Ông g- bov với vấn đề nghệ thuật

vanchuong83

New member
Xu
0
[h=3]ÔNG G- BOV VỚI VẤN ĐỀ NGHỆ THUẬT[/h]
(Tác giả: F. Dostoievski; Phạm Vĩnh Cư dịch và giới thiệu)

Như chúng ta biết, Dostoievski không chỉ là một tiểu thuyết gia cự phách, mà còn là một nhà báo và một cây bút nghị luận xuất sắc. Cùng với thư từ hợp thành một nửa không thứ yếu tí nào của di sản của ông, mảng văn chương báo chí – nghị luận này cũng mang rất rõ nét dấu ấn bản ngã của tài năng, trí tuệ, khí chất, khiếu thẩm mĩ Dostoievski.


Đáng chú ý đặc biệt là những bài viết và những phát biểu của ông về mĩ học và văn học – nghệ thuật. Dostoievski suốt đời mơ ước viết một công trình khảo luận dài hơi và có tính hệ thống về những vấn đề này. Cái chết quá sớm đã không cho ông thực hiện ý đồ ấy, nhưng chỉ từ những gì mà ông đã để lại, hậu thế vẫn tiếp thụ được cả một thế giới những tư tưởng và xác tín, những cảm xúc và cảm hứng, hi vọng và lo âu, tiên báo và cảnh báo của một thiên tài về nhiều mặt đã đi trước khá xa thời đại mình.

Bài tiểu luận Ông G-bov với vấn đề nghệ thuật , xuất hiện vào đầu năm 1861 trên tạp chí Vremia (Thời đại) mới ra mắt độc giả, đưa thẳng chúng ta vào một trong những trang đáng ghi nhớ của lịch sử văn học Nga – đó là cuộc đấu tranh tư tưởng rất sôi nổi và dai dẳng về quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, kéo dài từ những năm 50 đến những năm 80 thế kỉ XIX. Cũng giống như ở Việt Nam ta sau này, công luận Nga thời ấy bị xâu xé bởi hai phe đối địch: phe “nghệ thuật vị nghệ thuật” và phe “nghệ thuật vị nhân sinh”. Phe thứ hai có những thủ lĩnh trứ danh, ngay ở ta ai ai cũng biết - những Tsernysevski, Dobroliubov, Pisarev, Antonovich, Zaitsev… Về những đại diện ưu tú của phe thứ nhất, chúng ta còn biết ít, vì những lí do lịch sử. Nhưng hơi khác ở ta, trong cuộc bút chiến nảy lửa, với nhiều tiếng nói ồn ào, gắt gỏng và nhiều khi ác khẩu vì hiếu thắng ấy, công chúng mẫn cảm thỉnh thoảng vẫn nghe thấy những khuyên cáo ôn tồn nhưng rắn rỏi và đầy tự tin của một “lực lượng thứ ba”.Cái lực lượng không có tổ chức và tuyên ngôn chung này mới thật sự hùng hậu, bởi nó bao gồm một số bậc hiền tài siêu hạng sẽ làm vinh dự không chỉ cho nước Nga, mà còn cho cả loài người. Lev Tolstoi, Dostoievski, cũng như muộn hơn một chút, Vladimir Soloviev và Tsekhov thuộc về cái “lực lượng thứ ba” ấy. Họ ngay từ đầu đã nhận thấy tính thiếu căn cứ đích đáng của cuộc tranh luận, sự hẹp hòi cục bộ trong lập trường quan điểm của cả hai phe ác chiến, và bằng hoạt động lí luận và đặc biệt bằng thực tiễn sáng tác của mình họ kiên trì khẳng định một lập trường xây dựng triệt để – lập trường vừa “vị nghệ thuật” vừa “vị nhân sinh” trong quan hệ tương hỗ không thể thiếu nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau và làm bệ đỡ cho nhau của chúng. Và lịch sử thế giới nói chung, lịch sử nghệ thuật nói riêng trong một thế kỉ rưỡi qua đã cho thấy: đây mới thực sự là lập trường thông minh sáng suốt, hữu hiệu và hữu lợi lâu bền.

Bằng bài tiểu luận vừa rất sinh động, hóm hỉnh, vừa đầy ắp những dẫn chứng giàu sức thuyết phục của mình, Dostoievski nhắc nhở về mấy chân lí hiển nhiên và muôn đời, nhưng lại hay bị che lấp và lãng quên trong những cơn lốc của nhiều xã hội và quốc gia:
- Không có “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mọi nghệ thuật chân chính đều “vị nhân sinh”, bởi vì nó gắn bó không thể tách rời với cuộc sống, thể hiện những nhu cầu, khát vọng bản thể của con người. Mọi tác phẩm nghệ thuật thực thụ đều hữu ích, nếu không hôm nay thì mai sau.

- Nghệ thuật phục vụ mục tiêu cao cả lại càng phải có tính nghệ thuật cao. Cái xoàng xĩnh, cái bất tài, cái khiên cưỡng, giả tạo chỉ tác hại, chứ không thể làm lợi cho sự nghiệp chính nghĩa.

- Không có tự do cảm hứng, tự do sáng tạo thì không có nghệ thuật đích thực, mà chỉ có thể có ngụy nghệ thuật.
Đọc áng văn đã khá xa xưa này, độc giả ngày nay một lần nữa thưởng thức cái tài tiên tri của Dostoievski: chủ nghĩa duy lợi, xem văn học nghệ thuật chỉ như một công cụ đấu tranh xã hội, thời ấy mới manh nha trong đầu óc Tsernysevski, Dobroliubov – những nhà cách mạng không thiếu chất nghệ sĩ - đã khiến ông phải lo ngại đến thế, bởi vì ông nhìn thấy trước nó sẽ tác hại ghê gớm thế nào đến cả nghệ thuật lẫn nhân sinh, một khi nó trở thành đường lối chủ trương áp đặt cho cả xã hội và từng văn nghệ sĩ. Nhưng bài viết của Dostoievski không chỉ chứa đựng những cảnh báo và ngăn ngừa. Phần rất quan trọng của nó dành cho sự trình bày, cũng hấp dẫn và sáng rõ, lí tưởng thẩm mĩ, những quan niệm chính diện của nhà đại văn hào Nga về sứ mệnh, tác dụng của văn học nghệ thuật, nghĩa vụ của người cầm bút. Những tư tưởng hết sức lành mạnh, minh triết và quảng đại ấy xứng đáng được mọi người và mọi dân tộc biết đến, nâng niu và phát triển trong cuộc tìm kiếm và dựng xây một nền văn minh mới, thực sự nhân bản, trên hành tinh đã trở thành ngôi nhà chung của cả loài người này.
Đối với những ai quan tâm đến di sản mĩ học của Dostoievski, bài tiểu luận Ông G-bov với vấn đề nghệ thuật có giá trị không gì thay thế được.
Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top