Phân tích đoạn thơ đầu trong bài Con cò của Chế Lan Viên: "Con còn bế trên tay ... Sữa mẹ nhiều con

Thandieu2

Thần Điêu
Phân tích đoạn thơ đầu trong bài Con cò của Chế Lan Viên: "Con còn bế trên tay ... Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân"



Phân tích đoạn thơ đầu trong bài Con cò của Chế Lan Viên :
Con còn bế trên tay
...
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân.
(Chế Lan Viên, Con cò, SGK Ngữ văn 9 - Tập 1)



BÀI LÀM

Mỗi bài thơ hay ví như một bông hoa, hồn là làn hương vương vấn thoát lên từ bầu nhụy của câu chữ. Người ta hay nói đến sự hoài thai của một tác phẩm ... phải ấp ủ cái mầm sống mong manh ấy, phải chăm chút nâng niu nó thì cây - thơ mới ra được quả. Đọc bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, tôi có cảm giác về hai người ru, hai lời ru. Một người mẹ ru con nhỏ và một nhà thơ đang vỗ về con chữ - sinh mệnh nghệ thuật mà mình đèo bòng, mang nặng đẻ đau. Chỉ có thể với một cách thế sáng tạo như vậy, Chế Lan Viên mới viết được những câu thơ tài hoa, tinh tế mà thanh thoát, tựa như mỗi con chữ đều được chắp cánh bay lên. Trong thơ ta hiếm thấy bài thơ nào đẹp một cách vi diệu và lại có khả năng di dưỡng tinh thần con người đến vậy.

Bài thơ có ba đoạn, riêng đoạn đầu có thể đứng độc lập như một bài thơ hoàn chỉnh :

Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng ...”
Cò một mình cò phải tự kiếm ăn
Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ


Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng ...”
Ngủ yên ! Ngủ yên ! Cò ơi chớ sợ !
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng !
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết những con cò con vạc,
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân ....

Chế Lan Viên có sự tiếp thu chất liệu, thi tứ từ những bài ca dao dân ca Việt Nam nói về hình ảnh con cò. Hình tượng nổi bật ở đoạn thơ đầu và xuyên suốt cả bài thơ là hình tượng con cò. Nhưng ở đoạn đầu, hình ảnh người mẹ cứ hiện hiện trong từng lời ru, phảng phất ở từng con chữ. Cũng có thể thấy riêng ở đoạn này, người mẹ xuất hiện nhiều hơn cả, hầu như hiện diện ở mỗi câu thơ và được xưng danh trực tiếp.

Trong cấu trúc của những bài hát ru xưa thường có hai phần. Phần một để đáp ứng chức năng thực hành ru bé ngủ “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan”, “Con ơi đừng khóc mẹ sầu”... Phần hai là những lời tâm sự gan ruột của người hát ru. Phần một có ý nghĩa như bề nổi, miêu tả một thế giới của những sự vật, hiện tượng gần gũi, thân thuộc của cuộc sống hàng ngày nhằm mang đến bài học nhận biết đơn giản cho trẻ. Phần này ngộ nghĩnh, đáng yêu. Phần hai là phần chìm sâu, thường mang ý nghĩa xã hội và tiềm ẩn dư vị triết lí. Lời ru từa tựa như đang kể về một mẩu chuyện có hình ảnh thực ảo đan xen, giọng thơ miên man, chập chờn như chắp nối, đứt đoạn... (theo Đỗ Bình Trị). Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên là một khúc hát ru hiện đại. Tính hiện đại thể hiện ngay ở cấu trúc đoạn thơ và cấu trúc của cả bài thơ. Cấu trúc của đoạn đầu (có tính chất như một bài thơ trọn vẹn) có sự xâm nhập, đan xen, xuyên thấm vào nhau của hai phần trong cấu trúc bài hát ru truyền thống. Những câu miêu tả sự vật, sự việc và những lời tâm tình của mẹ. Phần miêu tả sự vật chủ yếu thuộc về những câu ca dao xưa được Chế Lan Viên trích dẫn còn phần tâm sự làm nền tảng cho đoạn thơ là những câu suy tưởng thể hiện tài năng sáng tạo của nhà thơ, đặc biệt là các câu cuối đoạn (từ “Ngủ yên ! Ngủ yên ! ...” đến “... con ngủ chẳng phân vân”).

Không chỉ thế, càng đi sâu, càng đọc kĩ văn bản tác phẩm ta càng bắt gặp nhiều điều thú vị, bất ngờ, có cảm giác như bài thơ là một bông hoa trinh khiết, nở chầm chậm, e ấp, người đọc phải cảm bằng hồn và suy ngẫm thì mới nhận ra nhan sắc của những câu thơ. Không chỉ ở đoạn thơ mà đặc biệt, cấu trúc cả bài có đặc điểm hết sức thú vị. Bài thơ mang kết cấu rất lô gic, vận động theo một tư duy liền mạch, chặt chẽ. Khổ 1 : con của mẹ chưa biết đến con cò. Khổ II : cò đến làm quen với con, cò và con gắn bó thắm thiết. Khổ III : mang tính chất khái quát, dù con ở đâu cò vẫn tìm con, cò mãi yêu con, cũng như “đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Bài thơ cũng thể hiện đặc điểm phong cách Chế Lan Viên. Tinh thần triết lí và cốt cách tư duy độc đáo trong sự lập tứ, xây dựng kết cấu.

Cả đoạn thơ đầu xoay quanh cái tứ : con - chưa - biết - con cò.

Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay

Bốn câu thơ vẽ ra một không gian riêng, một thế giới riêng có hình ảnh Mẹ bồng con. Hai câu đầu thu hẹp lại trong hình ảnh người mẹ và đứa trẻ, đó là trung tâm điểm của bức tranh. Hai câu sau bỗng mở rộng ra bát ngát nhờ vào lời ru của mẹ. Lời mẹ hát như cơn gió mát toả ra khắp không gian. Chỉ bốn câu thơ nhưng đủ sức khêu gợi trí tưởng tượng về một không gian bình yên đẹp đẽ. Tâm điểm của bức tranh thơ là hình ảnh người mẹ đang ôm đứa con nhỏ, ru cho con ngủ. Lời hát của mẹ như bay lên, bay cao, bay qua những miền trần gian mênh mông. Có cánh cò bay trên không gian bao la yên ả và cánh cò lãng đãng bay trong lời ru dìu dặt, thiết tha, êm đềm của mẹ.

Bốn câu thơ này cho đến sáu câu thơ tiếp theo có cùng một hơi thơ, một giọng điệu chung. Mười câu của đoạn chảy theo mạch êm dịu, thanh thản, hiền hoà. Sáu câu thơ sau thì có bốn câu bốn chữ được lấy trực tiếp từ ca dao dân ca :

“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng ...”
Cò một mình cò phải tự kiếm ăn
Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ

Ý thơ song song liên hệ đối chiếu nhau giữa câu trên và câu dưới : “cò một mình” còn “con có mẹ”.

Từ câu thơ cuối này ngược lên trước là một thế giới sự vật đơn giản, hiền hoà, ngộ nghĩnh. Như vậy chỉ xét riêng đoạn một, sự tổ chức cấu trúc thơ cũng được Chế Lan Viên dụng công. Đoạn thơ có thể chia đều thành hai nửa : Mười câu đầu và mười câu cuối. Mười câu sau giọng thơ thoắt trở nên da diết, khắc khoải. Bốn câu dẫn từ ca dao có tính chất khác hẳn bốn câu trước. Một bên có âm điệu êm đềm thanh thoát, một bên nương theo cái nhịp rưng rưng sâu lắng và đa cảm. Đó cũng là tính chất của mỗi nửa đoạn thơ. Sự lựa chọn phù hợp này thể hiện cảm quan tinh tế nhạy bén của hồn thơ Chể Lan Viên trong việc tiếp thu truyền thống thơ ca dân tộc.

Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng ...
Ngủ yên ! Ngủ yên ! Cò ơi chớ sợ !
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng !
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết những con cò con vạc,
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân ...

Tứ thơ vận động sang một không gian nghệ thuật khác. Không gian đêm khuya mờ mịt trong câu ca dao xưa, con cò phải xa tổ ... lo sợ, linh cảm về bao nỗi bất trắc tai ương của cuộc đời. Bài ca dao xưa về con cò xa tổ gặp phải cành mềm rồi kêu lên những lời than van thảm thiết đã in dấu vào tâm thức duy cảm của mỗi chúng ta một nỗi xót thương cho thân phận người dân thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến, một nỗi buồn đau trước những u uẩn của kiếp nhân sinh, một liên giác, linh cảm về sự phiêu dạt, chảy trôi, bất trắc ... Những lời thơ mong manh một tấm linh hồn, tưởng như mảnh hồn run rẩy ấy sẽ từ nghìn xưa trôi về đây, hắt lên nền bài thơ này cái bóng nghẹn ngào u uất ? Nhưng : “Ngủ yên ! Ngủ yên ! Cò ơi chớ sợ !”. Hình như bàn tay mẹ đang khe khẽ vỗ về. Vòng tay mẹ lại ôm con chặt hơn như che chở cho con, như muốn giữ con mãi mãi trong vòng tay mẹ. Lời ru “Ngủ yên ...” mang hơi ấm tinh khiết ấp ủ hồn người. Con người sống trên dương thế thường vẫn âm thầm lo sợ về những điều bất trắc của nỗi đời dâu bể. Những ai còn mang theo trong cuộc đời mình lời ru của mẹ, người ấy sẽ hạnh phúc vô cùng. Lời ru sẽ thay mẹ đi theo con đến cùng trời cuối đất, giữ gìn cái nhuỵ lòng của con còn nguyên sơ trong trẻo, cho con tìm lại cảm giác thanh thản êm ái như ngày xưa mẹ ôm con và hát ru cho con mghe ...

Đoạn thơ có một câu láy lại thành điệp khúc - đồng thời đây cũng là cái tứ của đoạn thơ : “con - chưa - biết”

- Con chưa biết con cò
- Con chưa biết con cò con vạc
- Con chưa biết những cành mềm mẹ hát

Con chưa biết đến những đau đớn và khắc khoải của một kiếp người. Bởi cuộc đời con như “hoa còn phong nhụy, trăng vàng tròn gương”, bởi “con có mẹ” nuôi nấng che chở thương yêu.

Sáu câu thơ cuối chủ yếu là những câu tám chữ chỉ riêng câu “Con chưa biết con cò con vạc” là bảy chữ. Đây cũng là phần sáng tạo nhất, lắng đọng những gì tinh tuý của cả đoạn thơ :

Ngủ yên ! Ngủ yên ! Cò ơi chớ sợ !
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng !
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết con cò con vạc,
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân ...

Chi tiết “cành mềm” đầy sức ám gợi. Trong ca dao “cành mềm” là ẩn dụ cho nỗi đời bất trắc, rủi ro, cho nỗi thương tâm oan khuất bao giờ cũng như đe doạ đẩy con người xuống vực thẳm. Con cò mẹ phải lặn lội một mình trong bóng đêm hiu quạnh khác nào kiếp người phải gánh nặng số phận trong cõi thời gian chìm chìm ẩn ẩn một màu úa tàn. Cảm thức về thân phận và nỗi niềm dâu bể làm lòng người chạnh nghĩ chạnh thương, không sao nguôi ám ảnh về những “cành mềm” định mệnh của kiếp nhân sinh.

Nhưng đó cũng mới chỉ là phần bề nổi của ngôn từ nghệ thuật. Như ta đã biết, kết cấu phần hai của bài hát ru thường bộc lộ tâm trạng trữ tình của người mẹ. Sau những lời ru “à ơi...” ban đầu, khi bé đã mơ màng chìm vào giấc ngủ, người hát quên rằng mình đang trò chuyện với đứa con nhỏ chưa biết những ngọn nguồn nông cạn của cuộc đời. Người mẹ dường như chỉ còn đối thoại với chính lòng mình khi ấy. Một số phận riêng, một cảnh ngộ riêng được cất lên thầm kín. Vì thế, lời hát ru con cũng là lời tự hát - hát ru cho thân phận mình. Có thể thấy, trong đoạn thơ trên, lời mẹ ru cũng là lời mẹ tự nói với lòng mình : “cành có mềm ... con ngủ chẳng phân vân”. Giọng thơ dịu dàng, hiền hoà, nhân hậu như muốn trải ra, muốn ôm ấp, vỗ về, làm rung động và mơn man cõi lòng người. Vẫn là “cành mềm” định mệnh từ ngàn xưa như đang ngả về đây nỗi ưu phiền lo sợ, nhưng bàn tay của mẹ đã che chắn cho con được trọn vẹn bình yên hạnh phúc. Hai câu thơ nhắc đến “cành mềm” thì đều có mẹ, như đồng hiện cùng hình ảnh mẹ : “Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng”, “Con chưa biết những cành mềm mẹ hát”. Hình như với mỗi thân phận người phụ nữ, luôn vướng phải “cành mềm” của số kiếp mình, không thể nào tránh khỏi. Vì thế mà mẹ đã nâng trên tay những “cành mềm” đổ bóng xuống nhân gian. Mẹ hát về những “cành mềm” như hát về những linh cảm sâu kín trong lòng mẹ. Những câu thơ thật đẹp mà nghe buồn man mác. Tưởng giấc mơ đời hư ảo như bóng mây che trên mỗi phận người... Lời ru của mẹ là cái nôi của tình nhân ái thương yêu, còn chan chứa những xúc cảm tươi nguyên thắm đượm. “Lời ru của mẹ thấm hơi xuân”, như muốn ấp ủ cái trong giá trắng ngần của cuộc đời con, như muốn chắt chiu hương sắc tâm hồn cho con.

Đoạn thơ đọng lại ở một nét thanh bình êm ả :

- Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân

Khép lại nhưng dư vang âm hưởng của thơ còn như thấy đôi môi bé thơ hé mở để đón đưa nhịp sống trở về...

Đoạn thơ như một dải tâm hồn chảy qua một vùng ca dao cổ tích. Lời thơ mềm mại ngọt ngào như lời ru không chỉ đưa bé vào giấc ngủ mà còn giăng hoa ngập hồn người đọc. Chất hiện thực và huyền ảo hoà quyện vào nhau không còn ranh giới. Đoạn thơ đầu có thể coi như một bài thơ trọn vẹn, nhờ vào sự tổ chức đầy lô gic, phù hợp của cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ ... Người mẹ trong xã hội cũ hát ru con như than thở tâm sự mong rằng thương mẹ con đừng khóc nữa “con ơi đừng khóc mẹ sầu”. Người mẹ trong bài thơ Con cò ru con trong niềm hạnh phúc và ước mơ. Bài thơ thể hiện rõ tính chất một câu chuyện có cốt truyện như một câu chuyện ngụ ngôn. Nội dung bên trong của đoạn thơ đầu cũng có tính tự sự nhờ vào sự sắp xếp những sự kiện, hình ảnh nhân vật (cò, con, và mẹ).

Nét đẹp hoàn thiện của đoạn thơ còn thể hiện ở hình dáng của văn bản nghệ thuật. Ta thấy có sự tổ chức các câu thơ hết sức linh hoạt và có dụng ý : gần hai phần ba số lượng câu thơ là những câu ngắn, ít chữ. Những câu (sáu câu) cuối đoạn chủ yếu là tám chữ, bảy chữ, tạo thành cái thế vững chãi, chắc chắn cho cả đoạn nếu nhìn về hình khối. Về nội dung đây cũng là phần tinh tuý sâu lắng nhất của “bài ru”. Cũng cần nói đến sự lựa chọn của nhà thơ ở những câu ca dao cổ về con cò. Không những phù hợp hoàn toàn với ý thơ mà chính là điểm tựa để triển khai ý thơ. Vì đây là khúc hát ru hiện đại nên Chế Lan Viên đã biến những câu ca dao lục bát thành thể bốn chữ. Ông chắt lọc ngôn từ một cách tuyệt đối khiến cho lời thơ đạt mức độ hàm súc cao. Hai khổ bốn chữ lại nằm đăng đối ở hai nửa mười câu thơ. Sự chuyển vận các câu thơ hết sức linh động : từ năm chữ, bốn chữ đến tám chữ, càng đi xa câu thơ càng thiết tha, gợi cảm. Nhất là chỗ chuyển từ thể bốn chữ sang tám chữ, câu thơ đẹp vô cùng.
Bài thơ gồm ba đoạn, đoạn nào cũng có một vẻ riêng, không bị thiên lệch, hao khuyết đoạn nào. Bài thơ có ngôn ngữ giản dị, nhuần nhị nhưng lại đẹp gần như hoàn hảo. Đoạn thứ nhất là khúc dạo đầu của một bản nhạc không có kết thúc. Sự thành công quan trọng ở chỗ tạo đà cho những đoạn thơ sau uyển chuyển và linh động. Hình tượng xuyên suốt cả bài thơ là hình tượng con cò. Trong một bài thơ khác của Chế Lan Viên, hình tượng này là ẩn dụ cho tuổi thơ xa xưa :

Tuổi thơ tan tác đi bốn phương trời như cò như vạc
... Tuổi thơ lẩn quất
Như mùi hương khó bắt
Tuổi thơ như bức tranh lắm màu treo ngày tết
Những bức tranh hồ điệp bây giờ ai treo đâu ?
( Tuổi thơ)

Người ta thường bảo nhà thơ là người không có tuổi vì bao giờ bên trong họ cũng hiện diện một đứa trẻ thánh thiện đang mở mắt nhìn cuộc đời quyến luyến thương yêu. Chế Lan Viên cũng thế. Thì ra trong tâm thức ông nỗi nhớ về tuổi thơ đã trở thành ám ảnh, như nỗi nhớ về một cái đẹp tinh khiết trắng trong tròn đầy. Chế Lan Viên đã viết bài thơ “Con cò” từ nỗi hoài nhớ như thế, nỗi lưu luyến cánh cò trinh bạch của tuổi thơ bây giờ đã tan tác ở phương trời nào ? Vì thế “Con cò” trong bài thơ hay đứa trẻ ấy tôi ngờ rằng đó cũng chính là thi sĩ Chế Lan Viên đấy thôi : “Lớn lên, lớn lên, lớn lên ... Con làm gì ? - Con làm thi sĩ”. Hành trình của số phận thơ ấy thật kì diệu. Cánh cò trắng đã tìm về bầu bạn với hồn thơ, để cùng nhìn ngắm thế giới trong ánh sáng hiền hoà nhân hậu của những ngày đang sống. Những lời thơ ấy đã mang đến cho mỗi người lòng thiện tâm trong cuộc đời này.


Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top