Phân tích hiệu quả của thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: "Lòng này... xong"

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Phân tích hiệu quả của thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: "Lòng này... xong"

Đề bài: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ dưới đây:

Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

(Chinh phụ ngâm - Nguyễn Gia Thiều; bản dịch Đoàn Thị Điểm).

Bài làm


Cùng viết về đề tài số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ nhưng nếu như Truyện Kiều của Nguyễn Du xây dựng được cuộc đời và số phận của những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, như Thuý Kiều, Đạm Tiên, Tiểu Thanh từ đó khái quát chung về những người tài hoa bạc mệnh thì đọc Chinh phụ ngâm của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Đoàn Thị Điểm ta bắt gặp số phận bất hạnh của người chinh phụ trong cuộc chiến tranh phong kiến tương tàn. Tuy chưa đạt đến mức khái quát như nhân vật người phụ nữ của Nguyễn Du nhưng hình ảnh người chinh phụ cũng để lại nhiều ấn tượng về số phận người phụ nữ cũng như mang đến tiếng nói tố cáo xã hội sâu sắc. Tác phẩm có những đoạn miêu tả tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ một cách thực sự xuất sắc mà đoạn thơ sau đây là một ví dụ:

Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Các thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong tác phẩm đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc khắc họa tình cảm và tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Người chinh phụ đi mãi, đi mãi chưa về. Trải qua bao năm tháng đợi chờ, nàng chinh phụ sống trong nỗi buồn cô đơn sầu tủi: Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ/ Trăng khuya sương gối bơ phờ tóc mai. Thời gian li biệt như kéo dài thêm mãi ra: mối sầu như ngổn ngang, nặng trĩu không kể xiết, nàng chinh phụ thở than, đau khổ: Kể năm đã ba, tư cách diễn/ Mối sầu thêm ngàn vạn ngổn ngang. Tâm tư vì thế mà càng thêm da diết trước vũ trụ mênh mông, cảnh vật não nùng: Hương gượng đốt hồn đà mê mải/ Gương gượng soi lệ lại châu chan. Nỗi nhớ nhung sầu muộn chỉ biết nhờ gió đong gửi hộ:

Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Câu thơ sử dụng đại từ phiếm định nhưng lại chỉ một thứ đang hiện hữu, đang ám ảnh là nỗi nhớ. Lòng này là nỗi nhớ nhưng sầu muộn, là sự cô đơn vì xa cách. Gió đông là ngọn gió thổi từ phương Đông vào mùa xuân. Nó tượng trưng cho sức sống, cho tình yêu đôi lứa, thứ mà người chinh phụ đang khát khao. Câu thơ là một câu ước hỏi. Hỏi gió đông hay tự hỏi mình không rõ, chỉ biết rằng nó ẩn chứa sau đó khát khao được chia sẻ, giãi bày lòng mình với người chinh phụ đang chiến đấu nơi biên ải xa xôi. Chỉ còn biết hỏi nữa mà thôi thì sự cô đơn của lòng này đúng là không thể nào tả hết. Non Yên tức là ngọn núi yên Nghiêm, rất xa ở phương Bắc, nơi xương phơi trắng đất, hồn sĩ tử ù ù gió thổi. Nó cụ thể nhưng là địa danh mang tính ước lệ, tượng trưng trong tâm hồn người chinh phụ, lạnh lẽo, xa xôi, mịt mờ. Phải chăng vì thế mà người chinh phụ muốn gửi chút lòng mình nhờ gió đông sưởi ấm người chinh phụ, cũng là sưởi ấm chính tâm hồn đang cô đơn, lạnh lẽo của mình? Ngay từ đầu câu thơ đã sử dụng thủ pháp đưa đẩy, cùng với những hình ảnh mang tính chất tượng trưng khiến cho nỗi niềm của người chinh phụ càng trở nên sâu sắc và cũng càng tội nghiệp, càng đáng thương hơn. Vậy mà sự thực thì thật phũ phàng:

Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thăm đường lên bằng trời.

Một lần nữa, ý thơ lại rơi vào ngậm ngùi, chua xót. Vẫn biết rằng đó chỉ là một ước muốn viển vông nhưng vẫn không thể kìm lòng mình mà không gửi, bởi nỗi nhớ thương chàng đằng đẵng, thăm thẳm. Đó là nỗi nhớ thật dài, thật nhiều, thật sâu, nhớ mãi, nhớ đến không bao giờ nguôi. Câu thơ sử dụng biện pháp so sánh kết hợp với nói quá. Nỗi nhớ chàng dài thăm thẳm như đường lên trời. Lấy cái xa (đường lên trời) để diễn ta cái sâu (nhớ chàng thăm thẳm), cách so sánh vô biên nhưng mang lại cho người đọc những ấn tượng sâu đậm. Nỗi nhớ của người chinh phụ vì thế mà cũng được kéo dài theo kích thước của vũ trụ, đến vô bờ biến. Đây là một cách nói rất sâu sắc để cực tả nỗi thương chồng của người chinh phụ:

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Nhưng trời là một thế lực siêu nhiên, nên nỗi nhớ dẫu có đằng đẵng, thăm thẳm như đường lên trời thì cũng chỉ là một cách nói. Nỗi nhớ gửi đi nhưng nào đâu có gửi được, thế nên nỗi nhớ chàng đau đáu nào nguôi.Hai chữ đau đáu trong bản dịch đã một lần nữa thực sự khắc họa sâu sắc nỗi nhớ của người chinh phụ. Nỗi nhớ là vô biên, và giờ đây, nhờ từ láy này nó hiện lên thường trực. Nỗi nhớ nhiều đến mức không lúc nào nguôi. Càng nhớ thì lại càng cô đơn. Hai câu thơ "hợp lực" với nhau càng khiến cho tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trở nên bất hạnh, đáng thương đến cùng cực. Sau vần thơ, sau cái tiếng thăm thẳm, đau đáu là những giọt lệ ứa ra, những tiếng than thầm, tiếng thở dài ngao ngán cho cảnh ngộ cô đơn, buồn nhớ mà người chinh phụ đang nếm trải.

Đoạn thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút. Có hình ảnh âm thanh, có hình ảnh màu sắc, có hình ảnh tâm trạng. Các biện pháp tu từ đã mang lại những giá trị rất lớn trong việc hướng về sự thể hiện lỗi nhớ nhung sầu muộn, nỗi buồn tha thức cô đơn, nỗi rạo rực khao khát yêu thương, hạnh phúc lứa đôi một thời son trẻ. Đó là chất nhân văn đằm thắm.



NGUỒN:
Diễn Đàn Kiến Thức
- Trích từ Sách 199 bài và đoạn văn hay lớp 10 *

(Xin vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn bài viết này. Cảm ơn!)



 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top