Phong tục Tết của người Dao đỏ.
Đồng bào người Dao Đỏ chiếm 96% dân số trên địa bàn xã Tân Phượng (huyện Lục Yên – tỉnh Yên Bái). Vốn có bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo, nên Tết của người Dao đỏ ở xã vùng cao này cũng mang nhiều nét đặc trưng cho đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Đến nay, dù đời sống đã phát triển hơn về mọi mặt, song đồng bào người Dao đỏ Tân Phượng vẫn giữ được những phong tục đón Tết truyền thống, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn xã nói riêng và huyện Lục Yên nói chung.
Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ Tân Phượng đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Với tâm niệm Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau 1 năm lao động vất vả, và cũng là để báo với tổ tiên tất cả chuyện vui buồn xảy ra trong năm, nên ngay từ tháng 8, tháng 9 âm lịch, bà con đã bắt đầu nuôi lợn, nuôi gà để dành riêng cho những ngày Tết. Đến khoảng ngày 20 tháng Chạp, hầu hết các gia đình đều gác lại công việc làm ăn để chuẩn bị đón Tết. Cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng người Dao đỏ không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niện. Nhừng ngày này, cả gia đình cùng tập trung dọn dẹp cửa nhà, vườn tược, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để dùng trong những ngày Tết. Mọi việc phải được làm tươm tất trước ngày 30 Tết, vì ngày cuối năm cả gia đình đều phải tập trung để làm lễ quét nhà và lau dọn bàn thờ tổ tiên, quét đi những điều không may mắn của năm cũ. Sau đó gia chủ làm cơm để cúng tất niên. Mâm cỗ ngoài bánh chưng, loại bánh gù đặc trưng của người Dao, thịt lợn, thịt gà, rượu, thường có thêm đĩa bánh dày hoặc bánh nếp gói trong lá chít.
Người Dao đỏ không tự làm lễ mà mời thầy cúng, hoặc những người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn, để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ. Và mời “ma nhà”, gồm có ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò lợn gà khỏe mạnh. Sau bữa cơm tất niên, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước được đun với lá và rễ cây, mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa. Đêm giao thừa, khác với người Kinh có tục đi hái lộc cầu may, người Dao đỏ không ra khỏi nhà, mà cả gia đình quây quần bên nhau đón chờ giờ khắc giao thừa thiêng liêng, tất cả mọi người cùng chúc Tết và mừng tuổi nhau.
Sáng mùng 1 Tết, mọi người đều dậy thật sớm, chuẩn bị 1 bữa cơm tươm tất để làm lễ cúng đầu năm mới. Cũng có tục xông đất như người Kinh, nhưng người Dao đỏ đón khách xông nhà bằng 6 chén rượu. Trước tiên, chủ nhà rót 4 chén tượng trưng cho tứ quý trong năm, chủ và khách cùng uống để cầu chúc những điều tốt lành trong năm mới, sau đó rót tiếp 2 chén để mời và chúc nhau sức khỏe, những điều may mắn, tốt lành. Người Dao đỏ đặc biệt coi trọng việc chọn giờ và hướng xuất hành đầu năm. Từ chiều 30 Tết, sau khi chọn được giờ tốt và hướng xuất hành hợp với họ nhà mình, người Dao đỏ chuẩn bị 1 bó hoa tươi, thường là hoa đào, hoa mơ hoặc hoa mận, đem đặt sẵn trên đường theo hướng sẽ xuất hành đầu năm. Sáng mùng 1 Tết, mỗi thành viên trong gia đình đều phải đem theo 1 tờ tiền hoặc vàng âm phủ để đốt ngày khi ra khỏi nhà, với tâm niệm đốt đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn. Trên đường về, người chủ nhà sẽ lấy bó hoa hôm trước, nhặt theo vài viên đá đem về, với quan niệm hòn đá tượng trưng cho của cải tiền bạc, hoa tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở sẽ theo về trong năm mới.
Ngày mùng 1 Tết, người Dao đỏ cũng thường dành để đi thăm hỏi, chúc Tết mọi gia đình trong họ tộc và những nhà thân cận. Từ ngày mùng 2, mọi người được tự do đi chúc Tết bạn bè gần xa, đi chơi xuân. Già trẻ, gái trai nô nức kéo nhau về nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng, thường là một bãi đất rộng, và nay là nhà văn hóa thôn bản. Tại đây, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc, của thôn bản mình. Lớp thanh niên thì chia thành từng tốp để ca hát, nhảy múa và chơi các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, ném còn, kéo co. Đặc biệt, đây chính là dịp để những chàng trai, cô gái người Dao gặp gỡ, dò hỏi và ướm lời nhau qua những bài hát tỏ tình, giao duyên. Nhiều đôi đã thành vợ, thành chồng từ những buổi đi chơi xuân như thế.
Trước đây, Tết của người Dao đỏ Tân Phượng thường kéo dài tới 15 ngày. Nhưng đến nay, thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới, bà con chỉ tập trung ăn Tết từ 3 - 5 ngày. Cũng có tục làm lễ hóa vàng giống như của người Kinh, người Dao đỏ chọn ngày tốt để làm mâm cơm cúng, đốt tiền vàng tiễn “ma nhà” về với cõi âm. Sau đó, mỗi gia đình chuẩn bị 1 mâm cơm để cúng làng. Tại nơi tập trung thờ cúng của cả bản, thường gọi là “đình”, người thầy cúng có uy tín nhất được giao trách nhiệm quản lý và trông coi đình làng, sẽ lần lượt làm lễ cúng cho từng nhà. Tiếp sau đó là làm lễ cúng chung cho cả bản.
Những năm mất mùa, dịch bệnh hoặc gặp nhiều thiên tai, hạn hán, cả làng còn tập trung tổ chức Hội cầu mùa hoặc cầu may, cầu cho mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn gà khỏe mạnh và lớn nhanh; cầu sức khỏe, hạnh phúc và ấm no cho tất cả mọi người, mọi nhà. Lúc này, không khí Tết đã bắt đầu lắng xuống, nhà nhà lại chuẩn bị lấy dao, lấy cuốc, cái cày, cái bừa ra mài cho thật sắc; tra lại cán cho chắc tay để lên nương, ra đồng. Bà con tiếp tục một năm miệt mài và hăng say lao động, trong dư âm của bầu không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân. Với ngập tràn niềm tin, niềm hi vọng vào một năm mới suôn sẻ, thuận lợi và nhiều thành công mới.
Nguồn: Sưu tầm