Trang Dimple

New member
Xu
38
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời kỳ nào cũng có những tấm gương nữ anh hùng. Tiếp nối những trang sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam các thời đại trước, trong thời đại Hồ Chí Minh, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Nguyễn Thị Chiên. Bà được phong Anh hùng tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc (1/5/1952). Năm ấy, Nguyễn Thị Chiên mới hai mươi hai tuổi, và là người phụ nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội này.
2016-12-24 Nguyen Thi Chien-3.jpg


Bác Hồ và các Anh hùng Chiến sĩ Thi đua tại Việt Bắc năm 1952 (Anh hùng Nguyễn Thị Chiên đứng thứ 5 từ trái qua) - Ảnh Sưu tầm.
Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, tại xóm Trại Đồng, xã Tân Tiến (nay là thị trấn Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Cái tên Nguyễn Thị Chiên là do anh em du kích đặt cho bà sau này, còn, cũng như nếp đặt tên của dân ta thủa ấy, cha mẹ bà chỉ gọi là Tý Con. Nhà bà có năm anh chị em, bà là út. Gia cảnh khốn khó, sinh bà hôm trước, hôm sau người mẹ đã phải ủ con trong gio bếp cho nóng để đi làm thuê, làm mướn lần hồi kiếm miếng ăn. Nạn đói năm 1945 đã lần lượt cướp đi bốn anh chị của bà. Như cái cây non trồng trong đất cằn, rồi bà cũng cứ lần hồi lớn lên từ dòng sữa nghèo của người mẹ khốn khổ. Đến lúc biết chui qua lỗ thủng của vách bếp, thì bà đã phải đi ở mướn, bế con cho nhà giầu trong làng để kiếm ăn qua ngày. Hai mạng sườn, hai cánh tay sưng tím bởi bị con nhà người ta cào cấu. Cơ cực đủ đường.
2016-12-24 Nguyen Thi Chien-2.jpg

Đồng chí Nguyễn Thị Chiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi mới 22 tuổi - Ảnh Sưu tầm.
Con đường trở thành đội viên du kích xã của cô bé Nguyễn Thị Chiên rất tự nhiên và tự phát. Sau phong trào “Tiếng trống Tiền Hải” năm 1930, Thái Bình trở thành điểm nóng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Bị địch quây hãm, đàn áp nhưng phong trào ở đây không vì thế mà yếu đi. Mạng lưới cách mạng được nối nhịp, dựng xây và huyện Kiến Xương của bà được chọn làm nơi hoạt động đi về của các chiến sĩ cách mạng, của binh đoàn chủ lực. Do nhanh nhẹn và có chí khí từ bé, bà đã được các anh, các chị “rủ” vào du kích. Ngày ấy, bà cũng chả biết du kích là gì. Bà chỉ biết đó là lực lượng ở địa phương, giúp các lãnh tụ, các lực lượng cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp, giúp dân nghèo không phải làm nô lệ, có ruộng và có cái ăn. Thế là bà thích, bà tham gia. Ban ngày đi làm thuê cuốc mướn, tối về nhà loanh quanh cám lợn, cám gà xong bà lại giả vờ tắt đèn đi ngủ, sau đó lẻn đến chỗ các anh, các chị du kích trong xã tập luyện và làm các công việc các anh, các chị phân công. Hôm thì lấy truyền đơn mang rải, bữa thì được giao nhiệm vụ canh gác bảo vệ vòng ngoài cho các cơ sở bí mật, bữa thì được giao công việc nguy hiểm và đòi hỏi nghiệp vụ hơn là đi trinh sát phát hiện nơi ém quân của địch để báo cho du kích và các đơn vị bộ đội biết đề phòng và đánh địch.

Công việc cách mạng đến với Nguyễn thị Chiên cứ ngày này qua ngày khác. Lúc này Kiến Xương bị thực dân Pháp liệt vào danh sách “điểm nóng” cho phong trào nuôi giấu cán bộ và cần phải tiêu diệt. Ngoài in rải truyền đơn, thành lập và mở rộng hoạt động du kích thì bà còn phải cùng anh em quấy nhiễu và phá hủy các đồn bốt của địch. Thời gian đó, các đại đoàn chủ lực của ta cũng còn thiếu vũ khí, nên vũ khí của du kích cũng chủ yếu là thô sơ, tự tạo là chính. Bà vận động anh chị em, ngoài việc cướp súng, lấy súng của địch để giao nộp cho bộ đội chủ lực còn phải tự trang bị vũ khí cho chính mình. Để có vũ khí, mỗi chị em trong đội du kích nổi tiếng có tên “Tán Thuật” phải tự lần hồi bằng cách bắt cua, bắt ốc bán lấy tiền rồi lên phủ (tức tỉnh bây giờ) để mua lại lựu đạn, mìn do những tên lính Pháp túng quẫn bán lại để lấy tiền tiêu. Ngoài hoạt động quấy nhiễu tại cơ sở mình, bà còn cùng chị em du kích trong xã sang các tỉnh huyện lân cận để tăng cường hoạt động quấy nhiễu. Bà không thể quên được những lần chặt chuối làm phao kẹp vào nách bơi vượt sông Hồng, sang Nam Định đi quấy nhiễu đồn bốt. Lúc đi đạn bắn thấy rõ lông mi lông mày, lúc về xe lội nước địch ào ào đuổi đẳng sau. Đi an toàn, về an toàn trong những đợt quấy nhiễu đã làm tăng thêm bản lĩnh và nối dài công trạng của nữ du kích Nguyễn Thị Chiên.

Trong cuộc đời hoạt động du kích, ngoài những lần cải trang, lọt qua sự kiểm soát nghiêm ngoặt của địch để đưa công văn, thư từ, đưa cán bộ ra vào an toàn thì bà nhớ nhất là lần phối hợp với Đại đội 44, Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 đánh lính Âu Phi trên Đường 39. Chính ở trận này, tay không mà bà đã bắt được tên quan hai Pháp. Sau hai ngày lùng sục, tiểu đoàn lính Âu Phi được coi là thiện xạ này hầu như đã mệt mỏi. Để thể hiện ý chí của mình trước những “yếu kém” của Đại đội 44 quân cách mạng, tên quan hai của Pháp đã quyết định “dã ngoại” chiến trường với hai tên lính cận vệ. Phát hiện ra được sự thiếu cẩn trọng này, bà đã bám theo. Địch có ba tên mà bà chỉ có một mình, một suy tính nhanh chóng đến. Từ bụi chuối bên bờ mương, bà dõng dạc hô như đang chỉ huy với một đội hình lớn mạnh trong tay. Nghe lời hô bất thần, hai tên cận vệ đã bỏ tên quan hai chạy ra đường 39 còn bà thừa thế nhẩy vào giật ngay khẩu súng tiểu liên trong tay tên quan hai và chĩa vào hắn bắt hàng rồi dẫn giải về giao nộp cho Đại đội 44. Tên quan hai chỉ huy chính bị bắt, cả tiểu đoàn Âu Phi rơi vào tình cảnh hỗ độn. Đại đội 44 được giữ bí mật đến phút chót đã quyết định tấn công. Trận này, ta thắng rất lớn. Ngoài tên quan hai bị bắt, tiểu đoàn thiện xạ lính Âu Phi cũng bị xóa sổ, còn cái tên “Người phụ nữ tay không bắt giặc” cũng theo bà từ đó.

Tháng 4 năm 1950, khi đưa cán bộ về hoặt động tại xã, bà bị địch bắt, giam cầm hơn ba tháng trời. Giặc hết dụ dỗ, đến tra tấn dã man, song người nữ du kích gan dạ vẫn cắn răng chịu đau, kiên trung bất khuất không hề khai báo đầu hàng. Những ngày ở lao tù này, bà nhớ nhất là những lần bị địch buộc tay chân bà vào một cây tre rồi đem vứt xuống sông. Vứt xuống chờ bà sắp chết, chúng lại vớt lên nhưng vẫn không moi được thông tin. Địch lại giả vờ đem bà đi bắn. Băng đen bịt mắt, tay chân buộc như tử tù, giặc nổ súng. Bà vẫn không sợ. Không khai thác được thông tin gì và không có chứng cứ buộc tội, cuối cùng, giặc phải thả bà ra. Sức mạnh nào khiến một cô gái mới mười chín, đôi mươi lại có thể chịu đựng được những đòn tra tấn dã man của địch? Ngọn lửa nào đã nuôi dưỡng trái tim gan dạ sắt thép của cô gái? Nguyễn Thị Chiên vượt qua tất cả những thủ đoạn tra tấn tàn ác của giặc là nhờ trong tim bà luôn có hình ảnh của Bác Hồ. Nhiều năm sau, Bà tâm sự “Từ trong hậu địch tôi đã tâm niệm Bác Hồ là Thánh sống trên đầu tôi. Chính vì vậy, khi bị địch bắt tù đày, nghĩ đến Bác Hồ, tôi một lòng một dạ không khai. Tôi đã tự đề ra câu hỏi trong đầu như thế này: Nếu như địch bắn vào chỗ nguy hiểm và nhất định mình nắm chắc trong tay cái chết, thì lúc bầy giờ tôi hô: Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Cộng sản muôn năm! Nhưng chúng bắn chỉ thiên sau khi hất tôi xuống sông. Chúng làm vậy là để nhiều lần khai thác. Mưu mô của giặc thất bại chính vì nhờ trong tim tôi vẫn luôn có Bác. Tôi cương quyết không khai và hy vọng sau này nếu kháng chiến thành công, nhất định tôi sẽ được gặp Bác Hồ. Cuối cùng tôi đã chiến thắng”.

Ra tù, Nguyễn Thị Chiên tiếp tục lao vào hoạt động du kích. Tháng 10/1951, trong trận phục kích đánh địch trên đường 39, bà bắn bị thương một tên địch, bắt sống sáu tên, thu bốn súng. Tháng 12/1951, khi địch lùng sục vào làng, bà chỉ huy du kích bất ngờ xông ra bắt sống bốn tên địch. Với thành tích trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến ở năm thôn, xây dựng và chỉ huy Đội du kích xã Tán Thuật (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đánh địch chống càn, phá giao thông đường 39, phá tề, diệt và bắt nhiều địch, Nguyễn Thị Chiên đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1952, Nguyễn Thị Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc (1/5/1952). Với những đóng góp của mình, Nguyễn Thị Chiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm ấy chị mới hai mươi hai tuổi. Trở thành Anh hùng đã là một kỳ tích, một niềm vinh dự và tự hào lớn lao đối với một cô con gái thân phận con ở. Vinh dự, tự hào hơn, tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nguyễn Thị Chiên đã được gặp Bác Hồ. Gặp Bác thỏa lòng mơ ước của người nữ du kích, bởi trong những ngày bị quân địch cầm tù, tra tấn dã man, hình ảnh Bác là nghị lực cho chị chịu đựng, vượt qua hết thảy mọi đau đớn, kiên trung, bất khuất trước đòn roi của chúng. Cũng như bao người một lần trong đời được gặp Bác, những mong gặp Bác để nói với Bác bao tình cảm, nỗi niềm kính yêu Bác trong lòng, ấy vậy mà khi gặp Bác rồi, Nguyễn Thị Chiên lại không nói được gì, chỉ kịp thốt lên: Bác! Bác! Thế là khóc. Trước những đòn tra tấn của giặc Nguyễn Thị Chiên không hề khóc, vậy mà đặc biệt sao thấy Bác là chị khóc. Khóc nhòe hết cả hai mắt. Mà đã khóc là trôi hết mọi suy nghĩ. Mãi một lúc sau chị mới trấn tĩnh lại, không khóc, để ghi nhớ những lời Bác dặn để khi trở về sẽ báo cáo với anh em trong đơn vị. Những lời căn dặn của Bác sẽ là động lực lớn để khích lệ các đồng chí quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ chiến đấu giành thắng lợi.

Cùng năm đó, một vinh dự nữa cũng đến với cô khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn của Người. Không những thế, chị còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài ca ngợi, tuyên truyền tấm gương gan dạ, dũng cảm và thành tích trong chiến đấu của chị trên báo chí, và trong nhiều cuộc hội nghị trong kháng chiến chống Pháp.

Với bút danh C.B trên Báo Nhân dân, Người đã viết một bài riêng với nhan đề: “Nguyễn Thị Chiên”. Bài báo viết: “Nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946. Vùng chị Chiên thường bị giặc càn quét. Cơ sở tan rã. Nhân dân hoang mang. Chị cứ bám sát lấy dân, lập lại cơ sở chính quyền và đoàn thể, tổ chức một trung đội nữ du kích chống càn quét, bảo vệ làng. Bị bắt, bị tra tấn suốt 3 tháng, bị đưa ra bắn dọa 3 lần, chị vẫn bình tĩnh, không khai nửa lời. Vừa thoát được về, tuy mình đầy vết thương, chân đau không đi được, chị cũng hoạt động lại ngay. Trong đợt thi đua từ 19/5 đến 19/12/1951, chị đã thắng 10 trận, tự tay tước được 15 súng và bắt sống 20 tên giặc (1 tên quan hai pháp). Trong các trận, chị không hề bỏ sót một người thương binh nào. Trong vụ thuế nông nghiệp, chị đã thức 3 đêm liền, tuyên truyền giải thích từng nhà, từng người. Nhiều người lạc hậu, thấy chị thành khẩn, đều cảm động và trở nên hăng hái. Khi bắt được tên đồn trưởng (nó đã giết người anh của chị), chị giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi thả nó. Vì vậy, nó đã gọi nhiều ngụy binh khác ra hàng. Chị Chiên, vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr 505).

Trong “Bài nói tại buổi bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức”, Hồ Chủ tịch nhắc nhở: “Chín năm trước đây, nhân dân ta gồm cả trí thức ta, bị Tây khinh rẻ và gọi là “giống bẩn thỉu”. Ngày nay, ta có những anh hùng như Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị và đang nảy nở hàng trăm chiến sĩ và anh hùng trong phong trào thi đua yêu nước”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia 2000, tr 145-149). Khi viết bài “Người cán bộ cách mạng” vẫn với bút danh C.B, Hồ Chủ tịch lại nhắc đến: “Nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Chiên, mấy lần bị giặc bắt và tra tấn sống đi chết lại. nhưng không hề lộ bí mật: mỗi lần thoát khỏi tay địch, hoạt động càng thêm hăng”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia 2000, tr 480-482).

Sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên được cử tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hòa bình châu Á – Thái Bình Dương tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại hội Hòa bình Thế giới tại Viên (Áo) cùng với các nhà trí thức Việt Nam như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cư sĩ Lê Đình Thám, nhà giáo Đặng Chấn Liêu, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, Nguyễn Xuân Trâm, Anh hùng Ngô Gia Khảm… do đồng chí Xuân Thủy làm trưởng đoàn. Năm 1953, Nguyễn Thị Chiên chính thức gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích địa phương, chị đã được điều về Hà Nội với nhiệm vụ phụ trách và quản lý dân quân bốn huyện ngoại thành. Trong công tác mới, bà đã gặp ông Vũ Anh Tài, cán bộ Sư đoàn 320. Bà và ông đã nên duyên, rồi sinh được một người con gái và đây cũng là người con gái duy nhất của họ. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đi biền biệt, bà ở lại vừa công tác vừa nuôi con.
2016-12-24 Nguyen Thi Chien-1.png

Sau nhiều năm công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân khu Thủ đô, bà Nguyễn Thị Chiên về hưu với quân hàm Trung Tá (1984) và thương tật hạng 4/4. Người “Phụ nữ tay không bắt giặc” năm nào nay sống hạnh phúc bên cạnh con cháu trong căn nhà nhỏ tự cất nằm ngoài đê sông Hồng, sát chân cầu Long Biên./.
Nguyễn Thị Chiên - nữ anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top