Quả sấu Hà Nội

Hide Nguyễn

Du mục số
Ai đã từng sống nhiều năm ở Hà Nội đều có chút kỷ niệm vương vấn với quả sấu. Món quà đặc trưng này níu chân biết bao người, từ già trẻ, sang hèn... Sấu hiện diện ở khắp nơi, từ lọ ô mai góc phố đến mâm cơm gia đình.


quaSauHaNoi1.jpg



Lá sấu tán dày trở thành nơi trú mưa cho những ai đang đi đường gặp cơn mưa đột ngột. Hằng năm, chỉ trong mấy ngày tháng 4, lá sấu già nhất loạt lìa cành và ngay lập tức, lá non mơn mởn đã nhú ra ngay. Các tán lá sấu còn là nơi trú ẩn lý tưởng của lũ ve sầu sau khi từ dưới đất chui lên lột xác.

Tháng 5, trên những con đường phủ đầy lớp hoa sấu, mỗi lần có cơn gió thổi qua lại rụng rào rào. Quả sấu từ lúc còn non cho tới khi chín vàng ươm đều hấp dẫn đủ mọi lứa tuổi. Quả sấu mới nhỉnh bằng đầu ngón tay cái, hột còn rất mềm, đã được cạo sạch vỏ, cắt khoanh, ngâm trong nước đường, thứ đường cát vàng vàng, thêm gừng giã nhỏ, đựng trong lọ thủy tinh thành món sấu dầm, là món quà hấp dẫn không chỉ lũ học trò nhỏ mà còn khiến bao nữ sinh tha thướt với bộ trang phục quần trắng áo dài đang đạp xe tới trường cũng phải ứa nước miếng thèm thuồng. Mấy năm nay, tại các quán giải khát bình dân, bên cạnh cốc chè đen đá, cốc thạch đen, thạch trắng, chân châu, chanh muối... ta lại được thưởng thức cốc sấu đá. Quả sấu xanh lớn hết cỡ đã gọt vỏ được cho vào nồi nước rau muống luộc để có bát canh chua, hoặc dầm vào bát nước mắm ớt chấm rau. Rồi bát canh chua thịt nạc, hoặc sườn nấu sấu còn bốc khói bày trên mâm cơm giữa buổi trưa hè nóng nực sao mà hấp dẫn.


quaSauHaNoi2.jpg



Nhưng quả sấu xanh “lên giá” nhất khi được các bà, các chị cạo sạch vỏ chế biến thành những quả ô mai chua chua, ngòn ngọt sau khi đã được ướp bao loại gia vị, rồi được sấy tới một độ khô vừa phải, sao cho quả ô mai vẫn mềm mà lại bảo quản được cho tới vụ sấu năm sau.

Những ai đã từng nhiều năm ở Hà Nội, phải xa nơi đây, mỗi dịp hè về không khỏi nhớ nhung vị chua, vị ngọt của quả sấu chẳng khác gì thu về nhớ cốm làng Vòng và chuối chín trứng cuốc.

(Theo Nhân Dân)
 
Hương vị sấu
Quả sấu nhỏ, một món ẩm thực đơn giản, rất bình dân, nhưng vị chua thì đã thấm sâu vào trong hồn người Hà Nội, nên khi đi đến bất cứ nơi đâu, nghe tiếng gõ cửa của mùa hạ, họ chợt thảng thốt một hương vị rất xa rất gần: hương sấu… Cho thêm bát canh nước sấu nữa em ơi!



- Đây cũng thêm bát nữa!

Mấy cô phục vụ quán cơm chạy đôn chạy đáo, nồi nước muống dầm sấu cạn khô. Anh khách giọng miền Trung than vãn: "Tưởng chạy ra đây trốn được cái gió Lào, ai ngờ gió Lào trong nớ lại còn thổi ra tận Hà Nội". Anh "chơi" luôn một lúc 2 bát nước canh sấu khiến mấy người bạn "mất phần" cáu luôn: "Đúng là cái thằng chặt to kho mặn".

Lại thêm một bàn giục về canh nước sấu. Bà chủ quán làu bàu: "Ngày mai nếu trời còn nóng thế này thì sấu Hà Nội đâu có đơm quả cho kịp".

Một người khách ở bàn bên cạnh buông một câu vu vơ: -"Hình như nước mình mỗi Hà Nội là trồng sấu nhỉ?".


quaSauHaNoi1.jpg



- Ai bảo thế, rừng Cúc Phương quê tôi rất nhiều những cây sấu trăm tuổi - một người khách từ bàn khác lên tiếng. Được thể, anh làm luôn: "Những cây sấu của Hà Nội có quê quán ở Ninh Bình đấy".

Thiện, người từng được gọi là "nhà sấu học" bởi anh rất am hiểu về loại cây này. Thiện thâm trầm ít nói kiểu kẻ sĩ Thăng Long, nhưng khi nghe chuyện sấu, dù chỉ ở một cái quán tạm cũng thấy "ngứa nghề": "Anh nói không đúng rồi, cây sấu Hà Nội do người Pháp ươm và trồng để tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc Pháp ở Hà Nội từ cuối thế kỉ XIX".

Tại quán cà phê trưa hôm ấy, chúng tôi gọi nước sấu đá. Xung quanh, những đôi tình nhân hay những cặp hẹn hò cũng mỗi người một ly sấu. Thiện bắt đầu câu chuyện của một "nhà sấu học": Ngày xưa, những người phụ nữ đảm đang của Hà Nội, sau những ngày công việc tất bật vẫn có thời gian cho những việc vặt, và việc "vặt" nhất khi mùa hè đến là dầm sấu với đường lấy nước.

Nhịp sống hối hả hôm nay, những người vợ sau một ngày đi làm ở cơ quan về, tắm gội và làm đẹp, nghĩ đến nước sấu may ra chỉ đến các quán giải khát. Mà dầm sấu không khó: lấy quả sấu rửa sạch, gọt vỏ, tiện thành hình xoắn ốc, ngâm nước vôi ít phút cho sạch nhựa, chần qua nước sôi cho mềm. 1kg đường ứng với 3kg sấu, thả thêm ít gừng giã nhỏ, khoảng 3 đến 4 ngày là có thể có ly nước sấu chua chua, cay cay, ngọt ngọt rất quyến rũ. Trong cái nắng hầm hập, một ly nước sấu đá làm dịu da dịu thịt, chúng ta vừa uống nước lại vừa nhấm nháp quả sấu dầm.


quaSauHaNoi2.jpg



Vào hè, người Hà thành rất ít ngậm ô mai, trừ ô mai sấu. Ô mai sấu làm khá công phu: phơi khô quả sấu già, chín. Sau đó đem ngâm đường một ngày rồi đem đi ngâm muối và ủ với gừng giã nhỏ. Những công tử bột Hà Thành hay những tiểu thư lần đầu xa Hà Nội sợ say tàu xe, mẹ thường bỏ vào túi ít ô mai sấu ngậm chống say, chống gió độc.


thuongViSau1.jpg



- Sấu Hà thành tập trung nhiều ở đường phố nào nhỉ?

- Nếu là sấu cổ thụ, thường ở phố Lý Nam Đế. Sấu thẳng và sung mãn, thì là ở đường Trần Phú. Nhưng đường phố hồ như chỉ có trồng sấu, là đường Phan Đình Phùng.

- Cậu có biết Hà Nội có bao nhiêu cây sấu không?

- Trước đây 10 năm, toàn thành phố có 1.475 cây, sau đó có 1 cây bị gió lớn đánh ngã, còn 1.474. Nay cũng chỉ còn gần 1.400.

- Tại sao cậu lại được bạn bè gọi đùa là "nhà sấu học"?

- Mình đọc trang văn Nguyễn Tuân, nhớ mãi hình ảnh những người lính Thủ đô với chùm lá ngụy trang bằng lá sấu, và trong số họ, có người chú ruột của mình. Và chú đã nằm lại chiến trường cùng với tuổi hai mươi mãi mãi...

Chúng tôi nhìn lại mình, hình như, tuổi hai mươi cũng đã đi qua chúng tôi tự bao giờ!

Còn một điều sau này Thiện mới kể, là tuổi thơ của anh gắn với những gốc sấu già. Ngày xưa, anh thường trèo me trèo sấu như một thú vui trẻ thơ và có cảm tình với một cô bé cùng khu phố. Cô bé ấy nhà rất nghèo, bố đi nước ngoài và lấy vợ luôn bên đó, người mẹ vì bệnh tật mà phải bán nhà và không biết mẹ con họ đã đi đâu về đâu. Không còn bạn trèo sấu, cứ thế anh để tuổi thơ trôi qua tầm tay, chỉ kịp giữ lại vị sấu chua mộc mạc và cảm thấy nao lòng mỗi khi tiếng ve râm ran đầu ngõ…

Chỉ thế thôi cũng đủ nhớ, đủ lặng người với bất cứ ai đã sống và yêu Hà Nội khi xa mảnh đất này.




MonngonHanoi.com
 
Quả sấu - Vị thuốc mùa hè


Quả sấu là loại quả của cây sấu được bán rất nhiều tại các chợ ở miền Bắc Việt Nam, có giá rẻ và dễ mua. Khi còn xanh, quả sấu được dùng để nấu canh chua, ngâm nước uống. Quả chín được dùng làm ô mai sấu, làm sấu dầm, tương giấm... Các sản phẩm chế biến từ quả sấu được nhiều người Việt Nam ưa thích, đặc biệt là phụ nữ.





Cây sấu có danh pháp khoa học là Dracontomelon duperreanum thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae). Là loại cây sống lâu năm lá thường xanh, bán rụng. Sấu còn tên gọi là sấu trắng, long cóc...


Cây có thể cao tới 30m. Ra hoa vào mùa xuân - hè và có quả vào mùa hè - thu. Quả được thu hái vào khoảng tháng 7 - 9 hằng năm. Quả để tươi để nấu canh hay lấy cùi thịt quả làm tương giấm hay mứt sấu, ô mai sấu, sấu dầm... Song cũng giàu dược tính nên trong Đông y có sử dụng làm thuốc trị liệu một số bệnh chứng đạt hiệu quả.

Đông y cho rằng quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa..., mỗi lần uống từ 4 - 6g cùi quả.

Mùa hè quả sấu thường được sử dụng nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng. Hoặc khi luộc rau muống ta thường cho sấu quả xanh vào làm canh chua ăn vừa ngon miệng lại có tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích làm tăng tiêu hóa. Quả sấu chín ăn làm thuốc giải khát. Quả sấu, dấm, gừng, đường, ớt dầm với nhau ăn tạo thành món ăn có tác dụng tiêu thực.

Quả sấu cũng được sử dụng làm thuốc trị nhiệt miệng, giải khát, giải say rượu. Trị phong độc nổi khắp mình mẩy, mụn có, sưng lở, ngứa hoặc đau... Lá dùng nấu nước rửa chữa mụn loét hoại tử. Vỏ thân cây sấu sử dụng làm thuốc trị bỏng và tử cung xuất huyết v.v. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn sử dụng quả sấu giã ra trị ngứa lở, ăn uống không tiêu, còn vỏ rễ cây được làm thuốc trị sưng vú ở phụ nữ.

Để tham khảo, xin giới thiệu một vài phương thuốc tiêu biểu được sử dụng từ cây sấu.

* Phụ nữ nôn nghén: Lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn cũng chóng lành.

* Chữa chứng ho: Dùng 400g cùi sấu ngâm với ít muối hoặc sắc lấy nước cho chút đường đủ ngọt, uống 2 - 3 lần trong ngày. Hoặc lấy hoa, quả sấu sắc với 300ml nước còn lại 100ml, chia ra 2 - 3 lần uống trong ngày.

* Chữa ho cho trẻ em: Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.

* Làm tăng cường tiêu hóa: Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn.

* Chữa say rượu, lở ngứa: Dùng 4 - 6g cùi quả sấu sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi mà uống.


Theo Honglam.vn





https://honglam.vn/
 
NB cũng có viết một bài về quả sấu. Hì hì... món quà dân dã nhưng đậm đà hương vị... món quà dân dã cho nhiều người, đặc biệt nhất lứa tuổi học trò...
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top