• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Phân tích bài thơ “Thu Hứng” của Đỗ Phủ

Cua Ta

New member
Phân tích bài thơ “Thu Hứng” của Đỗ Phủ


Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãm kiêm thiên thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Dịch thơ

Sương móc trắng xoá làm tiêu điều cả rừng cây phong,
Núi Vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt.
Giữa lòng sông, sóng vọt lên tận lưng trời,
Trên cửa ải, mây sa sầm giáp mặt đất.
Khóm cúc nở hoa đã hai lần làm tuôn rơi nước mắt ngày trước.
Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ.
Chỗ nào cũng rộn ràng dao thước để may áo rét.
Về chiều, thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập áo nghe càng dồn dập.

Mỗi chúng ta từ khi cắp sách tới trường đến giờ hẳn đã hơn một lần đọc thơ của Đỗ Phủ. Thơ ông là ngổn ngang những tâm trạng của một thánh nhân, một tấm lòng yêu thương con người, yêu đời tha thiết

Đỗ Phủ và Lí Bạch là hai đỉnh cao chói lọi của thơ Đường, tạo nên hai khuynh hướng trong Đường thi. Lí Bạch mang phong cách lãng mạn, một người lãng mạn cuồng phóng ; Đỗ Phủ mang phong cách hiện thực, một hiện thực sâu sắc. Cuộc đời của Đỗ Phủ gắn liền với điều kiện xã hội đầy biến động của đất nước Trung Hoa thời loạn An Lộc Sơn.

Gần cuối đời, từ tháng 5 năm 765, lúc đất nước Trung Quốc chìm ngập liên miên trong cảnh loạn li. Và khi ấy Đỗ Phủ cùng gia đình cũng phải chạy loạn nhiều nơi. Phản ánh hiện thực và bày tỏ thái độ, tâm trạng trước hiện thực khốn khổ của nhân dân, của nạn chiến tranh, nạn đói là nội dung cơ bản của thơ ca Đỗ Phủ. Ông đặc biệt thành công ở mảng thơ biểu hiện tâm trạng khác nhau khi sống trong cảnh tha phương cầu thực vì loạn li. Trong thời gian ngụ hai năm tại Quỳ Châu trong cảnh tuổi già sức yếu, bệnh tật nghèo khổ. Năm 766 chùm thơ “Thu hứng” ra đời giữa hoàn cảnh bi thương này.

Chứng kiến cảnh đất nước loạn li và là nạn nhân của xã hội thời loạn nên văn thơ của "Thi thánh" Đỗ Phủ chứa đựng chất liệu hiện thực rất phong phú. Thơ ông được coi là "thi sử" với nghệ thuật điêu luyện và khả năng truyền tải nội dung tư tưởng thời đại rất diệu kì.

Qua thơ Đỗ Phủ, xã hội đời Đường ở hai giai đoạn trước và sau loạn An Lộc Sơn hiện lên rất đậm nét. Mang tâm trạng đau đời của một con người có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước nên thơ ca Đỗ Phủ là những vần thơ thấm nỗi buồn và đẫm nước mắt. Chùm thơ "Thu hứng" thể hiện rất rõ nỗi đau đời ấy của thi nhân. "Thu hứng" được sáng tác năm 766, bốn năm trước khi nhà thơ qua đời. Đây là giai đoạn nhà thơ đang cùng gia đình chạy loạn trong cảnh đói rét và bần hàn, cũng là thời kì chín muồi tài năng của ông.

Bài thơ này được viết vào mùa thu năm Đại Lịch thứ nhất (766). Cảnh thu hiu hắt ở Quỳ Châu, nơi Đỗ Phủ ngụ cư cách xa quê nhà mấy ngàn dặm, đã gợi nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ. Nỗi buồn ấy đã được gửi gắm trong chùm thơ Thu hứng gồm 8 bài, đây là bài thứ nhất.

Toàn bài thơ có thể chia làm 2 phần. 4 câu trc tả cảnh, mà trong cảnh đượm tình thu. 4 câu sau thể hiện tình cảm trc mùa thu đất khách.

"Ngọc lộ" móc ngọc, hình ảnh ẩn dụ nói về hạt móc long lanh như hạt ngọc. "Ngọc lộ" đã làm héo hon, điêu tàn cả một rừng phong bao la. Hình ảnh rừng phong gợi lên một vẻ thu, một sắc thu tiêu điều, buồn bã. Rừng phong là một biểu tượng của mùa thu phương Bắc, là một thi liệu được nói đến nhiều trong thơ cổ, tuy mang tính ước lệ, nhưng rất gợi cảm thi vị:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm.

Núi Vu, kẽm Vu ở Quỳ Châu mịt mờ khí thu (khí tiêu sâm). Cũng là một nét thu hiu hắt buồn.
Hai câu đầu, hình ảnh ẩn dụ và nhân hoá với 2 cặp từ gợi tả (điêu thương, tiêu sâm). Đỗ Phủ đã làm hiện lên một không gian núi rừng mang một màu sắc buồn thương tàn tạ, hiu hắt.

Hai câu thực vẽ tiếp cảnh thu bằng hai hình ảnh vừa dữ dội vừa hoành tráng: Trên dòng sông thu, những đợt sóng cuồn cuộn vọt lên, vỗ lên tận lưng trời. Khắp cửa ải, mây từng lớp từng lớp đùn lên, sa sầm giáp mặt đất. Hình tượng thơ kỳ vĩ, sóng và mây đối nhau, cái hướng về trời cao, cái sa xuống đất để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Một bức tranh thu nói về dòng sông và con sóng, về cửa ải và mây, mang tầm vóc vũ trụ, hoành tráng.

Giang gian ba lãm kiêm thiên thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Hai câu thơ này đã thể hiện sâu sắc những nét cơ bản trong phong cách thơ Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời: "trầm uất và bi tráng". Cả núi non vốn hùng vĩ kia giờ cũng hiu hắt, nhạt nhòa trong hơi thu. Biết làm sao được khi mà quy luật của thiên nhiên, cảm hứng trong tâm hồn nó là như vậy. hai câu đề tả cảnh núi rừng tĩnh tại đượm mùa thu, đượm tình thu. Đó là không gian (rừng núi, hơi sương) mà thấy thời jan (mùa thu). Phần đầu bài thơ, cảnh thu từ rừng phong đến Vu Sơn, Vu Giáp, từ dòng sông sóng vỗ, đến cửa ải mây đùn - tất cả đã gợi lên nỗi niềm, bao cảm xúc đối với kẻ tha hương.

Ở bốn câu thơ đầu tả cảnh thu, hai câu đề đặc tả cảnh sắc mùa thu đẫm uất bi thương, tàn tạ (điêu thương, tiêu sâm), hai câu thực đặc tả cảnh thu hoành tráng dữ dội (ba lãng, phong vân, tiếp địa âm). Cảnh sắc mùa thu mang dấu ấn của địa phương Quỳ Châu vừa âm u, vừa hùng vĩ, cảnh sắc ấy mang phong cách thơ của Đỗ Phủ vừa trầm uất, vừa bi tráng.

Phần tiếp theo của bài thơ đặc tả nỗi buồn của thi nhân. Như ta đã biết, năm 759, Đỗ Phủ từ đời quan, dời nhà đến Tân Châu. Ông phải trải qua 7 năm trời lưu lạc (759-766). Chùm "Thu hứng" 8 bài được viết vào mùa thu năm 766, tại Quỳ Châu. Ngày thu đến, đối cảnh sinh tình, vừa thương đời, vừa thương vợ con, thương mình gian truân, chìm nổi. Phần 2 bài "Thu hứng" này là nỗi lòng u ẩn của tác giả.

Cúc, dòng lệ, con thuyền lẻ loi (cô chu), vườn cũ, dao thước, tiếng chày đập vải vừa mang tính hiện thực, vừa mang màu sắc ước lệ tượng trưng, rất giàu chất chữ tình. Mùa thu trước, Đỗ Phủ ở Vân An, màu thu này, ông ở Quỳ Châu. Hai mùa thu trôi qua, hai lần nhìn hoa cúc nở, cả hai đều rơi nước mắt: "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ". Đã bao lần nhà thơ gửi gắm hi vọng được về quê bằng một chiếc thuyền, những chiếc thuyền vẫn bị buộc chặt ở bến sông, nơi đất khách quê người: "Cô chu nhật hệ cố viên tâm". Nói về nỗi nhớ quê nhà, nỗi buồn li hương thì đó là hai câu thơ tuyệt cú. Lời thơ đẫm lệ:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Kim Thánh Thán nhà phê bình văn học kiệt xuất đời Thanh viết: "Kẻ không biết thì bảo "lưỡng khai" (nở hai lần) ấy là "tùng cúc" (tùng: khóm, bụi cúc, hoa cúc) đâu biết rằng "lưỡng khai" ấy đều là "tha nhật lệ" (nước mắt ngay sau). Kẻ không biết thì bảo "cô chu" (chiếc thuyền lẻ loi) hà tất phải "nhật lệ" ấy chỉ là "cố viên tâm" (lòng nhớ vườn xưa). Trên chữ "lệ" đặt chữ "tha nhật", tuyệt diệu! Chỉ có chính mình ở cảnh đó thì mới biết được. Câu 7 nói "xứ xứ" (nơi nơi) chính là tiên sinh "buộc lòng" (hệ tâm) vào một nơi (nhất xứ). Bạch Đế Thành ở phía đông Quì Phủ; đây là nói gần để chỉ xa vậy. Trong bụng nghĩ đến "dao thước" (đao xích) trong nhà mà trong tai thì chỉ nghe thấy tiếng "châm" thành Bạch Đế, khách xa nhà vì thế mà rất mực thê lương.

Dưới "châm" mà hạ chữ "thành cao" liền thấy được là tai xa nghe, mắt xa trông nỗi khổ của khách xa nhà vì đó mà rât mực thê lương".

Tóm lại, nỗi lòng nhớ quê được biểu hiện một cách rất tinh tế, sâu sắc, cảm động bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật điêu luyện. Cảnh và tình, hiện tại và quá khứ, sự vật và con người, âm thanh và nỗi lòng, gần và xa.... các chi tiết nghệ thuật đã đan chéo vào nhau, hoà nhập vào nhau, để lại nhiều dư ba, chấn động trong lòng người đọc trên một nghìn năm nay, nhất là đối với những kẻ đã trải qua những năm dài li hương, nếm trải nhiều cay đắng.

Bài thơ với bốn câu đầu tả cảnh, bốn câu sau bày tỏ tâm trạng của nhân vật trữ tình. Trong thơ ca nói chung và trong thơ Đường nói riêng, tình và cảnh không thể tách rời, cảnh bao giờ cũng chứa tình và tình thì khó có thể bày tỏ nếu thiếu cảnh.

Trong Thu hứng, cảnh và tình hoà quyện tạo nên khả năng biểu đạt tâm trạng cho bài thơ. Thơ Đường thường có những quy định rất chặt chẽ về niêm luật, về thi liệu, về đề tài. Hình ảnh và ngôn từ trong thơ Đường, vì vậy, thường không phong phú. Các nhà thơ thường có thói quen sử dụng một số hình ảnh và ngôn từ mang tính quy ước nhất định. Nhưng chính những yêu cầu ngặt nghèo về thi pháp ấy lại kích thích khả năng sử dụng ngôn ngữ của các nhà thơ cổ điển. Xét về đề tài, về hình ảnh thơ thì Thu hứng của Đỗ Phủ không có gì mới lạ. Cái mới lạ thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ và cũng là thành công của bài thơ chính là ở nghệ thuật miêu tả, sử dụng sáng tạo niêm luật thơ và nhất là hình tượng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Bốn câu thơ đầu tả cảnh mùa thu với những hình ảnh rất quen thuộc, đó là rừng phong, là khí trời u ám, mặt nước mờ sương :- phần vịnh cảnh và phần tả tình.

Bốn câu thơ tả cảnh thu vừa có chất nhạc vừa có chất hoạ. Đủ cả sắc màu, đường nét và âm thanh. Nhưng sắc màu không sáng, thanh âm không vui. Đường nét, hình ảnh của bức tranh thì rất hùng vĩ, mở ra một khung cảnh thiên nhiên với đủ núi rừng, sông nước, bầu trời và cửa ải. Một không gian rộng nhưng có giới hạn chứ không vô tận. Đó là một không gian u ám của một buổi sáng mùa thu không có ánh bình minh. Không khí u ám được gợi lên ở những từ ngữ "điêu thương", "khí tiêu sâm", "tiếp địa âm". Nó gợi cảm giác u ám và lạnh lẽo. Nhạc tính được thể hiện ở nghệ thuật bố trí thanh bằng trắc và cách gieo vần. Bốn câu thơ này có tới ba câu gieo vần bằng, đồng thời lại sử dụng rất nhiều thanh bằng (17/28 thanh bằng), tạo nên cảm giác mênh mang của tâm trạng trữ tình. Xét về nội dung, đây là bốn câu thơ tả thực cảnh mùa thu với những nét thu rất đặc trưng của thiên nhiên Trung Quốc. Tính chất cổ điển của Đường thi thể hiện ở bốn câu thơ này. Có thể hình dung một người hoạ sĩ đứng ngắm mùa thu và cất bút vẽ, bắt đầu nhìn từ cảnh gần, từ rừng phong rồi đến dòng sông, xa hơn nữa là dãy núi và cuối cùng tầm nhìn bị cản trở bởi cửa ải xa đầy sương mù. Cảnh thực mùa thu Trung Quốc thường buồn lạnh như vậy, nhưng cái khí u ám của bức tranh sơn thuỷ hùng vĩ này còn được tạo nên bởi tâm tư người dựng cảnh. Chủ thể sáng tạo bức tranh chắc phải mang tâm trạng rất u sầu thì mới thể hiện thần thái u buồn ấy của bức tranh. Cảnh và tình có sự giao hoà tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy tâm sự. Không gian nghệ thuật bài thơ có đủ chiều cao, chiều rộng nhưng không thoáng mà rất nặng nề. Bởi không gian và cảnh sắc mùa thu ấy được nhìn dưới con mắt của một con người đang phải sống tha hương trong cảnh khốn khó, phải chứng kiến dân tộc đang trong cảnh loạn li. Hướng về quê hương trong nỗi nhớ da diết nhưng không thể trở về được càng làm cho tâm trạng thêm u sầu. Ánh mắt hướng về nơi quê nhà ấy bị cản trở bởi cửa ải mây mù.

Bốn câu thơ sau nói đến cảnh ngộ và tâm trạng của chủ thể trữ tình. Hai phần của bài thơ có vẻ như độc lập về nội dung. Mạch cảm xúc có sự chuyển hướng đột ngột, nhưng thực ra đây là bước phát triển tất yếu của tâm trạng thơ. Cảnh buổi sáng mùa thu u ám gợi liên tưởng đến thực tại và những ngày kế tiếp của cảnh chạy loạn. Chẳng có gì sáng sủa hơn cho những ngày sắp tới. Nỗi nhớ quê hương trỗi dậy trong lòng người lữ thứ khi thu sắp tàn và đông sắp tới. Tư tưởng nghệ thuật của bài thơ được tập trung ở câu "Cô chu nhất hệ cố viên tâm". "Cô chu" là con thuyền đơn độc trên sông. Đây là hình ảnh thơ vừa có ý nghĩa tả thực, vừa là một biểu tượng nghệ thuật. Khi chạy loạn, cả gia đình Đỗ Phủ đã phải sống trên một con thuyền thả trôi trên sông Trường Giang. Loạn lạc nên họ không thể trở về quê hương được. Tấm lòng thương nhớ quê nhà đành buộc chặt nơi con thuyền nhỏ ấy. Hình ảnh con thuyền còn mang một ý nghĩa khái quát, nó đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật của văn học, dùng để chỉ thân phận lênh đênh của con người. Lí Bạch từng dùng hình ảnh "cô phàm" để thể hiện tâm sự cô đơn, đồng thời thể hiện cảnh ngộ cô đơn và đầy bất trắc của Mạnh Hạo Nhiên khi ông bước chân vào chốn quan trường. Còn ở đây, "cô chu" thể hiện cảnh ngộ và tâm trạng của nhà thơ bất hạnh Đỗ Phủ. Năm 765, Đỗ Phủ cùng gia đình rời Thành Đô đến Vân An rồi Quỳ Châu. Vậy là trên thực tế, nhà thơ đã rời Thành Đô hai năm. Hai năm là hai mùa hoa cúc nở, hai mùa thu xa quê hương.

Phần lớn thơ của Đỗ Phủ là thơ luật. Thu hứng cũng nằm trong số đó. Về cấu tứ và hình ảnh quả thực không có gì quá xa lạ. Đó đều là những thi liệu vẫn được các nhà thơ đời Đường ưa thích sử dụng. Nhưng với tài năng tinh luyện ngôn ngữ, sử dụng thanh bằng, trắc và tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước, nhà thơ đã sáng tạo nên một thi phẩm giàu xúc cảm, vừa gợi cảm vừa giàu giá trị nhân văn. Bài thơ là một bức tranh tâm cảnh được bắt đầu từ cảnh để biểu lộ tình. Nó mang vẻ đẹp cổ điển về ngôn ngữ thi liệu, cấu tứ và nồng nàn hơi thở thời đại.

Đặc sắc thi pháp nghệ thuật thơ của Đỗ Phủ trong bài thơ đó là dùng ngôn ngữ không bình thường và thủ pháp tu từ để tạo hình tượng mới mẻ:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất lệ cố viên tâm.

Hai động từ “khai” và “hệ” đều có liên quan tới hai sự vật nên càng tinh xảo và tuyệt luân.
Là một nhà thơ hiện thực vĩ đại của Trung Quốc và là danh nhân văn hóa của thế giới, có nhân cách cao thượng, tài năng nghệ thuật trác việt. Nội dung thơ Đỗ Phủ phong phú, sâu sắc. Phong cách thơ ông trầm uất, nghẹn Bài thơ đã để lại trong lòng những người xa xứ một nỗi niềm, một tâm trạng khó có thể giãi bày. Chúng ta tìm thấy ở đây một sự đồng cảm với một nỗi lòng cần được cảm thông và chia sẻ. Đọc bài "Thu hứng" này, ta cảm nhận cái hay của áng thơ thất ngôn bát cú, mà mỗi câu, mỗi chữ đều mang cái "thần" của nó, phô diễn cảnh và tình bằng nhiều hình tượng cảm động. Rừng phong phương Bắc trong khí thu mờ, con thuyền lẻ loi vườn xưa với những hàng lệ của kẻ xa quê... làm ta thổn thức và nhớ mãi.
 

Dàn ý phân tích Thu hứng của Đỗ Phủ​

A. Mở bài​

Giới thiệu tác giả Đỗ Phủ và bài thơ Thu hứng

B. Thân bài​

a. Bốn câu thơ đầu miêu tả cảnh mùa thu

- Hình ảnh: ngọc lộ, phong thụ lâm: đây là những hình ảnh quen thuộc của mùa thu Trung Quốc.

+ Ngọc lộ: miêu tả hạt sương móc trắng xoá, dày đặc, hình ảnh tiêu điều, ảm đạm
+ Phong thụ lâm: cảnh sắc mùa thu cùng nỗi sầu ly biệt

- Núi vu, kẽm vu: đây là hai địa danh tại Trung Quốc.
- Khí tiêu sâm: mùa thu hiu hắt, ảm đạm

=> Không gian thiên nhiên vừa có chiều cao, chiều rộng và chiều sâu, không gian lạnh lẽo, xác xơ, ảm đạm.

=> Diễn tả cảm xúc buồn, cô đơn, lạnh lẽo của tác giả

- Điểm nhìn được thay đổi từ lòng sông đến miền quan ải, không gian được mở rộng.

+ Tầng xa: ở giữa dòng sông thăm thẳm là " sóng vọt lên tận lưng trời"
+ Tầng cao: miền quan ải với hình ảnh mây sa sầm giáp mặt đất.
+ Tầng rộng: mặt đất, bầu trời, dòng sông đều cho ta hình dung về một không gian rộng lớn.

- Hình ảnh đối lập, phóng đại: sóng - vọt lên tận trời, mây - sa sầm xuống mặt đất

=> Sự vận động trái chiều của những hình ảnh không gian kì vĩ, tráng lệ.

=> Tâm trạng con người ngột ngạt, bí bách

Bốn câu thơ là bức tranh mùa thu xơ xác, tiêu điều, mênh mông, đó phải chăng là xã hội Trung Quốc thời loạn lạc, bất an.

b. Bốn câu thơ sau: tình cảm đối với mùa thu

- Hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ:

+ Khóm cúc nở hoa - tuôn dòng lệ: tâm sự buồn của nhà thơ
+ Cô chu: hình ảnh con thuyền cô độc

=> Hình ảnh gợi sự trôi nổi, lưu lạc của con người, khát vọng về quê của tác giả.

+ Lưỡng khai: nỗi buồn trải dài từ quá khứ tới hiện tại
+ Nhất hệ: dây buộc thuyền cũng là sợi dây buộc tình của nhà tác giả
+ Cố viên tâm: đó là tấm lòng hướng về quê cũ, thân phận của kẻ tha hương

- Sự tương đồng giữa người và cảnh vật:

+ Tình - cảnh: nhìn cúc nở mà lòng tuôn giọt lệ
+ Quá khứ hiện tại: hoa cúc nở hai lần năm ngoái
+ Sự vật - con người: sợi dây buộc thuyền cũng là sợi dây buộc chặt tâm hồn người.

Hai câu thơ diễn tả nỗi lòng đau buồn, tha thiết nhớ quê

- Các hình ảnh:

+ Mọi người nhộn nhịp may áo rét
+ Giặt quần áo chuẩn bị cho mùa đông tới

- Âm thanh: tiếng chày đập vải

=> Âm thanh báo hiệu một mùa đông sắp về, nỗi thổn thức, lẻ loi, cô đơn nỗi mong nhớ trở về quê hương.

c. Nghệ thuật

+ Lời thơ buồn, thấm đẫm tâm trạng
+ Bút pháp đối lập, tả cảnh ngụ tình
+ Ngôn ngữ ước lệ tượng trưng


C. Kết bài​

Khẳng định lại giá trị của bài thơ.
 
Bài tham khảo 2

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại của văn học Trung Quốc với những vần thơ phản ánh hiện thực và bày tỏ cảm xúc, thái độ và tâm trạng đau khổ trước hiện thực đời sống của nhân dân. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông không thể không kể tới đó là Thu hứng.

Đỗ Phủ quê ở Hà Nam, Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo và thơ ca lâu đời. Suốt cuộc đời ông sống trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Nhưng ngọn lửa đam mê văn chương trong lòng ông vẫn luôn rực cháy. Ông sáng tác rất nhiều và để lại cho đời hàng ngàn bài thơ có nội dung phong phú, sâu sắc, phản ánh sinh động những sự kiện lịch sử thời đại ông sống. Ông được công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới.

Đỉnh cao của sự nghiệp văn chương Đỗ Phủ là thời kỳ Bắc Tống, những tác phẩm của ông được đánh giá một cách toàn diện và tên tuổi của nhà thơ gắn liền với sự phát triển của Tân Khổng Giáo.

Thu hứng là bài thơ thứ nhất trong chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766 khi đang sống phiêu bạt ở Quý Châu. Sau mười một năm kể từ khi bùng nổ loạn An Lộc Sơn, tuy loạn đã dẹp xong nhưng đất nước kiệt quệ vì chiến tranh và nhà thơ vẫn phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Chính hoàn cảnh ấy đã khơi gợi cảm xúc để sáng tác Thu hứng.

Ta có thể thấy, mùa thu trong văn học là mùa được khá nhiều thi nhân lựa chọn gửi gắm những nỗi niềm tình cảm của mình. Mùa thu khiến cho tâm hồn con người ta trở nên lãng mạn, thả hồn theo gió ta cũng cảm thấy một nỗi buồn mênh mang. Cảm xúc mùa thu là bức tranh mùa thu hắt hiu, mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình trong lúc đất nước rơi vào phen loạn lạc, nỗi thương nhớ quê hương dâng lên nghẹn ngào và nỗi buồn thương cho thân phận mình nơi đất khách quê người

" Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm"


Có thể thấy được bốn câu thơ đầu là câu đề với mục đích miêu tả bức tranh thiên nhiên bao la nhưng buồn tại vùng rừng núi thượng nguồn Trường Giang

"Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm

(Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà)


Điểm quan sát của tác giả là ở một vị trí cao, có thể quan sát được toàn cảnh nơi đây. Mọi thứ được miêu tả theo chiều sâu và theo chiều rộng. Hình ảnh hiện ra đầu tiên là hình ảnh rừng phong với sương móc còn phủ lên chúng, tạo cảnh tượng buồn, nhấn mạnh sự ly biệt khi lá phong chuyển sang đỏ, khi mùa thu tới. Những dấu hiệu rừng phong, hạt sương chính là những hình ảnh quen thuộc của mùa thu.

Hai câu thơ mở đầu là bức tranh miêu tả cảnh thiên nhiên rừng núi nhưng điểm chung là nỗi buồn đang ngấm dần vào tác giả, nỗi buồn ấy như đang chế ngự cả tâm trạng và cảm xúc của tác giả khi đặt bút viết lên những vần thơ ấy:

"Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm

(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa)


Hai câu thơ tiếp theo, không gian đã được mở rộng, hoành tráng và dữ dội. Nó như muốn lột tả sự hùng vĩ của hai ngọn núi Vu Sơn, Vu Giáp nhưng cũng bí hiểm, âm u. Bốn câu thơ với bốn màu sắc miêu tả khác nhau, khi gần khi xa, khi cao khi thấp. Cảnh sắc mây trời, rừng núi hiện ra với những nét đặc trưng của mùa thu.

Chính cảnh sắc mùa thu như vậy làm thi nhân nhớ quê hương da diết:

"Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm"

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình quê
Lạnh lùng giục kẻ tay dao trước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà)


Những câu thơ tiếp theo nhà thơ tập trung vào miêu tả cảm xúc cũng là những vần thơ chứa đựng nhiều tình cảm, đó là niềm mong ngóng quê hương, nỗi khát khao được trở về quê nhà, sự buồn bã khi phải sống tha phương. Hình ảnh hoa cúc khiến tác giả phải rơi lệ khi nhìn thấy, nhớ tới mùa thu ở quê hương mình. Những hình ảnh được sử dụng như con thuyền đơn độc, nhưng ẩn sâu trong đó là sự hy vọng về một ngày trở lại quê hương dấu yêu của mình.

Âm thanh của tiếng chày đập vải trên sông khiến bức tranh đìu hiu ấy sinh động hơn. Âm thanh duy nhất ấy khiến không gian trở nên náo nhiệt hơn nhưng cũng không đủ xua đi những áng mây buồn đang bủa vây trong lòng thi nhân.

Hai câu cuối bài thơ mang thật nhiều ý nghĩa. Với thể thơ Đường luật thì hai câu kết thường là nơi tác giả bộc bạch tình cảm, nhưng ở đây tác giả lại dẫn tới những hình ảnh của cuộc sống nhộn nhịp. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, cò trong lòng nhà thơ vẫn man mác buồn.

Những hình ảnh trong bài thơ mang đậm màu thu. Tác giả đã thu trọn cái hồn của mùa thu vào bài thơ. Đó là một buổi chiều thu đặc biệt trên mảnh đất Quý Châu, nơi đang xảy ra loạn lạc. Tác giả ngày đêm mong muốn trở về quê hương.

Với kết cấu chặt chẽ, câu thơ bám sát chủ đề, thể hiện được hai yếu tố nổi bật đó là "tình" và "thu",vừa tả cảnh, vừa chứa đựng quan niệm nghệ thuật. Trong thơ Đỗ Phủ mối quan hệ giữa không gian và thời gian có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Đây là một bài thơ mang đậm phong cách trữ tình của Đỗ Phủ. Đối với ông, mùa thu là mùa của nỗi buồn, nỗi nhớ.

Qua bài thơ, ta thấy được một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm lại rung động với cảnh sắc mùa thu. Trái tim Đỗ Phủ đã dành trọn cho quê hương. Những vần thơ của ông có sức lay động mãnh liệt, khẳng định tài năng của ông và là một bài thơ tiêu biểu về mùa thu của thi ca Trung Quốc.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top