• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Phản hồi đanh thép của phụ huynh 6X

Hide Nguyễn

Du mục số
Những quyết sách được tạo bởi trí tuệ, sự cọ xát với thực tế, mới và có lợi thì bền bỉ, dễ thực thi và được người dân ủng hộ. Ngược lại, những quyết sách được sản sinh từ những bức xúc nhất thời, chỉ để thỏa mãn một thứ tư duy đơn giản, thường khó đi vào đời sống.


20110309200755_HuyCuong.jpg


“Ông học trò” nặng 62 kg, cao 1,77 kia chưa được phép lái xe gắn máy và cô giáo trong hình thì được phép lái xe gắn máy


Mấy ngày nay, trên một số báo đài, rộ lên nhiều ý kiến về việc học sinh đi xe gắn máy. Bên “Chống” tập chung vào mấy điểm như sau:

Phụ huynh nuông chiều con cái, học sinh hạnh kiểm kém, đua đòi, các nhà giữ xe ham lợi ích từ việc giữ xe cho học sinh.

Sau đó, phía này đề nghị dùng một số biện pháp như đánh thụt hạnh kiểm học sinh, cấm các hộ dân giữ xe gần trường, quay phim ghi hình học sinh đi xe gắn máy v.v..

Có thể nói, giống như một số “phong trào” khác ở xứ ta , đây là sản phẩm của những tư duy phi lí trí và sống sượng, thậm chí vi phạm pháp luật. Xin bàn đến việc này bằng những nét cơ bản như sau:

Thứ nhất là vấn đề lứa tuổi

Những ai đã nuôi con ăn học , nhất là khối cấp III phổ thông thì đều phải thấy con mình đánh vật với chương trình học tập ra sao.

Quỹ thời gian giành cho việc học, kể cả học ở trường, học thêm ở các lò, học ở nhà nhiều khi cỡ 14/24 giờ vẫn chưa bơi hết, vẫn phải cố gắng. Mười giờ còn lại thì ăn uống, sinh hoạt cá nhân hết chừng 3 giờ, còn lại chừng 7 giờ dành cho việc ngủ.

Nếu phải đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường sẽ khiến các em luôn vội vàng, hốt hoảng và quỹ thời gian nghỉ sẽ hẹp lại. Khi đến trường là mệt nhoài, nhất là với các em ở cự li xa trường hơn 5 km.

Nhìn vào lịch này, thấy quỹ thời gian dùng cho việc du hí, ngao du thì học sinh thuộc nhóm ít nhất xã hội nếu so với thanh niên sinh viên, công nhân, thậm chí so với người lớn.

Về mặt tài chính, lứa này chưa làm chủ được tiền bạc, muốn chi xài lớn cũng không có mà chi.

Do đó, loại tư duy như là “quy ước” rằng: hễ để cho học sinh đi xe máy là bị lạm dụng, bị chúng dùng xe làm phương tiện quậy phá là rất phiến diện. Cần xem xét lại.

Nếu chủ động hạn chế dùng xe gắn máy đi cướp, đi đánh bạc, đi du hí vô lối thì phải nhằm vào đối tượng người lớn , loại trên 18 tuổi chứ không phải nhóm đối tượng này. Cho nên việc quy kết việc cho con đi xe gắn máy là một kiểu “nuông chiều” con cái của phụ huynh là kiểu nghĩ rất cũ, rất phiến diện cần điều chỉnh.

Thứ hai là về thao tác lái xe



Luật giao thông hiện nay KHÔNG CẤM một cụ già 65 tuổi hoặc một bà trung niên nhà quê chừng 50 -60 tuổi cầm lái xe gắn máy nếu đã có giấy phép.

Cái xe gắn máy là loại phương tiện cực kỳ dễ tiếp thu. Cụ thể chỉ với 10 giờ tập trên cơ sở đã biết đi xe đạp là đi được. Đi rồi, chỉ một tháng là thạo.

Tôi đã quan sát nhiều trường hợp những phụ nữ từ nông thôn ra thành thị, 50 tuổi mới mó vào cái xe lần đầu, một tháng sau đã chở cả đống hàng trên xe chạy ngon lành.

Do đó, không gì vô lý, duy lí hơn việc nghĩ rằng học sinh không biết lái xe, không có bằng cấp là không lái được xe trong khi thanh niên 16-17 tuổi là loại thông minh, nhạy cảm và linh hoạt nhất đời người.
Nhìn vào việc học –hành thì việc học tập để nắm luật giao thông, để có thể đi , thậm chí đi xe gắn máy giỏi chỉ là chuyện nhỏ so với những kỹ năng khác mà các em phải học.

Trên thực tế các em đi xe rất giỏi, giỏi hơn các cụ già, các bà phụ nữ nhiều.

Nếu quan sát tỉ lệ người đi xe gắn máy là TUỔI HỌC SINH gây tai nạn thì thấy nó nằm trong biên độ rất nhỏ so với lứa tuổi khác ( dưới 5%).

Để kiểm chứng quan điểm này, tôi đoán chắc trước các cơ quan thẩm quyền rằng, nếu cho học sinh từ 16 tuổi trở lên tham gia thi lấy giấy phép lái xe với nội dung thi như hiện nay đang áp dụng với người lớn thì tỉ lệ học sinh thi đậu cao hơn người lớn.

Thứ ba: Gây ách tắc giao thông đô thị

Chính vì điều luật này, hạn chế công dân dưới 18 tuổi được điều khiển xa gắn máy nên nhiều gia đình phải chở con em đi học.

Có nhà kết hợp được việc chở con em đi học rồi người lớn đi làm luôn, có người vì khác tuyến, khác giờ lại phải trở lại nhà rồi đi làm, đến khi con tan học, lại sấp ngửa đi đón rước con.

Từ đây có thể thấy mô hình: Nếu để học sinh đi học, mỗi ngày hai lượt đi-về nhưng nếu cấm cách, mặt đường sẽ phải chịu 04 lần đi-về để giải quyết cùng một việc này.

Không có gì vô lí, nực cười hơn việc một bà mẹ gầy yếu chạy xe chở một ông con to béo, đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ngồi ngất ngư đằng sau, suốt ba năm học cấp ba.

Rõ ràng, việc này là một tác nhân gây ách tắc giao thông đô thị.

Thứ tư là vi phạm pháp luật

Trong dòng ý kiến nêu trên, loại tư duy “thích là cấm” có vẻ thắng thế với tiêu chí cấm tiệt học sinh đi xe gắn máy. Quay phim, cấm giữ xe gần cổng trường, đánh tụt hạnh kiểm v.v..

Những “quyết sách cùn” này thực chất sẽ gây nên nhiều di hại. Có em học sinh học giỏi, chăm ngoan, phấn đấu không ngừng nay chỉ vì “tội” đi xe gắn máy mà bị “giáng” điểm đạo đức xuống là một sự bất công.

Hai nữa, Luật giao thông đường bộ không quy định bằng vở cho người điều khiển xe 50cc. Như vậy, việc các em chạy xe gắn máy dưới 50 cc là không phạm luật nhưng trong tinh thần của các “luật trường - luật chợ” kiểu nói trên cứ gom hết “xe gắn máy” vào một rọ để hô cấm là một cách làm ẩu, có dấu hiệu vi hiến.

Việc cấm các gia đình giữ xe gần cổng trường cũng dễ gây nên những bi kịch. Có gia đình, có doanh nghiệp có giấy phép giữ xe từ khi chưa có trường, làm ăn hợp pháp mà nay bị cấm rất vô …duyên, cấm bất tử là sao nếu không nói đó là loại “luật” kiểu tùy hứng qua cầu!

Cuối cùng là bản chất của những vướng mắc

Có thể nói, sự lấn cấn đến căng thẳng này là những vướng mắc, gai gợn ngay trong đầu những nhà quản lý.

Trong lúc, chỉ nói riêng ở khối nhà trường, có bao nhiêu việc để làm. Từ việc thầy giáo tha hóa, hủ bại đến việc học sinh xa đọa, quay phim chụp hình sex đưa lên mạng, nghiện Game online. Chuyện trường lạm thu tiền bạc, thuê bảo vệ hành hung học sinh v.v..thì không tập trung vào làm, cứ cắm vào một việc thực chất là rất bình thường.

Kể cả công luận, không hiếm thấy những nhà báo “dễ tính” quên mất việc tìm những tư duy xác đáng, căn bản, gần gũi với đời sống, cứ a dua theo những “chủ chương” hời hợt như trên, tạo ra những căng thẳng không cần thiết.




Kết thúc bài viết này, tôi xin nêu một hình ảnh cụ thể như sau:

Con tôi học những năn cuối cấp III tại trường Nguyễn Công Trứ quận Gò Vấp , ra trường năm 2006 , nay đã là sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa.

Tấm ảnh trên chụp hình cháu với cô giáo chủ nhiệm lớp năm 2005 . Thời điểm này, “ông học trò” nặng 62 kg, cao 1,77 kia chưa được phép lái xe gắn máy và cô giáo trong hình thì được phép lái xe gắn máy, một hình ảnh nói lên nhiều điều!.

Tôi cho con dùng xe từ năm học lớp 11 vì nhà cách trường 7 km và cháu đã đi rất tốt, không một lần gây tai nạn trong suốt hai năm trời đó.

Lớp thanh niên học cùng khóa với con tôi hiện nay hàng năm, dịp tết, lễ vẫn gặp nhau trong những offline vui vẻ tại nhà tôi và nếu quan sát kiểu báo chí thì thấy : 100% các em ĐÃ DÙNG XE GẮN MÁY ĐI HỌC HỒI CẤP III trong đó có con tôi vẫn đang học tập, trưởng thành tốt.

Sỹ số dùng xe gắn máy đi học hồi đó là trên 60% , số không dùng xe là diện các em nhà gần trường, không dùng.

Đây là một tư liệu rất thực, nó bác bỏ thẳng thừng loại tư duy sơ giản cho việc các em dùng xe gắn máy đi học như một mầm họa hay một vấn nạn ghê gớm của xã hội.

Vấn nạn này, nếu có, nó là loại vấn nạn ở ngay trong đầu nhà quản lý.


Nguyễn Huy Cường - vnn
 
Cấm học sinh cấp 3 đi xe máy là không nên. Tuy nhiên, cần phải có những hạn chế với nhóm này. Chẳng hạn như quy định chỉ được sử dụng xe có dung tích xi lanh bằng hoặc dưới 100 cc, yêu cầu học sinh cam kết không chở 3, không lạng lách...Nếu phát hiện sẽ bị hạ hạnh kiểm, thậm chí tịch thu bằng lái...
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top