Những kiến giải của M. Gorki về con người

Bút Nghiên

ButNghien.com
Những kiến giải của M. Gorki về con người
Ở thế kỷ XIX, không có nhà triết học lớn nào, nhà văn lỗi lạc nào mà không viết hay, viết có hệ thống về con người và vị thế của con người hiện hữu trên hành tinh. Là một nhà Macxit lớn là "bậc tài hoa của nghệ thuật vô cùng lỗi lạc" (V.I.Lênin), Gorki đã viết vừa có hệ thống, vừa sâu sắc về con người và nguồn lực con người.

Trong bài thơ triết lý nổi tiếng Con người (1904) M.Gorki đã đưa ra một luận điểm hào sảng: Tất cả ở trong Con người, tất cả để cho Con người... Với cảm nhận của chúng tôi, Gorki là đồng nghĩa với nước Nga, với con sông Vônga, với con người Nga. ông yêu mến nước Nga quá đỗi và hiểu biết nước Nga tường tận, cho dù có lúc vì đau đớn mà ông chưa thật công bằng, thậm chí nặng lời với một bộ phận người Nga. Gorki không chỉ là nhà văn lớn, mà còn là nhà triết học, nhà văn hoá kiểu mới, nhà dân tộc học. Trong ông cái gì cũng có tính dân tộc. Những lập luận của ông về dân tộc Nga, ngay cả những vết thương để lại trên trán của dân tộc ấy, đối với ông, là những kinh nghiệm lịch sử đắt giá.

Những điều mà chúng tôi dẫn giải ra dưới đây về vị thế và năng lực sáng tạo của con người, về những thuộc tính bản chất người, về nghệ thuật và nhu cầu tinh thần của con người đã được Gorki phát biểu một cách có hệ thống trong văn chính luận, bút ký, thư từ trong các thể loại văn chương, trong kịch bản văn học... sẽ giúp chứng ta hiểu thêm minh triết của nhà văn lớn nước Nga về con người và nguồn lực con người - động lực hùng hậu của phát triển.

Năng lực sáng tạo của con người

Ở thế kỷ XIX, không có nhà triết học lớn nào, nhà văn lỗi lạc nào mà không viết hay, viết có hệ thống về con người và vị thế của con người hiện hữu trên hành tinh. Là một nhà Macxit lớn là "bậc tài hoa của nghệ thuật vô cùng lỗi lạc" (V.I.Lênin), Gorki đã viết vừa có hệ thống, vừa sâu sắc về con người và nguồn lực con người. Có nhiều luận điểm được ông lý giải từ bấy giờ (vào khoảng mười năm cuối thế kỷ XIX đến những năm 80 thế kỷ XX) mà cứ tưởng như mới viết hôm qua. Từ những bức thư gửi I.Rêpin (1899), gửi A.Tsêkhốp (1900), sau đó là bài thơ Con người (1904), Truyền thuyết về người mẹ (1912) cho đến những tiểu luận Văn học Xô Viết (1984). Nền văn học của chúng ta, nền văn học có ảnh hưởng nhất trên thế giới (1985)... con người với tư cách là một nhân vị có những phẩm chất mang giá trị văn hoá bền vững là động lực của phát triển, đã được nhà văn lý giải một cách sâu sắc: "Con người là kẻ mang trong mình năng lực tổ chức thế giới, kẻ sáng tạo ra "Thiên nhiên thứ hai", sáng tạo ra văn minh. Chính bản thân con người là một bộ phận của thiên nhiên và dường như được tạo ra để giúp cho thiên nhiên tự nhận thức về mình và cải tạo mình" (II, tr.174). Như vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là hoà hợp, là phụ thuộc lẫn nhau, chứ không có chuyện đấu tranh chống thiên nhiên. Sự khôn ngoan của con người chính là ở chỗ biết làm cho thiên nhiên "ngoan ngoãn" để "phục vụ con người. Trong một bức thư gửi danh họa I.Rêpin vào tháng 01/1899, nhà văn đã tìm ra bản chất và ý nghĩa nhân vị của con người: "Tôi không biết còn có gì tốt đẹp hơn, phức tạp hơn, thú vị hơn con người. Con người là tất cả. Nó đã sáng tạo ra cả Thượng đế. Còn như nghệ thuật thì chỉ là một biểu hiện của tinh thần sáng tạo của con người, cho nên nó chỉ là một bộ phận của con người mà thôi..." (II, 478). Ở một chỗ khác nhà văn nói đến phẩm chất vạn biến năng lực sáng tạo vô song của con người, mới nghe có vẻ cực đoan, nhưng là cái cực đoan biện chứng: "Cả con người trong cuộc sống cũng tốt hơn con người trong sách, dù là sách hay. Nó phức tạp hơn" (II, 478). Sau đó một năm, khoảng tháng 2/1900, hình như để tranh cãi với những ai không đồng tình với ý tưởng khoẻ khoắn của mình, trong thư gửi Lép Tônxtôi, nhà văn Mác xít viết: "Con người là ngôi đền chứa đựng Thượng đế sống, và tôi quan niệm Thượng đế là xu hướng mãnh liệt vươn lên sự hoàn thiện, sự thật và công lý... Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, trên trái đất này, không có gì hơn con người nữa, thậm chí tôi còn đảo ngược câu của Demôcrit mà nói rằng, chỉ có con người tồn tại, còn tất cả những thứ khác chỉ là ý kiến mà thôi (II, 482).

Nói đến năng lực sáng tạo của con người, Gorki đặc biệt đánh giá cao di sản tinh thần và sức sáng tạo nghệ thuật của con người lao động. Trong mối quan hệ này, ông không chỉ là người say mê các tác phẩm truyền miệng dân gian, người sưu tầm những tư liệu nghệ thuật dân gian, người phát ngôn và bảo vệ những quan điểm mỹ học Mác xít về văn nghệ dân gian, mà còn là một nghệ sĩ biết vận dụng khéo léo những tri thức dân gian vào sáng tác của mình. Đằng sau những hình tượng lãng mạn như: Chim báo bão, Đancô, Chim ưng, những bối cảnh mang tính chất truyền thuyết... người nghệ sĩ vô sản muốn phát biểu một quan điểm triết học nhân sinh, khái quát một nội dung tư tưởng của thời đại, trình bày một lý tưởng tiên tiến, ca ngợi hành động anh hùng. Hình tượng Đancô là một ví dụ. Dựa vào chất liệu của nhũng truyền thuyết lịch sử thời đại về những tráng sĩ cướp biển vùng Xcăngđinavơ, Gorki, trong nhiều truyện vừa đầu tiên của mình, đã giải quyết vấn đề quan hệ giữa người anh hùng và tập thể. Trong quan niệm của người cổ đại, những anh hùng như Hécquyn được đặt ngang hàng với các vị thần, Prômêthê là sản phẩm của sự xung đột giữa người và thần linh, là biểu hiện niềm tin của con người vào sức mạnh của mình. Khai thác quan điểm mỹ học cổ sơ, Gorki đã xây dựng những hình tượng anh hùng không kém phần đồ sộ, cường tráng, phi thường, có hoài bão lớn, đi tiên phong trong mọi hoàn cảnh. Khảo sát chất liệu truyền thuyết về nhân vật người anh hùng Đancô mà nhà văn đã được nghe từ thời thơ ấu ở vùng Đunai, Gorki, trong truyện Bà lão Idécgin đã khắc hoạ hình tượng chàng Đancô trẻ, đẹp, can đảm đã đưa hai tay rắn như thép xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu, trái tim cháy sáng hơn mặt trời, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng yêu thương vĩ đại đối với con người, để đưa đoàn người vượt qua rừng rậm, đầm lầy, đêm tối và giông bão gầm thét... Đoàn người đã đến được thảo nguyên bao la, nhưng Đancô đã gục xuống bên cạnh trái tim vẫn bừng bừng cháy đỏ...

M.Gorki phát biểu một cách có hệ thống theo quan điểm của chủ nghĩa Mác với tinh thần tôn vinh tối đa những sáng tạo nghệ thuật của nhân dân lao động. Nói đến sức mạnh và cội nguồn của sự sáng tạo văn hoá, ông viết: "Nhân dân không chỉ là sức mạnh sáng tạo ra mọi giá trị vật chất, mà còn là cội nguồn duy nhất và vô tận của những giá trị tinh thần. Nhân dân là nhà triết học và là nhà thơ đầu tiên, kể về thời gian cũng như vẻ đẹp, về thiên tài đã sáng tạo ra tất cả những thiên trường ca vĩ đại, những vở bi kịch trên trái đất ...". Ông quả quyết: "Nghệ thuật nằm trong tài năng cá nhân, nhưng chỉ có tập thể mới có khả năng sáng tạo. Chính nhân dân đã sáng tạo ra thần Dớt rồi sau đó Phiđiax mới thể hiện nhân vật này trong khối cẩm thạch" (I, 66). Và một đoạn khác: "ôtenlô cả ghen, Hămlét do dự, và Đông Juan dâm đãng đều là những nhân vật điển hình mà nhân dân sáng tạo ra trước Sếchxpia và Bairơn ..." (I, 68).

Những thuộc tính của con người

Vào thế kỷ XIX, F.M. Đôtxtôiepxki có một nỗi niềm băn khoăn bám riết lấy nghề văn của ông: "Con người là một bí ẩn". Có thật vậy không? Nếu con người hết bí ẩn, liệu có còn con người nữa không? Tất cả câu hỏi đó đang đặt triết học đối mặt với những vấn đề có tính toàn cầu, trong đó có việc nghiên cứu con người: cái tự nhiên và cái phi tự nhiên, lý trí và tình cảm, trí tuệ và bản năng, lý tưởng và tính dục, nhân vị và siêu nhân, thân phận con người và giá trị người ...Trong dòng chảy triết học văn hoá đó, người ta tìm thấy nhiều triết thuyết, nhiều khuôn mặt triết gia nổi tiếng, trong đó có M.Gorki, mà theo tôi, khoa học triết học ít nghiên cứu về ông. Gorki khái quát tương đối sâu sắc và tương đối toàn diện những thuộc tính của con người, điều mà hiện nay khoa học nghiên cứu về con người khái quát thành ít nhất 4 bình điện: con người sinh học, con người xã hội, con người tâm lý và con người tâm linh. Căn cứ vào những luận điểm, những ý tưởng của Gorki về những thuộc tính của con người qua mọi thời đại, chúng tôi phỏng đoán sự sắp đặt những thuộc tính đó có mối quan hệ như sau: Trí tuệ và bản năng con người, con người là một nghệ sĩ, và linh tính con người.

Trí tuệ và bản năng

Nếu sự sống là vô tận, là sự vận động đầy phức tạp, biến động để tiến tới sự hoàn thiện tinh thần, thì sự phát triển của từng con người phải là sự phát triển song trùng giữa trí tuệ và cảm xúc, giữa lý tính và trực giác, giữa lý trí và bản năng. Gorki viết: "Quá trình phát triển văn hoá xã hội của con người chỉ phát triển bình thường khi nào hai bàn tay dạy cho khối óc, rồi sau đó khối óc đã thông minh hơn lại dạy cho hai bàn tay, đến lượt hai bàn tay thông minh hơn lại góp phần xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của khối óc” (II, 260-261). Đó là quá trình phát triển văn hoá của con người ở thời cổ đại. Về sau, do nhiều lẽ, trước hết là do sự thống trị của một số người đối với nhiều người, xu hướng sống một cuộc đời nhàn hạ dựa vào sức lao động của người khác, đề cao sức mạnh cá nhân một cách quái gở phớt lờ quá trình lao động đang biến cải thế giới để phục vụ quyền lợi và mục đích của con người... Từ đó khối óc bị tách ra khỏi bàn tay, tư tưởng bị tách ra khỏi lao động. Đó là sự phát triển con người đi theo hướng sai lệch, phiến diện, chỉ riêng trí tuệ phát triển, còn bản năng thì bị bỏ quên. Điều đó rất có hại. Có lần tâm sự với danh hoạ Rêpin, nhà văn nói: "Phải làm sao cho trí tuệ và bản năng được kết hợp lại thành một tổng thể hài hoà ... Tôi không ưa những người thông minh, nhưng không biết cảm xúc. Tất cả những người như thế đều độc ác, và độc ác một cách hèn hạ ..." (II, 840-341).

Con người là một nghệ sĩ từ trong bản chất "Trong toàn bộ hoạt động của mình, và nhất là trong nghệ thuật con người phải là một nghệ sĩ, nghĩa là phải đẹp và mạnh như Thượng đế. Câu đó được trích trong thư gửi Rêpin vào tháng 12/1889, có nghĩa là con người đã nỗ lực, sáng tạo tất cả những gì tất nhất, thông minh nhất, rực rỡ nhất trên hành tinh chúng ta. Nhận thức được ý nghĩa lao động là là cơ sở của văn hoá, Gorki ca ngợi những việc làm mang tính nhân bản của nhà văn Tsêkhốp với ý tưởng là làm đẹp quả đất, là xây dựng, làm vườn, trồng cây ăn quả, chăm chút khóm cây cảnh... cất sao trang điểm cho môi trường sống, thiên nhiên quanh ta ngày càng đẹp hơn. Trong con người Tsêkhốp, chất nghệ sĩ, chất thơ lao động bàng bạt trong nhiều truyện ngắn trong sáng như sự thật, lành mạnh như tình yêu chân chính, mà mỗi truyện như mỗi chiếc lọ pha lê trong vắt chứa đủ hương vị của cuộc đời. Nói chuyện về đỉnh cao lao động trí tuệ của con người, nhất là những thiên tài như V.I. Lênin, Lép Tônxtôi... Gorki thường không đối lập giữa thiên tài và đám đông, giữa đỉnh cao và đất bồi, không coi họ là những kỳ quan xa lạ, mà là biểu tượng của một cộng đồng, là tinh hoa của một dân tộc: Gần gũi, độc đáo, sâu sắc lạ thường. Về Lép Tônxtôi, nhà văn viết: "Xét cho cùng, ông vẫn là một dàn nhạc, nhưng trong dàn nhạc ấy, không phải là tất cả các nhạc cụ đều hoà hợp với nhau. Điểm này rất hay, vì nó rất người - nghĩa là rất đúng với đặc tính của con người" (II, 480).

Con người không chỉ có khả năng vận dụng quy luật trừu tượng hoá và cụ thể hoá những điển hình nghệ thuật, mà còn sáng tạo ra "Thượng để' - "Đấng toàn trí, toàn năng, thần thông quảng đại do khát vọng cao cả của nghìn đời. Thượng đế chỉ là "sự bịa đặt" của loài người được nảy sinh ra từ cuộc đời nghèo nàn cay cực vì nỗi lòng khao khát mơ hồ của con người muốn đùng sức mình làm cho cuộc sống phong phú hơn, nhẹ nhàng hơn, công bằng hơn và tất đẹp hơn ..." (I, 96-97). Đó là sự tư duy nghệ thuật vì Thượng đế ở đây được coi như một điển hình văn học. Nói bản chất con người là nghệ sĩ, Gorki đã chứng minh rằng, sự sáng tạo của "đám đông", chất liệu văn nghệ dân gian các dân tộc là tiền đề, điều kiện cho sự sáng tạo các tác phẩm cổ điển trên thế giới. Và trong các "đám đông" ấy, thời nào cũng vậy, đã sinh ra những nghệ nhân tài năng thiên phú, mà ở Nga là cụ bà giữa Andrêepna Phêđôxôva, 98 tuổi, mù chữ nhưng đã sắp xếp trong trí nhớ của mình khoảng 30.000 câu thơ Nga, dân ca Nga. Đó là một di sản khổng lồ của dân tộc Nga, còn trong Iliát của Hôme chỉ cung cấp 27.815 câu mà thôi.

Linh tính con người

Theo Gorki, linh tính là một trong những thuộc tính kỳ diệu của con người. Linh tính là sự phỏng đoán giúp nhà khoa học trong lúc khảo sát thiên nhiên, xã hội, con người, rút ra những kết luận thực tiễn một cách chính xác. Nhưng trên thực tế quá trình suy nghĩ của con người không đủ sức nắm được mọi hiện tượng, mọi sự quan sát của mình, nên con người tìm đến những khả năng mà lý tính bất lực. Dùng nhận thức logic, nghệ sĩ chỉ mới đưa lại một số kiến thức, thông tin, tư liệu. Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ phải cầu viện trực giác, linh tính, giây phút thăng hoa. Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ tĩnh mà còn say, không chỉ suy lý mà còn đam mê, tưởng tượng, liên tưởng, linh cảm, vô thức, phi lý tính. Không thể, thì người đọc không sao hiểu được câu thơ: Tóc đài ba nghìn trượng, Vì sầu nên hoá dài (Thơ Lý Bạch), câu ca dao: Bắc cầu dải yếm qua trao ân tình, lời ngọt ngào của câu dân ca Tây Nguyên: Mái nhà dài như một tiếng chiêng ... Còn trong khoa học, linh tính, sự phỏng đoán giúp các nhà nghiên cứu đưa ra các giả thiết rời rạc, bổ sung cho từng đoạn quan sát bị đứt quãng thành chuỗi giả thiết có điều kiện để nhà bác học đúc thành giả thuyết. Trong lịch sử loài người, khoa học và nghệ thuật đã xích lại gần nhau, hỗ trợ lẫn nhau và gặp nhau ở điểm vận dụng linh tính. Không phải không có lý mà Anhxtanh quả quyết: "Trong tư duy khoa học luôn luôn có chất thơ. âm nhạc chân chính và khoa học chân chính đòi hỏi quá trình tư duy gần giống nhau”. Giả thuyết đó được thực hiện hoặc bằng các công trình nghiên cứu liên tục cho đến khi chúng ta nhận được lý thuyết khoa học thực sự, hoặc là thực tế sự kiện hay kinh nghiệm phủ định giả thuyết ấy.

Con người và tôn giáo

Khác với nhiều nhà thần học, nhà triết học chuyên viết có hệ thống về đề tài một tôn giáo nào đó, Gorki, khi thấy cần thiết phải tỏ rõ quan điểm duy vật lịch sử của mình, đã có những trang viết sắc sảo về tôn giáo, về Thượng đế, về Thần. Điều đó chúng ta đọc được trong một số tiểu luận: Văn học Xô Viết, Tôi đã học viết như thế nào? Về con người "bé nhỏ" và công việc vĩ đại của họ, truyện dài Lời thú tội (1907- 1908), Sự tan rã của cá tính (1909), Lại bàn về kiểu người Karamađơp (1913)...

Bàn về sự xuất hiện tôn giáo, Gorki viết: "Tính chất bi thảm và sự khủng khiếp của đời sống xã hội hình thành lúc mà loài người đã phân chia thành chủ nô và nô lệ. Đó là lúc xuất hiện tôn giáo". (Bàn về nghệ thuật, tr.486). Còn Thượng đế "Thượng đế cũng chỉ là một vật bịa đặt của con người, như một tấm ảnh chẳng hạn, có khác chăng là tấm ảnh thì ghi lại cái có thật, còn Thượng đế là bức ảnh chụp óc tưởng tượng của con người về chính mình, coi mình như một thực thể đang mong muốn và có thể trở thành toàn tài, toàn năng và chí thiện" (I, 284).

Ở một đoạn khác: "Thượng đế chỉ là một sự bịa đặt và bịa đặt rất vụng để nhằm củng cố quyền lực của con người đối với con người và chỉ cần cho. người chủ, còn với người lao động thì Thượng đế là kẻ thù ra mặt. Tất cả những gì anh minh thực sự đều giản dị và dễ hiểu. V.I.Lê nin, một con người có những tư tưởng giản dị và vì vậy vĩ đại, đã nói: "Tôn giáo là liều thuốc ru ngủ nhân dân" (I, 297-298). Những quan niệm đó đã giải phóng cho con người thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của giáo hội, của nhiều giáo lý phản động của giai cấp thống trị muốn áp đặt sự thống trị bằng bạo lực lên đại đa số nhân dân, thức tỉnh họ quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trên trần thế.

Về bản chất của Thượng đế, nhà văn Mácxít cũng có những kiến giải táo bạo: "Hàng trăm năm nhà thờ đã nhồi nhét vào đầu óc nhân dân lao động một quan niệm cho rằng, Thượng đế là đấng toàn năng, rằng trong Thượng đế "biểu hiện một trí tuệ cao nhất". Tiếp theo, ở nhiều đoạn văn khác, nhà văn đã lý giải một cách thuyết phục sự hiện diện của Thượng đế. Trên thực tế, trí tuệ không có ở Thượng đế mà ở con người. Và nếu có thì đó là chuyện cổ tích, còn trong đời sống xã hội thì chuyện tôn vinh hay chống Thượng đế đã gắn liền với điều thiện và điều ác. Giả sử rằng Thượng đế là biểu tượng cái thiện cho mọi người thì không có lý gì để chống Thượng đế. Đằng này Thượng đế chỉ là cái thiện cho những kẻ cần củng cố quyền thống trị của họ.

Gorki cũng có những kiến giải hợp lý về thần và tín ngưỡng của nhân dân lao động: "Những vị thần của người lao động không phải là cái gì khác hơn những người lao động lý tưởng, những bậc thầy nghề nghiệp của mình: Vuncan và Thor là những người thợ rèn, Hêba và Frêya là những bà thợ dệt xuất sắc, Điana là người đi săn giỏi, Vainơmainen là một nhạc sĩ” (I, 362-368). Còn người thái cổ thì quan niệm thần thánh là "những con người tài giỏi đã chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng vật chất... là những người thợ rèn, ngay cả những vị nữ thần cũng làm đủ mọi việc: quay sợi, nấu ăn, chữa bệnh. Còn cái gọi là sáng tạo tôn giáo cửa người thái cổ thực chất là sáng tác nghệ thuật của người lao động không hề nhuốm màu thần bí (II, 189 - 190).

Tuy nhiên, khi vận dụng khái niệm Thần vào sáng tác văn học, Gorki đã sai lầm, nhất là khi ông chịu ảnh hưởng của thuyết "Cấu tạo Chúa".

Trong truyện dài Lời thú tội (1907-1908), nhà văn đã toan kết hợp chủ nghĩa Mác vào tôn giáo mới, lẫn lộn giữa công tác cách mạng và tình cảm tôn giáo, giữa nhận thức và lòng tin.

Lịch sử nhân loại cho ta biết rằng, lúc nào và ở đâu khoa học chưa phát triển, con người bất lực trước sức mạnh của tự nhiên, mất lòng tín vào giai cấp thống trị, trình độ dân trí thấp, thì lúc đó, nơi đó tôn giáo hoành hành, tín ngưỡng mù quáng tự phát, mọc lên như nấm. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, từ Mác, Ăngghen cho đến Lênin không kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng, thậm chí tôn trọng, vì đó là nhu cầu tinh thần của một bộ phận cộng đồng người. Quan điểm minh bạch của Mác sau đây giúp chúng ta hiểu được và vận dụng có sáng tạo phù hợp với điều kiện lịch sử của từng dân tộc: "Con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người ... Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó. Phê phán pháp quyền, phê phán thiên hạ biến thành phê phán chính trị". Câu này Mác nói phù hợp với điều kiện lịch sử nước Đức thế kỷ XIX, còn sự phê phán tôn giáo là tiền đề của mọi sự phê phán, trong đó có phê phán chế độ chính trị kiểu Phổ, bởi nó là công cụ của chế độ tư bản, chứ không nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân nói chung.

Từ ngày Gorki qua đời đến nay đã gần 70 năm, trong ngần ấy thời gian, di sản văn học, văn hoá, triết học của ông để lại cho đời không ngừng được nhân đôi trong đời sống của nhân dân Nga, nhân dân Xô Viết trước đây và nhân loại tiến bộ. Ông mãi mãi là nhà văn vô sản vĩ đại, là nhà nhân văn chủ nghĩa, nhà khai sáng thời đại mình với hàng vạn trang viết, với nhiều luận điểm đề xướng và bảo vệ những vấn đề có tính toàn nhân loại, tính người, nguồn lực con người, thật xứng đáng được thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng và ngưỡng mộ. Mặc cho sức tấn công của báo chí lưu vong Nga những năm 20-30 (thế kỷ XX), mặc cho việc xuyên tạc và bôi nhọ của kẻ thu đã quy kết ông là "Nghệ sĩ cung đình thời đại Xtalin”. "Kẻ sáng lập nhơ nhuốc chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" với mưu đồ chính trị thâm hiểm của một số đảng phái chống chủ nghĩa xã hội thời hậu Xô Viết, thì trướ c- sau Gorki vẫn là biểu tượng bất tử của nước Nga, của văn hoá nhân loại, bởi "Toàn bộ tư tưởng, tình cảm, sự nghiệp, công lao và cả sai lầm của ông đều bắt nguồn từ một cội nguồn duy nhất là dòng Vônga - con sông vĩ đại của nước Nga và tiếng rên của nó", như có lần Saliapin, một nhà văn lớn, đã nói về ông.

(Theo Hồ Sĩ Vịnh-Tạp chí Nghiên cứu con người)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top