Hướng dẫn Phong trào cách mạng 1930- 1931 và 1936- 1939 là hai cuộc tổng diễn tập cho cách mạng tháng 8/1945.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh là một phong trào quần chúng tự giác và rộng lớn chưa từng có ở Đông Dương, tiến công vào dinh luỹ của chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai. ảnh hưởng của cao trào vang dội khắp Đông Dương và các thuộc địa. Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo , là bước cần thiết chuẩn bị cho thắng lợi Cách mạng Tháng 8/1945.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời kỳ 1936-1939 phong trào đấu tranh cách mạng diên ra sôi nổi, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, thông qua cao trào cách mạng khẳng định đường lối đánh đổ đế quốc và người cày có ruộng tiến lên chủ nghĩa xã hội là chính xác. Vận dụng trong thời kỳ 1936-1939 là chống bọn phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh , đòi quyền dân sinh dân chủ, đó là những mục tiêu trước mắt phù hợp với tình hình so sánh lực lượng , trình độ giác ngộ và khả năng đấu tranh của quần chúng , nhằm tạo điều kiện thuận lợi mới để tiến lên đấu tranh cho
mục tiêu lâu dài.

a. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất:

- Mặc dù cuối cùng vẫn bị thất bại, song phong trào cách mạng 1930- 1931 mà đỉnh cao là XVNT là thuận lợi đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển tiếp theo của cách mạng. Phong trào đã tạo ra những nhân tố đầu tiên đảm bảo cho thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp cách mạng.

- Phong trào đã khẳng định thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng qua phong trào này, uy tín của Đảng được xác lập trong quần chúng, phong trào chứng tỏ đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng cơ bản của nhân dân là “ Độc lập dân tộc” và “
Người cày có ruộng

Một kết quả to lớn nữa là phong trào đã xây dựng được khối liên minh công nông, cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản, khối liên minh công nông là nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng sau này.

- Qua phong trào, lần đầu tiên quần chúng đã tạo ra một hình thức chính quyền mới, một mô hình xã hội mới ở nước ta.

- Trong quá trình đấu tranh, đội ngũ cán bộ được thử thách và rèn luyện…

- Phong trào đã khẳng định sự trưởng thành của giai cấp công nhân, uy tín của Đảng được nâng cao trong phong trào Cộng sản và công nhân Quốc tế.

- Cao trào cách mạng 1930- 1931 đã để lại những bài học kinh nghiệm quí giá:

+ Bài học về
vai trò lãnh đạo của Đảng

+Bài học về thực hiện liên minh công- nông

+ Bài học về sử dụng bạo lực cách mạng

+ Bài học về xây dựng chính quyền.

Chính vì những lẽ trên, phong trào cách mạng 1930- 1931 mà đỉnh cao là XVNT là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất cho cách mạng tháng Tám 1945.

b. Phong trào cách mạng 1936- 1939 là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai.

- Nếu như phong trào cách mạng 1930- 1931 đã tạo ra những nhân tố cơ bản đảm bảo cho thắng lợi cách mạng tháng 8.1945, thì phong trào cách mạng 1936- 1939 lại tiếp tục bồi bổ và phát triển những nhân tố đó lên một bước cao hơn.

- Thông qua phong trào này Đảng đã được trưởng thành thêm về tư tưởng và tổ chức. Nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác- Lê Nin ngày càng thêm thấm nhuần trong tư tưởng, hành động của các đảng viên cộng sản đã ăn sâu, toả rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đảng đã xây dựng và phát triển được một đội ngũ cán bộ có năng lực giàu kinh nghiệm, đồng thời phát triển thêm các tổ chức cơ sở, tăng cường mối dây liên hệ với quần chúng. Qua phong trào nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng, trình độ giác ngộ của đảng viên và uy tín của đảng được nâng lên một bước rõ rệt.

- Cùng với sự trưởng thành của đảng, lực lượng cách mạng cũng lớn mạnh không ngừng, qua thực tế đấu tranh đảng đã xây dựng một đội quân chính trị hùng hậu gồm hàng triệu người ở cả thành thị và nông thôn tập hợp trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi đó là Mặt trận dân chủ Đông Dương, cũng qua đấu tranh mà quần chúng cách mạng được tôi luyện và thử thách dày dạn.

- Phong trào cách mạng 1936- 1939 còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí giá cho giai đoạn cách mạng sau:

+ Đó là bài học về tổ chức, tập hợp quần chúng đấu tranh.

+ Bài học về sử dụng hình thức và phương pháp đấu tranh phong phú, về khẩu hiệu đấu tranh…

- Phong trào cách mạng 1936- 1939 đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa Đảng và quần chúng cách mạng bước vào thời kỳ đấu tranh trực tiếp giành chính quyền. Vì vậy, đây là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai chuẩn bị cho cách mạng tháng 8 -1945
 
Sửa lần cuối:

Cách mạng Tháng 8 và Nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 do Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình, là thắng lợi đầu tiên của một nước thuộc địa, giành lại độc lập. Thắng lợi đó khẳng định chân lý mà Hồ Chí Minh nêu rõ trong Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cách mạng Tháng Tám đánh đổ chế độ phong kiến đã suy tàn, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới, không phải để cai trị dân mà để phục vụ nhân dân. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, mà nội dung chủ yếu là đất nước độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có nhiều nguyên nhân, trong đó nhân tố hàng đầu là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sự lãnh đạo đó trước hết là sự hoạch định đúng đắn Cương lĩnh, đường lối cách mạng. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước. Người đã cùng Trung ương Đảng phát triển, bổ sung đường lối giải phóng dân tộc, một tư tưởng lớn đã được xác định từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930). Sự phát triển về đường lối được nêu bật tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt quyền lợi của bộ phận, của giai cấp dưới lợi ích và sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Tập hợp, đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc, phát triển lực lượng chính trị trong Mặt trận Việt Minh, từ đó xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng. Đi từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, xây dựng Nhà nước cộng hòa dân chủ Việt Nam. Chú trọng phát triển tình thế cách mạng và nắm bắt thời cơ. Xây dựng Đảng vững mạnh bảo đảm sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng. Nội dung cơ bản đó của đường lối tiếp tục được phát triển sáng tạo, cụ thể hóa tại Hội nghị Thường vụ Trung ương (2-1943), Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đ.C.S.Đ.D Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945) và nhất là Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào - Tuyên Quang (14 - 15-8-1945). Đường lối cách mạng đúng đắn đã dẫn dắt phong trào cách mạng của toàn dân tộc phát triển mạnh mẽ bảo đảm đi đến thắng lợi.


Đảng coi trọng phát triển thực lực cách mạng, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa nhân tố chủ quan, khách quan, thời cơ và nguy cơ. Đảng nhận thấy rõ, cách mạng của ta phải do ta tự làm lấy, vì vậy phải có sức mạnh. “Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi”. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đồng thời Đảng coi trọng sự ủng hộ từ lực lượng bên ngoài, khi xác định cách mạng Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát-xít. Tháng 8-1942, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của lực lượng Đồng minh, chống quân Nhật xâm lược. Đầu năm 1945, Người lại sang Trung Quốc với sứ mệnh đó. Yếu tố bên ngoài là quan trọng, song Hồ Chí Minh cho rằng sự đồng tâm hiệp lực của dân ta mới là quyết định. Người kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng phân tích sâu sắc tình hình trong nước và chiến tranh thế giới thứ II để đi đến khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Thời cơ thuận lợi chính là lúc cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước từ miền núi, nông thôn đồng bằng đến đô thị; quân phiệt Nhật tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh ngày 15-8-1945 và chính quyền phong kiến, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim suy yếu, hoang mang cực điểm; Trung ương Đảng và các tổ chức đảng trong cả nước đã sẵn sàng đưa toàn dân vào hành động cách mạng với nguyên tắc chỉ đạo: tập trung, thống nhất, kịp thời. Khi thời cơ chín muồi cũng là lúc xuất hiện nguy cơ cần phải ngăn chặn, vượt qua. Thực dân Pháp lợi dụng sự thất bại của Nhật, tìm cách quay lại khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương như trước ngày 9-3-1945. Các nước Đồng minh theo phân công của Hội nghị Pôt-xđam (Đức) tháng 7-1945 vào giải giáp quân Nhật nhưng có âm mưu xâm chiếm và chia cắt nước Việt Nam. Việc giành chính quyền thành công trọn vẹn trong nửa cuối tháng 8-1945 là mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật chớp thời cơ và do đó đã ngăn chặn được nguy cơ mới đe dọa vận mệnh của dân tộc.



Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương có ý nghĩa quyết định toàn cục, đồng thời cần phải nhấn mạnh tới tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao của đảng bộ các địa phương, của những cán bộ, đảng viên tiêu biểu. Chỉ với gần 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo hơn 20 triệu đồng bào cả nước làm nên chiến công có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Lịch sử mãi mãi ghi công những cán bộ, đảng viên kiên trung cùng sự hy sinh, chiến đấu của toàn dân. Khởi nghĩa ở Hà Nội 19-8-1945 với vai trò của các đồng chí: Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Nguyễn Huy Khôi, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân… Cuộc khởi nghĩa ở Huế 23-8-1945 có sự lãnh đạo của Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh… Khởi nghĩa ở Sài Gòn 25-8-1945 gắn liền với vai trò của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu và nhiều đồng chí khác. Đảng bộ và các đồng chí lãnh đạo các địa phương khác cũng đã chủ động hành động như thế. Sự vùng dậy của cả một dân tộc vì độc lập, tự do với những người cộng sản dẫn đầu mãi mãi là hình tượng cao đẹp của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với các thời kỳ cách mạng tiếp theo, nhất là với công cuộc đổi mới hiện nay. Đổi mới bắt đầu từ sự khởi xướng và hoạch định đường lối từ Đại hội VI của Đảng (12-1986). Trải qua 30 năm đổi mới, đường lối, Cương lĩnh của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với đường lối đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng. Hiện nay, cơ hội cho sự phát triển đất nước là rất lớn khi ta đang đi trên con đường đúng với sự lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng và Nhà nước; thế và lực của đất nước đã tăng lên rất nhiều; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả.
Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ những nguy cơ và thách thức trên con đường đổi mới. Đó là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa cả trong nhận thức và hành động. Nền kinh tế còn có những mặt yếu kém, quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp. Tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn như mong muốn. Sự chống phá của các thế lực thù địch rất quyết liệt với âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tình hình đó đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, kiểu mẫu như mong muốn của Bác Hồ. Chỉ như vậy, Đảng mới xứng đáng với sự kính trọng, tin cậy của nhân dân và toàn dân tộc, thực hiện được sứ mệnh vẻ vang, lãnh đạo đẩy mạnh đổi mới toàn diện, đồng bộ, xây dựng, phát triển bền vững đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top