Phương pháp ký hiệu:
Ký hiệu là một phương pháp biểu hiện bản đồ đặc biệt được dùng để chỉ rõ vị trí phân bố của các đối tượng, không phản ánh được trong tỷ lệ bản đồ hoặc chiếm diện tích nhỏ hơn diện tích mà ký hiệu chiếm, nói chung là để phản ánh các đối tượng phân bố thành điểm.
Về hình dáng các ký hiệu có thể chia ra: ký hiệu hình học, ký hiệu chữ và ký hiệu trực quan.
Ký hiệu hình học: có các hình vẽ hình học đơn giản nhất (hình tròn, vuông, tam giác, chữ nhật, thoi, quạt,…), chúng dễ dùng, dễ nhớ, chiếm diện tích tương đối nhỏ, chỉ rõ vị trí phân bố của đối tượng, dễ so sánh về độ lớn. Số lượng hình đơn giản thường không lớn nhưng số lượng ký hiệu có thể tăng lên khi sử dụng các màu sắc khác nhau và thay đổi các hình vẽ bên trong ký hiệu.
Ký hiệu chữ: đó là 1 hay 2 chữ đầu tiên trong tên gọi của đối tượng (ví dụ như dùng chữ Ti để biểu thị mỏ Titan, chữ U để biểu thị mỏ Uranium,…). Ký hiệu chữ được sử dụng hạn chế vì chúng có thể làm rối bản đồ, không nêu chính xác vị trí phân bố của các đối tượng, khó so sánh về độ lớn, đặc biệt là các chữ có độ rộng và mặt hình vẽ khác nhau. Các ký hiệu chữ được sử dụng khi cần phân biệt rõ một loại đối tượng nào đó. Việc so sánh các ký hiệu chữ và định vị chúng sẽ dễ dàng nếu như các chữ được viết vào trong một hình vẽ hình học nào đó. Trong trường hợp đó kết hợp được những ưu điểm của cả 2 loại.
Ký hiệu trực quan: gợi nhớ hình dáng cử đối tượng được biểu thị gồm ký hiệu tượng trưng và ký hiệu tự nhiên (hay còn gọi là ký hiệu nghệ thuật)
Các ký hiệu tự nhiên không thuận tiện khi so sánh và định vị các đối tượng, chúng cồng kềnh và chiếm nhiều vị trí ngay trên các bản đồ đơn giản nhất. Tuy nhiên, những bản đồ này thường gặp trên những bản đồ-áp phích, ở đây chúng dễ đập vào mắt, dễ nhận ra từ khoảng cách lớn.