NHỮNG HÒN ĐÁ TỰ BÒ Ở THUNG LŨNG CHẾT
Trong bầu không khí tĩnh mịch và cái nóng như thiêu đốt ở thung lũng Chết tại Mỹ, nhiều hòn đá đang lặng lẽ di chuyển khắp sa mạc.
Một số hòn đá trong thung lũng Chết có thể "bò" được tới 320 m mỗi năm. Ảnh: Daily Mail.
Daily Mail cho biết, thung lũng Chết là một trong những vùng đất có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới. Vào ban ngày nhiệt độ thường xuyên ở mức 49 độ C, nhưng vào ban đêm nhiệt độ lại xuống thấp đến mức nước đóng băng. Trong một nơi đáng sợ như thế, khách du lịch và các nhà khoa học phát hiện một hiện tượng kỳ lạ. Đó là sự dịch chuyển của những hòn đá.
Những tảng đá – trong đó có một số tảng nặng tới 112 kg – tự di chuyển theo đường thẳng trên bề mặt cực phẳng của thung lũng nhưng không theo một hướng đồng nhất. Một số nhà địa chất khẳng định chúng có thể "bò" được tới 320 m mỗi năm. Cho tới nay nguyên nhân khiến những hòn đá di chuyển vẫn được coi là một bí ẩn.
Một số nghiên cứu cho thấy, những hòn đá dịch chuyển nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố: gió cực mạnh (tốc độ lên tới 90 km/h), sự hình thành của băng vào ban đêm và những tầng đất sét ẩm trên bề mặt sa mạc.
Mike Byrne, một nhiếp ảnh gia 40 tuổi tại Mỹ, đã ghi hình chuyển động bí ẩn của những hòn đá trong nhiều năm. Trong các bức ảnh của ông, những hòn đá để lại nhiều vệt lằn tại những nơi mà con người hầu như chưa đặt trên tới.
“Một số hòn đá có trọng lượng tương đương với người. Vì thế chẳng ai có thể tưởng tượng chúng bò khắp thung lũng như thế”, Byrne nói.
Theo Byrne, phần lớn “đá bò” được tìm thấy trên một khu vực từng là đáy của một hồ cổ xưa. Khu vực này - gọi là Racetrack Playa - bằng phẳng tới mức khó tin.
“Một trong những giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất về sự di chuyển của đá là: Nước bên dưới bề mặt cát dâng lên. Sau đó những cơn gió mạnh đẩy nước đi khắp nơi, khiến bề mặt sa mạc trở nên cực phẳng. Nhờ bề mặt phẳng mà những viên đá có thể di chuyển”, Byrne phát biểu.
Những hòn đá để lại vết lằn trên bề mặt cực phẳng của thung lũng. Ảnh: Telegraph.
Byrne cho rằng hiện tượng đá bò sẽ biến mất trong vài năm tới do nhiệt độ tăng lên.
Thung lũng Chết là một vùng trũng dài, hẹp chạy theo hướng nam-bắc và nằm giữa hai bang California, Nevada của Mỹ. Nó dài 209 km, rộng từ 10 tới 23 km. Phía tây thung lũng Chết là dãy núi Nevada, còn phía đông có một lòng chảo lớn. Do nằm dưới mực nước biển 86 m, nó là khu vực thấp nhất của nước Mỹ.
Vùng đất có diện tích 1.400 km vuông này phải hứng chịu những điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt. Nhiệt độ trong thung lũng thường ở mức 49 độ C vào mùa hè – nơi nóng nhất ở Bắc Mỹ và nơi nóng thứ hai trên hành tinh. Có thời điểm nhiệt độ ở đây lên tới 58 độ C. Lượng mưa trong thung lũng Chết rất thấp - bình quân mỗi năm khoảng 42 mm. Có những năm vùng đất không nhận được bất kỳ giọt mưa nào. Ở giữa thung lũng có một quần thể cồn cát rộng tới 155 km vuông. Đây là khu vực hoang vắng nhất trong thung lũng.
Telegraph cho biết, trong thập niên 90 một nhóm chuyên gia do giáo sư John Reid của Đại học Hampshire (Mỹ) dẫn đầu đã tới thung lũng Chết. Họ tới đây vì muốn tìm ra nguyên nhân khiến những viên đá tự di chuyển.
Do băng hình thành trên bề mặt cát vào ban đêm, nhóm của Reid kết luận rằng có thể những hòn đá di chuyển khi chúng gắn chặt với những lớp băng. Vào ban ngày băng tan và gió thổi mạnh khiến chúng dịch chuyển.
Nguồn: Minh Long - VnExpress*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: