Quá trình hiện đại hóa thơ Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX- từ Nguyễn Khuyến đến Tả

Bút Nghiên

ButNghien.com
Quá trình hiện đại hóa thơ Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX- từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà​

Nền thơ Việt Nam giai đoạn giao thời (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) đã sản sinh hai thi tài xuất sắc: Nguyễn Khuyến và Tản Đà. Nguyễn Khuyến với Quế Sơn thi tậpNam đã được hoàn tất. (Hán- Nôm song hành) đã êm ái khép lại lịch sử nền thơ Trung đại. Sứ mệnh đón chào thời đại thi ca mới trong xu thế hội nhập thế giới đã thuộc về Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu, người Nho sĩ cuối mùa, cấp tiến. Từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà, một tiến trình vận động rõ nét theo xu thế cách tân của nền thơ Việt .

Tài năng, thành tựu trên nhiều phương diện thơ ca của Nguyễn Khuyến và Tản Đà đã được khẳng định trong hàng nghìn trang sách của giới nghiên cứu. Địa vị vững chắc của hai ông trong lịch sử văn học nước nhà là điều không còn cần phải bàn luận. Song, trước những thử thách nghiệt ngã đối với vận mệnh thơ ca thế kỷ XXI, việc nghiền ngẫm lại những gì tiền nhân đã gặt hái được trong quá trình lập nghiệp có lẽ vẫn là điều bổ ích !

Nhìn từ phương diện hiện đại hóa, nghĩa là sự vận động, phát triển theo xu hướng đổi mới và ưu việt hơn, nền thơ Việt Nam từ thi phẩm Nguyễn Khuyến đến Tản Đà là cả một sự nỗ lực vươn tới. Như bất kỳ sản phẩm nào khác của con người trong quá trình hoạt động sáng tạo, văn chương luôn đòi hỏi sự tìm kiếm, đổi thay và mới lạ. Nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần của con người là một tiến trình không chấp nhận sự lỗi thời, lạc hậu.

Chỉ ra quá trình hiện đại hóa thơ Việt Nam từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà từ thi phẩm (gồm hàng trăm bài thơ) của hai ông một cách đầy đủ, thuyết phục là điều không phải dễ. Dù thế, trên một số mặt chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nhỏ trong công việc thực sự khó khăn, tinh tế ấy.

Phương diện ngôn ngữ, chữ viết

Cả hai thi gia ưu tú, hai cái mốc lớn của hai thời đoạn văn học, Nguyễn Khuyến và Tản Đà, đều được thừa hưởng truyền thống thơ ca lâu đời, nhiều thành tựu xuất sắc của dân tộc. Trước hai ông, văn học Việt Nam đã chứng kiến sự nghiệp thơ ca lừng lẫy trên nền tảng hàng trăm thi gia khác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát v.v… Về ngôn ngữ và chữ viết, trong mối quan hệ giao lưu, tiếp nhận lâu đời với nền văn hóa, văn học Trung Quốc, đến Nguyễn Khuyến, vận mệnh nền thơ Việt Nam vẫn được tiếp diễn với hai sinh thể: Hán thi (thơ chữ Hán) và thơ Nôm. Đương nhiên, cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm mấy trăm năm trước, ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt, thơ Nôm) vẫn là nguồn lực tiềm ẩn, mạnh mẽ trong tâm hồn Tam Nguyên Yên Đổ. Rõ ràng, khác với Tản Đà (đứa con đầu lòng của thời đại giao lưu văn hóa Đông- Tây), Quế Sơn thi tập của Nguyễn Khuyến vẫn chưa thoát ra khỏi quĩ đạo của văn học Trung đại với hai thành phần rõ rệt: thơ chữ Hán và thơ Nôm. Có nghĩa là, Nguyễn Khuyến vẫn gồng mình làm thơ với thứ ngôn ngữ thuần túy sách vở, khác biệt ngôn ngữ mẹ đẻ. Ông vẫn tư duy và “ngôn chí” bằng phương tiện ngôn ngữ của những thế hệ đi trước, thậm chí như các thi nhân đời Đường Trung Quốc. Ở bộ phận này, lịch sử văn học đã chứng minh, hầu như không cho phép nhà thơ phát huy khả năng cách tân ngôn ngữ. May thay, thơ Nôm Nguyễn Khuyến hơn hẳn phần thơ chữ Hán, đã được thừa nhận là địa hạt ông bộc lộ tài hoa, hơn thế tài năng hiếm có đương thời. Tuy nhiên, chữ Nôm với sự phức tạp của nó nên dù đã được cha ông chúng ta sáng chế từ hàng trăm năm trước, vẫn là thứ chữ viết khó mà phổ cập rộng rãi. Văn bản hóa với phương tiện chữ Nôm, thơ Nôm vẫn khó bề có được đông đảo công chúng. Tính lưỡng thể về phương diện ngôn ngữ, rất có thể đã là một lực cản tới sự phát triển của văn học Trung đại Việt Nam. Sự thực thì văn học Việt Nam trước thế kỷ XIX, những áng “thiên cổ kỳ bút” Hán văn như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ không nhiều. Ngược lại, lịch sử thơ Nôm có thể nói là rực rỡ với khá nhiều những tác phẩm bất hủ.

Ở đây, vấn đề là ngôn ngữ văn học phải được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ được chính nhà văn, nhà thơ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đời sống xã hội, nhu cầu văn hóa không cho phép sự chậm trễ, ngưng đọng. Là phương tiện tư duy, trao đổi thông tin, truyền bá văn hóa và sáng tạo văn học- ngôn ngữ văn học Việt Nam rõ ràng đã đến lúc phải trút bỏ gánh nặng không cần thiết: Bộ phận Hán văn. Nghiên cứu văn học Trung đại, đặc biệt là sự tự đào thải của Hán văn Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn nhận xét: “Trong hàng chục thế kỷ, chữ Hán với cách đọc riêng, thích nghi với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, đã được sử dụng như một văn tự chính thức và đã có ảnh hưởng tích cực đối với việc xây dựng nền văn học dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, khách quan mà xét, giữa chữ Hán và đông đảo công chúng Việt Nam vẫn có một khoảng cách khó có thể dễ dàng xóa bỏ. Người Việt Nam chỉ dùng chữ Hán để viết chứ không phải để nói, nghĩa là gần như sử dụng một tử ngữ, và khi một văn tự bị tách rời với ngôn ngữ tương ứng với nó, tách rời hoạt động nói, hoạt động giao tiếp sống động, dễ biến đổi nhất của một ngôn ngữ, thì văn tự đó có nguy cơ bị ngưng dẹp, không phát triển nữa, hoặc là phát triển rất chậm” [2, 133].

Là một sĩ tử từng dùi mài kinh sử, một nhà Hán học uyên thâm, nhưng Tản Đà, khác với Nguyễn Khuyến, đã nhanh chóng và can đảm thoát li thời đại cũ khi thơ của ông (và cả tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết) đã được viết bằng chữ Quốc ngữ. So với chữ Nôm (được sáng chế trên cơ sở chữ Hán) chữ Quốc ngữ có nhiều điểm ưu việt hơn hẳn trong khâu văn bản hóa (ghi âm) tiếng Việt. Không ai khác, chính các trí thức Nho học cấp tiến trong phong trào duy tân, yêu nước đầu thế kỷ XX đã thúc đẩy nhanh và triệt để quá trình thay thế chữ Hán, chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ đương thời. Cùng với việc sử dụng chữ Quốc ngữ, Tản Đà là một trong những tác gia văn học đầu tiên đã sử dụng ngôn ngữ dân tộc, tiếng nói mẹ đẻ- như một phương tiện duy nhất để tác nghiệp văn chương. Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu viết chữ Quốc ngữ đẹp, thanh tao. Tuy nhiên, nếu như thơ Quốc ngữ của ông (chứ không còn phải là thơ Nôm) đạt đến sự thần tình, linh diệu về ngôn từ, thi tứ; thì văn xuôi quốc ngữ của ông vẫn còn là “hoa trái đầu mùa” (Xuân Diệu). Cũng dễ hiểu thôi vì văn xuôi Quốc ngữ (Việt văn) đương thời gần như mới được khai sinh, trong khi ngôn ngữ thơ ca dân tộc đã trải qua ngót 700 năm đào luyện với tình thế. Văn học Việt Nam đã có những bậc thầy (hơn thế còn là thần, thánh (thần Siêu thánh Quát) ) về ngôn thi (ngôn ngữ thơ). Hơn ai hết, khi Nguyễn Khuyến và thế hệ ông rời bỏ văn đàn, Tản Đà đã là thi sĩ nắm ngọn cờ đầu cho sự lên ngôi hoàn toàn của tiếng Việt ở địa hạt thơ ca. Tinh lực ngôn từ thơ ca của ông không còn bị phân đôi, chia xẻ. Thời đại đã tạo điều kiện để thi sĩ tự giải phóng, tự thấy chín mùi và cần thiết cho việc đổi “bút lông” ra “bút sắt”. Thời điểm nhất thể hóa về ngôn ngữ như thế, đã được nền thơ Việt Nam bền bỉ chuẩn bị từ hàng trăm năm trước.

Phương diện thể loại


Trong dạng thức ngôn ngữ riêng và đặc thù về hình thái, cấu trúc, tác phẩm văn học luôn thuộc về một thể loại nhất định. Thể loại là phương tiện nghệ thuật qui định, điều khiển, chi phối sự sáng tạo trong trường hợp cụ thể đối với tác gia văn học. Nói rõ hơn, việc xác định thể loại đối với văn, thi sĩ đồng thời với việc lựa chọn cách thức kiến tạo tác phẩm trong hoạt động sáng tạo văn học. Xác định thể loại là một trong những xuất phát điểm đầu tiên hết sức cơ bản đối với người nghiên cứu văn học cũng như tác gia văn học. Thể loại văn học theo dòng lịch sử luôn trong hành trình tìm kiếm, đổi thay, tương hợp với sự trưởng thành chung của tổng thể nền văn học. Do thế, xuất hiện quan điểm nghiên cứu lịch sử văn học là nghiên cứu sự ra đời và biến mất, sản sinh và thay thế của các thể loại.

Trưởng thành từ văn chương cử nghiệp, cả Nguyễn Khuyến và Tản Đà đương nhiên là được trang bị đầy đủ kỹ năng làm văn, thơ, phú, lục. Cha ông chúng ta dã từng cảnh báo, đôn đốc nhau:

Văn, thơ, phú, lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong.

Với Nguyễn Khuyến, Quế Sơn thi tập của ông về mặt thể loại cho thấy trước hết ông chọn cổ phong, Đường luật (Thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt), nghĩa là nhóm cấu trúc tác phẩm đã được thiết kế và vận hành thành công trong hơn một thế kỷ của lịch sử văn học Trung đại khu vực văn hóa Hán (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản…). Ngoài thể loại cổ phong, Đường luật được vận dụng hiệu quả cho phần lớn thơ chữ Hán và thơ Nôm thì những tác phẩm sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát (không câu thúc, hạn định về số câu) trong Quế Sơn thi tập có thể coi là thuộc thể loại “cổ phong” của văn học Việt Nam. Ở thể loại này, ngoài cấu trúc câu thơ lục bát và song thất lục bát, Nguyễn Khuyến cũng như bất kỳ tác gia nào khác không bị sự kiểm soát chặt chẽ về số lượng câu thơ trong mỗi tác phẩm của mình. Với hàng trăm bài thơ đã được hoàn thiện dưới ngọn bút lông của Tam Nguyên Yên Đổ, xét ra về mặt thể loại, chỉ có bấy nhiêu dạng thức mà thôi nếu như ta không kể đến một dạng cấu trúc đặc biệt nữa: Câu đối. Nguyễn Khuyến có sở trường về câu đối. Ông tận tâm, say sưa chơi trò chữ nghĩa và đã rất nổi danh về thể loại văn học bác học “mini” nhưng phổ biến và phổ cập rộng khắp trong dân gian thời kỳ Trung đại này. Điều đáng quan tâm là, Nguyễn Khuyến dường như không cảm thấy tù túng, thậm chí là còn rất ung dung, thoải mái với các thể loại văn học truyền thống. Ông vẫn vui lòng “trước tác” văn chương với những phương tiện xưa cũ. Nhu cầu “phá cách vứt điệu luật” hầu như chưa đặt ra với ông, với cả thế hệ ông. Có lẽ vì thế, trong thơ, phong thái của ông dù đã có phần suồng sã, bỡn cợt có khi sa đà, vẫn là phong thái điềm đạm thanh tao và nghiêm nghị của một bậc Nho lão mà chưa hề phải là của một thi sĩ nồng nhiệt và vồ dập trước cuộc đời.

Nho sĩ tài tử Tản Đà bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX sôi động với sứ mệnh giữ cho lịch trình văn học dân tộc không những không bị đứt đoạn mà còn đáp ứng được sự tiến triển, cách tân khả dĩ. Vốn liếng thể loại- thứ phương tiện nghệ thuật ngôn từ không thể thiếu của ông thực ra cũng chẳng giàu có, khác biệt là bao so với Nguyễn Khuyến, thi tài tiền nhiệm vừa rời vũ đài lịch sử không lâu. Và vì thế, thơ ông xét riêng về hình thức thể loại vẫn được sáng chế nhiều với cấu trúc tổng thể Đường luật (Thất ngôn bát cú, tứ tuyệt). Hàng loạt những bài thơ được Tản Đà hoàn tất với dạng thức Đường luật Quốc ngữ, trong số đó có bài được thi sĩ thuộc phái thơ mới giai đoạn sau (1932-1945) ngưỡng mộ như: Nhớ mộng, Năm hết hữu cảm, Vô đề, Ngày xuân thơ, rượu, Ngày xuân tương tư, Sầu xuân v.v… Dạng thái phi Đường luật là phần sống động, chứa đựng nỗ lực lớn của Tản Đà trong sự nghiệp cải biến thể loại cũ. Đó là những tác phẩm “cổ phong” Quốc ngữ như: Tống biệt, Hỏi gió, Cảm thu, tiễn thu, Xẩm chợ, Thư lại trách người tình nhân không quen biết (và 3 bài còn lại tương tự) cùng một số bài phong thi không đề… Nếu như Nguyễn Khuyến hầu như không hề có quan niệm, chủ trương gì cho việc viết lách thì ngược lại, Tản Đà từng phát ngôn cho công cuộc biến cải văn chương của mình: “Có kẹo có câu là sách vở; Chẳng lề chẳng lối cũng văn chương” (Khối tình con thứ nhất). Lý luận và thực hành văn chương ở Tản Đà là hai lĩnh vực có sự hòa điệu, hô ứng nhịp nhàng. Thi sĩ không thuộc hạng người nói nhiều làm ít. Quay trở lại số thơ “cổ phong” vừa nêu trên, sẽ thấy đó chính là sản phẩm hiển nhiên chứng tích cho một sự nghiệp kiến tạo thể tài mới được Tản Đà ý thức và quyết chí thực thi. Chúng ta có thể nói rằng ông đã thành công. Đó chính là số tác phẩm tiền thân của thơ mới sau này. Hay như các nhà nghiên cứu khẳng định- là những dấu nối hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại của nền thơ ca nước nhà. Thay vì cảm xúc thơ ca dạt dào và nóng bỏng; thơ mới của Tản Đà còn có sự uể oải và khúc mắc, vật vã của xúc cảm. Bởi vì làm sao Tản Đà có thể bước một bước mà vượt qua nổi sự ngăn cách không thể nói là đã rất sâu sắc giữa hai bờ đại dương thơ ca Đông- Tây lúc bấy giờ. Cây cầu văn hóa cho nhà Hán học cấp tiến Việt Nam tiếp cận thơ mới cận hiện đại phương Tây lúc bấy giờ dường như mới chuẩn bị khánh thành mà thôi. Về thể loại, Tản Đà sáng tác ở thời đoạn hết sức đặc biệt nằm giữa thời đại thơ ca còn bị o bế, ràng buộc và thời đại của sự tự do, khoáng đạt- thi nhân không còn phải tìm kiếm sự sáng tạo một cách quá vất vả trong và với các mẫu hình tác phẩm cũ. Dưới ngòi bút Tản Đà, dường như việc tháo rời ra, lắp ghép lại, thu nhỏ và kéo giãn làm biến dạng hẳn một bài thơ Đường luật thành thơ mới là việc không có gì hệ trọng (Bài Tống biệt). Tuy nhiên, công việc đổi mới (hay từ chối cái cũ) của ông không dừng lại ở mức độ của một trò chơi chữ nghĩa điệu nghệ như thế. Dù khó khăn, trong một số trường hợp, ông đã rời xa quĩ đạo thơ xưa (nhất là thơ Đường luật) để tiến sang địa hạt mới. Các thi phẩm Cảm thu, tiễn thu, Thăm mả cũ bên đường, Xẩm chợ, Hỏi gió…là một số dấu hiệu tiêu biểu ấy. Cái mới hay sự nỗ lực hiện đại hóa thể loại của Tản Đà trên cơ sở truyền thống, sẽ bộc lộ rõ hơn nếu chúng ta để sát thơ ông hơn nữa lên hàng trăm bài thơ Đường (Hán và Nôm) còn cơ bản là nghiêm mực của Nguyễn Khuyến.

Gắn với thể loại là ngôn ngữ. Thực ra, để chỉ rõ sự biến đổi theo xu hướng duy tân trong dòng ngôn ngữ với vốn vận động liên tục, nối kết liền mạch là việc không dễ. Song ở Nguyễn Khuyến, ngôn từ, ngữ điệu, phong thái của ông như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra vẫn là của một tác gia bác học, một nhà Hán học xuất thân từ một vùng quê. Và vì thế, như nhà nghiên cứu Vũ Thanh nhận xét: “…nếu không có những ngày vinh quang sôi kinh nấu sử ở chốn kinh đô, không tắm mình trong không khí văn chương bác học, quí phái chốn quan trường, không tiếp thu từ đó những giá trị nhân bản truyền thống thì cũng khó mà có được những vần thơ vừa sang trọng, uyên bác vừa gần gũi, dân dã nơi vườn Bùi. Không có những ngày ấy thì Nguyễn Khuyến có lẽ giỏi lắm cũng chỉ là một anh đồ quèn có vài ba bài thơ hài hước mà giá trị không vượt quá lũy tre làng” [2, 16]. Quả thực, thơ Nôm Nguyễn Khuyến về phương diện ngôn ngữ là sự kết hợp không thể tách rời hai tính chất: Bình dị, tự nhiên và “sang trọng, uyên bác”. Những bài thơ nổi tiếng như Tiến sĩ giấy, Tự trào, Thu vịnh, Hội Tây, Mẹ Mốc, Lời vợ anh phường chèo, Cuốc kêu cảm hứng… từng chữ, từng câu đều rành rẽ, súc tích và thanh thoát. Đó là ngôn ngữ của một học giả, nhưng cũng là “lời ăn tiếng nói” của một lão ông thông tuệ, điềm tĩnh, hài hước nơi vùng quê thôn dã. Tương tự hiện tượng này, lịch sử văn học Việt Nam ở những thế kỷ trước đã chứng kiến hàng trăm bài thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong cuộc sống ẩn dật không còn nhiều sự câu thúc, đôi lúc Nguyễn Khuyến cũng tỏ ra “phá cách” và quá trớn trong những lời lẽ trêu cợt, đùa vui. Cái đạo mạo, mực thước dường như không còn lại là bao trong các thi phẩm Vũng lội Đường ngang, Chế ông đồ Cự Lộc, Hỏi thăm quan tuần mất cướp… Có thể nói, sự tìm về ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ của đời sống và thường ngày ở Nguyễn Khuyến xét kỹ là một bước tiến về phía trước của ông. Bước tiến này dĩ nhiên là ông khó mà thực hiện ở bộ phận thơ chữ Hán. Và vì thế, nối bước ông, Tản Đà không chỉ bỏ qua thơ chữ Hán mà thi sĩ cũng đã không còn làm thơ Nôm. Tản Đà đã chuyển thẳng tới nền thơ Quốc ngữ. Ngôn ngữ thơ Nôm- Quốc ngữ của Tản Đà đã thấm đẫm sự duyên dáng, bay bổng và thi vị. Sự thâm thúy và hàm súc, tinh tế và ẩn ý sâu sắc đã thuộc về phạm trù ngôn ngữ thơ của trí thức Nho học mẫu mực. Đổi “bút lông” ra “bút sắt” Tản Đà đồng thời cũng thoát ly truyền thống ngôn ngữ thơ cao đạo, chất học, hàm ngôn. Những thi phẩm của ông như Nhớ mộng, Thề non nước, Tống biệt, Thăm mả cũ bên đường, Xẩm chợ… trở nên “thời thượng” không chỉ bởi sự mới lạ của một tâm hồn mà còn ở sự trẻ trung, tinh khôi của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện của tư duy đồng thời cũng là dấu hiệu giúp nhận biết tư duy. Ngôn ngữ thơ Tản Đà là tình cảm, tâm trạng đồng thời cũng là thế giới tinh thần, tư duy của ông, của một thế hệ thi sĩ mới xuất hiện trong xã hội đương thời. Nếu Nguyễn Khuyến trong hoàn cảnh của một ẩn sĩ với cuộc sống đơn độc, nhiều ẩn ức nội tâm nơi làng quê đã không tìm đến ngôn ngữ thuần túy sách vở cao sang để “ngôn chí” thì Tản Đà khi theo đuổi nghiệp “Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu” trong xã hội đã trở nên sôi động cũng không thể sử dụng lại vũ khí ngôn từ quá chặt chẽ, sắc bén của các nhà Nho già đạo đức. Đôi lúc ông viết như kể, có vẻ rất dễ dãi, thô sơ “Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà, Đường xa người vắng bóng chiều tà” (Thăm mả cũ bên đường); hay “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi, Trần thế em nay chán nửa rồi” (Muốn làm thằng Cuội); hơn thế nữa là rất giản dị

“Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành” (Cảm thu, tiễn thu).

Lột xác ngôn ngữ thơ, ngòi bút Tản Đà đồng thời cũng không còn quá bị ám ảnh bởi âm vận như các tác gia lớp trước. Sự cải biến ngôn ngữ theo hướng lột tả tư duy và tâm trạng mới như thế ở Tản Đà đồng thời cũng gắn liền với sự thoát li những hình mẫu tác phẩm cũ (tiêu biểu là thơ Đường luật các dạng) ở một số trường hợp nhất định. Thoát khỏi sự chắt lọc, khắt khe, cân nhắc đến từng từ ngữ, đồng thời cũng rời xa sự uy nghi, thâm thúy, ngôn ngữ thơ Tản Đà nhiều trường hợp đã đạt tới sự tươi mới, nhẹ nhàng. Đó cũng không còn là ngôn thi đậm đà bản sắc thôn dã mà đã là tiếng lòng của một thi sĩ của thời hội nhập với nhiều khát khao, mộng tưởng… Ở những giây phút bay bổng nhất của tâm hồn, Tản Đà đồng thời cũng là người “hiệp sĩ” của thời đại mới về ngôn ngữ thơ. Đó là khi ông “Hỏi gió” để chia xẻ tâm tình: “Gió hỡi gió phong trần ta đã chán, Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong”…

Cuối cùng, sự thay đổi theo hướng hiện đại hóa về đề tài trong thơ Việt Nam, từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà là gì? Câu trả lời trọn vẹn cho vấn đề này là điều không ai dám quả quyết. Song, một cách khái quát nhất có thể nói, Nguyễn Khuyến trở thành “thi nhân” trong hoàn cảnh có phần bất đắc dĩ. Vì thế, thơ ông là phương tiện giải tỏa tâm hồn, là sản phẩm của sự ẩn ức đòi hỏi được chia sẻ, giãi bày. Cảm hứng và đề tài tâm sự riêng về bản thân cùng thái độ trước thời cuộc “bãi bể nương dâu” là phần cốt lõi của thơ Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến làm thơ với tư cách và tâm thế của một học giả, một kẻ sĩ trước thời cuộc. Ông cảm thán, chê bai, cười cợt và phê phán không chỉ đối với tấn bi hài kịch của xã hội mà với cả vận mệnh trớ trêu trước thời cuộc của ông. Vì thế, cái phong cách nổi bật của thơ ông là sự thâm thúy, sắc cạnh, uyên bác. Từ thế kỷ XV, XVI, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xây đắp truyền thống này cho nền thơ dân tộc. Truyền thống này không được kế thừa liên tục ở thế kỷ XVII, XVIII với những tác gia xuất sắc. Nhưng, cũng không vì thế mà chúng ta cho rằng, Nguyễn Khuyến không có mối liên hệ nào với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thể nói, Nguyễn Khuyến là một tác giả điển hình cuối cùng của truyền thống “thi ngôn chí”.

Thi sĩ Tản Đà đột ngột xuất hiện trên văn đàn như một “cơn gió lạ”. Thơ với ông không hẳn chỉ là phương tiện giãi bày, tâm sự, ngôn chí. Ông tuyên bố: “Trời đất sinh ra rượu với thơ, Không thơ không rượu sống như thừa” (Ngày xuân thơ, rượu). Thơ với Tản Đà là cứu cánh cuộc đời, là đam mê không lý giải, là tiếng lòng khao khát. Song thơ với ông cũng gần gũi, thân thiết trong hành trình đến với thời cuộc: “Còn non còn nước còn trăng gió, Còn có thơ ca bán phố phường” (Khối tình con thứ nhất). Thi sĩ Tản Đà hiện diện trước cuộc đời với nỗi cô đơn, sầu muộn, yếm thế; với cả sự phiêu lãng, bất định trong tâm hồn. Đây là đề tài xuyên suốt, trùng lặp mà không nhàm chán, đơn điệu trong thơ ông. Thế giới tâm hồn của Tản Đà đã không còn quẩn quanh, giới hạn như kiểu thi nhân- học giả. Ông cũng không quá mặn mà với việc đời, việc nước, việc thời cuộc. Tản Đà đã là một thi sĩ diễn xướng thành công “cái mù mờ của đam mê”, khát vọng một thời…

Từ thế giới hạn hẹp của tư duy, tình cảm đến bến bờ rộng mở của tâm hồn, khát vọng, đó là bước hiện đại hóa rõ nét của nội dung nền thơ Việt Nam từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà. Từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà, nền thơ Việt Nam đã khép lại- đồng thời hoàn tất bước chuẩn bị cho một thời kỳ mới trong lịch sử văn học nước nhà.

PGS.TS. Phan Thị Hồng- ĐH Đà Lạt
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top