- Thế mạnh về vị trí: ÐBSH có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác; có vị trí rất thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Hồng với ưu thế có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Đồng bằng sông Hồng còn có vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Đây cũng là vùng kinh tế năng động của cả nước.
- Thế mạnh về giao thông: ÐBSH giữ vai trò cửa ngõ phía bắc của Tổ quốc; hệ thống giao thông hiện có như: mạng lưới đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, đường sắt, cảng biển Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội,... là những đầu mối nối liền giữa ÐBSH với các vùng kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Ðịa bàn ÐBSH lại "cận kề" với nước bạn Trung Quốc (thị trường to lớn của cả thế giới) và "cách không xa" các nước vùng Ðông - Bắc Á.
- Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên: Trước hết, ở đây có các vùng sinh thái đa dạng, có cả đồng bằng, trung du và miền núi; có đồng ruộng màu mỡ với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những vùng sinh thái phong phú như vậy là điều kiện cơ bản để phát triển nền sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện. Nhờ đó, ÐBSH được mệnh danh là vựa lúa; hằng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt, thực phẩm và nhiều loại nông sản khác đứng thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long); đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực và hàng hóa nông sản xuất khẩu. Trong vùng có một số tài nguyên khoáng sản với trữ lượng rất lớn như: than đá chiếm 98%, cao lanh chiếm 40%, đá vôi chiếm 25% so với tổng trữlượng của cả nước.
- Thế mạnh về con người: Vùng ÐBSH có nguồn nhân lực lớn, trình độ dân trí cao, tập trung đội ngũ trí thức giỏi, nhân dân có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Vùng đã tập trung khoảng 26% số cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học, 72% số cán bộ có trình độ trên đại học, 23,6% lực lượng lao động kỹ thuật của cả nước. Có gần 100 trường cao đẳng, đại học, 70 trường trung học chuyên nghiệp, 60 trường công nhân kỹ thuật và 40 trường dạy nghề; hàng trăm viện nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có nhiều viện đầu ngành, hơn 20 bệnh viện đầu ngành, là một trong ba trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước; 100% số tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi quy định (mục tiêu cả nước là đến năm 2010). Thực tế cho thấy, vùng ÐBSH dẫn đầu các vùng trong cảnước về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng nghiên cứu triển khai khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Thế mạnh về du lịch: Vùng ÐBSH còn có tiềm lực lớn để phát triển mạnh ngành kinh tế du lịch. Phía đông vùng giáp vịnh Bắc Bộ, tổng chiều dài bờ biển 620 km, có tài nguyên du lịch biển đặc sắc với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan nổi tiếng. Trong vùng có động Hương Tích, được mệnh danh "thiên nam đệ nhất động", Ao Vua, Suối Hai, Tam Cốc, Bích Ðộng, Côn Sơn, Phố Hiến,... Có hơn 1.700 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, chiếm 70% số di tích của cả nước. Ðó là những cơ sở để phát triển kinh tế du lịch đa dạng, phong phú, tạo sức hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, ngoài nước đến tham quan.
Có gì cứ hỏi vừa hiểu biết lại chẳng mất tiền