Những mảnh đời học trò nương nhờ cửa Phật

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
“Pháp Phật của sư là pháp sống, kinh của sư là kinh cứu khổ. Do dó sư không phải gõ mõ tụng kinh ra tiếng. Nhưng sư phải làm, sư phải lo con ăn cho no, con phải ngoan lên, con phải học để có được cái nghề kiếm sống...”.

Đó là tâm sự của sư cô Thích Nữ Minh Đức, đệ nhị trụ trì chùa Đức Sơn - Ngôi chùa duy nhất có cô nhi viện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hơn 300 trẻ em bất hạnh đã được chùa cưu mang và hiện 191 em nhỏ đang sống trong chùa.

Một ngày mùa đông của Lê Thị Thu (sinh viên năm 3 trường ĐH Phú Xuân, Huế) bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng. Mùa hè thì sớm hơn nửa tiếng.

Công việc đầu tiên trong ngày của Thu là cùng với sáu bạn khác giặt một núi quần áo (lượng đồ thay ra trong một ngày đêm của hơn 30 em nhỏ). Vậy rồi cũng xong. Cứ 7 giờ là Thu ra khỏi chùa Đức Sơn (làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) để đến trường.

Nếu con thực sự thích…

Quê Thu ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Thu sống ở chùa tính đến nay đã được gần 11 năm. Trước đó ba năm, bi kịch đổ ập xuống gia đình bé nhỏ và nghèo khó của Thu khiến cả năm chị em, đứa lớn nhất học lớp 3, đứa bé nhất một tháng tuổi, trở thành con mồ côi cha và gần như không có mẹ.

Kể lại thảm kịch gia đình mình, đôi mắt một mí luôn mở to ngơ ngác của Thu đẫm nước: “Mỗi con người đều có cách để lớn lên trên cõi đời này. Trong năm chị em, thằng cu út nhà em (tên Hậu) sống được đến giờ là nhờ trời cho.

Khi xảy ra biến cố mất ba, mẹ mất trí, quên hết tất cả mọi thứ trên đời nhưng vẫn nhớ mình có một thằng con đỏ hỏn. Mẹ cắp Hậu đi cùng chợ, cùng đường và điều đó thật nguy hiểm cho em.

Có lần Hậu bò lổm ngổm giữa đường, xe ô tô chạy qua ngang người nhưng em vẫn sống. Có lần Hậu bị bọn buôn người bắt cóc, công an phá dỡ đường dây này thì Hậu được trả về. Mẹ lại giữ.

Tụi em rình bắt Hậu về nhiều lần nhưng không ăn thua. Mãi về sau chú thím em mới ăn trộm được cu Hậu từ mẹ”.

Ba năm sau, đang học dở lớp 4 thì Thu và em gái kề Thu được chú thím mang đến chùa Đức Sơn gửi nuôi. Hai năm sau, cu Hậu cũng đến gia nhập đại gia đình nhà chùa. Ở quê, chị lớn được gửi vào cô nhi viện Quảng Trị. Chỉ còn lại một cu em trai tật nguyền ở với chú thím.

“Thằng em nhà em bị điếc bẩm sinh, không nói được nhưng hắn rất sâu sắc, nhạy cảm. Hắn giúp chú thím làm việc nhà, đưa cơm cho mẹ. Hắn rất thương mẹ, dù mẹ chẳng biết hắn là ai”, Thu khóc.

Hồi mới vào chùa, ngày nào Thu cũng viết thư kêu chú thím vào Huế đón hai chị em mình về. Thư viết xong Thu đưa cho một sư cô, nhờ gửi. Mấy năm sau, sư cô trả lại cho Thu tập thư nguyên vẹn chưa được gửi đi.

“Nhận tập thư, em chỉ muốn quỳ xuống tạ ơn sư cô. Chú thím em rất tốt nhưng quá nghèo. Họ muốn chúng em được đi học nên mới gửi chùa nuôi. Nếu sư cô gửi những lá thư đó về cho chú thím thì cuộc đời chúng em sao được như hôm nay?”. Em gái kề Thu hiện đang ôn thi đại học. Còn cu Hậu thì đã lên lớp 9.

Cách đây ba năm, Thu trúng tuyển vào trường ĐH Phú Xuân (ngành du lịch). Học dân lập phải đóng học phí cao đã đành, ngành học của Thu phải đi thực tế nhiều nên thêm phần tốn kém. Thu trao đổi với sư cô Minh Tú, sư cô nói, nếu con thực sự thích thì sư sẽ cố gắng.

Cửa Phật luôn rộng mở

Trong hàng trăm ngôi chùa ở Huế, chùa Đức Sơn nằm lẫn trong những ngôi chùa không tên tuổi. Ngồi chơi trước cổng chợ Đông Ba, chúng tôi hỏi thăm bác hàng nước về một ngôi chùa nuôi trẻ em bất hạnh, bị bỏ rơi.

À, có đấy, chùa cô Minh Tú. Chỉ một địa chỉ xem ra có vẻ vu vơ vậy thôi nhưng anh lái xe taxi còn trẻ măng không hề hỏi lại khách câu nào, đưa chúng tôi thẳng tiến đường lên núi.

Qua chùa Bảo Quốc một đoạn, xe chạy chậm rồi dừng lại. Chúng tôi nhìn biển chỉ dẫn thấy đề Chùa Đức Sơn. Ngại ngần tôi hỏi: Chùa cô Minh Tú mà em? Đáp: Dạ, chùa ni đó.

Giữa một rừng chùa chiền cổ kính của Huế, chùa Đức Sơn thuộc hàng sinh sau đẻ muộn. Năm 1964, nơi đây là một Niệm Phật đường của bốn ni cô Minh Đức, Minh Tú, Minh Nhật và Minh Hằng. Lúc đó ni cô Minh Đức (sinh năm 1941) và Minh Tú (sinh năm 1947) đang tu ở chùa Hoàng Mai.

Đồng trụ trì chùa Hoàng Mai lúc đó là sư trưởng Thích Nữ Thể Quán và Thích Nữ Cát Tường. Đau lòng trước cảnh chiến tranh, loạn lạc, các sư trưởng mở nhi cô viện và hai ni cô Minh Đức, Minh Tú là những người trực tiếp tham gia chăm sóc các cháu bé.

Năm 1975, cô nhi viện của hai sư trưởng Thể Quán, Cát Tường được giải tán. Hai sư Minh Đức, Minh Tú về Niệm Phật đường Đức Sơn lập chùa. Rồi cái duyên cưu mang trẻ em bất hạnh lại quay về với hai sư vào cuối năm 1986.

“Bé mất mẹ khi vừa mới sinh ra. Người ta không biết cha bé là ai. Họ hàng thân thích bên ngoại của bé cũng chẳng có. Bé được một người trong làng dắt đi gửi chùa. Các sư thấy bé là con gái, mình cũng là nữ, chăm sóc cũng tiện nên nhận nuôi. Chẳng ai biết tên bé tên gì nên sư gọi bé là Kiều Thị Thủy Chung.

Hồi đó đời sống cơ cực lắm. Mỗi lần đi nương trồng khoai trồng sắn, các sư phải cầm theo cái nón để xin tiền mua sữa, mua thức ăn mặn nuôi bé vì không thể để bé ăn chay như các sư được”, sư cô Minh Tú nhớ lại.

Tiếng đồn các sư cô chùa Đức Sơn sẵn lòng làm phúc cứu vớt trẻ bất hạnh lan xa. Người tứ xứ thấy em nào bị bỏ rơi là lại mang đến chùa. Tính đến nay chùa Đức Sơn đã nhận nuôi khoảng 300 em nhỏ bất hạnh, trong đó hơn 100 em đã rời chùa ra đời lập nghiệp.

Trong hai sư thì sư Minh Tú khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn thì phụ trách cô nhi viện để sư Minh Đức (đệ nhất trụ trì chùa) yên tâm lo việc kinh kệ trong chùa.
Còn nữa

Theo Quý Hiên - TPO
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Những mảnh đời học trò nương nhờ cửa Phật (Tiếp)

Hiện tại sống ở chùa Đức Sơn có 191 em, trong đó có 11 em khuyết tật. Gọi là em nhưng kỳ thực, có những bé lớn tuổi nhưng mãi mãi không thể trưởng thành...

Miễn các em cần sư...

Một em gái có tên rất đẹp, Kiều Thiện Lạc, năm nay ngoài hai mươi tuổi nhưng suốt cuộc đời chỉ ngồi trong cũi. Em có chân, có tay nhưng không vận động được và gần như vô tri, vô giác.

Các em nhỏ trong chùa gọi em là chị vì lúc nào em cũng ngồi chúc mặt xuống, ngẩng mặt lên như con gà mổ thóc. Có tiếng người, em ngẩng lên như nghe ngóng. Thấy yên ắng, em lại gục mặt xuống, ngẩng mặt lên, cứ thế không ngừng không nghỉ.

Hai mươi năm nay, kể từ khi các sư cô nhặt được em ở cổng chùa (lúc đó em khoảng 3 – 4 tuổi), em đã gục gặc như vậy.

Thấy chúng tôi bần thần đứng trước cũi em , sư Minh Đức xoa đầu một em nhỏ từ nãy cứ lẵng nhẵng bám theo sư rồi ngậm ngùi: “Sinh ra được làm người lành lặn bình thường, cho dù mồ côi cha mẹ hay bị bỏ rơi, cũng đã là một điều tuyệt vời, cô hỉ?”

Bé nhiều tuổi nhất là Ngô Thị Cẩm Hiền (31 tuổi). Em bị bỏ lại trong bệnh viện khi vừa mới sinh và được một đôi vợ chồng già không có con ở Phong Mỹ, Phong Điền nhặt về nuôi.

Em bị khoèo cả hai tay, liệt hai chân. Năm Hiền gần 13 tuổi, mẹ nuôi em mất. Việc chăm sóc Hiền đối với cha nuôi là bất tiện nên ông gửi em lên chùa.

Hiền có khuôn mặt sáng với đôi mắt rất đẹp. Sư Minh Đức xuýt xoa: “Em thông minh lắm, tự học để đọc được sách lớp 12. Tiếc là em vào chùa hơi muộn, lúc tay bị cứng rồi. Nếu em vào chùa từ nhỏ, chắc chắn các sư sẽ dạy được cho em viết”.

Hai thành viên mới nhất của chùa đồng thời cũng là hai em bé nhỏ nhất. Một bé tên là Cù Bảo Toàn (trẻ em vô thừa nhận đến chùa thì em trai được mang họ Cù, em gái họ Kiều).

Cách đây hai tháng, lúc 11 giờ đêm, các sư cô nghe tiếng chó sủa ầm ĩ, chạy ra thì thấy có em bé sơ sinh được đùm trong bọc đặt dưới gốc cây trước cổng chùa, người còn nhớp nhúa dịch nước ối.

Một bé khác vừa mới được ông bà ngoại mang đến chùa khoảng một tháng nay. Mẹ bé bị tim, mất khi sinh bé (không có bố). Khi mang đến bé được 2 tháng nhưng cân nặng chỉ vỏn vẹn... 1,1 kg. Nhờ nhà chùa mát tay, sau chục ngày bé lên được 0,9 kg (thành 2,0 kg).

Sư Minh Tú điểm lại: “23 năm qua, các sư đã chôn cất khoảng hơn chục em. Có em sư nuôi được 8 năm rồi mà vẫn bỏ sư đi.

Có em các sư nhặt được ở cổng chùa, chưa kịp mang vào chùa đã phải đưa đi bệnh viện, chăm sóc hàng tháng trời. Các em khoẻ mạnh lành lặn hay ốm đau tật nguyền đến đây sư nuôi hết, miễn là các em cần sư cứu vớt...”.

Nỗi lòng hai người mẹ

Khác với nhiều cô nhi viện khác, có một nguyên tắc mà các sư ở chùa Đức Sơn đặt ra đó là không cho các bé của chùa đi làm con nuôi. Sư Minh Đức giải thích ngắn gọn: “Người ta nói bán cháu nuôi con, không ai nói bán con nuôi cháu cả. Con mình thì phải nuôi, răng lại bán cho người khác được?”.
Lời giải thích này chính là tấm lòng của các sư đối với hơn 300 đứa trẻ bất hạnh mà mình đã cưu mang 23 năm qua, xem các em chính là con ruột của mình.

Chính vì vậy mà khi kể về những đứa con đã ra đời lập nghiệp, giọng của hai sư Minh Đức và Minh Tú khi thì thổn thức âu lo, khi thì tự hào mừng vui.

Sư thương những đứa lận đận công danh, sự nghiệp, không may mắn chuyện tình cảm. Sư yên lòng với những đứa cứng cáp, vượt qua được những gian truân, cập được vào những bến nước trong mát của cuộc đời.
“Còn những em đang ở với sư, ai có khả năng tới đâu sư nuôi tới đó. Không học được văn hoá sư cho đi học nghề. Học được cao đẳng sư cho đi cao đẳng, học được đại học sư cho đi đại học. Con đường lập nghiệp của các em do các em lựa chọn, sư không ép.

Nhiều em thích đi tu, sư khuyên em cân nhắc kỹ càng, rằng tu khó lắm. Nhưng có em vẫn nhất quyết đi tu, sư không cản, nhưng sư bắt các em phải học xong lớp 12 đã”, sư Minh Tú chia sẻ. Rồi sư khoe, Nam mô a di đà phật, tháng vừa rồi (tháng 11 ÂL - PV), 6 đứa con của sư lấy vợ lấy chồng!

Còn sư Minh Đức nói, con sư may mắn thay, đứa nào cũng bình bình. Vinh hoa phú quý chưa có, nhưng cũng rất nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng được nhận vào làm trong những khách sạn lớn hoặc công ty có tiếng ở Huế.

Hỏi, có em nào quay về giúp lại được sư nuôi đàn em đang ở chùa không thì sư lắc đầu. “Chúng nó đủ ăn là mình mừng rồi, mong chi hơn nữa cô?” - Sư Minh Đức thủ thỉ.

Nguồn tài chính trang trải các khoản chi tiêu của chùa Đức Sơn một phần dựa vào lòng hảo tâm của những ân nhân, một phần dựa vào công sức lao động của các sư và các con.

Ngoài một nhà hàng chay, các sư còn mở một xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ. Cuộc sống trong chùa được tổ chức theo hướng tự lực cánh sinh. Anh chị lớn chặt củi, dọn vệ sinh, giặt quần áo, nấu ăn, rửa bát, tắm rửa cho các bé nhỏ; các em nhỏ thì em lớn hơn trông em bé hơn.

Tuy chùa có gần 40 em nhỏ (11 em dưới 1 tuổi) và 11 em khuyết tật nhưng các sư chỉ phải nhờ chưa đến chục mẹ trông các em bé nhỏ và mượn vài ba nam giới làm công.

Thu (nhân vật chúng tôi nhắc đến phần đầu) nói: “Em thực sự thấy đây là gia đình của mình, một gia đình rất nhiều người và ngôi nhà thì rất rộng”.

Theo Quý Hiên - TPO
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top