• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Phân tích Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn

Dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc đã không tiếc công gây dựng, bảo vệ dân tộc khỏi họa xâm lăng và ra sức củng cố, bảo vệ, phát triển đất nước. Một trong những vị minh quân đã có công “thu giang san về một mối”, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, lâu dài của đất nước là vua Lý Công Uẩn với quyết đinh dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010. Đó là một quyết định sáng suốt trong thời điểm nước ta đã thái bình, một quyết định thuận theo lẽ trời, ý dân. “Chiếu dời đô” ra đời gắn với sự kiện trọng đại ấy. Cùng mình phân tích bài ''Chiếu dời đô'' này nhé

phân tích chiếu dời đô.jpg


PHÂN TÍCH CHIẾU DỜI ĐÔ - LÝ CÔNG UẨN
Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (sau đổi thành Thăng Long – Hà Nội ngày nay), đổi tên từ nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt, bắt đầu một thời kì phát triển mới của dân tộc. Nhân dịp này, Lý Công Uẩn đã viết Chiếu dời đô để thông báo rộng rãi quyết định dời đô của mình cho toàn thể dân chúng được biết. Đây cũng chính là tác phẩm duy nhất của ông để lại cho đời sau.

Chiếu dời đô phản ánh ý chí tự cường và khát vọng về mọt đất nước độc lập, thống nhất, lớn mạnh của dân tộc Đại Việt. Bài chiếu có sức thuyết phục mạnh mẽ vì trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người, có sự kết hợp hài hòa giữa lý với tình.

Chiếu, hịch, cáo nói chung là những văn bản hành chính, công vụ, thường là những mệnh lệnh hoặc lời kêu gọi, thông báo từ trên ban xuống. Tác giả của nó, hoặc người ở vào tư thế phát ngôn phải là bậc vua chúa hoặc chủ tướng công bố một đường lối, chủ trương mà những thần dân hoặc tướng sĩ dưới quyền phải hết lòng thực hiện hoặc tường trình một sự kiện lịch sử nổi bật để mọi người cùng nghe.

Chiếu thường thể hiện một tư tưởng lớn lao có ảnh hưởng đến vận mệnh triều đại, đất nước. Chiếu dời đô cũng mang đầy đủ những đặc điểm trên, nhưng bên cạnh đó, nó cũng có những nét riêng. Đó chính là tính chất mệnh lệnh kết hợp hài hòa với tính chất tâm tình. Ngôn ngữ bài chiếu vừa là ngôn ngữ hành chính vừa là ngôn ngữ đối thoại.
“Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh cho thần dân” (Dương Quảng Hàm), thuộc văn xuôi cổ, câu văn có vế đối, ngôn từ trang nghiêm, trang trọng. “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Văn bản chữ Hán chỉ có 214 chữ, bản dịch của Nguyễn Đức Vân dài 360 chữ.

Mở đầu bài chiếu, Lý Công Uẩn nói về việc dời đô của các vua nhà Thương, nhà Chu trong sử sách Trung Quốc: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng đã ba lần dời đô”.

Tác giả suy luận “Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời?” sau đó nêu rõ mục đích của việc dời đô ấy là “Chỉ muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”, và khẳng định kết quả của những cuộc dời đô ấy là “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

Việc viện dẫn sử sách Trung Quốc với những số liệu cụ thể và suy luận chặt chẽ đã tạo ra một tiền đề vững chắc cho việc dời đô của Lý Thái Tổ: trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và nhiều cuộc dời đô đã đem lại kết quả tốt đẹp; như vậy, việc lý Thái Tổ dời đô là bình thường và hợp với quy luật.

Việc viện dẫn ấy thể hiện một đặc điểm tâm lý chi phối hành động của con người thời trung đại: dựa theo mệnh trời và noi gương tiền nhân. Người xưa thường hiểu mệnh trời là cái tất yếu mà tạo hóa đã định, việc gì thuận theo mệnh trời thì thành công (theo cách hiểu hiện đại mệnh trời chính là quy luật khách quan).

Người xưa quan niệm thời gian tuần hoàn nên rất coi trọng quá khứ, lấy quá khứ làm chuẩn mực, làm khuôn mẫu để noi theo, nên thường noi theo gương người đi trước. Quan niệm ấy dẫn đến việc sính dùng điển tích, điển cố trong sáng tác văn chương. Đoạn đầu của bài chiếu, với vai trò là viện dẫn các chứng nhân đã làm tiền đề để tác giả chứng minh cho việc dời đô là một quy luật hợp lý ở đoạn dưới.

Sau khi nêu tiền đề, Lý Thái Tổ tiếp tục soi sáng, chứng minh tính đúng đắn của việc dời đô bằng cách dẫn chứng thực tế từ hai triều đại Đinh , Lê; tác giả phê phán “hai nhà Đinh Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây”.

Việc không noi theo mệnh trời, không học theo cái đúng của người xưa đã đưa đến hậu quả “triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”. Lí lẽ như thế là rất chặt chẽ, lại kết hợp với tình cảm chân thành nên càng giàu sức thuyết phục: “Trẫm đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”.

Tuy nhiên, bằng quan điểm của người thời nay, chúng ta cần xem xét, đánh giá thật công bằng về vai trò lịch sử hai triều đại Đinh, Lê. Thực ra, vào giai đoạn đó, cả thế và lực của triều đình chưa đủ mạnh để có thể dời đô ra vùng đồng bằng trống trải nên vẫn phải dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi Hoa Lư để chống thù trong, giặc ngoài. Nhưng đến thời Lý, trên đà mở mang phát triển của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư đã không còn phù hợp nữa.

Sau khi khẳng định việc dời đô là không thể không làm, tác giả khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất chọn làm kinh đô. Ông khẳng định, thành Đại La là thánh địa của đất Việt, là nơi tốt nhất để định đô, bằng cách chỉ ra một cách toàn diện những lợi thế của nó. Đại La không có gì xa lạ, là “Kinh đô cũ của Cao Vương”. Cao Vương là Cao Biền, đại quan của nhà Đường, từng làm Đô hộ sứ Giao Châu từ 864-875; năm 866, Cao Biền đã xây thành Đại La, thuộc Hà Nội ngày nay.

Đại La rất thuận tiện: về vị trí địa lí là “ở vào nơi trung tâm trời đất… đã đúng ngôi nam bắc đông tây; về địa thế, rất đẹp, rất hùng vĩ: “được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, “lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”; là một vùng đất cư trú lí tưởng cho dân cư, không “ngập lụt”, “muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”.

Nói tóm lại, Đại La là “thắng địa”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”. Đại La xứng đáng là “Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Bằng nhhững dẫn chứng trên, chứng tỏ rằng Đại La là nơi thích hợp nhất để dời đô.

Khát vọng dời đô của Lý Thái Tổ từ vùng núi Hoa Lư ra Đại La – vùng đồng bằng đất rộng chứng tỏ triều đình nhà Lý đã đủ mạnh, đủ sức để chấm dứt nạn cát cứ phong kiến, thế lực của dân tộc Đại Việt đủ sức sánh vai ngang hàng với Trung Hoa. Định đô ở Thăng Long là thực hiện nguyện vọng của nhân dân thu giang sơn về một mối của Lý Thái Tổ. Như vậy, nguyện vọng của nhà vua thống nhất với nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Kết thúc bài chiếu, nhà vua không dùng giọng mệnh lệnh của bậc vua chúa mà dùng giọng đối thoại nhẹ nhàng như một lời tâm tình: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”. Giọng đối thoại ấy tạo nên sự đồng cảm giữa nhà vua với thần dân. Triều Lý hùng mạnh là vì có những vị quân thần thấu hiểu lòng dân đến thế.

Với việc sử dụng hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ kết hợp với việc ngôn từ linh hoạt, bài Chiếu tuy rất kiệm lời mà ý tứ thì thấm đượm sâu xa thể hiện một sự tin tưởng vào quyết định hợp lẽ trời, ý dân. Và thực tiễn hơn một nghìn năm qua đã cho thấy quyết định đó của vua Lý Thái Tổ là hoàn toàn đúng đắn.

Chúc các bạn học tốt
 
Sửa lần cuối:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top