Phát hiện bài thơ “tiền thân” của Nam quốc sơn hà?

Hide Nguyễn

Du mục số
BBT: Căn cứ vào bài thơ “Nam Thiên dĩ định” trong bản thần tích đền Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ tỉnh Phú Thọ), nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên (Phú Thọ) đặt giả thiết rằng đây chính là “tiền thân” của bài thơ thần Nam quốc sơn hà – được coi là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của nước ta. Đây là một giả thiết lịch sử thú vị, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Xuất xứ của “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên”

Phòng tuyến sông Cầu, chiến thắng Như Nguyệt và Bản Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt mùa xuân năm 1077, là những sự kiện hùng tráng và đầy thi vị.

Sử cũ chép: “Đời Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt chống nhau với tướng Tống là Quách Quì ở sông Như Nguyệt. Đêm đến nghe có tiếng ngâm thơ ở trong đền thờ thần Tam Giang rằng (dịch):

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm
Chúng bay sẽ thất bại tơi bời.


Sau quả nhiên nhà Tống bị thua. Do có công đọc thơ đuổi giặc nên thần Tam Giang được phong là Khước địch đại vương, và đền thì gọi là đền Tam Giang khước địch thần”.


(Sách Đại nam nhất thống chí – triều Nguyễn)

Như vậy là quan niệm của sử cũ, bài thơ “Nam quốc sơn hà” là lời hịch của thần Tam Giang. Còn ngày nay thì chúng ta luận bàn rằng, bài thơ đó chính là của Lý Thường Kiệt. Ông bí mật cho người lọt vào đền thờ thần Tam Giang, nhân lúc đêm khuya thanh vắng đọc lên giả thác lời Thần để khích lệ lòng quân sĩ.

daoxa.jpg

Đền Đào Xá - nơi ra đời bài thơ “Nam Thiên dĩ định”

Như trên đã nói, theo quan niệm của người xưa thì bài thơ khước địch (đuổi giặc) là của thần Tam Giang hiển linh hộ quốc. Nhận định của giới sử học ngày nay thì tác giả bài thơ là Lý Thường Kiệt. Còn cách làm cho nó ra vẻ thần linh thì chính do ông bố trí mà thôi. Tuy nhiên giới Sử học vẫn dừng ở luận đoán mà chưa chứng minh.

Bài thơ “tiền thân”

Nhiều năm nay nghiên cứu Lịch sử địa phương, chúng tôi đã chứng minh làm rõ, nhất trí với luận đoán đó là hoàn toàn khoa học, đúng sự thật.

Trong bản thần tích thờ Đức Hải Công, con thứ 19 của Lạc Long Quân ở đền Đào Xá (xã Đào Xá huyện Thanh Thuỷ tỉnh Phú Thọ), có đoạn nói về sự linh ứng của thần là: “Đời vua Lý Nhân Tông, nhà Tống mưu mô xâm lược nước ta. Thái uý Lý Thường Kiệt đi tuần phòng để lo chống giữ. Ông cho thuyền chèo ngược sông Cái, rẽ vào đền Đào Xá mật khẩn thần linh hộ quốc. Thần hiển hiện thành rắn lớn, đi thuyền rồng lại cửa đền đọc bài thơ là:

Nam thiên dĩ định đế Nam quân
Đại đức giai do đức nhật tân
Thất quận sơn hà đô nhất thống
Tống binh bất miễn tán như vân.

Nghĩa:

Trời Nam đã định vua Nam ta
Đức lớn ngày thêm đức mới ra
Bẩy quận non sông về một mối
Tống binh tan tác tựa mây sa.

Quả nhiên, sau Thái uý cả phá quân Tống ở sông Như Nguyệt”.

Cũng vì sự tích này mà trước đây làng Đào Xá có tục bơi chải vào lúc nửa đêm ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch trên đầm Đào hàng năm, gọi tên là “Lễ hiển Thần phù vua Lý đánh giặc Tống”. Làng có 4 giáp, giáp Đông và giáp Bắc bơi chải đực màu đỏ, giáp Tây và giáp Nam bơi chải cái mầu trắng. Mỗi chải dài 16m, lòng rộng 1,3m, cao 0,8m, chia làm 12 khoang, do 24 người ngồi hai bên mạn bơi, 1 người cầm lái, 1 người đứng giữa chải cầm mõ chỉ huy bằng hiệu lệnh, 2 người đánh chiêng trống, 1 người cầm bó đuốc, 1 người đứng mũi chải phất cờ. Đúng canh ba thì vào cuộc, hai chải lặng lẽ bơi nhẹ nhàng từ bờ đầm trước cửa Đền sang phía dẫy đồi bờ bên kia chừng 1km. Khi có hiệu lệnh gọi thì hai chải quay mũi về Đền, nổi chiêng trống hò reo bật đuốc, và bơi thi cật lực. Chải nào đến cửa Đền trước sẽ được lĩnh thưởng. Đó là hèm cầu diễn lại cảnh Thần Hải công cai quản đầm Đào Xá, lúc nửa đêm hôm mồng 10 tháng 7 hiển hiện về Đền thờ Ngài ban thơ cho Lý Thường Kiệt

Đến đây chúng ta dễ dàng nhận ra bài “Nam Thiên dĩ định” là tiền thân của bài “Nam quốc sơn hà”. Vậy quá trình hình thành “Nam quốc sơn hà” ra sao?

Hai giả thiết về sự hình thành bài thơ

Giả thiết 1: Khi quan Thái uý Lý Thường Kiệt đến Đào Xá, chắc chắn các bô lão, chức dịch toàn vùng phải tập trung nghênh tiếp. Lý Thường Kiệt nói rõ cho họ biết âm mưu của nhà Tống và mục đích chuyến đi kinh lý của ông. Để chúc tụng nhà vua và chúc tụng sự nghiệp phò vua cứu nước của quan Thái uý, họ đã cùng nhau xướng ngâm bài thơ trên.

Điều lý thú là có chi tiết “Thất quận” trong câu “Thất quận sơn hà đô nhất thống” làm ta tin rằng bài thơ được ra đời trước khi xẩy ra cuộc chiến chống quân xâm lược Tống trên phòng tuyến sông Cầu, do các phụ lão địa phương ứng tác. Vì năm 1054 nhà Lý đã đặt lại tên nước là Đại Việt, chia đơn vị hành chính từ Trung ương đến địa phương. Cả nước đặt thành 24 lộ, phủ, châu; dưới là hương, giáp. Nhưng thổ hào địa phương quen hiểu đơn vị hành chính cũ từ thời trước, nên vẫn nói nước ta có 7 quận.

Từ bài thơ, mộc mạc dân dã này, Lý Thường Kiệt đem “nhuận sắc” nâng lên thành bài “Nam quốc sơn hà”.

Giả thiết 2: Bài “Nam thiên dĩ định” vẫn của Lý Thường Kiệt làm ra, ý thơ nẩy nở trong lúc hội ngộ với phụ lão làng Đào Xá. Nhưng sau đó ông giả thác nói là thơ của Thần Hải Công đem đến tặng (hoặc báo mộng). Có thể việc này đã làm cho những người xung quanh ông hào hứng. Rồi từ đây suy nghĩ của ông phát triển dần lên thành mưu kế. Một mặt ông sai phụ lão Đào Xá ghi chép lại giấc mộng của ông được Thần tặng thơ báo trước sẽ phá được quân Tống, loan truyền trong nhân dân. Một mặt ông tiếp tục tô điểm cho hay hơn. Bài thơ làm vội có tính chất khởi thảo này được ông sửa chữa thành kiệt tác “Nam quốc sơn hà”. Và đợi đến khi quân ta và quân Tống đối luỹ gay go, ông mới giao cho một người thân tín giả thác thần Tam Giang, đọc lên giữa đêm khuya. Sử cũ xác nhận rằng bài thơ Thần ấy đã gây được phấn khích tâm lý cực mạnh cho quân sĩ Đại Việt, và sự sợ hãi kinh hoàng của giặc.

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” rất có thể có nguồn gốc trước nó là bài “Nam thiên dĩ định” làm ở đền Đào Xá. Chính tại nơi địa bàn chiến lược ngã ba sông này, nhân dân vùng Đất Tổ Hùng Vương đã biểu lộ lòng trung thành với sự nghiệp giữ nước do triều Lý đứng đầu. Trước cảnh tượng non sông hùng vĩ đẹp tươi, khí thiêng chung đúc tự muôn đời, Lý Thường Kiệt đã cảm tác bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Ông đã khái quát hồn nước lòng dân viết nên bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, được công bố vào mùa xuân năm 1077 tại chiến lũy sông Cầu.

Vũ Kim Biên(nhà nghiên cứu)
Nguồn :
(TT&VH).
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top