Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Những sinh viên không thể Tốt nghiệp
Ở một số ngành nghề, tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp chỉ đến 20-30%. Phần lớn những SV này cho rằng không thấy hào hứng với ngành học đã chọn.
Học nhưng không gắn bó
Trong những năm học đầu tiên, nhiều SV gần như mất phương hướng, cảm thấy lơ mơ, không có tiêu chí, mục đích rõ ràng. Đó chính là lý do khiến SV phải thi lại, học lại, thậm chí bị thôi học ngay trong giai đoạn đầu.
Năm 2009, chỉ có 30% SV khóa trung cấp trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn tốt nghiệp. Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng, lý giải: “Trong số các SV không tốt nghiệp, phân nửa là bị nợ môn do nghỉ học nhiều, còn lại là chuyển ngành hoặc bỏ ra ngoài đi làm. Nhiều em học được một thời gian thì cảm thấy mình không phù hợp với ngành học, thấy không đủ sức theo đuổi. Có em lo đi làm thêm nên không đủ điều kiện thi, nợ mãi mà không trả xong”. Tỷ lệ tốt nghiệp khóa TCCN trường CĐ Tài nguyên - Môi trường TP.HCM năm 2010 chỉ đạt 30%. “Đa số SV học mà không có đam mê, không có trách nhiệm với những gì mình chọn. Nhiều em học hết 1, 2 học kỳ đã xin chuyển ngành nhưng khi hỏi vì sao chuyển ngành thì không giải thích được”, thạc sĩ Huỳnh Chức - Phó hiệu trưởng, tâm tư.
Tiến sĩ Lê Quang Đức, giảng viên môn Điều khiển tự động trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Trong số 4 lớp gồm 200 SV mà tôi đang dạy, có 2 lớp gần như học lại hoàn toàn môn này. Đây là một môn khó. Tuy nhiên, vì cho rằng học môn này chẳng để làm gì cả nên SV đã có tâm lý thối lui. Rất nhiều môn học khác ở năm 1 và năm 2 đã bị SV “đối xử” theo cách như vậy”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư - Phó hiệu trưởng, cho hay: “Có một số ngành tỷ lệ tốt nghiệp rất thấp, chỉ khoảng 40-45% như Cơ khí, Công trình thủy. Một phần do đầu vào thấp, một phần vì học khó. Có gần 20% SV rơi rớt trong quá trình học bằng cách xin chuyển sang bậc CĐ hay tại chức. Số còn lại bị cấm thi, nợ môn…”.
Tiến sĩ Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP.HCM cũng thừa nhận: “SV trường ĐH Mở cũng rơi rớt rất nhiều với lý do chọn ngành học không phù hợp. Thực tế là có nhiều em học được một thời gian thì bỏ vì không thấy thích nữa, muốn thi lại vào ngành khác phù hợp hơn. Nhưng liệu các em có thực sự biết được mình phù hợp với ngành nào, nghề nào, nếu chưa thực sự trải nghiệm?”.
Nửa thầy nửa thợ
Đã gần 4 năm nay, hầu như tuần nào Phúc Kiên (Q.10, TP.HCM) cũng vác đơn đi tìm việc. Dù rất nhiều công ty gọi mời phỏng vấn nhưng chỉ đến vòng 2 là Kiên bị rớt. Là người giỏi về công nghệ thông tin nên phần cứng, mạng hay phần mềm Kiên đều làm được, nhưng Kiên tâm sự: “Cái thiếu của mình là chưa có bằng ĐH. Mình từng có tên trong danh sách SV khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Thủy sản Nha Trang chi nhánh tại TP.HCM, học được hai năm thì bỏ. Tiếp đến, mình thi lại thi vào ngành này của trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Được một năm mình tiếp tục thi vào trường ĐH Mở ngành Quản trị doanh nghiệp với ý định sau này sẽ mở công ty”. Kiên cho biết thêm do thời gian học và thi nhiều môn bị trùng nên phải bỏ thi một số môn và sau 6 học kỳ, thiếu nợ nhiều môn nên bị chuyển xuống CĐ. Chán nản, thế là bỏ luôn. Đến giờ Kiên vẫn chưa có bằng ĐH nào cả.
Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác SV, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng: “Đổ lỗi cho việc học hai trường cũng không đúng lắm vì hiện nay SV đang có xu hướng học nhiều trường để bổ sung kiến thức cho nhau. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận SV không lượng sức mình mà đứng núi này trông núi nọ để rồi sau nhiều năm vẫn không có tấm bằng ĐH nào”. Cùng chia sẻ ý kiến trên, ông Phan Hữu Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội trường CĐ Nguyễn Tất Thành, nói: “Nếu không quyết tâm hoặc định hướng rõ thì việc SV học nhiều trường cũng là con dao hai lưỡi vì sau nhiều năm học, cái gì SV cũng biết nhưng lại không thực hành được. Điều đó đã dẫn tới có tình trạng tạo ra một bộ phận thanh niên nửa thầy nửa thợ, thiếu trình độ chuyên môn nhưng cứ đòi làm ở những vị trí có mức lương cao”.
Mỹ Quyên - Thiên Long : TN