• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Phân tích bài Tôi đi học của Thanh Tịnh

Người ta thường nói, thời thơ ấu chính là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi nguwofi bởi lúc đó, cuộc sống như một trang giấy trắng, chưa bị pha tạp với những lo âu bộn bề của cuộc sống, những xảo trá lừa lọc của đời người. Và hơn hết, ở đó có những kỷ niệm trong trẻo đáng nhớ thời học sinh, đặc biệ là những kí ức về ngày đầu tiên tới trường. Thanh Tịnh bằng giòn văn kể chuyện nhẹ nhàng, thủ thỉ đã tái hiện rõ nét, chân thực mà tinh tế những cảm xúc ấy qua dòng hồi tưởng của nhân vật trong truyện ngắn “Tôi đi học”. Sau đây là bài phân tích ''Tôi đi học'' của tác giả Thanh Tịnh. Các bạn cùng phân tích bài với mình nhé

phân tích bài tôi đi học.jpg

Theo dòng hoài niệm của Thanh Tịnh,ta trở về với ngày đầu đi học của nhà văn. Ở đó,ta bắt gặp những hồi ức đẹp bồi hồi và chẳng thể nào quên. Dẫu kết lắng bao vơi đầy,tán tụ nhưng với mỗi đời người,hẳn có những kỉ niệm chẳng dễ phôi phai. Được nâng niu,giữ gìn những kỉ niệm sâu sắc ấy sẽ mãi như một nguồn sáng tâm hồn trong trẻo,thiêng liêng gợi nhớ và thức dậy dư ba…”Tôi đi học” là truyện ngắn được in trong tập “Quê mẹ” (xuất bản năm 1941). Đây là một truyện ngắn thể hiện rất đầy đủ phong cách sáng tác của tác giả: Đậm đà chất trữ tình,đằm thắm,êm dịu,trong trẻo và tràn đầy chất thơ. Truyện đã thể hiện một cách xúc động tâm trạng hồi hộp,cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “tôi”-chú bé được mẹ đưa đến trường lần đầu tiên trong ngày tựu trường.

Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta,ai cũng đã từng trải qua ngày tháng đầu tiên của tuổi học trò. Câu chuyện “Tôi đi học” rất đơn giản,bình dị nhưng đã làm xúc động tất cả những ai từng cắp sách tới trường. Ta thật trân trọng,mến yêu và cùng cảm thông biết bao trước những giác cảm,những nghĩ suy của nhân vật “tôi” trên đường đến trường. Cảm xúc bắt đầu được khơi nguồn từ hiện tại với cảnh lá rụng vào cuối thu. Mở đầu truyện là hai câu văn được tạo thành hai đoạn văn rất gợi cảm. Câu một nói sắc thu với lá rụng,với mây “bàng bạc”,gợi nhớ những kỉ niệm “mơn man”,nhè nhẹ,lâng lâng của buổi tựu trường. Câu văn thứ hai,tác giả dùng hình ảnh so sánh-nhân hóa để hình tượng cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng “như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Giọng văn nhẹ nhàng,giàu cảm xúc. Những thế hệ học trò ngày xưa đã học thuộc câu văn này:
“Hằng năm cứ vào cuối thu,lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc,lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.”
“Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.”

Cứ mỗi độ cuối thu,khi tiết trời se lạnh,những chiếc lá vàng rơi,những đám mây bàng bạc thì kỉ niệm buổi tựu trường đầu tiên lại hiện về trong kí ức của tác giả và của tất cả những ai đã từng cắp sách tới trường. Để rồi những cảm giác trong sáng ấy lại nảy nở trong lòng “như những cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Hình ảnh so sánh nhân hóa đầy ấn tượng và có sức biểu cảm. Câu văn như cánh cửa dịu dàng mở ra,dẫn người đọc vào một thế giới đầy ắp những sự việc,con người, những cung bậc tâm tư tình cảm đẹp đẽ,trong sáng,rất đáng nhớ,đáng chia sẻ và mến thương. Trung tâm của thế giới ấy là cậu học trò ngày đầu tiên tới trường với bao tình cảm xao xuyến,mới lạ,suốt đời không bao giờ quên.

Buổi tựu trường xa xưa ấy thật đáng nhớ. Đó là “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”,cậu con trai bé bỏng được mẹ “âu yếm nắm tay dẫn đi”. Con đường đi đến trường là con đường “dài và hẹp” vốn “đã quen đi lại lắm lần” nhưng tự nhiên cậu bé thấy “lạ”. Biết bao rạo rực và ngỡ ngàng,bởi vậy con đường dẫu rất đỗi thân quen cũng trở nên khác lạ. Không chỉ là cảm giác trước con đường mà với tất cả mọi cảnh vật xung quanh. Cậu bé thấy tất thảy mọi thứ đều thay đổi,được khởi phát từ “lòng tôi đang có một sự thay đổi lớn”. Đã bao lần qua đây nhưng chỉ mới lần này và chỉ đúng đến sáng nay cậu mới trong tâm trạng ấy. Được trở thành một học trò,hiện thực đây mà như trong mơ: “Hôm nay tôi đi học”-lời văn chất chứa và ngân vọng một tiếng reo tự hào,đầy kiêu hãnh! Chẳng thể mà trên đường từ nhà tới trường,trong trạng thái tràn đầy hưng phấn,nhân vật “tôi” ngay lập tức nhớ đến những sự việc khác hẳn với niềm vui không phải ai cũng có này. Đó là “trọng đại” đến mức nó được đặt trong mối quan hệ đối lập đến hai lần liên tiếp với những thú vui quen thuộc thường ngày của nhân vật “tôi”. Tạm biệt những buổi thả diều đam mê và ngoạn mục,tạm biệt những cuộc nô đùa thỏa thích trên cánh đồng quê thân thiết của tuổi thơ. “Hôm nay tôi đi học”,hôm nay “tôi” đã lớn hơn một chút.

Không chỉ thế,dòng cảm xúc của tác giả còn đưa người đọc đến với diễn biến tâm trạng đặc biệt của một cậu học trò lần đầu đến lớp. Cậu bé cảm thấy mình “trang trọng và đứng đắn” khi được mặc chiếc áo vải dù đen dài,trong tay cầm hai quyển vở mới. Cậu thèm cảnh mấy cậu nhỏ bằng trạc tuổi mình “áo quần tươm tất nhí nhảnh” gọi tên nhau,trao sách vở cho nhau xem,có nhiều cậu còn ôm sách vở vừa cầm cả bút thước nữa. Cậu non nớt,ngây thơ nghĩ: “Chắc chỉ có người thạo mới cầm nổi bút thước”. Ý nghĩ ấy thoáng qua tâm trí cậu bé “như làn mây lướt ngang trên ngọn núi”. Lần thứ hai,Thanh Tịnh lại sáng tạo nên một so sánh lí thú,thể hiện ý nghĩ hồn nhiên,ngây thơ của cậu bé trên đường tựu trường.

Phần thứ hai của truyện nhắc lại những cảm xúc,ý nghĩ về ngôi trường,về quang cảnh ngày tựu trường và những xúc động của nhân vật “tôi”.

Trường làng Mĩ Lý đã được cậu bé ghé qua một lần chỉ cách ngày tựu trường mấy hôm,khi cậu đi bẫy chim quyên với thằng Minh. Đối với cậu đó là một nơi xa lạ,các lớp có cửa kính,có bản đồ treo trên tường,nhà trường “cao ráo và sạch sẽ”…Nhưng buổi tựu trường hôm nay cậu lại thấy khác. Trường Mĩ Lý “vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”. Vì thế,cậu đâm ra “lo sợ vẩn vơ”. Đó là tâm trạng hồn nhiên,ngây thơ của tuổi thơ trong buổi tựu trường khi đứng trước ngôi trường xa lạ,mới mẻ.

Nhưng dẫu sao,nhân vật “tôi” lúc đó vẫn đang ở tuổi thơ ngây,cho nên một thoáng “lo sợ vẩn vơ” ấy đã mau chóng lướt qua,nhường chỗ cho cảm giác ngỡ ngàng,tò mò quan sát những người bạn đang “đứng nép bên người thân”,cậu dự cảm họ “như con chim con nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Phía trước là bầu trời rộng mở,biển học là vô bờ,nhưng ước mơ đầu tiên của cậu là “được như những người học trò cũ,biết lớp,biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”. Ước mơ ấy thật dễ thương,bởi đó là ước mơ được xóa đi những khoảng cách bỡ ngỡ ban đầu. Tiếng trống trường vang dội. Tiếng trống trường ngày khai giảng,tiếng trống trường ngày tựu trường ở đâu và bất cứ thời nào cũng gây chấn động,hồi hộp,lạ kì. Hồi trống buổi tựu trường của trường Mĩ Lý đã “thúc vang dội cả lòng” cậu bé. Khi học sinh xếp hàng vào lớp,cậu cảm thấy mình “chơ vơ”. Và tát cả học trò mới đều bắt đầu “vụng về,lúng túng”,”toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng”. Đoạn văn đặc tả được những phút giây hồn nhiên,xúc động khó quên của mỗi đời người. Hình ảnh ông Đốc trường Mĩ Lý xuất hiện và đọc tên từng học trò gây một ấn tượng mạnh đến mức “cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập”,đến “quên cả mẹ tôi đứng sau” và nghe đọc đến tên “tôi tự nhiên giật mình và lúng túng” mặc dù ông đốc nhìn học trò bằng ánh mắt thật “hiền từ và cảm động”. Nhiều bạn “ôm mặt khóc”,nhiều bạn “thút thít”. Riêng cậu bé thì có “bàn tay dịu dàng đẩy tới trước” nhưng vẫn “dúi đầu vào lòng mẹ nức nở khóc”. Có bao giờ cậu quên được cái bàn tay yêu thương của mẹ nhẹ vuốt lên mái tóc mình. Tuy vậy khi xếp hàng vào lớp,cậu vẫn cảm thấy lẻ loi: “Trong thời thơ ấu,tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này”.

Phần thứ ba của truyện nói lên cảm xúc,ý nghĩ của chú bé khi ngồi trong lớp. Đây là những phút giây cuối cùng của buổi tựu trường,cảm giác càng trong sáng và chân thực hơn. Một cảm giác lạ và quen đan xen nhau. Cậu bé cảm thấy một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Cậu nhìn các vật treo trên tường “thấy lạ và hay hay”. Nhìn bàn ghế rồi nhìn bạn “tuy chưa hề quen biết” mà cảm thấy “quyến luyến tự nhiên”. Đoạn văn kết thúc câu chuyện ngắn gọn mà hiện lên nhiều hình ảnh đẹp và giàu ý nghĩa. Một chú chim nhỏ hót mấy tiếng rụt rè,vỗ cánh bay cao,mắt “tôi” thèm thuồng nhìn theo…Kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa vẫy gọi… Tiếng phấn và chữ viết của thầy giáo nhắc nhở,níu giữ,đưa chú về với thực tại. Cuối cùng là “tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần”. Bài tập viết “tôi đi học” là bài học đầu tiên trong buổi tựu trường thời thơ ấu của cậu. Kỉ niệm ấy như một dấu son trong tâm hồn vô cùng tươi sáng của tuổi học trò.

Có thể nói,tựu trường dù ở lứa tuổi nào,bậc học nào cũng là niềm hạnh phúc,là địa chỉ lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất và đáng nhớ nhất của đời người. “Tôi đi học” của Thanh Tịnh là một trang văn đầy chất thơ,chất thơ của kỉ niệm thời thơ ấu ngày tựu trường,chất thơ ở giọng văn nhẹ nhàng,truyền cảm,chất thơ ở sự lắng đọng và khơi gợi tâm hồn kí ức thời cắp sách trong mỗi chúng ta. “Tôi đi học” là một tiếng lòng man mác,bâng khuâng của một thời để nhớ,để yêu. Khép lại trang văn vẫn còn bồi hồi,xao xuyến. Dẫu đã đi qua lần đầu tới lớp nhưng mỗi lần nghe hai tiếng “tựu trường”,vẫn thấy lòng thổn thức không nguôi.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top