PHONG THỦY TRONG KIẾN TRÚC NHÀ Ở
“Ngôi nhà - tổ ấm, nơi chốn để bảo vệ con người trước các điều kiện thiên nhiên và tạo dựng điều kiện giao tiếp xã hội, luôn là yếu tố cơ bản cho một cuộc sống ổn định và phát triển…”
“Ngôi nhà - tổ ấm, nơi chốn để bảo vệ con người trước các điều kiện thiên nhiên và tạo dựng điều kiện giao tiếp xã hội, luôn là yếu tố cơ bản cho một cuộc sống ổn định và phát triển. An cư mới lạc nghiệp – ngôi nhà cho mình và cả thế hệ sau luôn hướng đến một chữ An, tức là thích ứng trước các biến động thiên nhiên, bình yên với thời gian và hoà hợp tốt với các thành viên cư trú. Đó cũng chính là quan niệm cơ bản khi ứng dụng phong thủy trong kiến trúc nhà ở.” Xin mượn lời của ThS.KTS. Hà Anh Tuấn để mở đầu cho chủ đề Phong thủy trong kiến trúc nhà ở của Không Gian Sống kỳ này.
Phong Thủy thực chất là hệ thống tổ chức không gian theo các quan điểm văn hóa và triết học Phương Đông. Nội dung chính của Phong Thủy bao gồm các kiến thức và ứng dụng trong xử lý, chọn lựa hoàn cảnh cư trú, từ phạm vi hẹp như một căn phòng, ngôi nhà, đến rộng hơn là cả khu nhà, đô thị, cho đến quốc gia, vùng lãnh thổ…. Khoa học hiện đại đang nhìn nhận phong thủy là khoa học tổ chức cảnh quan phù hợp với môi trường sinh thái và xã hội.
ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu của Phong Thủy là hướng tới tìm kiếm nơi cư trú an lành của con người, liên quan chặt chẽ đến kiến trúc (Architecture) trong đó bao gồm 3 nhánh chủ yếu là kiến trúc đô thị (Urban Planning), kiến trúc công trình (Building), và kiến trúc cảnh quan (Landscape). Những nhà nghiên cứu thuộc ngành khác sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc áp đặt phiến diện khi tiếp cận phong thủy trong kiến trúc chính vì tính hệ thống của phong thủy được xây dựng và giải mã trên nền tảng hệ thống ngôn ngữ, ký hiệu của chuyên môn kiến trúc. Nói cách khác, nhà chuyên môn về kiến trúc sẽ giải quyết các vấn đề bao gồm cả nội hàm phong thủy lẫn công năng, kinh tế và thẩm mỹ, trong khi các ‘thầy’ phong thủy thường chỉ biết đưa ra những ‘chỉ định và chống chỉ định’ đơn thuần, gây khó khăn và lo lắng cho chủ đầu tư.
Đằng sau lớp vỏ bề ngoài về hình khối, màu sắc, xếp đặt, vật liệu…của mỗi công trình, thì bản chất của Phong Thủy phương Đông mà chúng ta đang được thừa hưởng và áp dụng là Triết học, dựa vào nền tảng Kinh Dịch và hệ thống Địa lý – Thiên Văn được các bậc tiền nhân tích hợp qua thời gian. Nơi cư trú an lành vì thế không chỉ là một tập hợp vật chất và kỹ thuật, mà còn bao hàm cả ý nghĩa nhân sinh, thậm chí tâm linh. (ThS. KTS Hà Anh Tuấn).
Cùng với các KTS khác, chuyên mục Diễn Đàn kỳ này sẽ gửi đến quý độc giả những hiểu biết cơ bản nhất về phong thủy cũng như cách ứng dụng của nó vào kiến trúc nhà ở để giúp chúng ta có một nơi an cư thực sự thoải mái và đem lại tịnh vượng.
ThS. KTS. Hà Anh Tuấn
Giảng viên Khoa Kiến Trúc- Đại Học Kiến Trúc TP.H
Chuyên viên Phong thủy - Cty TV-TK-XD Kiến Xanh
TÁC ĐỘNG CỦA PHONG THỦY ĐẾN KIẾN TRÚC
Chức năng sinh thái của phong thủy khá quan trọng. Về các mặt cấp thoát nước, xoay hướng nhà đón gió lành, tạo ánh sáng thông thoáng… nếu gia chủ biết quan tâm làm tốt thì đã đạt một nửa của phong thủy rồi. Nửa còn lại là những sắp xếp, các hệ thống ký hiệu trong không gian nhằm thỏa mãn tâm lý bình ổn cho người cư ngụ.
Bố trí Phong Thủy nên được tính toán từ đầu bởi sự ảnh hưởng sâu sắc của nó đến thiết kế, thi công nhà ở. Mặt khác, phải vận dụng kiến thức liên ngành bởi phong thủy không đứng độc lập mà luôn tổng hợp các kiến thức địa lý, xã hội học, tâm lý học, mỹ học, văn hóa, kiến trúc, môi sinh, địa chất… Chính vì phong thủy khá đa dạng và gắn bó với cuộc sống như vậy nên ngày càng nhiều, nếu như không muốn nói là hầu hết các gia chủ Việt Nam khi xây nhà, mua đất đều quan tâm đến phong thủy như một phần của các vấn đề cần giải quyết.
NHỮNG ỨNG DỤNG YẾU TỐ PHONG THỦY TRONG CÔNG TRÌNH NHÀ Ở
Các dữ liệu thu thập từ thiên nhiên và xã hội được xem xét từ đầu, cụ thể là từ chọn đất, chọn hướng nhà, sau đó mới đến bố cục không gian và kỹ thuật xây cất. Ứng dụng phong thủy trong điều kiện đô thị hiện nay chịu nhiều tác động phức tạp của ô nhiễm môi trường, đất đai khan hiếm và thiên nhiên biến động. Tìm kiếm đất, ngôi nhà an lành chính là lựa chọn và giải quyết các khó khăn đó để nâng cao chất lượng không gian sống, môi trường ở.
Vấn đề Mệnh Trạch trong phong thủy luôn thay đổi tùy theo chu kỳ sinh học và biến thiên thời gian. Do vậy, không có mảnh đất, ngôi nhà hoàn hảo hoặc tồi tệ về phong thủy, mà chỉ có những hạn chế hoặc lợi điểm nhất thời. Và ngôi nhà có thể xấu với người này nhưng lại hợp với người khác, vấn đề là sự chọn lựa sao cho phù hợp.
Yếu tố Thời gian cũng cần lưu tâm, từ thời điểm khởi công (động thổ) đến dọn vào nhà ở (nhập trạch) đều liên quan mật thiết với tuổi gia chủ, chu kỳ sinh học của con người và phải được xem xét trên quan điểm phát triển bền vững. Nhà nở hậu không chỉ có ý nghĩa về không gian mà còn nhắc nhở đến sự phát triển lâu dài về sau ( hậu vận) của các thành viên trong ngôi nhà đó.
Ứng dụng phong thủy chủ yếu cần quan tâm đến các yếu tố như môi trường ngoại cảnh, chủ thể sử dụng là ai, đối tượng tiếp xúc, … nói chung là các dữ liệu về quan hệ Thời gian – Không gian. Từ đó, mới có được biện pháp cụ thể cho sắp xếp, bố cục, chọn thời điểm và phương hướng cụ thể.
Tóm lại, khi nhà chuyên môn đủ hiểu biết về phong thủy và có bản lĩnh nghề nghiệp thì việc thiết kế hài hòa phong thủy một cách khoa học chính là tiếp cận với quan điểm thiết kế kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm xâm hại đến môi trường…mà hiện nay là xu thế tất yếu trên thế giới. Tại Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia…các công trình lớn nhỏ đều có sự tham gia của chuyên viên phong thủy ở mọi công đoạn một cách hiển nhiên. Và kiến trúc sư chủ trì sẽ vẫn là người “xâu chuỗi” cuối cùng lại toàn bộ các dữ liệu để cho ra sản phẩm thiết kế đáp ứng được tối đa mong muốn của chủ đầu tư.
KTS. Bạch Thị Liên Hoa
Trưởng Bộ phận Kiến trúc công ty Ong&Ong
Một số học giả cho rằng phong thuỷ là hệ quả của một tri thức nghiên cứu về các qui luật tương tác của thiên nhiên, môi trường và là phương pháp thay đổi chỉnh sửa những hiệu ứng tương tác của môi trường lên cuộc sống của con người.
Nhưng theo quan điểm của tôi thì phong thuỷ là sự tồn tại, phát triển và tác động một cách vô hình các yếu tố tự nhiên của môi trường đến mọi hoạt động trong quá trình sử dụng công trình. Và đồng thời là kết quả của ý thức và kiểm soát chủ động của người sử dụng lên các yếu tố đó nhằm tạo ra hiệu quả sử dụng về mặt công năng, thẩm mỹ và khoa học.
TÁC ĐỘNG PHONG THỦY ĐẾN KIẾN TRÚC
Phong thủy trong kiến trúc nhà ở không chỉ giới hạn ở những ngôi nhà riêng lẻ, biệt lập mà còn bao gồm cả những dự án chung cư nữa. Và đó là điều mà chúng ta cần quan tâm đến vì hiện nay, số lượng người dân sống trong các chung cư không ngừng gia tăng. Vì thế, khi tham gia thiết kế một dự án kiến trúc, trước tiên chúng ta cần nghiên cứu vị trí khu đất, thổ dưỡng, hướng tác động…Đặc biệt, đối với một số công trình mà chủ đầu tư chỉ có mục đích phục vụ công cộng thì người thiết kế lúc này cần phải nghiên cứu thêm về thói quen, quan điểm của đối tượng khách hàng, để khi khách hàng bước vào công trình cảm thấy thoải mái, gần gũi, thân thiện với không gian phục vụ. Ví dụ như lối vào công trình phải rộng rãi, thông thoáng, hướng dẫn dắt vào công trình đôi lúc cần phải uốn lượn để giảm bớt tốc độ và giảm bớt lượng khí lưu chuyển tác động trực tiếp đến đối tượng tham gia giao thông, hoặc vị trí ra vào vệ sinh phải nằm khuất và cuối hướng gió để tránh những luồng khí xấu ảnh hưởng đến mỹ quan công năng chung (theo phong thuỷ thì đó được gọi là khí tải đối lưu).
VAI TRÒ CỦA PHONG THỦY TRONG KIẾN TRÚC
Nếu nhìn một cách trực quan thì phong thuỷ có thể được xem là một yếu tố cơ bản tác động ít nhiều đến đồ án kiến trúc. Vì theo tôi, nếu người thiết kế có kinh nghiệm thì họ luôn hình thành tư duy thiết kế một cách khoa học về những vấn đề thông thoáng, chiếu sáng, sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh đến công trình. Ví dụ như ánh sáng mặt trời, tiếng ồn từ các trục giao thông, không khí đối lưu giữa các không gian thì những yếu tố đó có thể xem là “phong thuỷ” hay theo chuyên ngành kiến trúc thì được gọi là vi tiểu khí hậu.
MỘT SỐ ỨNG DỤNG PHONG THỦY
Tôi xin đưa ra một ví dụ về một mô hình thiết kế do chúng tôi thiết kế được ứng dụng phong thuỷ. Đây là công trình showgallery cho một dự án Phức hợp Trung tâm thương mại – Văn phòng – Căn hộ tại Đồng Nai. Vị trí đất của showgallery dài khoảng 100m, rất gần đường quốc lộ với giao thông tương đối dày đặc và khoảng lùi rất thấp.
Tạo điểm nhấn và nút giao thông ra, vào công trình, chúng tôi đã thiết kế một hồ nước ở lối vào. Nước mang tính tĩnh, trung hoà luồng giao thông động, có tác động mạnh lên công trình. Nước và vòi phun nước còn mang đến sự sinh động, tạo cảm giác chào đón, mới mẻ đối với khách tham quan công trình và đối với người làm việc. Còn cây xanh giảm thiểu tiếng ồn và khói bụi từ xa lộ Hà Nội đồng thời tạo cảnh quan tươi mát, sinh động cho công trình. Có thể xem hàng cây ngăn cách là phương tiện giúp khí vận chuyển,chuyển đổi luồng khí ô nhiễm từ bên ngoài thành luồng khí sạch vào bên trong.
KTS. VÕ QUANG THI
Giám đốc công ty thiết kế kiến trúc Cộng Sinh
Về mặt từ ngữ thì Phong có nghĩa là gió, là hiện tượng không khí chuyển động. Thủy có nghĩa là nước, là dòng nước, tượng trưng cho địa thế.
Phong thủy là một học thuyết quan trọng tác động to lớn đến đời sống tinh thần của con người Phương Đông. Nghiên cứu về sự ảnh hưởng với thời gian, môi trường xung quanh bao gồm vị trí địa lý, cảnh quan, khí hậu, hướng gió, mạch nước đến đời sống con người và đưa ra những nghệ thuật, giải pháp nhằm khắc phục, cộng hưởng mang lại sự an toàn và vượng khí cho cuộc sống.
TÁC ĐỘNG CỦA PHONG THỦY ĐẾN KIẾN TRÚC
Nghệ thuật phong thủy hình thành từ rất sớm cùng với sự phát triển của loài người. Những kinh nghiệm cư trú được tích lũy từ đời này qua đời khác đã hình thành nên nghệ thuật phong thủy.
Con người với tư cách là một sinh vật bậc cao cũng không tránh khỏi “nỗi ám ảnh” tự nhiên về nơi trú ngụ. Thời sơ kỳ, con người chọn đất làm nhà, điều đầu tiên muốn hướng đến là sự an toàn. Chọn đất cao ráo tránh lũ lụt, thú dữ. Chọn hướng nhà để tránh mưa bão. Đón nắng, gió tốt, đảm bảo sức khỏe, niềm vui cho người cư trú.
VAI TRÒ CỦA PHONG THỦY
Phong thủy là một trong những yếu tố cơn bản của một công trình kiến trúc. Phong thủy tốt, phù hợp để tránh rủi ro, tạo nên sức khỏe, sự an tâm và vui tươi cho những người cư ngụ. Và tạo điều kiện, động lực cho sự thịnh vượng.
Vận dụng tốt nghệ thuật phong thủy là làm cho môi trường trong công trình kiến trúc tiếp nhận và hài hòa với môi trường tổng thể xung quanh, phù hợp với cá nhân từng người cư ngụ.
Theo thời gian, xã hội con người càng hiện đại với những tiện nghi ngày càng phát triển. Nghệ thuật dựa vào những lý luận cốt lõi cũng có những bước phát triển phù hợp.
ỨNG DỤNG PHONG THỦY TRONG CÔNG TRÌNH
Lê Gia Trang là một công trình mà theo tôi, sự vận dụng của yếu tố phong thủy đã mang đến những lợi ích tích cực cho gia chủ, trước nhất là sự thoải mái khi sống trong ngôi nhà này. Công trình nằm đối diện với dòng sông Hương xinh đẹp được triều Nguyễn lựa chọn làm làm minh đường cho kinh thành. Lê Gia Trang có lối kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Hơn nữa, nhà hướng về phía Nam có minh đường là sông Hương, phối hợp với màu sắc hợp phong thủy tạo nên một chữ An lớn trong tâm hồn những người cư ngụ.
Công trình mới nhất của tôi và có lẽ sẽ nhận được sự quan tâm của khá nhiều độc giả, chính là ngôi biệt thự Thảo Linh 2 của nghệ sĩ Quyền Linh. Màu sắc nhã nhặn sang trọng cùng với không gian thông thoáng ở mỗi tầng và giữa các tầng với nhau làm cho không khí lưu thông đến mọi nơi trong nhà. Ngoài ra. mặt nước ngay lối vào nhà tạo nên sự sống động làm tăng thêm tinh thần cống hiến hăng say của nghệ sĩ Quyền Linh.
KTS. THÁI PHƯƠNG NAM
Công ty thiết kế kiến trúc ARdor
Phong thủy phương Đông ngày nay trong kiến trúc đương đại có thể xem là môn khoa học lý giải các vấn đề về mối quan hệ đời sống, sự tương tác của con người đối với thiên nhiên được đúc kết từ xa xưa như các vấn đề về chọn hướng, vị trí nhà và sắp xếp môi trường sống nhằm giúp cho sinh hoạt con người như mang lại sức khỏe, điều tốt lành và thịnh vượng...
CẦN THẬN TRỌNG KHI ĐƯA YẾU TỐ PHONG THỦY VÀO CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
Tuy nhiên việc áp dụng phong thủy một cách tùy tiện, thiếu tính khoa học và hoàn toàn dựa trên yếu tố tâm linh, mê tín hoặc dựa trên sự thiếu hiểu biết, lòng tin của chủ đầu tư nhằm trục lợi, thiếu tính cơ sở là một điều nên tránh. Điều quan trọng là trước khi tiến hành một công trình nào, dù là nhà ở hay những công trình lớn hơn như chung cư, căn hộ cao cấp thì kiến trúc sư hay chủ đầu tư cần nắm vững những yếu tố căn bản về bản chất của phong thủy để có những ứng dụng thích hợp mang lại cuộc sống thoải mái cho con người.
Kiến trúc sư và người nghiên cứu phong thủy trong quá trình xây dựng ý tưởng cho chủ đầu tư nên có sự bàn bạc, thỏa hiệp để ra phương án hợp lý, linh động, tối ưu nhất, tránh xảy ra những tình huống dở khóc dở cười như: bất hợp lý về mặt công năng, dây chuyền, màu sắc… Bởi vì xét cho cùng, Kiến trúc sư vẫn là người chịu trách nhiệm chính về mặt thiết kế cho công trình.
PHONG THỦY ĐỒNG HÀNH CÙNG KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI
Phong thủy không phải là yếu tố mới trong kiến trúc nhưng có thể nói, gần đây, phong thủy mới thực sự được quan tâm nhiều trong việc thiết kế, xây dựng một công trình, đặc biệt là nhà ở. Điều này cũng bắt nguồn từ sự quan tâm của kiến trúc sư, chủ đầu tư đến cuộc sống của con người.
Yếu tố kiến trúc và phong thủy có sự đồng hành cùng nhau trong thời đại ngày nay. Để có cái nhìn thống nhất và khoa học hơn thì theo tôi, nên chăng chúng ta sẽ phải thành lập Hiệp hội những người nghiên cứu về phong thủy để đạt được sự cân bằng, hài hòa và hợp lý giữa yếu tố phong thủy và kiến trúc để không chỉ đem lại vẻ đẹp về hình thức, không gian sống của công trình mà còn thỏa mãn những yêu cầu của chủ đầu tư.
Theo Tạp chí Không Gian Sống