao động của nô lệ. cải cách Cơlixten cũng đã mở đường cho nền kinh tế nói chung và kinh tế công thương nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo ra một Aten hùng cường về kinh tế, quân sự và tiến bộ về thể chế dân chủ.

- Cải cách của Êphiantet và Pêricơlet

Năm 462 TCN, sau khi nắm quyền Êphiantet ( Ephialtes) bắt đầu thực hiện một số cải cách dân chủ. Trước hết ông đã tước bỏ quyền lực của hội đồng trưởng lão – một tổ chức, mà theo Êphiantet, là cơ quan phản dân chủ về thành phần cũng như các chức năng, quyền hạn – Quyền lập pháp (trước đây do Hội đồng trưởng lão nắm giữ) được trao cho đại hội nhân dân (Êccơlêdia). Quyền hành pháp trao cho hội đồng 500 người (Bulê) và quyền tư pháp trả về cho cơ quan chức năng của nó tòa án nhân dân (Hêliê)- Hội đồng trưởng lão ( Arêôpagiơ) vẫn tồn tại nhưng chỉ có chức năng điều hành các nghi lễ, tế tự và xét xử các vụ án tôn giáo.Tiếp đó, Êphiantet đã đưa ra chế độ Gơraphêparanômôn, quy định các nhà soạn luật phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về nội dung và hậu quả của những dự luật mà họ soạn thảo. Chế độ này vừa ngăn chặn được những mưu đồ phá hoại nền dân chủ, vừa đề phòng được những chủ trương phiêu lưu quá khích không có lợi cho nền dân chủ. Phái bảo thủ không chịu khoanh tay, hò hét và kích động dân chúng rằng Êphiantet “đã mê hoặc quần chúng bằng những quyền tự do dân chủ quá trớn” và tổ chức ám hại ông ( vào năm 461 TCN).

Pêricơlet (pericles) (499 – 429 TCN) trở thành lãnh tụ của phái dân chủ đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của nhà nước Aten. Pêricơlet xuất thân từ gia đình quý tộc chủ nô giầu có, cháu ngoại của Clixten, con trai của danh tướng Aten Xangtipot. Nhờ gia thế và được giáo dục toàn diện, chu đáo ngay từ nhỏ nên Pêricơlet sớm nổi tiếng là một người học rộng, tài cao, nhà hùng biện và quân sự lỗi lạc, có quan hệ mật thiết và rộng rãi với nhiều nhà triết học, văn học nổi tiếng ở Aten. Sử gia Tuyxidit – người theo phái bảo thủ đối lập, cũng phải thừa nhận Pêricơlet “… có tài năng, uy tín, thông minh, có tư cách đạo đức, không để cho ai mua chuộc”. vì thế, trong suốt 15 năm liên tục từ năm 444 đến 429 TCN), Pêricơlet được bầu làm tướng quân thứ nhất. Pêricơlet đã tích cực vận động và thực hành nhiều chính sách dân chủ, tiến bộ nhằm hoàn thiện nền dân chủ Aten. Thời kì Pêricơlet cầm quyền, nền dân chủ chủ nô Aten đạt đến mức hoàn hảo nhất, trở thành mẫu mực của chế độ dân chủ trong thế giới cổ đại. Thời kì Pêricơlet cầm quyền cũng là thời kì hoàng kim của Aten và thế giới Hi Lạp: “Thế kỉ vĩ đại “ hay “thế kỉ Pêricơlet”.

Pêricơlet chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển các tổ chức và các sinh hoạt dân chủ vốn đã có từ trước. duy trì quyền hạn và chức năng của Đại hội đồng nhân dân hội đồng 500 người, tòa án nhân dân( có 6000 thẩm phán), hội đồng tư lệnh (gồm 10 tướng lĩnh)…. Pêricơlet còn tăng cường các hoạt dộng dân chủ, quy định 10 ngày đại hội nhân dân sẽ nhóm họp một lần. Toà án nhân dân với 6000 thẩm phán sẽ không có công tố viên chuyên nghiệp để toàn thể những ai tham dự phiên tòa đều có quyền công khai hết tội hoặc bào chữa cho bị can. Pêricơlet cũng tăng cường những hoạt động văn hóa tinh thần phục vụ các công dân tự do (tổ chức lễ hội, thi đấu thể thao, biểu diễn ca kịch…).

Để thực sự mở rộng quyền dân chủ cho các công dân Aten, Pêricơlet đã thực hành chế độ bầu cử các quan chức nhà nước bằng phương pháp bốc thăm. Nhờ vậy, các công dân Aten đều có cơ hội nắm giữ các chức vụ của bộ máy nhà nước, kể cả những chức vụ cao nhất : quan chấp chính.

Để tạo cơ sở vững chắc cho nền dân chủ và tạo điều kiện cho công dân Aten thực hiện quyền dân chủ của họ, Pêricơlet đã cho thực hiện một loạt những chính sách tiến bộ khác : trả lương cho các viên chức nhà nước, thực hành rộng rãi và thường xuyên chế độ phúc lợi trợ cấp đối với những công dân gặp khó khăn ( cấp phát thóc, lúa, cấp tiền để mua vế xem ca kịch, thể thao,..), tiến hành xây dựng củng cố các công trình quốc phòng kiến thiết xây dựng thủ đô Aten, đồng thời Pêricơlet cũng triệt để thực hành chính sách di dân Aten tới các vùng nhượng địa tại các thành bang của đồng minh Đêlốt vừa kiểm soát được các thành bang đồng minh vừa thỏa mãn yêu cầu ruộng đất của công dân Aten. (Theo thống kê, Pêricơlet đã đưa hơn 10.000 công dân Aten tới các vùng nhượng địa).

Tóm lại, với “Thế kỉ Pêricơlet”, Aten trở thành một thành bang phát triển nhất về kinh tế, có một thiết chế nhà nước tiến bộ nhất. Nền dân chủ chủ nô đạt tới mức hoàn hảo nhất, đỉnh cao nhất, đỉnh cao của văn minh cổ đại, cội nguồn của văn minh châu Âu, niềm tự hào và kinh nghiệm của nhân loại.

- Hiến pháp Aten

Về chế độ dân chủ chủ nô ở Aten, người ta có thể biết được một cách cụ thể qua hiến pháp của nó .

Quyền tối cao trong nước thuộc về Đại hội nhân dân ‘Êccơlêdia” và theo đó thì phạm vi công việc được đưa bàn luận ở Đại hội này rất rộng. với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao, Đại hội này thảo luận về mọi vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước và có quyền quyết định về mọi vấn đề lớn nhỏ, về mặt đối nội cũng như về mặt đối ngoại. “ Chính đại hội này là nơi mà người ta lựa chọn ra tất cả các viên chức nhà nước. Chính đây cũng là nơi mà các viên chức này phải báo cáo công tác của mình. Chính đây cũng là nơi người ta định ra tất cả những luật lệ và đẳng cấp thứ tư (nông dân nghèo “telơ”) chiếm đa số ở đó”.

Bằng cách biểu quyết trực tiếp và công khai – biểu quyết giơ tay – Đại hội nhân dân bầu ra mười vị tư lệnh (strateges) và sau đó khi bầu xong mười vị tư lệnh đó, thì cũng bằng cách biêu quyết công khai, người ta phân công cho các vị tư lệnh đó, mỗi người giữ một chức vụ chỉ huy quân sự khác nhau (tư lệnh bộ binh “hôpơlit” (hoplites), tư lệnh bảo vệ thủ đô Aten, tư lệnh hải quân, tư lệnh quân cảng Pirê, v.v..). Đại hội nhân dân cũng bầu ra những viên chức cao cấp quản lý tài chính, trông nom cầu cống và những vụ khác đòi hỏi ở người phụ trách những kinh nghiệm công tác và trình độ kiến thức chuyên môn nhất định hoặc đòi hỏi ở người phụ trách phải có ít nhiều tài sản để đảm bảo bồi thường cho nhà nước trong trường hợp người ấy phạm sai lầm, gây tổn thất cho công quỹ ví như chức giám đốc ngân hàng chẳng hạn.

Như vậy là Đại hội nhân dân thực hiện quyền bầu cử và giám sốt đối với tất cả những chức vụ dân cử và nói chung đối với tất cả những viên chức đại diện cho quyền lực công cộng. Quyền giám sát đố có thể thực viện được một cách dễ dàng, vì trên nguyên tắc, bất cứ một người công dân nam giới nào cũng có quyền tham gia và phát biểu ý kiến ở Đại hội nhân dân.

Sau Đại hội nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước quan trọng nhất là Hội đồng nhân dân “ Bulê”. Việc bầu người làm ủy viên Hội đồng nhân dân tiến hành bằng cách bốc thăm theo đơn vị khu hành chính (đemơ) và theo tỷ lệ dân số ở mỗi đemơ, làm thế nào cho mỗi liên khu (philai) đều có 50 đại biểu tham gia Hội đồng. hội đồng ít khi họp toàn thể và thường thì chia ra làm 10 ủy ban “pơritani”. Theo nguyên tắc, mỗi pơritni chỉ họp một khóa, mỗi khóa họp kéo dài từ 36 đến 39 ngày liền. Cứ như thế, các ủy ban pơritani thay phiên nhau họp, theo thứ tự đã định sẵn , cho đủ 365 ngày trong một năm. Trong mỗi khóa họp của mình, ủy ban pơritni là cơ quan hành chính thường trực của Hội đồng nhân dân. Ủy ban pơritani hằng này bầu ra vị chủ tịch của mình : đó là vị chủ tịch ủy ban hành chính của ngày hôm ấy, gọi là “êpixtat”. Ở thế kỉ V TCN, chủ tịch ủy ban pơritni đương nhiêm làm chủ tọa phiên họp của toàn thể Hội đồng nhân dân hay của Đại hội nhân dân, nếu có phiên họp đó.

Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện nhà nước về mặt quan hệ ngoại giao, có nhiệm vụ đón tiếp đại sứ các nước đến và giới thiệu họ ra trước Đại hội nhân dân. Hội đồng nhân dân có quyền ra lệnh tống giam những người can tội phá hoại trật tự an tinh quốc gia và có quyền truy tố trước tòa án nhân dân và có khi cả trước Đại hội nhân dân, nếu là nhân viên cao cấp của nhà nước phạm tội phản quốc, Hội đồng có nhiệm vụ dự thảo pháp luật trước khi đưa ra Đại hội nhân dân thảo luận và quyết định tối hậu. Hội đồng có quyền kiểm soát việc thi hành các quyền tự do dân chủ của công dân, có quyền kiểm tra tư cách đạo đức của những ủy viên Hội đồng nhân dân, ủy viên Hội đồng Arêôpagiơ và của các chấp chính quan. Hội đồng cũng có nhiệm vụ kiểm soát việc thi hành các quyết nghị của Đại hội nhân dân, giải quyết những công việc hành chính hàng ngày, thông qua ủy ban “pơritani”.

Tòa án nhân dân “hêliê”, gồm có những hội thẩm nhân dân đã tuyên thệ, đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở Aten. Trong thời kỳ thịnh vượng của nền dân chủ ở Aten, những hội thẩm nhân dân được bầu ra hằng năm trong số những công dân từ 30 trở lên, muốn ra ứng cử. Số hội thẩm nhân dân lên tới 6000 người (mỗi liên khu cử ra 600 người), trong số đó hì có 1000 người là dự bị còn 5000 người kia thì cũng bằng lối bốc thăm mà chia nhau tham gia vào các tiểu ban xét xử ở mỗi khu. Trước toàn án, đương sự và bị cáo có quyền phát biểu ý kiến, sau khi nghe hai bên đối chất, các hội thẩm họp kín để thảo luận và quyết định buộc tội hay tha bổng.

Trên đây là hiếp pháp của nhà nước Aten ở thế kỉ V tr.CN. chế độ dân chủ chủ nô Aten là một bước tiến lớn so với chế độ cộng hòa quý tộc ở nhiều quốc gia – thành thị khác ở Hy Lạp, và nhất là so với chế độ chuyên chế của các quốc gia cổ đại phương Đông. Nó là “hình thái nhà nước phát triển hoàn hảo, hình thái cộng hòa dân chủ”.

* Tác động của quá trình hoàn thiện nhà nước dân chủ chủ nô với sự phát triển của chế độ nô lệ ở Aten cổ đại

Aten từ cải cách của Têdê đến Xôlông, Cơlixten, Êphiantet và cuối cùng là Pêricơlet đã dần dần từng bước hoàn thiện nhà nhà nước dân chủ chủ nô. Đặc biệt, với “Thế kỉ Pêricơlet” Aten đã trở thành đỉnh cao của nền dân chủ cổ đại. Nhưng đó chỉ là nền dân chủ của giai cấp chủ nô, nó dựa trên sự bóc lột nô lệ. Chủ nô được hưởng quyền lợi bao nhiêu thì nô lệ bị tước đoạt quyền lợi bấy nhiêu. Nô lệ Aten bị tước đoạt mất hết quyền làm người. Nhà nước dân chủ chủ nô Aten tồn tại dựa trên sự bóc lột sức lao động của nô lệ. Quá trình hoàn thiện nhà nước dân chủ chủ nô Aten cũng chính là quá trình chế độ nô lệ ở Aten phát triển đến đỉnh cao, trở thành mẫu mực của chế độ chiếm hữu nô lệ.

Trong cuộc cải cách của Xôlông, ông tuyên bố xóa bỏ mọi nợ nần, giải phóng cho những người nô lệ vì nợ và cấm chỉ từ đấy không ai được gán mình hay vợ con mình làm nô lệ cho kẻ khác để chuộc nợ. Cấm không cho kí kết những văn tự lấy bản thân con nợ làm đảm bảo. Chế độ nô lệ vì nợ ở Aten chấm dứt từ đó. Xôlông cũng cấm chỉ việc nô dịch người đồng tộc Aten, nhưng số nô lệ người ngoại tộc thì lại tăng lên rất nhanh chóng. Vì thế, nguồn gốc nô lệ ở Aten chủ yếu là người ngoại tộc, nô lệ là người Aten cũng có nhưng chỉ chiếm một số lượng rất ít.

Các cuộc cải cách của Cơlixten, Êphiantet và Pêricơlet đã từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước dân chủ chủ nô Aten nhưng chỉ mang lại quyền dân chủ cho giới chủ nô, còn đối với nô lệ thì chỉ có tác dụng tăng cường đàn áp và bóc lột họ. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ Aten, tầng lớp dân tự do chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé so với số dân lao động gồm đại bộ phận là nô lệ và kiều dân (mêtec). Nhưng nô lệ và kiều dân thì không những là không có quyền lợi chính trị gì, mà lại còn bị cái bộ máy nhà nước chủ nô bóc lột và đàn áp khốc liệt. Quần chúng nô lệ chiếm đại bộ phận dân cư Aten đều nhất loạt bị tước mất quyền tự do thân thể và bị cưỡng bức lao động trong mọi ngành sản xuất kinh tế của xã hội. Họ là giai cấp bị áp bức bóc lột tàn nhẫn nhất, mặc dầu lao động của họ là điều kiện tồn tại của xã hội chiếm hữu nô lệ Aten.

Khi nền dân chủ được củng cố và phát triển ở Aten thì cũng là lúc nền kinh tế chiếm hữu nô lệ phát triển dựa trên sự phát triển của chế độ nô lệ. Giữa thế kỉ V TCN, sau cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư kết thúc, tại nhiều quốc gia - thành thị Hy Lạp nằm trên bán đảo Bankan, đặc biệt là ở Aten, thủ công nghiệp rất phát đạt, sản xuất hàng hóa tăng nhanh, quan hệ thương mại được mở rộng, nông nghiệp chuyển hướng mạnh từ việc trồng trọt ngũ cốc sang trồng trọt nho và ô liu để đổi lấy lúa mì. Theo như Engghen nói, thì: “Thương nghiệp, thủ công nghiệp và mĩ nghệ tiến hành theo một quy mô ngày càng rộng, nhờ có lao động của nô lệ, đều đã trở thành những ngành hoạt động chiếm địa vị thống trị”.

Trong thời gian này, thế kỉ V-IV TCN (sau hàng loạt các cải cách của Cơlixten 508-506 TCN, cải cách của Pơricơlet 461-429 TCN) tại những quốc gia – thành thị tiên tiến nhất như Aten, Êgin, Mêga, Côrinh, Milê…phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ đã đạt đến mức hoàn chỉnh nhất và cao nhất của nó ở Hy Lạp.

Nếu ở các thế kỉ trước, dân nô lệ còn tương đối ít, ngay cả ở những thành thị phát triển nhất, thì đến thế kỉ V TCN , số nô lệ ngoại tộc đã trở nên rất đông đảo, và đến thế kỉ IV TCN, thì chế độ nô lệ đó đã đạt tới mức độ phát triển cao nhất của nó trong xã hội cổ đại Hy Lạp. Sự phát triển đó của chế độ nô lệ là hậu quả của tình hình lao động của dân tự do dần dần bị lao động của nô lệ gạt ra ngoài hoạt động sản xuất kinh tế. Nếu trước kia, do số nô lệ tương đối ít, lao động nô lệ chưa được sư dụng rộng khắp trong các ngành hoạt động sản xuất chủ yếu, thì đến bây giờ, lao động nô lệ đã đóng vai trò chủ đạo trong mọi ngành sản xuất kinh tế: nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, hầm mỏ và mậu dịch hàng hải . Lao động của nô lệ được sử dụng nhiều nhất trong các xưởng thủ công thời bấy giờ. Nhiều tài liệu cho biết sản xuất thủ công nghiệp lúc này đã chia thành nhiều ngành nghề khác nhau: luyện kim, chế tạo vũ khí, đồ mỹ nghệ, đồ da, đồ gốm, đồ trang sức, đồ gỗ… với đủ các loại thợ: thợ rèn, thợ mộc, thợ nề, thợ may, thợ in, thợ dệt, thợ làm đồ trang sức, thợ làm đồ sành sứ, thợ thuộc da, thợ làm đường, thợ điêu khắc, thợ chạm trổ, thợ đóng tàu… Do lao động của nô lệ được sử dụng nhiều trong các xưởng thủ công, nên lao động của thủ công thường bị coi khinh; dân tự do dần dần thoát ly khỏi nền sản xuất thủ công ngày càng đông; lao động của họ do đó bị lao động của nô lệ gạt dần ra khỏi hoạt động sản xuất. Engghen nói: “Ở đây chế độ nô lệ là hình thức sản xuất chiếm địa vị thống trị thì ở đấy lao động trở thành một hoạt động chỉ xứng với người nô lệ mà có phần nhục nhã đối với dân tự do”.

Khi chế độ dân chủ ngày càng được phổ biến rộng rãi trong nội bộ dân tự do Aten, càng ngày họ càng mong muốn tham gia tích cực và thiết thực vào việc quản lý bộ máy nhà nước. Mà bất cứ dân tự do thuộc tầng lớp xã hội nào, lúc bấy giờ, cũng tham gia bóc lột ít hoặc nhiều lao động của nô lệ, do đó họ cảm thấy có bổn phận giúp đỡ nhà nước chủ nô trấn áp mọi sự phản kháng của nô lệ.

nguồn :diendan kien thuc.net*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top