Nước mắt chảy xuôi

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Tối nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều, hết chương trình thời sự của Đài Truyền hình, tôi lại thư thả đi như tập thể dục ra đại lý mua đồ ăn tối cho con. Rét quá, bọn trẻ thích uống sữa nóng, ăn nhẹ thứ gì đó trước khi đi ngủ.

26_mh114.jpg

Minh hoạ của Ngô Xuân Khôi.

Tôi khệ nệ xách một túi đồ, vừa đi vừa ngắm nhìn phố xá ấm áp dưới ánh đèn đỏ.

- Chào ông, nhà đẹp quá. Ông ngắm nhìn thành quả của mình đấy ạ - Tôi nhanh nhảu chào ông cụ tóc bạc đứng bên kia đường. Ông đang trân trân nhìn về phía có ngôi nhà của mình. Mê mải quá, nghe như có tiếng người hỏi, ông ngoảnh lại, gật gật đầu. Tới gần, tôi mới chột dạ:

- À, nhà ông kia, cháu nhầm nhà bên cạnh.

Ông cụ cúi đầu, ngậm ngùi:

- Ông sắp bán nhà con ạ.

- Cháu tưởng... Bên trái, bên phải ông đã bán. Bán nữa ông ở đâu? Chắc ông mua nhà trong phố?

Giọng ông trầm đục:

- Ông sẽ về nhà sáu tấm…

Tôi cười:

- Ông còn khỏe lắm. Hai cái năm mươi nữa Văn Điển vẫn còn xa…
Bỗng nhiên giọng ông nghèn nghẹn:

- Con vạch lưng ông lên mà xem. Miếng băng to tướng vẫn còn trắng trên lưng đây này.

Mặt tôi như đơ lại.

Và mạch nguồn xúc động của ông tuôn trào.

Sợ nhỡ bữa phụ trước giờ đi ngủ của các con, tôi nhấp nhổm mở điện thoại xem giờ áng chừng để ông biết, tôi đang vội. Nhưng, khi người ta đang bức xúc, đang ức chế như đập nước đầy đến giờ phải được xả, làm sao ông có thể dừng thốc tháo gan ruột khi chưa hả dạ. Ông cứ nghèn nghẹn kể mà không cần biết tôi có muốn nghe tiếp nữa hay không?!

Một vài chiếc xe tải chở cát vút qua, tiếng ông nhòe lúc rõ lúc không. Chiếc xe ô - tô "Vì thành phố xanh, sạch, đẹp" chầm chậm lăn. Mùi khó chịu tỏa khắp đường, bụi tung ngằn ngặt. Chị lao công ra công đánh kẻng thúc giục mọi người. Ông vẫn không thôi mạch chuyện não nề của mình
*
Một sáng mùa thu trên bãi sông Hồng, người đàn ông mải mê tự sửa chữa máy hút cát dưới lòng sông. Đường ống bị tắc.

- Chị đẻ rồi anh ơi, con trai, 5 kilô, khỏe mạnh, giống anh như đúc! - Một người bà con hối hả thông báo, giọng lạc đi vì xúc động. Người đàn ông bật dậy, dang hai tay, ngửa mặt lên trời:

- Trời đất ơi, tôi có con trai! Tôi có con trai rồi!

Tiếng máy nổ rền vang lan tỏa khắp bãi bồi bởi sự hân hoan của gió. Tiếng máy nổ vang rền như tiếng ca vang lan tỏa cả một khoảng trời mênh mang gió, mênh mang sông, mênh mang phù sa, cát.

Người đàn ông cởi trần, cát dính đầy lưng vừa đi vừa chạy dưới ánh mặt trời với muôn vàn tia nắng. Những hạt cát li ti lấp lánh như hoa cương trên làn da. Ông cúi đầu tạ ơn đất trời. Ông vái lạy dòng sông đang dát bạc. Nước mắt mặn mòi tràn trề gương mặt ông.

Nhìn chồng sung sướng, niềm hạnh phúc, kiêu hãnh trào dâng trong lòng thể hiện trên khóe mắt, nụ cười người vợ. Bàn tay nắm chặt bàn tay nồng nàn yêu thương. Ông muốn hôn thật sâu, thật lâu lên môi lên mắt lên trán vợ. Nhưng bệnh xá có nhiều sản phụ.

Vợ ông nhỏ nhẹ, dịu dàng:

- Anh bế con đi, nhè nhẹ thôi, đừng có hôn lên má con, cả hơi đấy.
Người chồng nhẹ nhàng nâng đứa nhỏ vào lòng, ngắm thật lâu thật kỹ. Không dám hôn, ông áp má bên này, áp má bên kia lên vành mũ con cưng nựng. Ông ngồi bên mép giường khe khẽ vén những sợi tóc mai xòa trên mặt vợ.

Bà xã làm nũng chồng:

- Hai đứa con gái đều do anh đặt tên. Lần này anh để em đặt tên cho con trai nhé.

- Công của em mà. Anh đồng ý để em đặt tên. Em định đặt tên con là gì.

- Hòa Hợp. Anh thấy có được không.

Ông xã liếc tình, gật đầu tình tứ nịnh vợ:

- Cái tên rất hay, lại có ý nghĩa. Anh đồng ý.

Có con gái con trai, bạn bè đồng lứa cấm dám trêu ông "bố vợ phải đấm".

Từ ngày ông có con trai, sự vật dường như đổi thay nhiều. Bờ sông bên này bỗng nhiên lở ùm ùm, có đoạn hoắm sâu vào đến tận đường cái. Có hôm, sau một đêm, sáng dậy đống cát như quả đồi biến mất. Máy hút cát, máy nổ cũng mất tiêu. Có nhà đêm ngủ say, sáng dậy, ngó trước ngó sau chẳng thấy bếp thấy vườn. Có đôi trai gái theo nhau nguyện "một mái nhà gianh hai trái tim vàng" ngủ đan vào nhau, tỉnh tỉnh mơ mơ nước cuốn trôi cả giường, cứ thế bồng bồng bềnh bềnh trên mặt nước.

Bên này lở bên kia bồi. Đó là quy luật của dòng sông. Bờ sông phía Gia Lâm, phù sa đậm đặc, bãi cát dài phẳng lặng vươn rộng mênh mông. Cánh cửu vạn lầm lũi bỏ ông sang bên ấy.

Từ đó, việc làm ăn của ông lụi dần.

Nhưng ông nào có sá chi, trời cho ông cậu ấm, cục vàng vô giá, ông có sức khỏe, đôi bàn tay lam làm, để đủ nuôi vợ con khó gì. Còn mấy cái xe tải chở vật liệu, "sức khỏe" của ông đấy, ông cho thuê, chở thuê vẫn ra tiền, thậm chí vẫn khấm khá chứ nghèo khổ sao được.
"Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao". Mỗi lần vợ ông lo lắng đông con, ông cất cao lời ca xua tan những đám mây u ám.

Nói là nói vậy. Làm ăn khó khăn, cái xảy nó nảy cái ung, biết bao điều cực nhọc, phiền toái khôn lường. Cái xe tải dở chứng hỏng. Chữa chạy mất một khoản tiền. Chưa hết, họa vô đơn chí, cái bánh xe phụ đổ vào chân ông. Ông phải đi viện bó bột, nằm bất động mất mấy tháng.

Nằm một chỗ ngứa ngáy tay chân đâm ra hay ngẫm ngợi xa gần. Ông ngẫm ngợi một ngày nào đó con gái lớn, gả chồng, con trai lớn lấy vợ. Có vợ có chồng, chúng quấn quýt bên nhau, như ông bây giờ, vì con vì vợ nhiều hơn vì mẹ vì cha, liệu lúc ấy chúng có dành phần nào yêu thương, chăm sóc vợ chồng ông? Tuổi chưa già, còn sức khỏe, ông làm việc hết mình, thậm chí mưu mô thủ đoạn cũng vì con. Nhưng rồi một ngày, sức lực không còn, trí tuệ cũng không còn, các con, chúng phụ bạc, coi cha mẹ là cái nợ? Và rồi ông lại tự an ủi, nước mắt chảy xuôi có bao giờ chảy ngược. Mình lo cho con, rồi chúng nó cũng lại phải lo cho con chúng nó. Chả cần chúng nó nuôi, chỉ cần chúng có hiếu, không bỏ rơi bố mẹ già là được.

Văng mình xuống xe lăn, ông đến bên vợ:

- Em ạ. Hòa Hợp - cái tên em đặt cho con đẹp lắm, có ý nghĩa lắm. Mình có với nhau ba mặt con. Anh chưa bao giờ có câu nào nặng lời với em. Em chăm con, lo lắng cho anh, hiểu anh. Hòa Hợp càng có ý nghĩa với vợ chồng mình. Nhưng bây giờ anh xin em cho anh đặt lại tên cho con. Anh mong ước sau này chúng mình già, con trai không vì chỉ yêu vợ mà bỏ quên cha mẹ. Anh muốn đặt lại tên con là Trung Hiếu, em thấy thế nào.

- Trung Hiếu hay đấy, lại có ý nghĩa hơn là Hòa Hợp. Em bằng lòng đổi tên con là Trung Hiếu. Con đã được ba tháng. Đợi anh đi lại được chắc là lâu lắm. Sáng mai em tranh thủ lên phường làm giấy khai sinh cho con.

Thế là Hòa Hợp thành Trung Hiếu.


*
Con gái lớn Minh Anh, con gái nhỏ Thục Anh giờ đã thành thiếu nữ. Mỗi lần đi làm về, nhìn đàn con đẹp như tranh, lễ phép gọi dạ bảo vâng quây quần bên mâm cơm, ông thấy thật hạnh phúc.

- Các con học giỏi, chăm ngoan, biết vâng lời, bố vui lắm. Bố quên hết mệt mỏi. Vì các con bố không quản ngại gian nan.

Ông nói với vợ:

- Anh chỉ biết kiếm tiền, vạch đường lối, còn người thực hiện, cai quản hành chính lại là em. Em là nhà quản lý.

Một dạo ông nhận thấy thần sắc con gái Minh Anh không được bình thường, gầy, da xanh mướt, môi tái nhợt. Ông hỏi, vợ ông giải thích:
- Bố nó mê mải quá, chả để ý gì đến con. Con vất vả ôn thi tốt nghiệp, chuẩn bị thi đại học anh ạ.

Chà, nhanh quá, mới ngày nào nó còn đỏ hỏn. Hy sinh đời bố, củng cố đời con. Gái cả vào đại học, nhất định những đứa sau, Thục Anh, Trung Hiếu cũng sẽ lần lượt được học cao biết rộng. Đầu xuôi đuôi lọt. Đứa trước làm gương cho đứa sau. Xoa đầu con, ông nói với vợ:

- Từ nay, mọi việc của anh, anh tự làm, em dành thời gian chăm sóc con. Đừng bắt con làm gì. Cho con thêm tiền ăn. Nếu phải học thêm thầy thêm thợ em cứ đưa tiền cho con, đừng tiếc.

Rồi mùa thi đã đến. Rồi kết quả thi cũng được thông báo. Con bé buồn rười rượi, bỏ cơm không ăn. Ông bình tĩnh động viên, năm nay không đậu thì sang năm. Sang năm cũng không đậu, bố sẽ đầu tư cho con học lấy một cái nghề con thích. Các con ngoan, biết tu chí, bố không tiếc của tiếc công.

Sáu tháng, một năm, ông đều đặn dành khoản tiền cho con gái yêu luyện thi đại học. Minh Anh đi học tít mít, nhiều hôm không về ăn cơm trưa. Có đêm đợi con đến tận khuya chưa về, ông đành đi nằm, nhưng không ngủ. Con trẻ học hành vất vả khổ hơn người lao động như ông. Con bé mỗi ngày một gầy, nhiều khi trông nó như bị mất hồn. Nghĩ mà thương, thôi hay là mở cho nó cái cửa hàng tạp phẩm trước cửa nhà…

Có tiếng gõ cửa, nghĩ là con về, ông bật dậy, lật đật chạy ra. Không phải con, mà cán bộ tổ dân phố. Người ta đến thông báo, Minh Anh nghiện ma túy, bị công an tạm giữ…

Ông làm sao có thể hình dung Minh Anh bỏ học mấy năm rồi.
Đau khổ, tức giận, ông ký giấy bằng lòng cho con đi cai nghiện.
Có người nghiện trong nhà của cải lần lượt đội nón ra đi. Mây âm u thường trực bao phủ trái tim ông. Mây âm u chiếm đoạt hào khí, sức lực ông.

Tháng tháng đi tiếp tế cho con. Rồi con trốn trại, rồi con lại nghiện lại, ăn cắp của nhà, ăn cắp ngoài đường. Con nghiện lấy trộm cả giấy đăng kí xe ôtô của bố mang đi đặt. Ông đành xắn đất bán dần, lấy tiền trả nợ đậy cho con. Gia đình khánh kiệt, con nghiện lâm bệnh qua đời.

Thục Anh, con gái thứ đã lấy chồng. Gần đây, trông nó thẫn thờ, héo hon, ông lo lắng:

- Hai đứa có chuyện gì phải không? Lâu bố không thấy con rể qua nhà.

- Giờ mùa cưới, nhà con phải đi nấu cỗ suốt đêm. Con ở lại ngủ với mẹ.

- Không được đâu con ơi. Con còn bố mẹ chồng, người ta già hơn bố mẹ ngoài này...

Phải đến khi, đêm đã quá khuya, điện thoại đổ chuông, nhận được tin chồng cấp cứu tại bệnh viên Xanh Pôn, Thục Anh lo sợ, cuống cuồng báo cho tất cả gia đình, ông mới vỡ lẽ ra rằng, lâu nay con gái ông đơn độc một mình bởi chồng nó đi ở với người đàn bà khác. Mọi người vào viện đã thấy chị ta có mặt ở đó từ trước rồi.

Ai cũng giận Thục Anh không biết… ghen. Chỉ riêng ông không giận. Ông bảo, lo lắng cho chồng còn bụng dạ nào mà ghen. Nó ghen sao được khi việc đầu tiên là phải cứu người.

Ra viện, con rể cũng về nhà với vợ. Nhưng chỉ được hai ngày anh ta lại bò dậy ra đi với người phụ nữ ấy.

Vừa thấy Thục Anh vào nhà, ông quát:

- Cút, cút về nhà mày ở ngay. Con chị mày, ông chưa đủ đau khổ, xấu hổ hay sao?

Thấy con im lặng, ông vỗ về:

- Con về trong ấy còn có ông bà, người ta cần có con chăm sóc.
Con gái đi rồi, ông bật khóc. Ông bất lực đập tan cái điếu cày. Con gái ông đau một, phận làm cha, ông đau mười.

Thục Anh xin phép bố mẹ cho cô đi làm thuê ở Đài Loan một thời gian.

- Bố không biết phải làm gì để giúp được cho con. Thôi, mọi việc của con tùy con quyết định.

Trung Hiếu lấy vợ. Hai đứa đi làm xa, hằng tháng chúng đáo qua nhà một lần. Hai ông bà già tự chăm sóc nhau, ngày ngày mong mỏi, lo lắng nghĩ về con. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu mơ ước đặt ở con, nâng niu các con như những cục vàng, xa là nhớ, con đau ốm lòng mẹ cha héo hắt. Các con lớn lên, mỗi đứa mỗi nơi, mỗi đứa một số phận, chẳng đứa nào cho ông mở mày mở mặt. Đứa nào cũng cho ông những nỗi buồn lo khôn nguôi.

Đi ra đường, nhìn dòng người căng thẳng, hối hả, lại lo cho con. Ăn một miếng cơm, nghĩ tới con. Xem tivi cũng nghĩ tới con. Nghe dự báo thời tiết, có tiếng người gọi cửa cũng giật mình….

Rồi ông nhận được thư Thục Anh báo tin tái hôn với người bản xứ. Cô gửi biếu bố mẹ số tiền trị giá 10 cây vàng để "bố mẹ bồi dưỡng, giữ gìn sức khỏe…". Trời ơi, ông vui quá. Lâu lắm rồi ông mới được vui như vậy. Không phải ông vui vì con biếu tiền. Ông vui vì con lấy được người yêu thương con, vì cuộc sống của con không vất vả, vì con thật sự vui.

Tiền con cho, ông bàn với vợ, gửi tiết kiệm giữ cho nó, nhỡ sau này…

Lại nghĩ, sang năm con rể ngoại quốc về thăm. Nhà cửa xập xệ quá. Phải có giữ thể diện cho con gái chớ. Tiện có tiền của con, ông vay thêm xây lại nhà cho đàng hoàng.

Ngôi nhà ba tầng được dựng lên. Ông bàn với con trai:

- Trung Hiếu ạ. Bố tính vợ chồng con đi làm xa, cả tuần mới về nhà một lần, bố định cho thuê hai tầng trên lấy tiền trả nợ. Các con xuống ở tạm gác lửng một thời gian. Chị con góp tiền xây nhà nên bố dành riêng một phòng không ai được ở, tết này chị con về.

Ở gác lửng, cửa kính xung quanh, nhà lại có người trọ đi chung cầu thang thật bất tiện, nhất là với vợ chồng trẻ. Trung Hiếu đề xuất với bố cho dọn sang ở phòng bên, khi nào chị về thì dọn trả lại.

Ông lắc đầu:

- Anh rể sắp về. Các con không được làm trái ý bố.

Tranh thủ lúc ông đi làm, vợ chồng Trung Hiếu dọn đồ sang phòng dành cho chị. Nghĩ, việc đã rồi chắc ông cũng đành.

Ông vừa kéo xe cải tiến chở sỏi cho khách về tới cửa, vợ ông te tái:
- Anh à, Thục Anh vừa gọi điện thông báo, sau tết chúng nó mới về được. Em đồng ý cho vợ chồng Trung Hiếu dọn tạm sang phòng bên đó, khi nào Thục Anh rục rịch thông báo, Trung Hiếu trả lại phòng.
Chưa kịp rửa chân tay, ông chạy lên cầu thang:

- Sao, bố nói thế mà chúng mày vẫn cố tình. Chúng mày không còn đếm xỉa gì tới chị mày nữa sao!

Mới chỉ nghe bố nói tới vậy, Trung Hiếu lao ra cầu thang, va thẳng vào người ông với sự cuồng nộ… Cú va mạnh làm ông ngã vật xuống sàn. Hòn sỏi sắc nhọn vương trong gấu quần rơi xuống đất tự khi nào làm đầu ông tứa máu. Thằng con trai sợ, bỏ về phòng. Bà vợ chạy lên đỡ ông dậy, dìu vào giường, đặt ông nằm:

- Khổ quá, tha thứ cho con, thằng bé nó nhỡ… anh ạ.

- Tôi có mù đâu. Em đừng bao che cho nó.

- Nó sai, nhưng nó là con mình

- Thế tôi không phải là chồng cô sao?

- Con dại cái mang. Anh bớt giận đi.

Bà vợ cùng cô con dâu băng vết thương cho ông.

Ông không bị chấn thương sọ não. Vết thương lành dần. Nhưng từ hôm đó ông thấy thể xác lẫn tinh thần bã bời. Đầu ông như vữa ra. Ruột ông như thắt lại. Tim ông rỉ máu.

Đêm mười tư chuẩn bị tết Vu lan, vợ chồng Trung Hiếu về xin lỗi bố. Hiếu bảo, thực tình lúc đó con nhỡ tay…

Bữa cơm chiều tươm hơn mọi khi. Trung Hiếu luôn tay gắp thức ăn cho bố, miệng nói cười như chưa từng có chuyện xảy ra càng làm ông buồn. Hơn lúc nào hết, ông thấy cô đơn, trống trải. Ông muốn chạy trốn. Ông muốn đi đâu đó. Nhưng biết đi đâu. Những ngày này ai cũng hướng về mái ấm gia đình.

Con đường chiều muộn vắng người lại qua. Ông già, mái tóc bạc như cước, chiếc áo thun màu da lươn sờn rách hai vai lạc lõng trên đường. Ông đến với mẹ ông.

Đêm thu sắp tết Vu lan, nghĩa trang ngào ngạt hương khói. Người cuối cùng của ngày cũ và người đầu tiên của ngày mới viếng mộ nghĩa trang chính là ông. Hình như bữa cơm cúng tổ tiên rôm rả rượu chè khiến bác bảo vệ đặt mình là ngáy. Tiếng chó sủa không làm bác ta thức giấc. Quẳng chiếc xe đạp giữa sân bảo vệ, ông ùa ra nghĩa địa để bật lên tiếng khóc mẹ ơi. Để trút nỗi lòng với mẹ....

Đúng là khu B, số… ông thuộc lòng, vậy mà… Ông bật lửa, căng mắt, soi từng di ảnh. Ông tỉnh táo đếm, ông soi đi soi lại nhiều lần vẫn không tìm thấy mộ mẹ đâu. Mệt quá, ông lả đi.

Tỉnh dậy, trời chạng vạng sáng. Ông gọi điện về nhà. Tiếng con trai ông, thằng Trung Hiếu:

- Alô.

Ông im lặng.

Tiếng thằng con trai alô, alô liên hồi. Ông đáp:

- Cho bố gặp mẹ

- Bố, bố đang ở đâu đấy. Cả nhà tìm bố suốt đêm - Tiếng thằng con rành rẽ.

- Bố đang ở Thanh Tước. Có phải bà nằm khu B, số… không nhỉ?

- Đúng rồi bố ạ, trên mộ có khóm hoa tóc tiên.

Ông nhìn xuống chân. Ừ nhỉ. Đêm qua, ông thiếp đi trong vòng tay của mẹ mà ông không biết.

Ông thành kính đặt bó hoa lên mộ mẹ. Bao nhiêu buồn phiền đi đâu hết. Ông quỳ gối mặc niệm nghĩ về mẹ. Mẹ, mẹ bình yên mẹ nhé.
Ngoài kia, có tiếng bước chân, tiếng nói cười. Ông vội vàng lên xe hối hả đạp...

Truyện ngắn của Kim Thoa - CAO
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top