Phố ông đồ tấp nập người xin chữ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt và nét đẹp ấy càng trở nên có ý nghĩa khi thủ đô đang chuẩn bị đón chào 1000 năm Thăng Long. Người dân ai cũng mong xin được con chữ cầu một năm may mắn, vạn sự như ý… Những ngày đầu xuân, nhiều người dân Hà thành lại ra Văn Miếu để xin chữ nho về treo trong nhà.

Gia đình anh Hòa (Hoàn Kiếm - Hà Nội) có truyền thống ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày mùng 1 Tết hàng năm để xin chữ ông đồ. Anh Hòa cho biết, khi anh muốn điều gì thì anh xin chữ đó như chữ Phúc, Lộc, Danh.
Nhưng năm nay, gia đình anh mới có thêm cháu nhỏ, anh muốn cháu sáng dạ, thông minh nên anh xin chữ Minh. “Hơn nữa, đây là năm rất đặc biệt, kỷ niệm nghìn năm Thăng Long nên tôi xin chữ viết to hơn mọi năm để treo lâu dài ở phòng cháu” - anh Hòa nói.

Với gia đình chị Hoàng Ly (Thanh Xuân - Hà Nội) thì ngoài mục đích xin chữ đầu năm, anh chị cũng muốn con cái biết đến một nét đẹp văn hóa đẹp của người Việt.

Chính vì vậy, năm nào anh chị cũng đưa các con đến đây để cảm nhận được không khí của những ngày đầu xuân, của những sắc đỏ, giấy vàng, những nét chữ của ông đồ và nét tươi vui hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.

Chị Ly cũng tâm sự: Hi vọng rằng nét đẹp này sẽ không bị biến tướng, bị thương mại hóa quá, nếu không sẽ trở thành “mua chữ” chứ không phải là “cho chữ”. Mà như vậy, nó sẽ mất đi cảm xúc thiêng liêng của cả người xin và người cho chữ…

Xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Có người xin chữ Lộc, cũng có người xin chữ Tài, chữ Phúc, chữ Tâm.

Ngày nay, người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa, đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật có ý nghĩa về treo trong nhà - nhưng dù gì, đó cũng là một sở thích đẹp, hâm nóng thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt đã một thời bị phai nhạt.

Những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Người buôn bán xin chữ Lộc, chữ Tín. Người đi làm xin chữ Danh. Gia đình thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm. Đối với các cháu nhỏ, thầy đồ thường tặng chữ Minh…

Theo các thầy đồ, người ta xin chữ để cầu may, và cũng vì trong lòng cảm thấy cần bồi dưỡng một bản tính, một khả năng nào đó để hoàn thiện mình hơn. Chữ được đem tặng thay cho lời chúc đầu năm.

Theo thầy Cung Khắc Lược, một trong những ông đồ đã nhiều năm tặng chữ ở Văn Miếu, văn hoá chơi chữ rất cầu kỳ. Người cho chữ phải là người đạo cao, chức trọng, thần khí sẽ nhập vào chữ khiến người được cho chữ tâm niệm theo mà thành công. Thày Lược không dám nhận mình là người cao đạo mà chỉ nghĩ công việc này là "vì một chữ Tâm" đối với văn hoá cổ truyền của dân tộc.

NVH_3665.jpg

Phố xin chữ Văn Miếu đầu năm
NVH_3720.jpg

Rất nhiều các bạn trẻ cũng đã bắt đầu có thú chơi tao nhã này
NVH_3666.jpg

Chữ Đức, chữ Phúc, chữ Phát ... là những chữ được nhiều người xin nhất
NVH_3751.jpg

Chân dung một ông đồ
NVH_3670.jpg

Với bút lông và nghiên mực tàu mang lại nhiều lời chúc có ý nghĩa cho tất cả mọi người
NVH_3727.jpg

Phố xin chữ luôn là niềm thú vị với các du khách nước ngoài đầu năm mới tại Hà Nội
NVH_3712.jpg

Rất nhiều người Hà Nội, dù không mua chữ nhưng vẫn muốn ngồi nghe các ông đồ giảng chữ
NVH_3690.jpg

Một đoạn phố xin chữ
NVH_3741.jpg

Xin chữ đầu năm thu hút cả những cái đầu "chôm chôm" sành điệu
NVH_3709.jpg

Hà Nội đầu năm lạnh run, có thày phải từ bỏ quần lụa mà diện vào chiếc quần jean cho ấm
NVH_3701.jpg

Chữ lộc với dòng lạc khoản "Lộc bất tận hưởng" như một lời nhắc nhở
NVH_3762.jpg

Niềm vui đầu năm.
Theo Lan Hương - Việt Hưng - Dân Trí
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top